Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

ĐI TÂY NGUYÊN VỚI NHÀ VĂN TRUNG TRUNG ĐỈNH

Mỗi lần lên Tây Nguyên đối với nhà văn Trung Trung Đỉnh như trở về nhà, hạnh phúc, sung sướng và tự hào. Có một năm mà lên Tây Nguyên tới 3 lần, lần nào cũng ở lại 10 ngày. Con người anh như hoàn toàn đổi khác giữa không gian mênh mang của đại ngàn. Anh không gọi “lên” mà gọi là “về”. Về Tây Nguyên. Anh dẫn chúng tôi đi khắp mấy tỉnh Tây Nguyên từ Đắk R’Lấp, Đắk Nông, Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum…
Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Chúng tôi đi theo anh, phải nói là “đuối đơ” - nhất là đồi dốc mà đi bộ vào những bản làng xa. Về An Nhơn, huyện cực đông của tỉnh Gia Lai. Nghe tin, những đồng đội cũ người dân tộc Bah Nar thời Lạc rừng gặp nhau mừng mừng tủi tủi xi xô bằng ngôn ngữ Bah Nar.

Chúng tôi không hiểu ngôn ngữ đồng bào dân tộc, tự tách ra một bên để những đồng đội Kinh - Bah Nar gặp nhau có những giây phút riêng tư. Nhìn “anh em họ” tíu tít và suy nghĩ. Có lẽ đó là cuộc gặp gỡ của những anh em ruột thịt xa cách lâu ngày mới có dịp hội ngộ, hoặc là những người bạn từng có một quá khứ sinh tử cùng nhau mới biểu hiện những tình cảm vừa ấm áp vừa chân tình một cách kỳ lạ, giữa đám đông nói chuyện lâu mà không ngồi, cứ thế mà reo hò ôm nhau như những đứa trẻ.

Đi vào thăm một người bạn ở trong núi vì bệnh không đi được. Người bạn nằm bất động, ốm nhom trong một ngôi nhà giữa rừng trống hoác, gió thổi phập phù, trên vách gỗ còn treo mấy bằng khen và huân chương kháng chiến. Buổi trưa trên đồi nóng bức, trời không có một ngọn gió, căn nhà - đúng hơn là một chòi gỗ vắng hoe. Anh không cầm được nước mắt, chỉ biết rưng rưng nhìn bạn.

Đi đâu ở Gia Lai thì anh vẫn được bạn bè, người thân đón tiếp bằng một sự quý trọng không nói ra. Đó là vùng đất “nuôi ta thành dũng sĩ” mà tác giả Lạc rừng đã từng sống và chiến đấu những năm tháng tuổi trẻ. Có lần chúng tôi theo anh về thăm H’Ben…, người vợ trước của Anh hùng Núp ở dưới chân núi Koong Chro, bên dòng sông Ba lãng mạn, cách thành phố Pleiku tới 200km…

Sau lưng nhà của bà là con sông Ba huyền thoại. Mấy cô trong đoàn vì phải đi một chặng đường khá xa mới cùng nhau ra bờ sông để hóng mát, ngắm cảnh, bỏ anh ở lại với chủ nhân trong nhà. Anh rất giận dữ vì cho đó là một sự xúc phạm: Mình đến thăm, chủ nhân rất tận tình mà đáp lại bỏ hết ra ngoài sông là sao. Anh vốn là người điềm đạm, chỉ nổi nóng với những gì đụng đến những ẩn ức văn hóa sâu thẳm trong lòng.

Có lần lên Tuy Đức công tác, anh hỏi một cán bộ ngành văn hóa tỉnh đi theo hướng dẫn: “Cám ơn các anh đã cho đi tham quan nhiều nơi, nhưng điều chúng tôi muốn nhất là được thăm những ngôi nhà truyền thống như ngôi nhà tò vò của người M’Nông”.

Anh cán bộ trả lời: “Không chỉ Tuy Đức mà ngay cả tỉnh Đắk Nông tìm cho ra ngôi nhà tò vò cũng khó. Có lẽ không còn nữa”. “Làm văn hóa mà nói thế thì các anh nghỉ đi, nói gì đến giữ gìn bản sắc với truyền thống”, anh tỏ thái độ bất mãn. Người cán bộ có vẻ giận lắm nhưng tác giả Lạc rừng vẫn kiên quyết giữ một thái độ rõ ràng. “Anh có giận, tôi chịu, nhưng quan điểm của tôi là như thế”…

Anh rất rành ngôn ngữ dân tộc, nhất là vùng Bắc Tây Nguyên như tiếng Bah Nar, Gia Rai. Lần ấy, chúng tôi vào thăm một ngôi nhà rông lớn nhất ở Gia Lai. Gặp lúc trai gái trong bản đang tổ chức vui chơi nhảy múa mừng con đường do thanh niên dân bản mới mở. Mấy cô gái trong đoàn chụp ảnh liền bị đám thanh niên quây lại đòi tịch thu máy ảnh. Lần đó, có anh Đoàn Minh Phụng, Tổng Biên tập Báo Gia Lai đi cùng. Anh Phụng bèn điện thoại nhờ chính quyền địa phương can thiệp, không may gặp ngày lễ, văn phòng xã không ai trực.

