Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

BÙI CHÍ VINH GHÉT THÓI LĂNG MẠ VÀ ĐỐ KỴ TRONG VĂN CHƯƠNG

Bùi Chí Vinh và Phan Hoàng là hai nhà thơ có phong cách sống và viết khác biệt, nhưng họ lại là bạn “trà dư tửu hậu” của nhau dù tuổi đời cách hơn một con giáp. Như một sự giải toả bức xúc của Bùi Chí Vinh trước những cái “loạn” của đời sống văn học, Phan Hoàng đã “khơi mạch” cho anh về nhiều vấn đề gai góc trên VietNamNet.
Bùi Chí Vinh và Phan Hoàng trò chuyện với nhau - Hí hoạ của Hs Cận

Nguỵ quân tử trong văn chương có thể đầu độc cả một thế hệ

Nói đến Bùi Chí Vinh trước hết là nói đến một thi sĩ, một thi sĩ bẩm sinh. Tuy nhiên, trong khi đã có đến hàng trăm tập văn xuôi và kịch bản phim của Bùi Chí Vinh ra mắt thì đến nay anh chỉ mới in hai tập thơ riêng là Thơ tình và Thơ đời. Anh đang rụch rịch muốn cho ra đời Thơ đạo, Thơ bóng đá,… Nghĩa là tài-sản-thơ chưa chính thức công bố của anh còn “giàu sụ”!

Dù có nhiều tranh luận khác nhau, nhưng theo tôi, Bùi Chí Vinh thực sự là một hiện tượng độc đáo của nền thi ca Việt Nam cuối thế kỷ XX và sức sáng tạo của anh còn vắt sang thế kỷ XXI. Thơ cũng giống như cuộc đời thật của Bùi Chí Vinh, mạnh mẽ, ngang tàng, phóng túng, bụi bặm và cũng đầy những trắc ẩn về thân phận con người, về xã hội, về đất nước. Một phong cách thơ riêng biệt. Một quái kiệt giữa đời thường.

Khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học, nhiều bạn sinh viên đã truyền tay nhau tập Thơ tình Bùi Chí Vinh, với một giọng điệu rất lạ. Tôi nhớ hoài bài thơ lục bát bốn câu Đọc truyện liêu trai nửa đêm ngộ nghĩnh của anh:

“Phải là ma cái thì lên
Còn là ma đực vô duyên thì chuồn
Phải là ma cái anh thương
Còn là ma đực khôn hồn cút ngay”

Nhiều bạn trẻ khác thì thích và đọc sang sảng bài Thiếu nữ mỗi khi có dịp vào phòng con gái để nghịch và “tán tỉnh”:

“Cô gái ơi, anh nhớ em
Như con nít nhớ cà-rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm nhớ đến quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh gáy hết một thời con trai”

Sau này trở thành đồng nghiệp của nhà thơ Bùi Chí Vinh và có dịp đọc thơ anh nhiều hơn, đi chơi từ Nam đến Bắc và trò chuyện cùng anh, tôi thấy ở anh còn tồn tại một con người khác với người-thơ ngang tàng, tài tử của mình. Đó là một con người nhân hậu, hết lòng với vợ con và đồng nghiệp bạn bè. Năm 1995, tập thơ đầu tay Tượng tình của tôi ra mắt, anh đã “động bút” viết một bài giới thiệu trên báo Thanh Niên rất trân trọng. Đây là một trong những bài hiếm hoi “tán dương” thơ người khác của Bùi Chí Vinh. Rồi sau này trong một sáng cao hứng bên ly cà phê ở Hội quán PYSA, anh còn viết tặng tôi bài thơ 4 câu:

Gặp Phan là gặp Tượng tình
Gặp Hoàng là gặp bình minh Tuy Hoà
Con cò lặn lội đường xa
Giữ thơm chữ nghĩa mặn mà Phú Yên

Gặp Bùi Chí Vinh là gặp thơ, gặp con-người-thơ. Và bây giờ cũng bên ly cà phê quán cóc ven đường, tôi có cuộc đối thoại thẳng thắn cùng anh trước nhiều vấn đề mà người yêu thơ quan tâm…

Mở đầu câu chuyện với tôi, bậc đàn anh họ Bùi cao hứng vẽ chân dung mình:

- Thời quá độ bồi hồi tôi nói
Tôi năm nay hơn năm mươi tuổi
Từng đi bộ đội từng đạp xích lô
Cao một thước bảy tư, nặng bảy mươi ký lô
Thích hát ca, ghiền bóng đá và mê thơ

Có bao giờ anh chợt nghĩ, nếu không làm thơ thì anh làm…

- Không làm thơ thì làm… người. Làm người có nhiều cách. Nhưng bất kỳ cách thức nghề nghiệp nào cũng bảo đảm được nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và nuôi được vợ con.

Đúng là giọng điệu rất… Bùi Chí Vinh! Trong thơ cũng như đời thường đã không ít lần anh bị “bầm dập”. Giờ ngẫm lại, anh cảm thấy chán ghét điều gì nhất?

- Tôi ghét nhất là bọn cường hào ác bá, tham quan ô lại, bọn đạo đức giả và nguỵ quân tử. Nếu điều đó xảy ra với đồng nghiệp thì lại càng ghê tởm hơn. Ngụy quân tử trong đời thường chỉ làm hại một cơ quan, một tổ chức là cùng, nhưng ngụy quân tử trong văn chương có thể đầu độc cả một thế hệ.

Chắc anh từng đối mặt với nguỵ quân tử trong văn chương?

- Không phải một lần mà nhiều lần, trong đó có người tưởng chừng là bạn rất thân.

Anh xử lý thế nào?

- Cách hay nhất là không giao du với bọn ngụy quân tử.

Giữa văn chương và con người, theo anh có khoảng cách?

- Không. Kinh nghiệm cho thấy một người viết tài hoa thật sự không bao giờ đánh tráo nhân cách của mình để đạt được mục đích.

Và đó cũng là điều tối kỵ trong văn chương?

- Đúng. Điều tối kỵ trong văn chương là sự giả dối, làm theo đơn đặt hàng, vô cảm. Tác giả có thể hoàn tất đơn đặt hàng một cách hoàn hảo bằng kinh nghiệm nghề nghiệp để kiếm tiền và kiếm danh mà không hề có một chút xúc động. Căn bệnh lớn nhất của những người chưa thành kẻ sĩ là thích mọi người chú ý đến mình, dù không biết mình viết gì và nói gì. Một căn bệnh khác cũng nguy hiểm không kém là thích lăng mạ và đố kỵ lẫn nhau ngoài chuyên môn.

Thế hệ dễ bị tổn thương

*Quan niệm của anh về mối quan hệ giữa văn chương và chính trị?

- Trong văn chương tất nhiên phải có thái độ chính trị. Điều đó thể hiện qua nội dung tác phẩm, mà người đọc sẽ nhận ra anh đứng ở đâu, đứng ở phía chính anh hay phía đám đông, phía nhà cầm quyền.

Anh có từng thử làm chính trị?

- Có, từ năm 15 tuổi tôi đã làm chính trị, tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên, học sinh yêu nước ở Sài Gòn trước năm 1975. Tôi cũng từng có bí danh, cũng từng mê Che Guevara. Nhưng sau năm 1975, tôi cảm thấy chính trị lỗi thời hơn sự chiến đấu của ngòi bút nhiều.

Đọc thơ Bùi Chí Vinh, có người thích thú, có người chê bai, có người khen hết lời, có người chửi thậm tệ. Dù thế nào Bùi Chí Vinh vẫn là… Bùi Chí Vinh. Đó cũng là bản lĩnh sáng tạo đáng quí. Anh có cảm thấy mình gần gũi với bậc tiền bối nào không?

- (Rít một hơi thuốc dài, anh lại tự “vẽ mình” bằng thơ).

