Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

HOÀ SẮC NGUYỄN QUANG THIỀU

Cách làm việc của ông rất đặc biệt, miệng luôn ngậm điếu thuốc, khói lan toả vẩn vơ bám lấy bộ ria mép muối tiêu của ông. Khi vẽ, tôi không thấy ông nói chuyện bao giờ: im lặng - rất im lặng! Cả buổi ông im lặng, nếu vẽ cả đêm ông cũng im lặng như thế. Cứ lầm lũi bôi, trát, xoa, đắp, cạo rồi lại bôi Hình như lúc này tâm trí ông để ở đâu đó, hoặc tập trung cao độ đến lặng phắc như một cái bóng…
Nhà thơ, hoạ sỹ Nguyễn Quang Thiều

Giới văn chương cũng như bạn đọc không lạ gì tác giả Nguyễn Quang Thiều. Ông là người nổi tiếng. Ông viết rất nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và đặc biệt là các bài báo. Người ta dễ nhận ra cái tên Nguyễn Quang Thiều trên các báo, những bài viết của ông luôn có một dấu ấn riêng biệt, một cách tiếp cận và lý giải vấn đề rất Nguyễn Quang Thiều. Vì thế, viết về ông ở lĩnh vực văn chương hay báo chí là điều khó khăn, đặc biệt với một kẻ hậu sinh và vô danh như tôi. Nói cách khác, tôi chưa đủ tầm để bàn luận về văn chương của ông.

Nhưng có một điều tôi muốn viết về ông và có thể bàn luận đôi chút, đó chính là hội hoạ. Ai cũng biết gần đây Nguyễn Quang Thiều có vẽ tranh - vẽ khá nhiều - đã từng triển lãm. Ông gây bất ngờ bởi những bức tranh của ông bán khá chạy với giá không thể đùa. Bất cứ ai theo nghề hội hoạ cũng biết, để những bức tranh của mình thuyết phục được công chúng, rồi họ rút hầu bao ra mua tranh mình về nhà là điều không đơn giản. Tất nhiên, quan điểm này còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, người ta không bao giờ bỏ tiền ra để mua những thứ vớ vẩn, trừ khi họ cũng là người vớ vẩn.

Tôi còn nhớ bài viết của ông về nhà văn - thiếu tướng Hữu Ước. Ông cho rằng, để hiểu được người khác, hãy đọc kỹ những văn bản thi ca của họ, ở đó tâm hồn họ sẽ hiển lộ một cách trung thực và đầy đủ nhất. Điều này hoàn toàn có cơ sở, không chỉ riêng với thi ca, ngay cả hội hoạ cũng ít nhiều đọc được điều đó. Và tôi nhận ra con người của Nguyễn Quang Thiều qua những bức tranh của ông.

Trước hết, ông là một tay cọ nghiệp dư, cứ cho là như vậy, vì ông không được đào tạo cơ bản về hội hoạ. Ông là người có năng khiếu và yêu thích loại hình nghệ thuật này và ông vẽ chơi thế thôi. Gọi là chơi, nhưng chơi với hội hoạ cũng chẳng dễ dàng gì. Không phải cứ ngẫu hứng bôi bôi, trát trát là thành tranh. Đã rất nhiều người học hành cả chục năm về hội hoạ cơ bản mà cuối cùng cũng bỏ bút, nói xanh rờn: khó quá! Và họ đi làm nghề khác, những bức tranh của họ không bao giờ ra đời. Thiên hạ cũng không thể biết họ là ai, đặc biệt là con người trong nghệ thuật của họ.

Với Nguyễn Quang Thiều, con người của ông ta hiện lên rất rõ trong những bản hoà sắc của ông. Đó là buồn bã và lãng mạn. Những bức tranh của ông luôn mang một sắc thái như thế. Tôi nhớ bức tranh có tên Hoa Thảo Mưa của ông. Một bức tranh giản dị với đề tài cũng giản dị. Cái thể loại tĩnh vật, hoa hoè ấy người ta vẽ rất nhiều. Nhiều đến nỗi nhàm chán, nhưng tôi lại bất ngờ với cách tạo hình của Nguyễn Quang Thiều. Bức tranh được chia làm hai phần rất rõ. Hai phần nếu nhìn theo trực giác bình thường thì đó là hoa và lá. Những bông hoa mà ông gọi là Thảo Mưa được vẽ bởi vô vàn những chấm nhỏ xếp chồng lên nhau tạo một không gian rất rõ, từng tầng, từng lớp các chấm nhỏ ấy làm nên độ sâu của không gian. Phần thứ hai là lá, những cái lá được vẽ tự do bởi nhát cọ mạnh trên một nền màu xanh đậm nên hiện ra rất vững vàng và phóng khoáng. Sự phóng khoáng của lá ở dưới đối lập rất mạnh với những bông hoa phía trên làm nên sự thay đổi mang tính nhịp điệu rất vui mắt. Toàn bộ bức tranh được vẽ với tông màu lạnh, chỉ riêng những bông hoa được điểm xuyết chút ít màu nóng nên chúng hiện ra lung linh và trong trẻo. Sự trong trẻo, lung linh, nhịp điệu vui mắt ấy lại gây cảm giác u buồn mới lạ. Vì hội hoạ có ngôn ngữ riêng của nó, nên việc mô tả hay giải mã bằng ngôn ngữ văn học rất dễ rơi vào trạng thái chủ quan, hoặc bàn luận nội dung một cách áp đặt. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tinh thần (theo sự cảm nhận của tôi) của bức tranh này, cũng có nghĩa là tinh thần của người vẽ ra chúng. Sự buồn bã trong tranh của ông có ý nghĩa gì với đời sống thực không? Tôi tin là có. Vì nếu không một lần buồn bã trước cuộc sống sẽ rất khó tạo ra nỗi buồn trong nghệ thuật. Những bông hoa ở ngoài đời, bao giờ cũng có vẻ đẹp riêng của chúng. Và để đưa được vẻ đẹp ấy lên tranh, người nghệ sỹ cần hiểu rõ về chúng, ít nhất cũng một lần đã nhìn thấy chúng. Nhưng hoa Thảo Mưa mà ông Thiều đặt tên thì tôi chưa thấy bao giờ. Loài hoa này, có thể đã hiện lên trong giấc mơ của ông, hay một sự liên tưởng nào đó trong tư duy thi ca của ông. Vì thế nó hiện ra không khoe mẽ, rực rỡ, tươi vui mà chỉ lung linh vui mắt rồi mang lại cảm giác u buồn ở đâu đó cho người xem. Có vẻ vô lý nhưng lại hợp lý đến kỳ lạ.

Tôi nhiều lần đã trực tiếp xem ông vẽ, rồi vẽ cùng ông. Cách làm việc của ông rất đặc biệt, miệng luôn ngậm điếu thuốc, khói lan toả vẩn vơ bám lấy bộ ria mép muối tiêu của ông. Khi vẽ tôi không thấy ông nói chuyện bao giờ: im lặng - rất im lặng! Cả buổi ông im lặng, nếu vẽ cả đêm ông cũng im lặng. Cứ lầm lũi bôi, trát, xoa, đắp, cạo rồi lại bôi Hình như lúc này tâm trí ông để ở đâu đó, hoặc tập trung cao độ đến nỗi lặng phắc như một cái bóng. Đ ã nhiều lần tôi nói chuyện, hoặc hỏi điều gì đó rất to với ông, nhưng không thấy trả lời. Ông vẫn mải miết thế, hình như ông quên bên cạnh đang có người. Tôi có cảm giác mỗi lần vẽ, bên cạnh ông Thiều không còn thời gian, không gian hay cái gì khác ngoài tiếng sột soạt va chạm của cọ lên toan vẽ. Sự đụng chạm cơ học với làn khói thuốc mỏng manh bay lên từ bộ ria mép muối tiêu kia luôn ám ảnh tôi. Có phải lúc này ông đang trút mọi tâm sự buồn bã lên bức tranh? Hay ông đang nghĩ đến một việc khác chứ không phải đang vẽ? Hoặc một cái gì đó đang mượn ông để vẽ? Tôi luôn bị ám ảnh như vậy. Có thể tôi chủ quan hoặc tưởng tượng thái quá. Nhưng tôi tin nếu ai được chứng kiến ông vẽ sẽ có chung cảm giác như tôi.

