Nhà văn Nguyễn Thu Trân
Tôi biết Thu Trân từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi
tôi mới từ Hà Nội chuyển về Hội Văn nghệ Đồng Nai công tác.
Lần đầu tôi gặp Thu Trân khi cô đến văn phòng hội với bản
thảo viết tay là truyện ngắn đầu tiên Lá me. Bấy giờ, Thu Trân còn
trẻ con lắm, cô vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Thấy cô còn quá trẻ, tôi
khuyên hãy làm báo một thời gian để có dịp đi đây đi đó, thâm nhập đời sống xã
hội và thân phận con người rồi tha hồ viết. Tôi còn nói thêm, người cầm bút
cũng cần học giỏi ít nhất một ngoại ngữ để đọc sách tiếng nước ngoài.
Tôi đọc Lá me, quí cái chất trong trẻo, hồn
nhiên khi Thu Trân viết về đám học sinh đang tuổi trưởng thành. Và những ước mơ
cao đẹp của chúng. Nhưng câu chữ của Thu Trân còn nhiều chỗ, nhiều đoạn chưa chỉnh,
chưa chắt. Ý tưởng không có gì sâu sắc. Chủ đề truyện mỏng như lá… me! Tôi cho
gọi cô tới, nói rõ những nhược điểm của Lá me và yêu cầu cô đổ
công ra sửa, có sửa mới dùng được. Ít lâu sau, qua khâu biên tập cũng khá vất vả,
công phu, Lá me được đăng trên báo Văn Nghệ Đồng Nai.
Báo lúc ấy còn ra khổ lớn, 16 trang. Lá me được in trang trọng
ở trang giữa, nhằm mục đích khuyến khích một tiềm năng.
Từ năm 1987, Thu Trân về làm báo ở báo Đồng Nai,
tiếp tục viết văn. Lúc này, cô đã tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành cộng tác viên tờ Văn Nghệ Đồng Nai từ
đó.
Ngoài truyện ngắn viết cho tuổi mới lớn, Thu Trân còn khởi
đầu nghiệp sáng tác bằng những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Trong thập niên 90,
cô đã liên tiếp cho ra mấy đầu sách thiếu nhi như Đường bong bóng bay,
Ông thầy cũ kỹ, Những dòng sông búp bê, Trò chơi của biển, Nhà có cửa sổ
tròn… trong đó có nhiều quyển được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt
Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Bạn đọc cả nước biết đến Thu Trân trước hết với tư
cách một tác giả viết cho thiếu nhi.
Một lần ở trại sáng tác Vũng Tàu, Thu Trân tặng tôi tập
truyện vừa Áo đen viền trắng viết về những nhân vật trẻ tuổi
đang ngấp nghé bước vào đời. Tôi mừng vì thấy qua truyện vừa này Thu Trân có
nhiều khám phá mới mẻ, giúp người đọc hiểu sâu hơn về lớp trẻ hiện nay, lớp trẻ
thời @. Tuy nhiên, Áo đen viền trắng cũng mới chỉ như một ghi
chép nhanh, chưa đủ độ sâu lắng, chưa có sức nặng. Dẫu sao, đây cũng là một
chuyển biến quan trọng của Thu Trân trong việc viết lách. Thu Trân đã quan sát
khá kỹ các nguyên mẫu ngoài đời, đã mô tả những suy nghĩ và hoạt động xã hội của
họ, biến họ thành những nhân vật có hồn trên trang viết của cô. Được như vầy,
phải công nhận nghề báo đúng là cái bệ phóng tốt cho Thu Trân đi vào nghiệp viết
văn. Yêu cả hai nghề, viết văn lẫn làm báo, cô tâm sự: “Tôi là một nhà báo yêu
nghề. Trên con đường tác nghiệp, mọi trúc trắc đối với một phận người, một tình
huống, một nghĩ suy… đều mang đến cho tôi những buồn vui, trăn trở. Tôi đã trải
những buồn vui, trăn trở này trên trang viết…”.
Trong suốt thời gian làm báo hăng hái nhất, Thu Trân vẫn
xuất hiện với những truyện ngắn đăng rải rác trên các mặt báo địa phương và
trung ương. Cô có tên nhưng chưa thật gây ấn tượng. Đến khi đoạt giải Cuộc vận
động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 3 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ chí Minh- Báo
Tuổi Trẻ- Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức với tác phẩm Bốn người nhẹ
như chiếc lá, Thu Trân mới thật sự bước hai chân vào làng văn cả nước.
Tập truyện ngắn này đã được tái bản lần thứ nhất năm 2006. Bốn người nhẹ
như chiếc lá hứa hẹn Thu Trân sẽ là một cây bút truyện ngắn với nhiều
triển vọng đẹp. Tập truyện này gần 160 trang in, khổ 12x 19, gồm 6 truyện ngắn.
Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét, Bắc Kinh thương nhớ là một truyện
ngắn có nghề (tôi rất thích truyện này và cho nó là một trong những truyện hay
nhất của tập truyện). Truyện Người đi về phía rừng là tâm trạng
của một người thất thế, luôn bị ám ảnh bởi thời vàng son rực rỡ được Thu Trân
thể hiện với lòng cảm thông sâu sắc. Cũng theo Hồ Anh Thái, loại truyện viết về
xứ sở khác như Bắc Kinh thương nhớ hoặc Người
đi về phía rừng là một đề tài khó, người viết rất dễ rơi vào trạng
thái miêu tả lâm ly; nhưng Thu Trân đã tỏ ra vững vàng, có bản lĩnh điều khiển
được ngòi bút của mình. Vẫn là Hồ Anh Thái, truyện Dưỡng chất trần gian thì
viết có kềm chế và nhiều lý tính; nhà văn còn khen kết cục của Nhà có
giàn hoa tím khá bất ngờ, đây là loại logique hướng thiện. Hồ Anh Thái
không nói gì về Bốn người nhẹ như chiếc lá và Cỏ may
quấn quýt chân người.
Tôi đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần truyện ngắn Bốn
người nhẹ như chiếc lá.Đây là một truyện ảo, truyện nói chuyện trên trời dưới
đất, man mác kiểu liêu trai. Truyện viết về cô tiên chị cả Giáng Kiều trong số
bốn cô tiên được phân công giữ và chăm sóc vườn đào trên tiên giới một ngày bỗng
thấy chán kiếp sống “sướng như tiên”. Thật ra, cõi tiên của Giáng Kiều cũng lắm
đua chen và mưu ma chước quỉ mài mòn cuộc sống tưởng chừng phi vật chất. Giáng
Kiều đã quyết định xin đấng tạo hóa chấp nhận cho cô được làm người trần gian với
nỗi sung sướng về sự hữu hạn của phận người. Phải chăng truyện ngắn này nói lên
nỗi lòng canh cánh của Thu Trân: muốn có được sự đồng cảm và sẻ chia từ hơn 6 tỉ
người trên trái đất xôn xao mà vẫn có những ngôi sao băng lạc loài? Mượn chuyện
trên trời để nói chuyện dưới đất, cái ý tưởng này của Thu Trân lạ mà không lạ, ảo
mà thực, rất nhân gian. Cô chọn nó đặt tên chung cho tập truyện có lẽ là vì thế.
Man mác kiểu Bốn người nhẹ như chiếc lá, gần đây Thu Trân còn cho
ra đời thêm 2 truyện Cõi ma và Thắp nến trên
sông. Cũng có thể, bằng những ý tưởng này, tác giả đang tìm cho mình một
lối đi mới.
Vào đầu những năm thế kỷ 21, Thu Trân mới trở thành hội
viên chính thức Hội Nhà văn Việt Nam, sau gần 20 năm cầm bút. Thông qua cuộc
thi truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2005-2006, với
giải nhì tác phẩm Xóm sở Mỹ, Thu Trân đã thực sự là một tên tuổi được
bạn đọc yêu văn chương cả nước biết đến. Với Xóm sở Mỹ, Thu Trân đã
tiến một bước xa so với các truyện ngắn trong Bốn người nhẹ như chiếc
lá. Tầm khái quát xã hội của Xóm sở Mỹ cao hơn. Một truyện
ngắn có quá khứ có hiện tại lồng vào nhau, đan xen nhau, cùng những đổi thay về
số phận của những nhân vật trong Xóm sở Mỹ ngày ấy được Thu
Trân dựng lại với một tay nghề chững chạc qua cái nhìn thấm đẫm tình người; hướng
tới cái thiện, cái đẹp thật tự nhiên và rõ nét.
Một anh bạn tôi- thầy giáo dạy văn, khen truyện ngắn Thu
Trân giàu chất lãng mạn và bay bổng. Anh thán phục sự mê say, kiên trì đeo đẳng
nợ văn chương của cô. Từ những bước đi chập chững đầu tiên, theo thời gian, rõ
ràng Thu Trân ngày một già dặn hơn trong cái cảm và nghĩ. Song trước hết, cô có
cái nhìn đời vừa bao dung vừa tỉnh táo, nghĩ về phận người ngày càng tinh tế và
sâu sắc, khám phá không ngừng để sáng tạo không ngừng, luôn luôn làm mới mình
mà vẫn được là mình. Gần đây, cô vừa in hai truyện dài Hồ thiêng, Hộc bàn
không còn muối ớt và tập truyện ngắn Chông chênh ngọn gió trở
về trên tinh thần làm mới đó. Tôi đồng tình với anh bạn tôi, đây chính
là sự lãng mạn đáng yêu của Thu Trân.
Thu Trân đang ở tuổi sung sức và đang độ chín trong nghiệp
viết. Mong cô không dừng lại với những gì mình đã có và chớ hứng lên, lạc bước
sang những thể loại khác. Đừng quên, truyện ngắn vẫn là mặt mạnh của văn học Việt
Nam hiện đại. Thu Trân đã có một chỗ xứng đáng trong thể loại này. Tôi cũng muốn
nhắn thêm cho cô bé tập tành viết văn của tôi ngày ấy: đừng giã từ việc viết
cho thiếu nhi. Đây cũng là một mặt mạnh khác của Thu Trân. Bằng chứng là cuối
năm 2008, cô đã đoạt giải nhì với tập truyện ngắn viễn tưởng thiếu nhi Đổi
răng với chuột (cuộc thi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội
phối hợp tổ chức cùng NXB Kim Đồng). Chính mảng sáng tác này đã tiếp sức cho cô
tự tin bước chân vào khu vườn hoa trái chữ nghĩa hôm nay…
HOÀNG KIM CHUNG
Nguồn: VNĐN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét