Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

TƯỢNG TÌNH CỦA PHAN HOÀNG: CƠN KHÁT CUỒNG BỨT PHÁ

"Phan Hoàng có cái may mắn bước vào đàn thơ trong thời kỳ nước ta đang đổi mới; người thẩm định thơ có phần bớt khắt khe theo những ước định chủ quan. Vốn là một trí thức nhạy bén, Phan Hoàng không thể không có những mong muốn tránh giẫm chân vào lối mòn. Điều đó, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy qua thơ anh".
Nhà thơ Phan Hoàng

Hiện nay, bên cạnh những giọng thơ truyền thống, không ít người làm thơ đang có ý thức tìm cho mình một giọng điệu mới phù hợp với sự phát triển của thơ ca và xã hội hiện đại. Xét trên góc độ thi pháp học thì đây là một hiện tượng đáng mừng. Quả thật, đã có một lúc người đọc bắt đầu tỏ ra dửng dưng với thơ Việt hiện thời. Điêu này không có gì đáng ngạc nhiên. Thơ “truyền thống” đã có những đỉnh cao của nó, không dễ vượt qua. Muốn khẳng định được mình, tốt nhất là theo một hướng đi khác. Vả, nghệ thuật khó thể dung nạp sự lặp lại, đơn điệu, những tác phẩm thiếu cá tính sáng tạo, thiếu sự tìm tòi trong phương thức thể hiện.
     
Phan Hoàng có cái may mắn bước vào đàn thơ trong thời kỳ nước ta đang đổi mới; người thẩm định thơ có phần bớt khắt khe theo những ước định chủ quan. Vốn là một trí thức nhạy bén, Phan Hoàng không thể không có những mong muốn tránh giẫm chân vào lối mòn. Điều đó, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy qua thơ anh. Cố nhiên, những bạn đọc dễ tính, những người ưa thẩm thơ theo thói quen trước đây, khi đọc thơ Phan Hoàng có thể bị chối. Thì cũng đành phải vậy! Miễn là anh không trở nên quá cầu kỳ lập dị để đến nỗi biến mình thành độc giả duy nhất của mình. Đến nay thì thơ Phan Hoàng cũng đã tạo được sự đồng cảm ở một lượng bạn thơ nhất định, như có tác giả nói đến trong lời bạt tập thơ Tượng tình(*).
     
Điều có thể khẳng định qua tập thơ đầu tay của anh là cái ý thức cất lên một giọng điệu riêng để bộc lộ những cảm xúc thẩm mĩ của mình. Có những bài thơ của anh nếu đem đặt bên cạnh những bài thơ khác thì không bị hoà lẫn. Cho nên, người đọc có khi phải dừng lại, đọc kỹ từng chữ từng câu, ngẫm về một điều gì đó, chứ không đến nỗi tuồn tuột lướt qua. Bài thơ có thể lời ít mà sức ngân dài, chẳng hạn bài Địa chỉ:

      Nhà không số
      phố không tên
      không hộ khẩu
      đầu điên điện nước
     
      máy chữ
      lộc cộc báo áo cơm
      lộc cộc thơ đánh cược
      mây non bầu bạn trăng già
     
Rõ ràng, cũng nói về cái hiện thực mà nhiều người đã nói, nhưng ở đây, anh nói bằng giọng điệu riêng của mình. Không vòng vo mà cốt khắc hoạ. Không nên thơ như tranh thuỷ mặc mà gây ấn tượng theo một cách riêng. Cách riêng đó còn có thể ở cách nhìn hiện thực: “Có một thời phượng hoàng cũng đi học/ cũng thức đêm rồi lại ngủ ngày…”, “ta biết Trương Chi không bao giờ khóc/chỉ có tài hoa chẳng thốt nên lời”…,”tim anh/ cộng hưởng ái tình/ ngắn dài dự báo/ điện trường thi ca”… Cái nhìn ấy, cái cách thể hiện ấy cho thấy ở Phan Hoàng một ý thức muốn bứt phá khỏi sự tù hãm của thói quen nhìn sự vật và sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật như là chúng luôn ở trạng thái tĩnh!
Tập thơ Tượng tình và một số tác phẩm khác của Phan Hoàng

