Bài viết này khảo sát một bộ phận của “Internet folk
group” đó tại Việt Nam là “folk group” trên mạng xã hội. Dựa vào các cách hiểu
đương đại của Folklore học Hoa Kỳ về “văn hóa dân gian” (folklore), “truyền thống”
(tradition), “nhóm dân gian” (folk group), chúng tôi vạch ra những “luật chơi”
của môi trường dân gian trên mạng xã hội, từ đó lý giải cho sự say mê (và kèm
theo cả sự e dè) đối với mạng xã hội tại Việt Nam.
“Truyền thống” bao
hàm cả cái đang diễn ra, và “dân gian” có thể là tất cả mọi người, mọi thành phần
xã hội
Folklore học (tạm dịch là ngành nghiên cứu văn hóa dân
gian) là một ngành học phát triển mạnh ở Hoa Kỳ ngày nay. Lynne S. McNeill
trong một giáo trình ngành Folklore học đã định nghĩa folklore như sau:
“Folklore là văn hóa truyền thống và phi chính thống. Đó là tất cả những gì thuộc
về văn hóa - như phong tục, truyện kể, trò đùa, nghệ thuật - mà chúng ta học lẫn
nhau; bằng đường truyền miệng hay bằng cách quan sát, hơn là từ những tổ chức
chính thống như trường học hay phương tiện truyền thông”(1).
Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều ngộ nhận về văn hóa
dân gian. Văn hóa dân gian thường được gắn với những gì xưa cũ, thuộc thế hệ
ông bà cha mẹ của chúng ta, hay gắn với tầng lớp nông dân ít học. Tuy nhiên,
ngành nghiên cứu văn hóa dân gian trên thế giới thế kỷ XX đã chỉ ra rằng: đặc
tính của văn hóa dân gian là truyền thống chứ không phải cổ
truyền, và dân gian cũng không đồng nghĩa với bình
dân (2).
Khái niệm “truyền thống” tại Việt Nam thường được hiểu
theo chiều kích lịch đại và theo thời gian; nhưng thật ra truyền thống còn có cả
chiều kích đồng đại và trong không gian nữa. Từ năm 1893, nhà folklore học người
Anh là Joseph Jacobs trong công trình The Folk (Dân gian) đã
chỉ ra rằng [1] folklore liên tục
được cập nhật (update) và sáng tạo ra (invent), và vì vậy mà folklore bao hàm sự
đổi mới (innovation), và hệ quả là nó bao hàm cả sự chủ động và mang tính cá
nhân; [2] “folk” không phải là một cấp bậc (level) của xã hội, mà là một nhóm
người chia sẻ với nhau một truyền thống, và họ có thể thuộc về bất kỳ tầng lớp
nào; và [3] truyền thống không phải là tri thức thuộc về những người không biết
chữ/ thất học (illiterate), mà là một quá trình mà các thành viên trong đó hiểu
các quy tắc ứng xử bằng cách làm theo những khuôn mẫu có tính không gian và tâm
lý (3).
Như vậy, truyền thống là cái chúng ta đang tạo ra mỗi ngày, đang thích nghi những di
sản của cha ông vào trong những điều kiện hiện đại và đương đại của chính chúng
ta. Truyền thống không phải là cái cố định, tĩnh tại, đã qua; mà là cái đang vận
động, đang biến đổi. Đồng thời, những biến đổi đó không phải ngẫu nghiên, rời rạc,
cá thể mà là sự biến đổi được dân gian (folk) đồng thuận ở cấp độ xã hội.
“Dân gian” ngày nay không chỉ có nghĩa là những nông dân
không biết chữ, ít học; dân gian (folk) ngày nay được hiểu là tất cả mọi người,
họ tạo thành các folk group (nhóm dân gian) theo nhiều cấp độ rộng hẹp khác
nhau (folk group nghề nghiệp, folk group tôn giáo, folk group công sở, folk group
trường đại học, folk group trẻ em, folk group kỹ thuật số - các “cư dân mạng”
theo cách gọi hiện nay). Các thành viên trong folk group này chia sẻ với nhau một
folk culture bên cạnh một văn hóa chính thống (institutional culture). Và bất cứ
khi nào có con người, có sự giao tiếp thì có folklore hay văn hóa dân gian! (4)
“Cư dân mạng” là một nhóm
dân gian và chia sẻ với nhau một văn hóa dân gian
Như đã trình bày ở trên, văn hóa xã hội bao hàm văn hóa
chính thống và văn hóa phi chính thống (tức văn hóa dân gian). Chúng ta không
thể hiểu thời đại của mình nếu bỏ qua phần văn hóa dân gian đó. Và mạng xã hội
cũng là một môi trường dân gian như thế. Ở đó, chúng ta có một “cộng đồng” đang
giao tiếp và tương tác mạnh mẽ với nhau mỗi ngày, đang sản sinh ra những “luật
chơi” (rules) riêng cho họ, sản sinh ra một nền văn hóa phi chính thống, tươi
trẻ và đầy tính phản biện.
Ở phương diện nội dung và hình thức biểu đạt của nền văn
hóa dân gian đó, chúng ta thấy một bức tranh phong phú bề bộn: các câu chuyện
cười chính trị-xã hội-văn hóa, truyền thuyết đô thị, chuyện kể kinh nghiệm cá
nhân, truyện ma…; các thông tin và kiến thức được chia sẻ hàng loạt: kĩ năng sống,
nuôi dạy con, làm đẹp, sơ cấp cứu…. Cộng đồng mạng sử dụng những cách diễn đạt
rất “dân gian”: vừa rập khuôn theo công thức (hay còn gọi là mô-típ), vừa sáng
tạo trong việc tạo ra các dị bản đa dạng (“Chỉ có đàn ông mới mang lại
hạnh phúc cho nhau”, “Chỉ có phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho
nhau”; “Người yêu không có nhưng chó phải có một con”, “Người
yêu không có nhưng bạn thân phải có một đứa”…); và một “kho” những biểu tượng
cảm xúc (emoticons), những hình động, những từ viết tắt (lol, kaka, hehe,
ahihi, ahuhu) để tăng tính biểu cảm chính xác hơn khi không thể giao tiếp mặt
đối mặt. Văn hóa mạng xã hội có sự kết hợp của ngôn ngữ, hình ảnh và âm thanh.
Rất phổ biến trên mạng xã hội là các Internet meme (thường gọi là “ảnh dìm”,
“hình troll”) - một hiện tượng sống động của văn hóa dân gian thời đại kỹ thuật
số. Các meme này sử dụng những hình ảnh có tính phổ biến (các nhân vật quen thuộc
như Doraemon, Bạch Tuyết, Tổng thống Trump, Obama, “Cô giáo bọ cạp…”) và lắp
ghép vào đó các câu châm ngôn hài hước theo một công thức nào nó được biến tấu
lại (5).
“Cộng đồng mạng” chính là nhóm dân gian (folk
group) và đây là môi trường dân gian đúng nghĩa. Không có một
văn bản chính quy nào dạy chúng ta phải ứng xử ra sao trên facebook, chúng
ta chỉ việc quan sát người ta làm và làm theo thôi. Quan sát và làm theo là một
đặc thù của văn hóa dân gian. Trong đời sống dân gian, nếu chúng ta
ngoáy mũi khi đứng trước mặt sếp, hay chạy đến ôm hôn thắm thiết cha mẹ của bạn
mình, hay vào tiệm thức ăn nhanh và ngồi lên bàn, đưa tay vẫy người phục vụ đến
ghi món… thì chẳng ai phạt tiền hay tống giam chúng ta cả, nhưng chúng ta sẽ bị
nhìn như người ngoài hành tinh. Các khu vực dân gian đều có những
quy định bất thành văn của nó. Trong nghệ thuật dân gian thì
quy định này còn rõ ràng và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như, ca hát Quan họ - đỉnh
cao của nghệ thuật ca hát dân gian - có những quy định rất nghiêm túc và đôi
khi ngặt nghèo. Việc các liền anh, liền chị chỉ có thể giãi bày tình yêu dành
cho nhau trong nghệ thuật nhưng trong cuộc đời thực thì không được tiến đến hôn
nhân là một quy định rất “trái ngang” như thế, nhưng những người tham dự đều tự
nguyện chấp nhận và làm theo. Tuy có những luật lệ nghiêm khắc và chặt chẽ
nhưng ca hát quan họ vẫn không trở thành biến thành văn hóa chính thống mà vẫn
trong địa hạt văn hóa dân gian; vì những quy định đó được xây dựng trên hạt
nhân cốt lõi là sự tự nguyện của mỗi cá nhân khi muốn gia nhập vào cộng đồng đó
(khác với thể chế chính thức - không có vấn đề tự nguyện hay ý muốn cá nhân).