Với trí nhớ của Lê Quý Đôn
Cái đầu đội trời của Cao Bá Quát
Lại thêm Tú Xương chút mùi khinh bạc
Ta đem thân ta đùa giỡn với công hầu

Thật hào sảng! Từ khoảng giữa thập kỷ 1980 về sau này, trên thi đàn TP.HCM xuất hiện một số giọng thơ “nhại” rất giống Bùi Chí Vinh. Anh phản ứng ra sao?

- Mới đầu cảm thấy rất khó chịu do dư luận bạn bè xầm xì. Nhưng xét cho cùng sự làm giống nhau chỉ càng khẳng định thêm phong cách của mình đã ghi dấu trong lòng bạn đọc. Đó cũng là một cái hay. Giống như bản thân tôi đã từng học hỏi tinh hoa của những người đi trước.

Theo anh, thơ Việt Nam hiện nay có trường phái?

- Trong thơ có hai trường phái thơ nhất định. Một là trường phái nghệ thuật tuyệt đối phục vụ cho cá nhân thi sĩ. Hai là trường phái xã hội đặt người sáng tác trong vai trò đại diện đám đông. Hiện nay, ở nước ta hai trường phái ấy thể hiện rất rõ nét trong sáng tác.

Còn thủ lĩnh trường phái thơ?

- Có thủ lĩnh thơ ngầm được sự công nhận ngấm ngầm trong giới văn nghệ, nhưng không được nhà nước khuyến khích như những thủ lĩnh đích thực bởi nhiều lý do khác nhau.

*Một cách chủ quan, anh tin thơ mình sẽ… vượt thời gian?

- Tôi tin. Ngay cả những năm tháng tác phẩm của mình không được công nhận công khai thì tôi đã được biết rất nhiều người trên nhiều địa phương đã truyền miệng nhau một vài bài hay một vài câu thơ của tôi.

Anh tin, nhưng anh có sợ thơ mình sẽ bị phủ nhận hoàn toàn trong vài chục năm nữa?

- Nếu có một sự “đảo chính” hoặc phủ nhận thành quả thơ cá nhân vài chục năm nữa thì đó cũng là qui luật tất nhiên của sự đào thãi, nếu thế hệ sau tìm ra được thần tượng mới của họ.

Nghĩa là hiện tại có thần tượng thơ sao?

- Tôi tin có thần tượng của một thế hệ. Cái đó đôi khi lóe ra trong đầu nhưng để phát biểu thành văn thì là của những người khác, trong đó có công chúng trong những buổi đọc thơ.

*Có người bảo thơ nên vần nên điệu đã sắp “tận số”?

- Điều đó e rằng hơi khó xảy ra đối với một đất nước thừa hưởng mấy ngàn năm văn hiến và một nền văn hóa kế thừa truyền thống nho giáo nặng về hình thức ca dao vần điệu.

Là một trong những nhà thơ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, anh cảm nhận ra sao về vị trí của thế hệ mình?

- Đây là thế hệ dễ bị tổn thương nhất. Họ không có quá khứ của thời chiến và cũng không tự mình được định hướng trong thời bình. Họ bị chi phối bởi những cây đa cây đề văn nghệ luôn cảm thấy mình có thành tích và luôn bảo thủ. Họ cô đơn vùng vẫy, cố gắng tìm hướng đi mới cho mình trong sáng tác, cho dù đó chỉ là ánh sáng cuối đường hầm. Tôi ủng hộ và chia sẻ tất cả những thành tựu của mình cho hạnh phúc và bi kịch của họ. Tôi muốn đồng hành với họ.

Còn đối với thế hệ những nhà thơ trẻ mới xuất hiện sau này?

- Tuổi trẻ hiện nay đang chịu búa rìu dư luận và nhiều áp lực của cơ chế xã hội. Nhưng tôi tin rằng cây có thể mọc lên từ đá. Nhiều cây bút mới có tài đã xuất hiện. Hãy khoan vội trù dập, mà hãy mở đường cho họ.

Khi bị đẩy đến chân tường, tôi như một lò xo nén…

Anh nuôi sống mình và gia đình hoàn toàn nhờ nhuận bút. Qua trường hợp anh, có cảm giác lao động nghệ thuật hiện nay nuôi sống được nhà văn!

- Không, tôi không nghĩ như vậy. Trường hợp tôi là đặc biệt. Khi bị đẩy đến chân tường, tôi như một lò xo nén, bật ra và biết thu vào bằng ngòi bút sinh kế và sáng tạo của mình.

Trên đây anh đã phát biểu thẳng thắn về cái sự chán ghét của mình. Vậy còn chuyện yêu thương?

- Ngoài đời tôi thích Che Guevara, còn trong văn học tôi thích một nhà thơ chỉ đại diện cho 500.000 dân nhưng tác phẩm lại gây dấu ấn mạnh lên toàn thế giới. Đó là Rasul Gamzatov, người con vĩ đại của dân tộc Dagestan, mà cả nhân loại phải nghiêng mình tiễn đưa ông vào mùa thu năm 2003. Tôi nhớ mãi những câu thơ để đời của ông:

“Nếu bạn gõ cửa nhà tôi, tôi không mở
Mưa đá sấm rền sẽ ập vào nhà tôi
Nếu bạn gõ cửa nhà tôi, tôi mở
Bạn không vào, mưa đá sấm rền sẽ ập xuống đầu bạn”

* Với ngôi nhà riêng anh hình như khó có mưa đá sấm rền, nhất là khi anh may mắn có người vợ xinh đẹp, hiền lành và chịu đựng. Anh lại là người nổi tiếng khéo… nịnh vợ!

- (Ra bộ nghiêm trang) Tôi rất quí trọng vợ, bởi vợ là người đẻ con cho mình, săn sóc mình bằng phương pháp riêng không ai thay thế được. Tôi từng viết:

Khi anh được mọi người tung hô
Em không dám đạp xe ngang tiệm phở
Khi anh đăng quang làm Thành Cát Tư Hãn của nền thi ca thịt mỡ
Em sợ con trai chúng ta kêu vạn tuế bánh mì
Khi anh dùng văn chương làm yến tiệc triều nghi
Em lấy cái lưỡi đong từng lon gạo chạy
Khi anh đổ bia lên đầu những tên thừa tướng, thái sư bằng giấy
Em chắt sữa tươi đi đóng thuế riêng mình

*Chỉ nghe anh đọc thơ thôi, chị Lan vợ anh cũng đủ sướng! Hình như anh có dụng ý khi đặt tên con trai là Bùi Vương?

- Đúng, có hai lý do. Thuở sinh tiền, thi sĩ Bùi Giáng đề nghị đặt tên như thế với ước mơ họ Bùi có một kẻ được làm vua… tưởng tượng! Và cái tên Bùi Vương của con trai nói lên niềm mơ ước của một người cha thất bại trước hoài bão của mình. Như bài Họ Bùi tôi đã viết:

Ta kiếm hoài một gã họ Bùi
Trong lịch sử từng làm hoàng đế
Chỉ thấy họ Đinh, Lê, Trần, Lý
Thay phiên nhau khoác áo long bào
Gượng cười ba tiếng mà lệ rơi
Bùi gia trang tuyệt giống rồi sao?
Không xưng vương thì ắt cường bào
Ta bỏ sử đi tìm kinh sách
Nguyễn Đình Chiểu đui mà thấy hết
Gọi ngay ông Bùi Kiệm đến chào
Hê hê, thuỷ tổ nhà ta lạ
Khinh ngai vàng, mê gái thật sao?
Không xưng vương thì ắt xưng “tao”
Ta bỏ sách đi lung tứ phía
Chùa Long Huê có người mũ tía
Trải chiếu rơm viết một chữ “Bùi”
Ta giả thiền sư đi ngắm nghía
Biết rằng Bùi Giáng ghé am chơi.
Thế thì dòng dõi nhà ta bậy
Tửu sắc đều say đến bốc trời
Không lập đế vì ưng rượu đế
Xưa nay say xỉn kỷ nhân hồi
Không lập chúa vì ưng nữ chúa
Thà lên… Bùi mãi, chẳng lên ngôi!