Anh đã sớm nhận ra thế giới hiện hữu này, kể cả cái “trò chơi chữ nghĩa”, chỉ là một khoảnh khắc ngưng đọng của thời gian:

      … Câu thơ dừng lại hương môi
      ngày ngắn
                  đời ngắn
                  đêm cũng ngắn nữa rồi…
     
Nên chi, anh vẫn mãi “đi tìm”. Anh đi tìm cái tồn tại trong thế giới “mộng du”, cái không gian chỉ có trong tiềm thức. Cũng vì xuất phát điểm đó mà anh như vồ vập lấy đời, đôi khi như yêu cuồng sống vội. Anh đang tìm cách thoát ra cái vòng vây hữu hạn của đời người. Anh “chung chiêng” trong “lửa thiêng tình ái”, anh “ú ớ tịch thiền”, anh tự vỗ về mình bằng những cuộc “chơi”, anh tận hưởng những ban phát của tạo hoá, anh tôn thờ những vẻ đẹp siêu nhiên… Nhưng rồi, “khi tỉnh rượu lúc tàn canh” (Nguyễn Du), nỗi ưu uất, sự bất lực lại bùng dậy trong anh. Đó cũng là lúc anh “lấy nỗi buồn làm hạnh phúc”! Thơ như sự cứu rỗi cuối cùng. Thơ, những “câu thơ số phận”. Vì “chân trời mênh mông sẽ là thước đo bão tố cánh chim bằng”, nên anh sẽ vẫn còn cứ phải bay mải miết. Và có thể, anh sẽ phải trả giá bằng sự gãy cánh của mình. Làm sao hơn được khi anh đã vướng vào nghiệp chướng, cái nghiệp chướng say thơ!
     
Nhưng anh không chỉ đối mặt với mình trong cơn “cuồng khát”. Ra với cuộc đời thường nhật, anh mẫn cảm và nhân hậu. Cảnh sum họp “sau những khắc khoải thanh xuân”, cảnh “quê nhà ngập chìm thác lũ”, “cơn bão đi qua/ để lại sau lưng màu hoang đổ nát”… làm anh xúc động. Trước ân nghĩa sinh thành, anh luôn cám cảnh. Anh tự hào về một nhà thơ đồng hương. Anh bực bội với những cơn “lốc xoáy thị trường” khuấy đảo bao cảnh đời bình lặng: “thành phố bây giờ lộng lẫy phấn son/ cô gái nào cũng tựa từa ca sĩ/ dáng dấp thị trường/ nụ cười tiếp thị”. Và anh hoài niệm về những gì “chỉ còn trong ký ức”… Chỉ tiếc, mảng thơ này ít để lại dấu ấn sáng tạo của anh. Thậm chí, đôi khi anh còn dễ dãi, “lỡ” buông những câu thơ thiếu sức lay động. Chẳng hạn: “Không còn lũ/ chẳng còn em nữa/ lối nhỏ tôi về/ thất thần những ánh mắt mồ côi/ con kiến trườn qua/ núi đồi kinh động/ gò hoang mưa giăng trắng nhợt da mồi” (Gò hoang tuổi nhỏ)… Những nhược điểm đó có phần khiến cho tập thơ không phát huy được hết thế mạnh vốn có của tác giả. Có lẽ, do đây là tập thơ đầu, anh còn hơi tham.
     
Nhưng không phải vì vậy mà không ghi nhận Tượng tình là một tập thơ đứng được. Chí ít, theo tôi Tượng tình với những ưu điểm đã nói, đã góp thêm cho làng thơ hiện nay một tiếng nói mới, rất đáng được chú ý. Đường tuy còn xa nhưng Phan Hoàng còn trẻ, sức đang sung!
                                                                                        
Sài Gòn, 1995
PGS. TS TRẦN HOÀNG

Theo Sinh Viên HT - TT 

___________________
 (*) Tượng tình, tập thơ của Phan Hoàng, NXB Trẻ 1995.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...