Tuy nhiên, do thiết chế mạng xã hội quá mới mẻ (so với
các thiết chế cổ truyền) nên những “rules” này cũng gây tranh luận gay gắt ngay
trong chính những thành viên của mạng xã hội: người thì bảo chỉ nên chia sẻ những
nội dung vui vẻ tích cực, người thì bảo facebook là trang cá nhân nên tôi toàn
quyền sử dụng; người thì bảo đừng tranh luận trên facebook vì vô bổ, đầy rẫy ngụy
biện, tốn thời gian, người lại bảo không góp tiếng nói gì hết thì sử dụng
facebook làm gì, v.v..
Những “luật chơi”
của mạng xã hội
Là một cộng đồng, không gian văn hóa đặc thù, mạng xã hội
cũng có những “rules” (luật chơi) của riêng nó. Để hiểu về mạng xã hội không thể
không vạch ra được các “rules” này; đồng thời để đánh giá khách quan về nó,
không thể lấy “luật chơi” của những khu vực văn hóa khác để áp đặt và phê bình
nó.
“Luật chơi” đó
phải được thiết lập dựa trên những đặc thù của môi trường mạng xã hội và phải
do các thành viên đồng thuận (một cách phi chính thức) chứ không thể do một cá
nhân riêng lẻ nào thiết lập. Chẳng hạn như, nếu một người nào đó tham gia mạng
xã hội rồi hùng hồn đưa ra quan điểm từ nay sẽ không tranh luận trên mạng xã hội
vì cho rằng nó vô bổ, đầy rẫy ngụy biện và tốn thời gian. Lúc đầu, có thể
anh/chị ấy sẽ được mọi người khen ngợi, đồng tình (vì mạng xã hội rất thích các
tiếng nói trái chiều). Nhưng nếu về lâu dài, anh/chị ấy cứ tiếp tục “không bình
luận” trên mạng xã hội thì các quan hệ mạng xã hội của anh/chị ấy sẽ dần dần biến
mất; và tự bản thân anh/chị ấy cũng sẽ chán nản và cảm thấy bị đẩy ra rìa của mạng
xã hội. Đặc trưng này là điều làm nên tính dân chủ và tươi trẻ của mạng xã hội.
Dù chưa định hình một cách cụ thể như đã nói ở trên,
nhưng bước đầu chúng ta có thể nêu ra một số “rules” phi chính thức trên mạng
xã hội, nhưng hầu hết mọi người sử dụng mạng xã hội đều ít nhiều thừa nhận, như
sau:
Tính chất chính của mạng xã hội là giải trí, và
nhiều ứng xử trên mạng sẽ tuân thủ nguyên tắc này. “Vui là chính” nên nhiều người
sẽ không ngại ngần đăng rất nhiều ảnh (có thể đăng liên tục, ảnh tự chụp hoặc
người khác chụp, “nghệ thuật” hoặc “báo chí” hoặc “bình dân/ đời thường”). Giải
trí là quan trọng nên một bài viết cũng không quá dài (nhiều khi vài dòng là đã
có một trạng thái), ngắn gọn, rõ ràng, kèm theo ảnh minh họa. Đó là nguyên tắc
dựa trên tính chất của mạng xã hội, nên hoặc là bạn chấp nhận (có thể lặng lẽ bỏ
theo dõi tin về người đó như một giải pháp không còn thấy về người đó trên “tường”
của mình), còn nếu bạn phê bình trực tiếp thì bạn sẽ trở nên lạc lõng hoặc mất
lòng bạn bè.
Tính chất quan trọng thứ hai của mạng xã hội là tương
tác. Tương tác gồm nhiều hình thức: bày tỏ sự yêu thích, tiếc nuối, phẫn nỗ;
hoặc bình luận đơn giản xã giao, hoặc bình luận thân mật…; và khi người khác
bình luận về bạn thì bạn không thể không trả lời. Bởi vì là tương tác nên nó
cũng tuân thủ những nguyên tắc về lịch sự giao tiếp thông thường: hô - ứng và hồi
đáp, hài hước đúng chỗ, tùy vào quan hệ thân sơ mà có thái độ phù hợp,v.v..
Một đặc tính quan trọng nữa làm nên sức thu hút của mạng
xã hội là tính chất dấn thân và ý muốn cải tạo xã hội. Đây chính là
khía cạnh thực tế, cụ thể nhưng được xây đắp trên nền móng đượm màu sắc bay bổng,
lãng mạn không thể thiếu của bất kỳ một nền văn hóa dân gian nào. Mạng xã hội
là nơi tập hợp những con người có một lý tưởng hành động trên rất nhiều lĩnh vực
đa dạng, tụ hội họ vào những nhóm lớn nhỏ khác nhau chia sẻ cùng một vấn đề nào
đó: chính trị, làm đẹp, sức khỏe, nuôi dạy con cái, du lịch, tiêu dùng thông
minh, bảo vệ môi trường… Đặc tính này được thể hiện qua hai hình thức: cá nhân
(facebook cá nhân) và tập thể (fanpage). Đây là một môi trường mà sức cạnh
tranh của facebook cá nhân nhiều khi còn mạnh mẽ hơn fanpage của một tổ chức.
Các cá nhân có thế mạnh về một số lĩnh vực nào đó (lịch sử, nuôi dạy con, làm đẹp…)
tập hợp xung quanh họ một lượng tương tác rất đáng kể. Do bị chi phối bởi đặc
tính tương tác nói trên nên mọi người nhiều khi thích tương tác với một nhân vật
mạng xã hội cụ thể, sống động hơn là một tổ chức chung, phi cá nhân nào đó được
quản lý bởi một hoặc một đội admin (người quản lý) giấu tên.
Theo chúng tôi, ba thuộc tính nổi trội trên hình thành
các “luật chơi ngầm” trên mạng xã hội mà các thành viên trong cộng đồng muốn
tham dự phải tuân thủ nếu muốn có một đời sống trên mạng xã hội lành mạnh, tích
cực: tôn trọng sở thích, khuynh hướng, lý tưởng của các thành viên khác của cộng
đồng mạng; không thể từ chối tranh luận và khi giao tiếp phải tuân thủ những
nguyên tắc về lịch sự giao tiếp như một giao tiếp ngoài đời thực,v.v..
Dù ngày nay đã có sự tham dự mạnh mẽ của tổ chức, tập
đoàn, thậm chí phòng ban, chính phủ; nhưng chúng tôi nghĩ đặc điểm căn cốt, làm
nên bản sắc và sự sống còn của mạng xã hội vẫn là tính cá nhân, trong đó tính
giao tiếp, sự tương tác cá nhân trực tiếp là tối quan trọng để duy trì sự tồn tại
của môi trường này (Đó là lý do chính mà chúng tôi tự tin gọi mạng xã hội là một
hình thức của môi trường văn hóa dân gian đương đại). Các tổ chức văn hóa xã hội,
các hình thức kinh doanh online, các fanpage chính phủ, fanpage các thương hiệu
hàng hóa… nếu muốn gia nhập môi trường này thì họ phải tuân theo những “luận
chơi” đó: phải giao tiếp và tương tác, phải có tính giải trí, phải quan tâm đến
các vấn đề xã hội.