Nhân tiện nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng, anh nhìn nhận ra sao về vị trí của ông trên thi đàn?

- Bùi Giáng có một vị trí rất đặc biệt trong thi ca Việt Nam. Phải nói là vô tiền khoáng hậu. Bởi sự nghiệp thơ Bùi Giáng không nằm trong sáng tác mà nằm trong chính cuộc đời của ông khi giả điên và dấn thân như một đạo sĩ giữa phù du cuộc đời.

Sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời đã có khá nhiều câu lạc bộ kinh doanh thơ, thư pháp…

- Ăn theo cái chết Bùi Giáng chứ gì! Bọn ấy có thể liệt kê vào thành phần ngụy quân tử, thiếu lương tâm, thiếu nhân cách và vô đạo đức. Bởi sinh tiền Bùi Giáng không hề quan tâm đến họ mà chỉ chơi với trẻ con, chuồn chuồn, châu chấu…

Được biết anh là một trong những thành viên sáng lập Hội Nhà văn TP.HCM, nhưng vì sao cho đến nay anh không vào Hội Nhà văn Việt Nam?

- Cách đây hàng chục năm có vài người trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị tôi gia nhập Hội với sự giới thiệu của họ, nhưng tôi từ chối, vì không muốn biến thành một robot văn nghệ.

Vậy còn đối với Hội Nhà văn TP.HCM?

- Cần phải cải tổ đến tận gốc rễ, bởi nó thiếu tính chuyên nghiệp và không giúp ích được gì cho người sáng tác về vật chất lẫn tinh thần hội viên.

Anh quan niệm thế nào về sự công bằng trong vấn đề thụ hưởng?

- Từ nguyên thủ quốc gia đến người dân đen đều có khinh khoái như nhau. Một anh xích lô ăn dĩa cơm, uống ly trà đá vỉa hè cũng khoái như một tỉ phú ăn uống ở nhà hàng năm sao. Thậm chí anh xích lô còn có cảm giác an bình tự do hơn.

***

Nhà thơ Bùi Chí Vinh hiện là một trong những trường hợp cá biệt của làng văn nghệ, khi không ăn lương ở bất cứ cơ quan nhà nước nào mà vẫn sống bình thản. Anh sống bằng nghề cầm bút thuần túy, nhưng không phải nhờ thơ mà nhờ truyện. Mảng truyện chính là mảng cơm áo gạo tiền, nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình anh. Bùi Chí Vinh là một trong những cây bút rất có duyên với thiếu nhi, đã xuất bản hơn 70 tập truyện Năm Sài GònSài Gòn tứ kiệtHải đại bàng và phóng tác 70 tập truyện thiếu nhi Tứ quái TKKG,… Ngoài ra, anh còn xuất bản nhiều tập tiểu thuyết và kịch bản phim, đặc biệt là serie phim ma hợp tác với hãng phim của Nguyễn Chánh Tín. Một thành quả đáng nể của một con người ham chơi nhưng cũng hết sức cần mẫn trong lao động nghệ thuật, một con người đầy chất giang hồ Nam Bộ nhưng có tấm lòng nhân hậu, từng lăn lóc mưu sinh để tồn tại bằng nhiều nghề lương thiện khác nhau: khuân vác, đạp xích lô, phu xe, đi bộ đội và cả làm báo, đóng phim… như lời “tự thú” của chính anh: “Khi bị đẩy đến chân tường, tôi như một lò xo nén, bật ra và biết thu vào bằng ngòi bút sinh kế và sáng tạo của mình”.

PHAN HOÀNG
Nguồn: VietNamNet 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...