Ông là nhà thơ, nên tranh của ông cũng đầy chất thơ, đó là điều dễ hiểu. Mỗi bức tranh hình như ông muốn kể một câu chuyện. Nếu đó là câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ văn học, tôi xin cam đoan đó là câu chuyện buồn - rất buồn! Trước đây trong phòng khách của ông có treo một bức tranh mang tên: “Mười cô gái làng Chùa. Mười cô gái hiện ra bằng mười nhát bay mạnh màu vàng, rồi những khuôn mặt được vẽ theo lối gợi nhẹ, ẩn hiện trong nền xanh lam. Cái nền xanh ấy chìm xuống rất sâu, để làm bật lên mười thân thể màu vàng rất mạnh, nhưng những khuôn mặt ẩn hiện lại làm người ta chú ý nhất. Có một cảm giác hư ảo ở đây, mười cô gái kia hình như không phải là người, cũng không đơn giản chỉ là mười nhát bay vuốt xuống. ở bức tranh này, không tuân theo mọi nguyên tắc tạo hình thường thấy, cũng bỏ qua những phép hoà sắc quen thuộc của ông. Vì thế mười cô gái ấy toát lên sự hư ảo xa xôi và buồn bã. Đ ây là bức tranh đẹp, mỗi khi đến nhà ông chơi tôi thường ngắm rất lâu. Một hôm không thấy treo ở đó nữa, ông thông báo là đã bán nó. Cũng chẳng sao, nó sẽ có cuộc sống riêng của nó. Nhưng ông có vẻ hơi buồn khi nói với tôi về việc bán bức tranh đó. Tôi cũng tiếc, nếu có tiền tôi sẽ là người mua bức tranh đó đầu tiên.

Sự lãng mạn và buồn bã trong hội hoạ của Nguyễn Quang Thiều thể hiện rõ nhất trong màu sắc của ông. Đó là bản hoà sắc thiên về màu lạnh. Tất nhiên không phải cứ dùng nhiều màu lạnh là buồn bã, cả những màu nóng gây cảm giác mạnh cũng buồn thì sao? Nhưng gam màu lạnh thường được ông dùng nhiều trong tranh. Đó có thể là do sở thích, hoặc thói quen. Điều này không quan trọng, dùng màu gì chẳng được, miễn là hài hoà. Tuy thế, cái gam lạnh trầm trầm ấy của ông luôn đem lại cảm giác buồn buồn cho các nhân vật trong tranh. Nếu bây giờ bắt ông vẽ một lễ hội đông vui tôi nghĩ sự buồn bã cũng sẽ ẩn hiện đằng sau nội dung vui vẻ của lễ hội ấy. Tạng người ông thế nên ông vẽ thế. Một bức tranh nữa minh chứng cho sự buồn bã là bức Cậu bé làng Chùa. Đây là bức tranh có nội dung rõ ràng nhất và cách tạo hình cũng dễ hiểu nhất. Một cái cây, một cậu bé, một con chim, một bầy cá Tất cả được sắp đặt như một bức minh hoạ vì thế khá hiện thực. Cũng là gam màu xanh quen thuộc làm chủ đạo, chỉ riêng con chim với cái đuôi kỳ lạ được vẽ bằng màu nóng. Chính vì thế nó bật lên rõ nhất, gây chú ý nhất. Nhưng nếu nhìn kỹ, con chim kỳ lạ kia lại gợi một cảm giác xa xăm nào đó. Tôi cho rằng cậu bé kia là ông Thiều đang ngửa cổ nhìn vào một hoài niệm xa xôi của ông. Một hoài niệm buồn, trăm phần trăm là buồn! Cho dù hoài niệm ấy được thể hiện bằng một con chim rực rỡ. Tất cả cảm nhận đó, chỉ là chủ quan của tôi, có thể tôi đúng, cũng có thể tôi sai, nhưng tôi tin vào trực giác của mình thông qua cách tạo hình của ông. Nếu thông qua văn học người ta dễ nhận ra tâm trạng của tác giả hơn rất nhiều, vì khả năng mô tả của ngôn ngữ văn chương khá rõ ràng, còn để nhận ra tâm trạng của hoạ sỹ qua tranh của họ, cần có một kiến thức nhất định về nghệ thuật tạo hình. Tôi có học về hội hoạ, cũng vẽ nhiều năm nên tôi khá tự tin khi nói về tâm trạng của ông Thiều qua những bức tranh của ông. Còn về sự lãng mạn, rất dễ nhận ra vì ông là nhà thơ, nên cách vẽ của ông phóng khoáng, bay bướm với hoà sắc ngẫu hứng, đặc biệt là bố cục được sắp đặt rất tự do, bất ngờ, chỉ những người có tinh thần lãng mạn mới làm như thế.