Niềm yêu thích mạng
xã hội tại Việt Nam và những “lấn cấn” của người Việt về ích lợi và tác hại của
mạng xã hội
Tại sao mạng xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam? Theo
thống kê của Hootsute và We Are Social vào tháng 4/2018, mạng xã hội có đông
người dùng nhất là Facebook với 2,23 tỉ người dùng; trong đó Việt Nam là nước
có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 thế giới với 58 triệu tài khoản (6).
Dĩ nhiên có nhiều lý do để lý giải cho hiện tượng này. Trong bài viết này,
chúng tôi thử lý giải dựa trên văn hóa và nếp sống “cổ truyền” của người Việt
đã ảnh hưởng đến cách ứng xử và các hành vi, quan hệ văn hóa ngày nay.
Người Việt Nam là dân tộc yêu thích đời sống làng xã, những
quan hệ thân tình. Vì thế mà phải chăng khi xã hội đô thị hóa và không gian sống
bị thu vào những căn hộ chung cư, những ngôi nhà phố, cảm thức tiếc nuối về
không gian “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, hay gần đây hơn là những khu
“ngõ nhỏ, phố nhỏ/ nhà tôi ở đó” - những tổ dân phố - đã phần nào dần dần chuyển
dịch lên mạng xã hội. Nơi đó có một đời sống sôi nổi những mối quan hệ từ họ
hàng đến thân thiết, hơi thân thiết, và thậm chí không quen biết ngoài đời
nhưng ít nhiều cảm mến nhau qua mạng.
Tại sao mạng xã hội bị phê phán tại Việt Nam (song
song với sự say mê mạng xã hội tại Việt Nam)? Theo chúng tôi, đó là
khi người sử dụng chưa ý thức được sự rạch ròi giữa các môi trường tương tác, dẫn
đến sự chồng lấn giữa các môi trường. Có nhiều loại biểu hiện của sự chồng lấn
này, xin đơn cử hai trường hợp:
1) Chồng lấn giữa không gian của quan hệ cá nhân
và không gian của quan hệ mạng xã hội. Có những hình ảnh mà ta có thể bắt gặp
ở bất cứ đâu: gia đình đi ăn tối, bạn bè đi chơi, tình nhân hẹn hò nhưng mỗi
thành viên trong nhóm đó lại mỗi người sử dụng một chiếc điện thoại thông minh
để lên mạng xã hội;
2) Chồng lấn giữa không gian công việc và không
gian mạng xã hội. Chúng ta có thể bắt gặp cảnh vào những giờ làm việc ở văn
phòng, khu dịch vụ… nhưng máy tính của nhân viên luôn mở Facebook hoặc đang trò
chuyện trên Messenger. Đó là sự lấn sân của không gian mạng xã hội sang không
gian làm việc. Ở một hướng ngược lại là sự lấn sân của không gian làm việc sang
không gian mạng xã hội: Với một chiếc điện thoại bật 3G 24/24, nhân viên có thể
nhận chỉ đạo của sếp 24/24, học trò có thể hỏi han thầy cô 24/24, và một số thầy
cô nhiều khi cũng chọn hình thức mạng xã hội để làm mới các hoạt động giảng dạy
của mình.
Những sự lấn sân này hình thành một sự ác cảm về mạng xã
hội (song song với sự tôn vinh mạng xã hội): mạng xã hội là nơi làm đứt gãy các
quan hệ gia đình, cá nhân; mạng xã hội khiến chúng ta mệt mỏi vì đến thời điểm
nghỉ ngơi vẫn phải trả lời các tin nhắn về công việc, khi việc học hành và làm
việc lấn sang cả những giây phút thư giãn, giải trí. Tuy nhiên, cũng phải nhận
thức rằng: những phân tích trên cho thấy tự thân mạng xã hội không tiêu cực. Nếu
chúng ta biết cách khu biệt các không gian này và tránh sự chồng lấn kể trên
thì mạng xã hội nhiều khi lại là phương tiện làm đầy thêm và sâu sắc hơn các
quan hệ xã hội và cá nhân của chúng ta, trong điều kiện không gian sinh sống và
tương tác thực tế đang thu hẹp như hiện nay.