Lúc ấy nhờ hiểu và nắm vững những tục lệ và tiếng Bah Nar, anh Đỉnh đã giúp giải tỏa mọi sự hiểu nhầm. Không những thế, sau đó, dân bản còn mời cả đoàn vào chung vui với họ. Không những hiểu và nói được tiếng nói của đồng bào dân tộc, anh còn thuộc lòng những bài hát bài ru của đồng bào Tây Nguyên. Có lần về huyện Tuy Đức, Đắk Nông, vào uống rượu cần trong bon.

Trong khi mọi người đang ngất ngưỡng mềm môi bên ché rượu cần, bỗng cao hứng anh Đỉnh lại đứng lên hát bài ca mời rượu bằng tiếng Sê Đăng, bất ngờ già làng người M’Nông lại bắt nhịp hát theo. Hóa ra, những ngôn ngữ của các dân tộc ở Tây Nguyên có những âm sắc gần giống nhau, đặc biệt trong âm nhạc, giai điệu của một số những bài hát truyền thống na ná nhau như trường hợp bài ca mời rượu nói trên, dù hát bằng ngôn ngữ nào đều có cùng một giai điệu.

Tháng 10 năm ngoái, do suy thận, bác sĩ bảo anh không được bia rượu, phải nhập viện gấp để chạy thận. Thôi, cứ đi Tây Nguyên một chuyến về rồi tính sau, chứ bữa nào chạy thận rồi làm sao mà đi, anh bảo thế. Giọng nói có vẻ mệt mỏi bùi ngùi nhưng rồi khi gặp nhau tại Pleiku, trông anh vui vẻ, phấn khởi hẳn. Hình như chỉ cần chạm tới một chút gì không khí của Tây Nguyên thì anh như đổi khác.

Thần sắc khuôn mặt tươi tắn, bước đi trở nên nhanh nhẹn, cử chỉ sống động. Trước đó, do suy giảm thể lực, anh đã kiêng cữ nhưng gặp lại bạn cũ, những người thân thiết giữa đất trời lộng gió đại ngàn thắm nghĩa tình người, anh la đà qua nhiều thôn bản, nhà rông, nhà dài, rượu vào không biết say, mơ màng mê đắm với con người và đất trời Tây Nguyên. Say đắm đến thế là cùng.

Sống chết với Tây Nguyên hết mình, chiến đấu với vùng đất đầy nắng gió này cũng hết mình, nhà văn đã xem mình là đứa con của cao nguyên. Trung Trung Đỉnh là tác giả của nhiều đầu sách với nhiều đề tài khác nhau. Nổi trội nhất, để lại ấn tượng nhất vẫn là mảng đề tài Tây Nguyên. Đó là những trải nghiệm xương máu với những cảm xúc dạt dào như cơn gió lồng lộng của đại ngàn.

Những câu chuyện Tây Nguyên được tác giả kể lại bằng tâm thức của người trong cuộc trong một giai đoạn khốc liệt nhất, mơ mộng nhất của đời người. Vì vậy, từ bao lâu nay, khi nhắc đến văn học các dân tộc miền núi, Trung Trung Đỉnh là một nhà văn được bạn đọc nghĩ tới bằng sự ngưỡng mộ và quý mến.

Bằng vốn sống thực tế đầy biến động, chính mảnh đất Tây Nguyên đã giúp Trung Trung Đỉnh trở thành nhà văn. Những Lạc rừng, Ngược chiều cái chết, Lính trận… là những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong mảng đề tài về chiến tranh, đặc biệt là Tây Nguyên.

Sự đóng góp thành tựu vào mảng văn học này của nhà văn, nói như Nguyên Ngọc: “Với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết…”.

Trung Trung Đỉnh từng nói rằng: Hồi anh mới ở rừng ra, nét đẹp của các phụ nữ ở miền xuôi không thay thế nổi nét đẹp của phụ nữ đồng bào dân tộc, kể cả những vật liệu trang sức, hình thể… Tất cả những mỹ quan đầy cảm tính như vậy đối với đồng bào dân tộc, trong sâu thẳm bản thân nhà văn đã thuộc về họ. Vậy nên, đừng bảo Trung Trung Đỉnh viết về Tây Nguyên mà thực ra, anh viết cho chính anh và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Gần đây, có dịp lên Tây Nguyên công tác, điện cho anh để biết thôi vì anh vừa mới trải qua hậu phẫu ghép thận. Anh trả lời trong điện thoại, giọng rất buồn, rồi cúp máy. Tôi rất ân hận, đáng lẽ không nên nhắc đến Tây Nguyên trong hoàn cảnh này. Mấy ngày sau đó, tôi cảm thấy đất trời Tây Nguyên như thiếu vắng một ai đó, đã mất đi một phần hấp dẫn. Tôi đã từng sống ở Tây Nguyên gần 10 năm với những gắn bó miệt mài, đi không có anh, lòng vẫn không yên, như thể vừa đánh rơi một kỷ niệm đẹp của đời mình.

HỒ SĨ BÌNH
Theo ĐNCT

BÀI LIÊN QUAN:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...