Trước kia, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ông xuất hiện ở nơi đông người, hoặc trên truyền hình, nhưng bây giờ tôi thấy ông thường lảng tránh những chốn đó. Có lần tôi bước vào phòng làm việc của ông, tôi thấy ông ngồi một mình, xung quanh tràn ngập bản thảo. Những bài thơ người ta gửi đến như đang đè lên người ông, vùi ông bất cứ lúc nào. Tôi cất tiếng chào nhưng ông không trả lời. Tôi ngồi xuống, giúp ông xếp lại bản thảo, nói vu vơ vài câu rồi đi ra ngoài. Một lát sau ông gọi điện hỏi tôi đang ở đâu? Tôi trả lời là vừa từ phòng ông ra, ông à lên rồi rủ tôi đi ăn trưa. Thế đấy, ông là thế. Có những lúc ông chẳng nhìn thấy ai, nghe tiếng ai, thậm chí chẳng biết đang ở đâu vì ông đang nghĩ đến điều gì đó. Buổi tối, ông và vài người bạn hay đi uống cà phê, có lần tôi thấy cả buổi cà phê không thấy ông nói gì, chỉ ngồi nhìn xa xăm đâu đó rồi đột ngột hỏi giờ và ra về. Có thể lúc đó ông đang nghĩ đến một bài thơ, nghĩ đến một bức tranh hay nghĩ về ai đó. Mỗi lần nghĩ ông quên hết mọi thứ xung quanh y như đang vẽ tranh vậy.

Có thể nói, ông là người luôn mang trong mình một nỗi buồn nào đó. Cũng có lúc tôi thấy ông nổi giận. Sự nổi giận rất bộc trực và thẳng thắn, ông quát tháo, ném đồ đạc như thể không còn gì để mất. Nhưng chỉ lát sau tôi thấy ông im lặng - rất im lặng và buồn bã như hối hận với sự nổi giận ấy, mặc dù ông đúng hoàn toàn.

Có lần, ông gọi điện cho tôi, và nói đang đứng ở trước cửa nhà tôi. Khi tôi mở cửa, ông rút ra một bao lì xì nói là mừng tuổi con gái tôi rồi ra về. Tôi mở ra, đó là một số tiền khá lớn, ông biết tôi khó khăn nên thường giúp đỡ. Buổi sáng ông thường gọi tôi đi ăn sáng, có lúc tôi quá buồn ngủ vì thức khuya, không muốn dậy. Ông bảo, cố dậy đi, nếu dậy được bây giờ ông sẽ là người khác, còn nếu không ông là người lười nhác đấy. Ông thường rủ tôi đi ăn trưa và cứ mỗi lần tôi muốn trả tiền ông lại nói: “Năm năm nữa cho ông trả. Và thỉnh thoảng ông vẫn tìm cách giúp đỡ tôi về tiền bạc. Tôi rất ái ngại và buồn về chính mình. Tôi chỉ là một gã người Tày từ núi xuống, sống ở thành phố với sự tự ti vốn có. Tôi cũng không phải là người đặc biệt gì, rất bình thường, thậm chí dưới mức bình thường. Nhưng ông rất ưu ái tôi, giúp đỡ tôi, không phải với sự ban phát hay thương hại. Ông đối xử với tôi như một người bạn. Tôi thấy Nguyễn Quang Thiều chân thành như người Tày tôi vậy. Tôi là người may mắn vì được tiếp xúc với khá nhiều người nổi tiếng, thông thường họ trò chuyện hay hành xử với tôi vẫn theo kiểu bề trên, thậm chí coi thường vì trong mắt họ tôi là một kẻ ngờ nghệch - một người thiểu số hay cái gì khác không đáng kể. Nhưng với ông Thiều thì rất khác, ông trò chuyện với tôi rất công bằng, nghiêm chỉnh. Cái gì hứa với tôi là ông làm, chưa bao giờ quên dù ông rất nhiều mối quan hệ và luôn bận rộn. Không chỉ riêng với tôi mà với rất nhiều người khác ông luôn hành xử như thế, đặc biệt với những ai được coi là yếm thế.

Ở cái thành phố ồn ã, đầy bất trắc này, con người hiện hữu của ông Thiều luôn đem lại cho tôi cảm giác yên bình và tin tưởng. Còn trong tranh của ông, tôi thấy có một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy có lúc rõ ràng, đôi khi mơ hồ, đó là nỗi buồn tinh tế được thổn thức bằng bản hoà sắc lãng mạn của ông. Và nếu vẽ chân dung ông, tôi sẽ vẽ với gam màu lạnh, một không gian thật sâu, với những tầng lớp màu sắc hay làm thế nào đó thể hiện được nỗi buồn thầm kín rất lãng mạn trong tư duy của ông.

A SÁNG
Nguồn: VNN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...