Lời kết
Một trong những vấn đề của nghiên cứu văn hóa là ranh giới
giữa văn hóa trung tâm và văn hóa ngoại vi, hay sự chuyển dịch từ văn hóa từ
trung tâm sang ngoại vi. Hiện tại, mạng xã hội là khu vực văn hóa ngoại vi,
nhưng dần dần, nó đang chuyển vào trung tâm: ngày nay, nhiều người không đọc
báo giấy mà đọc báo mạng (vì có nhiều comment tương tác thú vị hơn dưới các bài
báo mạng), thậm chí không vào website của báo để đọc mà chỉ xem cư dân mạng
chia sẻ những vấn đề thời sự gì vì thường cư dân mạng rất nhanh chóng và rất
“thực” (theo quan điểm của người đọc những thông tin loại này); ngày nay, nhiều
người không xem ti vi nữa vì mạng đã trở thành một kênh giải trí chính; mạng xã
hội là công cụ giám sát của người dân, và nhiều quyết định của chính quyền hay
tổ chức ngày nay đang bắt đầu dựa trên những phản hồi và những tiếng nói rất mạnh
mẽ từ cư dân mạng.
Sâu xa hơn nữa, với điều kiện làm việc, học tập, ăn ở và
giao thông đi lại ngày nay, tương tác mạng đang tăng dần lên; các mối quan hệ
trên mạng đang dần trở thành một phần trong các quan hệ của con người: mạng
không còn “ảo” nữa, mạng có những quan hệ bạn bè đích thực giúp đỡ nhau khi hoạn
nạn ốm đau, chia sẻ với nhau những thời điểm đặc biệt (và cả không đặc biệt) của
mỗi thành viên, trên mạng có những cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc (lẫn
thiếu nghiêm túc) mà những người tham gia không có quan hệ ngoài đời thực. Vì vậy,
đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về môi trường “dân
gian” này.
ThS. LÊ THỊ THANH VY
Nguồn: Vietstudies
Chú thích:
(1) Lynne S. McNeill (2013), Folklore
Rules, Utah State University Press, tr.16.
(2) Xem thêm:
- Mamie Harmon (1949), “Folklore”, Funk and
Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend, 2 vols.,
ed. Maria Leach, New York: Funk & Wagnalls, tr.399-400.
- Alan Dundes (1980), “Who are the Folk?”, Interpreting
Folklore, Indiana University Press, tr.1-19.
(3) Joseph Jacobs (1893), “The Folk”, Folk-Lore
4, tr. 233-238, dẫn theo Simon J. Bronner, Folklore the Basics,
Routledge - Taylor & Francis Group, tr.18.
(4) Xem thêm Alan Dundes (1980), “Who are the
Folk?”, Interpreting Folklore, Indiana University Press, tr.1-19 và
Lynne S. McNeill (2013), “Types of Folk Groups”, Folklore Rules,
Utah State University Press, tr.65-88.
(5) Có thể tra cứu trên Google với các từ khóa
như “Internet meme”, “Viet Nam” để tìm hiểu thêm.
(6) Theo http://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-co-so-luong-nguoi-dung-facebook-lon-thu-7-tren-the-gioi-20180418145327613.htm,
truy cập ngày 31/5/2018.
Tài liệu tham khảo
1. Bronner, Simon J. (2017), Folklore the Basics,
Routledge - Taylor & Francis Group.
2. McNeill, Lynne S. (2013), Folklore Rules,
Utah State University Press.
3. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế
giới - Một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế
giới - Một số thuật ngữ đương đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét