Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

BÙI HỮU NGHĨA - “RỒNG VÀNG” CỦA ĐẤT ĐỒNG NAI

Ai đã từng một lần về vùng sông nước Cửu Long đều khắc ghi câu ca:

Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

Hay:
      
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần (tức Phan Thanh Giản).

Nghĩa thi chính là Bùi Hữu Nghĩa - con Rồng vàng của đất Đồng Nai, Vĩnh Long, rồng vàng trong lòng nhân dân Nam Bộ. Cho đến nay các ông Lộc họaLễ phúSang đàn là những ai thì ít người biết và chưa xác định được quê quán, tài năng của họ ra sao. Còn Phan Thanh Giản, tài thơ, người đầu tiên đỗ Tiến sĩ ở Nam Bộ, có học vị cao nhất cũng phải xếp sau Bùi Hữu Nghĩa, đủ thấy danh hiệu Rồng vàng mà nhân dân phong tặng cho Cụ thật cao quý và xứng đáng.
Tượng đồng danh nhân Bùi Hữu Nghĩa

Bùi Hữu Nghĩa sinh năm Đinh Mão (1807) tại thôn Bình Thủy, huyện Vĩnh Định thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến triều Minh Mạng (1836) đổi là thôn Bình Thủy, tổng Định An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, và hiện nay là phường Bình Thủy thuộc Thành phố Cần Thơ. Cụ sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới và tài thơ phú đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cụ đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định tháng 2 năm Ất Mùi (1835) - năm Minh Mạng thứ XVI. Vì vậy nhân dân thường gọi Cụ một cách thân mật là Thủ Khoa Nghĩa. Năm Bính Thân (1836) ông ra Huế thi Hội, nhưng rớt vì phạm húy nhẹ, bị vua Minh Mạng bắt giữ ba ngày, rồi được tha. Tiếp theo là những năm tháng thăng trầm trên con đường hoạn lộ: Lúc làm Tri huyện Phước Chánh (Biên Hòa), khi làm Tri huyện Trà Vang (Vĩnh Long), rồi bị giáng chức làm Thủ ngự đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc), sau đó lại được thăng chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ cho tới khi từ quan về ở ẩn (1858). Trên 24 năm làm quan, Cụ luôn nêu cao nghĩa khí, đứng về phía nhân dân chống lại bon quan lại tham nhũng, nêu cao tinh thần trọng nghĩa khinh tài, giữ vững sĩ khí đúng như một vế câu liễn ghi ở đền thờ Cụ: Cương dũng đả cường hào, sĩ khí thiên thu bất hủ.
    
Con đường làm quan của Cụ chính là để có điều kiện đem tài năng giúp dân, cứu nước. Cụ luôn phất cao cờ nghĩa, chiến đấu trực diện với kẻ thù cho tới khi cáo quan về nhà dạy học, làm thuốc, sáng tác thơ văn. Ý chí ấy trước sau như một, theo đạo lý của kẻ sĩ : Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng (thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người dũng cảm, gặp người khác lâm nguy mà không cứu, không phải là người anh hùng). Mặc dù đã từ quan nhưng Cụ vẫn bí mật giúp nghĩa quân Phan Tôn, Phan Liêm (con Phan Thanh Giản) mở rộng thế lực ở Cần Thơ và Vĩnh Long trong những năm 1867-1868, bí mật làm cố vấn cho nghĩa quân Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ (1869). Tấm lòng yêu nước vì dân của Cụ giữ trọn cho tới khi lâm bệnh và mất ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Thân (tức ngày 29/ 2/ 1872- năm nhuận tháng 2 có 29 ngày), thọ 65 tuổi. Hiện nay khu bia mộ nhà thơ nằm tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích văn hóa – lịch sử năm 1994. Rất nhiều địa phương đã lấy tên Cụ để đặt tên cho các trường học, đường phố, tỏ lòng tri ân Uống nước nhớ nguồn.
    
Thơ văn của cụ Nghi Chi - Bùi Hữu Nghĩa để lại cho chúng ta ngày nay không nhiều lắm do khói lửa chiến tranh tàn phá. Nhiều bài, nhiều giai thoại còn tồn nghi. Ông Phạm Duy Tư, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH Bùi Hữu Nghĩa ở TP Cần Thơ đã công sưu tầm, hiệu đính, chú giải và tập hợp được một số thơ văn, giai thoại thành cuốn Giai thoại và thơ văn Bùi Hữu Nghĩa (Ban Khoa giáo tỉnh Cần Thơ (cũ) Xuất bản tháng 2/1994). Với 18 giai thoại, 39 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm, văn tế cùng một số bài thơ khác ca ngợi Bùi Hữu Nghĩa… đã là tài liệu quý, có độ tin cậy cao cho chúng ta làm tư liệu. Ngoài số thơ văn và câu đối, Cụ còn có vở tuồng nổi tiếng Kim Thạch Kỳ Duyên, còn hai vở Tây Du và Mậu Tòng chưa sưu tầm được. Đề tài trong thơ văn Bùi Hữu Nghĩa rất phong phú, đa dạng. Từ cảnh thôn quê dân dã đến cảnh rừng núi, thành thị, chốn cung đình,  đều có mặt trong thơ. Mỗi lời thơ, áng văn như thấm đượm nỗi thương ghét rạch ròi theo tuyên ngôn nghệ thuật mà Nguyễn Đình Chiểu- bạn Cụ, đã từng tuyên bố:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Sĩ khí của Cụ giữa cơn nước lửa không hề vơi:

Xông cơn nước lửa dư trăm trận
Công nghiệp nay đà đáng mấy thoi 

                        (Đũa bếp)

Cụ vạch mặt bọn quan lại xu nịnh, độc ác, đục khoét của dân làng. Lòng dạ chúng như cây vông lộp xộp, nhưng chứa đầy gai góc:

Da thịt càng già càng lộp xộp
Ruột gan chẳng có, có gai chông 

                    (Cây vông)

Bọn chúng là loài cáo vườn hoang chỉ giỏi mượn oai hùm, tâm địa trâng tráo như Ái Châu trong Kim Thạch Kỳ Duyên toát lên cái vẻ bề ngoài lòe loẹt, đáng ghét:

Nhởn nhơ, áo áo, khăn khăn
Nha nhuốc, vòng vòng, chuỗi chuỗi.

Tên quan trùm thì nghe quan rụt cổ, thấy lệ lắc đầu. Tên quan huyện Lợi Đồ có chân tướng thảm hại như ruồi bu đuôi ngựa nhưng luôn mồm khoe mẽ, hoạch hoẹ:

Nghênh ngang đầu dọc trăm quan
Đỏng đảnh miệng khua chín bệ

Cụ xem bọn chúng như cây bần chẳng có sức chống đỡ nhà lớn mà lại vênh váo làm dáng, chẳng khác gì loài cò, loài khỉ:

Quyến luyến bầy cò bay sập sận
Chiêu qui bầy khỉ tới vần lân

Cụ cũng đã sát cánh cùng Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt tấn công tới tấp, vạch mặt tên phản nước Tôn Thọ Tường bằng những vần thơ đanh thép, rực lửa:

                               Hùm nương non rậm đang chờ thuở
                               Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
    
Nhưng phải tới bài Ai xui Tây đến, chất thép trong thơ Bùi Hữu Nghĩa mới phát nổ như đại bác bắn vào thực dân Pháp và bọn tay sai:

                                Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
                                Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba
                                Hẳn hòi ít mặt đền nợ nước
                                Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà.
                                Đá sắt ôm lòng cam với trẻ
                                Nước non có mắt thấy cho già
                                Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa
                                Báo quốc cần vương dễ một ta?

                                   (Đăng trên Mítsơlavê của Pétrutký – Sài Gòn 1889)

Bài thơ đã được dịch ra tiếng Pháp làm cho kẻ thù ăn không ngon ngủ không yên một thời. Ai khiến thằng Tây tới vậy cà? là một câu hỏi tu từ không cần trả lời mà người đọc vẫn tìm ra kẻ cõng rắn cắn gà nhàrước voi dày mả tổ chính là Nguyễn Ánh và triều đình nhà Nguyễn tham sống sợ chết. Phái chủ hòa chiếm số đông trong triều do Tôn Thọ Tường cầm đầu, cùng với vua Tự Đức luôn luôn sợ sức mạnh của Chủ nghĩa tư bản phương Tây. Quan lại thì Hẳn hòi ít mặt đền nợ nước / Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà. Bọn mũ cao áo dài ấy Khi bình làm hại dân ta / Túi tham mở rộng chẳng tha miếng gì / Đến khi hoạn nạn gian nguy / Mặt trông ngơ ngác chân đi gập ghềnh (Chính khí ca – vô danh).
    
Sau năm 1867, cả Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước cũng phải than vãn:

                                      Than ôi lục tỉnh Nam Kỳ
                            Ngàn năm cơ nghiệp còn gì nữa không?

Nhưng người trung nghĩa ở Nam Kỳ không phải ít, mà sau này họ đã tập hợp lại thành phong trào tỵ địa rồi phong trào cần vương yêu nước. Lúc bấy giờ vua Hàm Nghi mới 12 tuổi, Tôn Thất Thuyết đứng đầu phái chủ chiến, đề xướng phong trào này. Cụ Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa đã tự hỏi mình mà cũng là kêu gọi những sĩ phu giàu lòng nghĩa khí:

                                          Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa
                                          Báo quốc cần vương dễ một ta?

Cụ vẫn hy vọng một ngày kia sẽ có một vị minh lương tập hợp phong trào, rửa nhục cho nước. Dù tuổi đã cao, Cụ vẫn dốc lòng báo quốc:

                              Hùm nương non rậm đang chờ thuở
                              Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.

Và tin tưởng mãnh liệt:

                            Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
                            Đâu để giang sơn đến nỗi này?     

                                                    (Thời cuộc)

Ước mơ cháy bỏng tâm can của Cụ là nước nhà được độc lập, người dân được sống thanh bình:

                         Nước non ví mà như cũ được
                         Trong tuần say mãi sướng hơn không?

Nếu chất thép trong thơ Cụ luôn loé sáng, rực lửa thì chất tình càng chứa chan hơn. Hai yếu tố ấy luôn hòa quyện vào nhau trong trái tim của người nghệ sĩ- chiến sĩ. Trong thơ Bùi Hữu Nghĩa có tiếng thét căm hờn quân cướp nước, lũ bán nước, và có cả tiếng khóc xót thương cho những người dân vô tội bị giết hại trong những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bài Quá Hà Âm cảm tác là tiếng lòng của Cụ trước những đống xương vô định, những vũng máu bầm ứ, vẽ nên bức tranh ảm đạm, dật dờ có sức cảm thông lớn, sức tố cáo cao tội ác dã man do quan quân triều đình nhà Nguyễn gây ra (Thời Minh Mạng – Thiệu Trị):

Mịt mù mây đen kéo tới sầm
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm 
Đống xương vô định, sương phau trắng
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy
Đèn trơi leo lét dặm u lâm
Nghĩ thương con tạo sao dời đổi
Dắng dỏi đêm trường tiếng dế ngâm.

Với bài thơ này, Cụ như một chứng nhân của lịch sử. Bài thơ là bức tranh tang thương, trời không trăng sao, tối sầm, chỉ có mây đen mịt mù, từng cơn gió thổi xoáy, một bãi tha ma khổng lồ với ánh sáng leo lét của đèn trơi (dân gian thường gọi là ma trơi). Những đống xương vô tội trắng phau, cỏ cây trong màn đêm như được nhuộm thắm bằng những vũng máu bầm thâm. Đó là vũng máu phi thường của nghĩa quân và của những người dân vô tội bị sát hại, mãi mãi mang màu sắc ảm đạm của cõi u lâm. Đó là bản cáo trạng quan quân triều Nguyễn, và cũng là nỗi lòng xót xa đau đớn của trái tim nhân đạo cao đẹp của Cụ.

Bùi Hữu Nghĩa không những là người chiến sĩ hết lòng vì dân vì nước, mà còn là một người chồng rất mực thủy chung, người cha thương yêu con vô hạn. Ở chùm thơ Vịnh ngũ luân có bài Phu- Phụ nói về quan hệ vợ chồng. Tác giả đã không xếp thứ bậc theo đạo Nho quy định kiểu tam cương, ngũ thường, mà xếp Phu (vợ) lên trước Phu (chồng), đủ thấy sự tôn trọng của Cụ đối với người phụ nữ. Cụ có một quan niệm tiến bộ về đạo vợ chồng là phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, và gắn bó thuỷ chung:

                        Khi nghèo đồng chịu, giàu đồng hưởng
                       Kết tóc trăm năm mới đặng lòng.
     
Ở vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, Cụ đã ngợi ca Kim Ngọc, bộc lộ tình thương, lòng biết ơn đối với vợ là Vô Hà, đã chăm sóc mình lúc ốm đau và nuôi mình ăn học:
    
Thương những vợ phong tư, gặp lúc chồng tật bệnh / Hổ bấy mặt dày mày dạn, tiếc thay mình ngọc vóc ngà… / Hổ phận chồng khó nổi cầm lòng, thương thân vợ càng thêm hổ mặt / Chừng ấy dầu an vóc ngọc, ơn kia đáng đúc nhà vàng.

Hình bóng của Vô Hà và Kim Ngọc đã in đậm nét vào mối tình sâu nặng của Cụ với vợ là bà Nguyễn Thị Tồn.
     
Bà Tồn cương trực nghĩa khí, thương chồng con hết lòng. Khi Cụ bị kết án tử hình ở vụ Láng Thé, bà Tồn đã lặn lội ra tận triều đình Huế để gióng trống kêu oan ở tòa Tam Pháp. Mẹ vua Tự Đức là Thái hậu Tù Dũ đã cảm động và tặng bà bốn chữ Liệt phụ khả gia. Vua Tự Đức đã xóa án tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa, giáng chức, đày đi làm lính thú ở biên thùy An Giang. Khi về tới nhà, bà Tồn đã bệnh nặng và mất. Bùi Hữu Nghĩa đã viết những lời văn đầy nước mắt qua đôi câu đối thờ vợ, vừa ca ngợi công đức của bà Tồn vừa xót xa ân hận với mình:
    
Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ. Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông cười phận tớ làm chồng
    
Ở bài Văn tế vợ lời lẽ chứa chan nỗi đau và tình đằm thắm thiết tha. Ông hết lời ca ngợi tính nết của vợ hiền:
    
Ăn ở kiệm cần, giàu không khoe, khó cũng không dua, mua nghĩa chác nhơn, trước chẳng phai, sau chẳng lạt, hoặc “Chồng vợ đều không cha mẹ, em luống thân phận lẻ loi / Cậu cô hòa cửa anh em, tình vui thuận lời không chếch mác”.
   
Tiếng khóc vừa ai oán vừa như ghen với đất trời:
   
Đất chẳng phải chồng, sao gởi thịt xương cho đặng / Trời không mất vợ, thử xem gan ruột làm sao?.
    
Tai ương liên tiếp đến với Bùi Hữu Nghĩa, thật phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Đứa con gái đầu lòng Bùi Thị Xiêm mất tại Phước Long lúc mới ba tuổi, đứa con trai thứ hai là Bùi Hữu Vàng cũng không nuôi được. Lúc ông lâm nạn đứa con trai thứ ba Bùi Hữu Tú mới chín tuổi, bà Tồn phải gởi người thân là ông Quản Kiệm trông nom để bà ra Huế kêu oan cho chồng. Cụ đã nêu được hoàn cảnh ấy trong bài tế:

Con chín tuổi thơ ngây, một bóng em bao đành nhắm mắt tầm tiên / Chồng trăm bề lo lắng một mình, bậu bao nỡ sắp lưng cỡi hạc … Đêm khuya hãy nâng niu một trẻ, nghĩ từ con ruột tợ kim châm / Ngày ra vào vắng vẻ không em, nhớ từng chặng gan dường muối xát.

Ba năm sau, khi Cụ ra thăm mộ vợ, vẫn cảm thấy như bà ở đâu đây:

                           Đã chẵn ba năm mới đặng thăm
                           Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm
                           … Có linh chín suối đừng sao lãng
                           Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm.    

                                             (Đề nhà mộ vợ)
      
Khi con gái mất, Cụ cũng có một bài văn tế thấm đẫm nước mắt và lòng tiếc thương:
     
Thảo với cha, lành với mẹ như bát nước ỷ không xao / Ra cùng xóm, ở cùng làng, ước hột cơm đà chẳng cắn / Chị hay niềm, em hay nở, ai mà chẳng dấu chẳng yêu / Ăn bữa trước, lo bữa sau, mẹ đà khỏi dò, khỏi dặn.

Và đây là lời thầm thì như tiếng nói giữa hai cõi âm dương của người cha nói với con:

Đường ra lối vào còn đó, con đi đâu cho cỏ mọc xanh / Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng?

Với hai bài văn tế vợ và con, cùng với Quá Hà Âm cảm tác cũng đủ thấy cái tình vời vợi của Cụ với người thân và với mọi kiếp người.
     
Được đào tạo từ nơi cửa Khổng sân Trình, nhưng ở Bùi Hữu Nghĩa không có sự tôn thờ hai chữ trung quân một cách mù quáng. Trong thơ Cụ, ta không thấy có chỗ nào gắn đất nước với vua chúa và nhà nước phong kiến, mà chỉ nói đến trách nhiệm của mình trước vận mệnh dân tộc, như các bài: Thời cuộc, Tức sự, Ngọa bệnh, Ký thá, Ai xui Tây đến?… Bùi Hữu Nghĩa cũng không coi phụ nữ là nữ nhi thường tình như một số bậc túc Nho khác. Qua một số bài văn tế và vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên ông đã ngợi ca thiên chức của người vợ, người mẹ, người em gái.

Đối với việc học tập, Cụ luôn khuyên học trò:

                             Dẫu có ruộng vườn năm bảy mẫu
                             Sao bằng kinh sử một đôi pho.

Đặc biệt Cụ xác định cho họ một thái độ học tập đúng đắn, tránh lối học thụ động, nhồi nhét, tránh xa mọi sự quyến rũ khác:

                             Có công đi học phải lo toan
                             Chơi bời hoa nguyệt đừng mơ tưởng
                            Học hỏi vàng thau phải đắn đo.

Với đạo quân thần Cụ quan niệm:

                           Minh lương hai chữ vầy trên dưới
                           Nước trị, nhà an, bốn biển vui.

Đạo cha con phải:       Cha lành, con thảo tiếng thơm còn.

Đạo vợ chồng phải:    Khi nghèo đồng thực, giàu đồng hưởng
                                Tình nghĩa trăm năm ở hết lòng

Đạo anh em phải:      Sanh cùng một cội, cùng xương thịt
                                Sống thác nương nhau, cứng vực mềm

Đạo bằng hữu phải:  Dàm dáo nương nhau ở lấy tình
                               … Giúp lời nhân nghĩa tiếng càng xinh.

Đối với đời, Cụ luôn ấp ủ hy vọng:

                         Mong ước non sông như thuở trước
                        Đất trời say ngất một tao ông    

                                             (Tức sự)

Với triều đình, Cụ là một vị quan thanh liêm chính thực. Với dân tộc, Cụ là một công dân yêu nước, luôn lấy dân làm gốc. Với gia đình, Cụ là một người cha kính mến, người chồng thủy chung. Với bạn be, anh em, Cụ là một người bạn tốt, người anh hiền, người em quý. Tấm lòng trung nghĩa của cụ như phơi ra giữa trời đất, đúng như một vế câu đối ở mộ Cụ: Trung can đồng ái quốc, nghĩa khí hiệp ưu gia.
     
Cụ Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa đã trở thành hào khí Đồng Nai, là Rồng vàng của đất Chín rồng, là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Người thi sĩ – chiến sĩ ấy bằng lưỡi gươm và ngòi bút lông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, là một nghệ sĩ lớn trên nhiều lĩnh vực: nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn, nhà soạn tuồng, nhà giáo, nhà thuốc… Tất cả nghị lực và tâm hồn của Cụ vằng vặc sáng ngời hai chữ Trung Nghĩa.
     
Thơ văn của Cụ mang hơi thở của vùng sông nước Cửu Long, thấm đượm chất dân gian với nhiều thành ngữ, tục ngữ được dùng rất sáng tạo:

                  Mụ lớn đừng nói ớt nói tiêu
                  Dì nhỏ chớ cà riềng cà tỏi
              … Những tưởng thuốc linh thời đã lạt
                 Hay đâu nước lã khuấy nên hồ
    
                                  (Kim Thạch Kỳ Duyên)

Hay:  Miệng hùm hay nói liếngan sứa đã chạy ngay.

Rất nhiều điển tích, điển cố của Trung Hoa đã được Cụ Việt hóa theo cách cảm, cách nghĩ của người Nam Bộ. Đối với tục ngữ, thành ngữ có khi Cụ dùng nguyên vẹn, có khi tách ra một vế xen vào lời văn : Ngọn đèn gió bạt, Dầu dãi nắng mưa, ăn cần ở kiệm, giàu không khoe, khó không đua, ruột tợ kim châm, gan dường muối xát, gió nữ, mưa ngâu… Đôi khi Cụ còn vận dụng lối lẩy Kiều hoặc lối kể chuyện dân gian, vừa đọc vừa kể Vân Tiên. Từ câu Kiều của Nguyễn Du: Kiều càng sắc xảo mặn mà / So bề tài sắc lại là phần hơn, thì Cụ viết ở bài Vịnh Kiều:

                             Nghĩ Thúy Kiều tài sắc kém chi ai
                             Sắc có một mà tài biết mấy?

Chính vì thế mà thơ văn của Bùi Hữu Nghĩa có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ.
         
Đã hơn một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Cụ ra đi, những vần thơ và tấm lòng trung can nghĩa hiệp của Cụ vẫn chói sáng, thúc giục bao thế hệ cầm bút, cầm súng và để lại cho chúng ta nhiều bài học làm người. Phần mộ của nhà thơ từ năm 1872 đến nay đã được trùng tu bốn lần, bất chấp sự dòm ngó của kẻ thù trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1942, 1964, 1975, 1987). Bia đá cũ còn nguyên hàng chữ: Đại Nam – Hiển Khảo giải nguyên Bùi phủ quân chi mộ. Tết vu Nhâm Thân niên, chính nguyệt, niệm nhất nhật – Nam Bùi Hữu Tú kính lập. Trước mộ Cụ có đền thờ ghi hai chữ lớn làm bài vị: Trung Nghĩa. Năm 2011, TP Cần Thơ đã xây dựng lại khu tưởng niệm mới trên nền khu mộ cũ mở rộng, với tổng kinh phí gần 58 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Nhà thờ khu mộ; khu trưng bày, nhà bia; nhà khách, nhà làm việc; sân đường nội bộ, cây xanh, hoa kiểng, nhà nghỉ chân và một số hạng mục phụ trợ khác. Riêng khu nhà thờ khu mộ códiện tích lên 960m2. Công trình hoàn thành trước ngày giỗ lần thứ 140 của Cụ (21/1 âm lịch - 2012).
         
Nhớ tới Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là nhớ tới Rồng vàng của đất Cửu Long, nhớ tới người chiến sĩ đi tiên phong trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp bằng ngòi bút và bằng hành động thiết thực. Chất thép và chất tình luôn thấm đẫm trên mỗi trang thơ, trang đời của Cụ.

LÊ XUÂN
Nguồn: NVTPHCM

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM – THÊM NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI

Điều quan trọng là cuốn sách cho thấy văn chương ở vùng đất phương Nam này tuy từ lâu không còn là “vành đai trắng” trong học thuật, nhưng vẫn còn những khoảng trống kêu gọi sự đầu tư tâm huyết và công sức của giới nghiên cứu,…
GS Huỳnh Như Phương

Khi những lưu dân người Việt mở mang bờ cõi và khẩn hoang ở miền Nam, có lẽ họ không hình dung rằng cùng với những cánh đồng, những vạt rừng, những dòng kênh mà họ khai phá, còn có những trầm tích tụ lại dưới bề sâu văn hóa mà mãi nhiều thập niên sau mới dần hiển lộ. Xa rời gốc tích từ miền Bắc, những “người dân ấp dân lân” miền Nam để lại trên dấu chân của họ những sản vật tinh thần mang vết tích của một vùng thung thổ mới mà giá trị của nó không phải một sớm một chiều đã được khẳng định.

Như một biểu hiện của đặc trưng văn hóa và tính cách con người phương Nam, những sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ la-tinh hóa ra đời trên vùng đất này, sau một thời gian bị chìm vào quên lãng, dần dần được sống lại trong sự hồi phục của ký ức tập thể. Công lao về mặt này trước hết thuộc về những nhà khảo cứu cần mẫn và nghiêm túc, theo đuổi không mệt mỏi việc sưu tầm, lưu giữ, phẩm bình những giá trị của văn học Nam Bộ và bắc những nhịp cầu giữa trăm năm lịch sử của nó với con người đương đại: Đông Hồ, Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Khuê, Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Q. Thắng, Hoài Anh, Hồ Sĩ Hiệp…

Sự kế tục của lịch sử được nhận thấy qua sự tiếp nối thế hệ tiền bối đó của những nhà nghiên cứu ở thời hậu chiến: Nguyễn Mẫn, Tôn Thất Dụng, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Kim Anh, Võ Văn Nhơn, Cao Xuân Mỹ, Trần Nhật Vy… và sau họ là lớp người trẻ tuổi hơn nhưng niềm say mê và ý chí khoa học không hề thua kém: Lê Quang Trường, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, Lưu Hồng Sơn, Nguyễn Thị Phương Thúy…

Như vậy, phó giáo sư tiến sĩ Võ Văn Nhơn và thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, hai tác giả của cuốn sách này có thể xem là người thuộc hai thế hệ nghiên cứu đang thao tác trên mảnh đất văn chương phương Nam, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giữa họ có khoảng cách về tuổi tác, về nguồn đào tạo, lẫn về thị hiếu thẩm mỹ; đồng thời cũng có những điểm chung: niềm xác tín về phẩm chất và giá trị của văn chương phương Nam, tinh thần khách quan, sự cẩn trọng trong khoa học và ý thức trách nhiệm của người dạy học trước sự thật lịch sử mà mình muốn khẳng định và truyền đạt.

Chính những điểm chung đó đã kết nối 25 bài viết trong tập này thành một tập hợp có cùng chủ đề. Các tác giả khiêm tốn gọi đây là “một vài bổ khuyết”. Nhưng là người từng đọc một số bài đã đăng báo và nay đọc toàn bộ bản thảo, chúng tôi nhận thấy ở đây không chỉ có sự “bổ khuyết” mà còn có cả sự “đính chính” và sự “khám phá” nữa.
Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết

Trước hết, cuốn sách này góp phần bổ khuyết tư liệu cho một công trình văn học sử Việt Nam thế kỷ 20 toàn vẹn mà nay vẫn còn là mơ ước của học giới. Đó là việc miêu tả hoạt động và vai trò của những tờ báo ở miền Nam đã góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc: Gia Định báoThông loại khóa trìnhNông cổ mín đàmLục tỉnh tân vănPhụ nữ tân vănĐông Pháp thời báoCông luận báoSống… Đó là sự giới thiệu những nhà văn một thời làm xao động văn đàn Nam Bộ nhưng thành tựu chỉ mới được nhắc thoáng qua trong các công trình khảo cứu trước đây: Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Biến Ngũ Nhy, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Thế Phương, Phan Thị Bạch Vân, Trúc Hà, Lư Khê, Vũ Anh Khanh… Đó là việc trình bày bức tranh dịch thuật và phóng tác đầy màu sắc của tiểu thuyêt Trung Hoa và tiểu thuyết Pháp ở Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Đó là việc khảo chứng một khối lượng tác phẩm lớn thuộc nhiều thể loại và thể tài khác nhau đã xuất hiện trong đời sống văn chương Nam Bộ: thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết trinh thám… Tất nhiên, không phải các tác giả của cuốn sách này là những người đầu tiên đề cập đến các hiện tượng văn học nói trên (những tờ báo, những tác gia, những thể loại…), nhưng có thể khẳng định họ có những thông tin cập nhật để bổ khuyết vào bức tranh toàn cảnh của văn học Nam Bộ.

Hệ quả trực tiếp của sự “bổ khuyết” với những thông tin được kiểm chứng là những “đính chính” về văn học sử mà cuốn sách này mang lại. Để có những chi tiết được đính chính như vậy, các tác giả đã không quản công đi về các miền xa vùng đồng bằng Nam Bộ, đến các thư viện ở Hà Nội, thậm chí đến thư viện Quốc gia Pháp ở Paris và thư viện gia đình giáo sư Nguyễn Văn Sâm ở California để tiếp cận các nhân chứng, sưu tầm và kiểm tra tư liệu, đối chiếu với những thông tin phổ biến lâu nay. Hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết những chi tiết mới xác minh trong cuộc đời nhiều sóng gió của Trúc Hà, Lư Khê, Vũ Anh Khanh… Sau cuốn sách này, chắc chắn những người viết văn học sử Việt Nam sẽ không còn nhìn nhận Nam Kỳ địa phận như một tờ báo Công giáo thuần túy và sẽ không tường thuật nội dung và cấu trúc tác phẩm Hà Hương phong nguyệt, cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên về chủ đề tính dục ở nước ta, như đã làm lâu nay nữa.

Một cuốn sách mới làm được hai việc trên đây kể ra cũng đã xứng với công sức của các tác giả và đáng được ghi nhận. Nhưng đóng góp của cuốn sách này không dừng lại ở đó. Từ những “bổ khuyết” và “đính chính” kể trên, các tác giả đã đi xa hơn trong những khám phá về đặc trưng và bản sắc của văn chương Nam Bộ. Thật thú vị khi đọc những đoạn người viết so sánh tiểu thuyết hành động ở Nam Bộ với tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa và tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Nói về mối quan hệ của văn chương tranh đấu miền Nam với văn chương Tự Lực văn đoàn, các tác giả có một nhận xét thuyết phục: mặc dù trái ngược về quan điểm xã hội và quan điểm nghệ thuật, tiểu thuyết Nam Bộ sau 1945 vượt lên tiểu thuyết ở cùng địa bàn trước 1945 về nghệ thuật khắc họa tính cách và phân tích tâm lý nhân vật là nhờ có ảnh hưởng của Nhất Linh và Khái Hưng. Kết thúc bài viết công phu này, các tác giả nhận xét: “Nhiều nhà văn Nam Bộ tuy trực tiếp chê bai tính lãng mạn của tiểu thuyết nhóm Tự Lực, nhưng văn chương của họ vẫn phảng phất vẻ thướt tha, yêu kiều của chính văn đoàn này và nhân vật của họ cũng có những nỗi niềm sầu muộn, vương vấn như các nhân vật nam thanh, nữ tú ra đời từ những năm 1930”. Những thông tin văn học từ cuốn sách này gây nên cảm nhận rằng trong những năm kháng chiến chống Pháp, tính chất tranh đấu của văn xuôi miền Nam, kể cả trong những đô thị do Pháp chiếm đóng, dường như mạnh mẽ hơn văn xuôi miền Trung và miền Bắc, đồng thời số lượng tác phẩm về mặt này cũng đa dạng hơn. Mối giao lưu văn học giữa đô thị và vùng kháng chiến dường như cũng thuận lợi hơn. Đáng tiếc là những cơ hội lịch sử này đã bị bỏ lỡ mà lịch sử đã không ghi nhận và cắt nghĩa thỏa đáng tình hình đó.

Nói về những “khám phá” của cuốn sách này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai bài viết về những cây bút trẻ và “văn học thị trường” ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bài viết này thật ra đã vượt xa khỏi khuôn khổ của văn học Nam Bộ để liên hệ và bàn luận đến những vấn đề thời sự của văn chương đương đại. Có thể nói các tác giả cuốn sách này đã trở thành “tri kỷ” của những cây viết trẻ hiện nay qua những dòng viết về họ: “… người trẻ mang những đặc trưng vừa cởi mở nhưng vừa cực đoan, vừa độc lập nhưng lại vừa dễ dao động, vừa đấu tranh cho tự do lại vừa sợ nỗi cô đơn mà tự do mang đến. […] Nghịch lý là càng được tự do lựa chọn thì người ta càng không chọn được, vì khi ấy họ phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình mà không thể đổ lỗi cho ai”. Ủng hộ “văn học mạng”, các tác giả cũng điềm tĩnh chỉ ra giới hạn của nó trong điều kiện xã hội hiện nay: “Các tác phẩm văn học mạng đúng nghĩa, tức là sáng tác và đăng tải trực tiếp trên mạng, có tương tác với độc giả, vẫn đang ngậm ngùi ở vị trí văn chương ngoại biên. Ngôn từ kỹ thuật và ngôn từ internet tràn vào sáng tác của các nhà văn trẻ nói chung như một tất yếu của thời đại. Lối diễn đạt của các tác giả có khuynh hướng đơn giản hơn, câu văn ngắn hơn và ít hình dung từ hơn”.

Chủ kiến và cái nhìn dân chủ của các tác giả cuốn sách càng bộc lộ rõ hơn qua bài viết “Văn học thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Bài viết này vốn là một tham luận gây chú ý ở Hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: thực trạng và triển vọng” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức ở Hà Nội tháng 5-2015, sau đó trở thành một gợi ý cho Hội thảo “Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn” do Viện Văn học tổ chức, cũng tại Hà Nội, tháng 8-2016. Vượt qua những định kiến về “văn học thị trường”, một mặt, các tác giả tỏ ra không đồng tình với việc “bên trong định ngữ ‘thị trường’ ẩn chứa một thái độ kỳ thị, một cảm xúc tiêu cực, dù người sử dụng nó có thể không nhận ra”, đồng thời việc đặt nghệ thuật tinh hoa vào thế đối lập với nghệ thuật thị trường “vô tình ngụ ý rằng nghệ thuật tinh hoa không cần thị trường tiêu thụ”. Mặt khác, các tác giả tỏ ra nhạy bén khi cho rằng “khái niệm ‘văn học thị trường’ ở Việt Nam, tuy có những điểm không hợp lý về mặt từ ngữ […], nhưng lại tỏ ra rất hiệu quả trong việc khu biệt những sáng tác đại chúng ngày nay với sáng tác phục vụ đám đông thời kỳ trước Đổi mới”. Biện giải cho văn học thị trường, một nhận định về hiện tượng văn học có tính xã hội này có thể phản bác những cách nghĩ giản đơn và thậm chí, hời hợt: “Người ta lo lắng giới trẻ chìm đắm trong thị hiếu tầm thường, thấp kém, nhưng người ta cũng quên mất rằng không phải chỉ riêng giới trẻ, mà ở bất cứ lứa tuổi nào, số đông vẫn là những người không chuyên nghiệp, vì vậy không thể đòi hỏi họ đọc và yêu thích những thứ mà chỉ những người chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức và kỹ năng tương ứng, mới có thể quan tâm”. Và câu văn kết luận này phải chăng cũng là một câu văn có sức nặng: “Văn chương lúc nào cũng lâm nguy, lúc nào cũng có vẻ như đang đứng trước bờ vực của tha hóa, nhưng nếu nó không thay đổi thì mới chính là lúc nó lâm nguy nhất”.

Gợi ra nhiều hứng thú, cuốn sách này, vốn là tập hợp những bài viết trong những thời gian khác nhau, hẳn cũng chưa làm vừa lòng tất cả những bạn đọc có tính đòi hỏi cao. Một vài chân dung văn học còn sơ lược. Một số vấn đề lịch sử và lý thuyết gây tranh cãi cần được lý giải sâu sắc và thỏa đáng hơn. Điều quan trọng là cuốn sách cho thấy văn chương ở vùng đất phương Nam này tuy từ lâu không còn là “vành đai trắng” trong học thuật, nhưng vẫn còn những khoảng trống kêu gọi sự đầu tư tâm huyết và công sức của giới nghiên cứu, trong đó có chính các tác giả - những người đã “đăng ký” nghề nghiệp của mình gắn với một nguồn mạch tinh thần phong phú luôn chờ đợi được tiếp tục khám phá.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG



[1] Lời tựa sách Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy, NXB Tổng hợp, TP. HCM, 2016.


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

NHÀ VĂN ĐOÀN THẠCH BIỀN: NGƯỜI CỦA MIỀN ÁO TRẮNG

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền

1. Chiều Sài Gòn. Tháng Mười một. Nắng thảnh thơi trên tán lá khế nơi quán Ruốc của nhà văn Mường Mán. Tôi, nửa hồi hộp nửa hân hoan xen lẫn ngượng ngùng và pha thêm chút hiếu kỳ, bởi ngay trước mặt là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Dù trước đó 5 tháng, tôi cùng với đông đảo cộng tác viên của tập san Áo Trắng đã gặp ông, khi ông ra dự Festival Huế lần thứ 5. Lần ấy tôi chỉ dám kính nhi viễn chi. Ông hiện hữu đấy mà như… cao lắm và xa lắm.

Trong trí tưởng của tôi không nghĩ có ngày được ông mời đi nhậu. Tôi, đang mon men đâu đó ngoài rìa văn chương, tập tành vài ba truyện ngắn, lại được nhà văn gạo cội, ông chủ của vựa văn chương tuổi mới lớn, theo cả nghĩa sản xuất lẫn đào tạo, mời nhậu, thì hỏi sao không bất ngờ?! Đấy là câu chuyện của 8 năm về trước, khi tôi đang lơ ngơ chân ướt chân ráo ở chơi Sài Gòn, chờ ngày về Bà Rịa - Vũng Tàu dạy học. Sau này mới biết, chuyện Đoàn Thạch Biền chủ động gặp gỡ các cây viết trẻ để tiếp lửa cho ngòi bút của họ là việc làm thường xuyên của ông.

Lý lịch trích chéo của nhà văn Đoàn Thạch Biền đọc lên nghe rất… "Bắc Trung Nam sum họp một nhà, cao nguyên và biển gần xa đã từng". Thì đấy, ông sinh ở Nam Định, học tiểu học ở Hội An, học trung học ở Đà Nẵng, học đại học Văn khoa ở Sài Gòn, dạy Triết học ở Bình Thuận, làm nông dân trồng dâu ở Lâm Đồng, làm công nhân rồi làm báo Người lao động ở TP. Hồ Chí Minh.

Tiểu sử văn học của ông cũng gay cấn không kém. Viết văn, xuất bản sách, từng đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975 về kịch bản sân khấu với tên Nguyễn Thanh Trịnh. Hàng loạt tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, chỉ cần đọc tựa thôi đã đủ sức gây tò mò cho bạn đọc mới lớn, từ "Ví dụ ta yêu nhau" đến "Bất ngờ phía trái tim", "Đừng đốt cháy bông hồng", rồi "Những ngày tươi đẹp", "Mùa hè khắc nghiệt", và "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", "Tình nhỏ làm sao quên"…

Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên chạm vào thế giới văn chương Đoàn Thạch Biền. Huế buổi chiều năm hai đại học, mây bàng bạc gió lơ đễnh như chở nguyên vẹn sắc diện lưu cửu của mảnh đất cố đô, tôi bắt gặp tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" ở sạp sách báo cũ quen thuộc bên đường Nguyễn Trường Tộ, đối diện căn gác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm xưa, giờ gọi là gác Trịnh, nơi lưu niệm cố nhạc sĩ. Tập truyện từng được NXB Bạn Ngọc in năm 1974 tại Sài Gòn này được NXB An Giang in lại vào năm 1989 trong tình trạng không còn bìa. Bữa ấy, đêm đến, tôi bập vào 14 ví dụ về tình yêu, tức 14 truyện ngắn trong cuốn sách. Vừa đọc vừa cười, khi tủm tỉm khi phá lên thành tiếng, đến mức cậu bạn cùng phòng phải lại đặt tay lên trán xem tôi có bị làm sao không?

Không. Tôi chẳng sao. Đơn giản chỉ là tôi "phản ứng" với giọng văn nhẹ nhàng, đối thoại của các nhân vật dí dỏm, thông minh pha chút triết lý trong văn Đoàn Thạch Biền mà thôi. Cả cách ông cho nhân vật xưng "ông" và "em" nữa, là lạ, ngỡ xa mà lại gần, gợi khiêu khích. Kiểu xưng hô này, ở văn chương miền Nam trước đây, một vài tác giả khác cũng có dùng. Nhưng sau này chỉ còn thấy trong văn chương Đoàn Thạch Biền. Rõ ràng. Nhất quán. Mặc nhiên, người đọc xem như đây là dấu hiệu để nhận biết văn chương ông.
Xuyên suốt từ tập truyện đầu tay đến các tác phẩm sau này, dù cho bản thân tác giả phải lăn lộn thích ứng với nhiều môi trường sống khác nhau bởi sự biến thiên của thời cuộc, thì văn chương Đoàn Thạch Biền vẫn son sắc thủy chung một mực giành cho tuổi mới lớn. Như ông nói: "Đấy là những năm tháng yêu thương tưởng chừng như mộng ảo, nhưng cơn ngầy ngật đắm say vẫn còn rung động suốt đời người". Và ông tin đời sống hiện nay vẫn cần những rung động đó. Thực tế khẳng định điều ông nói là đúng, bởi tác phẩm của ông vẫn được các NXB và Công ty sách lâu lâu lại tái bản.

2. Không chỉ bạn đọc nhắc nhớ, Đoàn Thạch Biền còn được các thế hệ viết từ 7X trở về sau nhắc nhớ. Thập niên 90 thế kỷ trước là thời kỳ nở rộ văn chương tuổi mới lớn được viết bởi chính các cây viết tuổi mới lớn. Từ cái nôi của bút nhóm "Hương đầu mùa" báo Hoa học trò, bút nhóm "Vòm me xanh" báo Mực Tím và "Gia đình Áo Trắng" của tập san Áo Trắng. Trong đó Áo Trắng với sự "đỡ đầu" của NXB Trẻ, là tập san văn chương thuần túy duy nhất, do nhà văn Đoàn Thạch Biền làm chủ biên, với lượng phát hành lên tới 3 vạn bản/ số/ tháng.

Áo Trắng len lỏi tới hầu hết các địa phương, cùng với đó là mô hình "Gia đình Áo Trắng", nơi quy tụ các cây viết trẻ. Sinh hoạt rôm rả. Không khí văn chương thấm đẫm vào mỗi tâm hồn mộng trắng trong. Thời ấy, Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" được ký bởi giám đốc NXB Trẻ có giá trị tương đương như Thẻ sinh viên hay Chứng minh thư nhân dân, bởi có thể cắm Thẻ thành viên "Gia đình Áo Trắng" để… ăn cơm bụi như thường. Chính lò văn chương Áo Trắng này là nơi khởi đầu của nhiều nhà văn/ nhà thơ/ nhà báo 7X thành danh hiện nay, hoặc chí ít cũng có thời gian họ "gian díu", như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, v.v… Không ít người vẫn vẹn nguyên thổn thức khi nhớ lại những lá thư tay của nhà văn Đoàn Thạch Biền đong đầy tâm huyết, khích lệ động viên để họ dấn bước vào thế giới chữ nghĩa nhiều mê hoặc xúc cảm nhưng cũng đầy trở trăn mệt nhọc.

Rồi cơn bão thông tin của thế kỷ 21 ập đến, các loại hình giải trí "ăn nhanh" khác lên ngôi. Văn chương bị lấn át. Các bút nhóm lay lắt dần tan rã. Duy tập san Áo Trắng là vẫn được Đoàn Thạch Biền kiên tâm chăm chút. Áo Trắng chuyển "mẹ đỡ đầu" từ NXB Trẻ sang Báo Tuổi Trẻ rồi lại trở về NXB Trẻ. Chắc chỉ Đoàn Thạch Biền mới có đủ uy tín và "được thương" để làm nổi những cuộc thiên di ấy. Nhờ vậy, thêm hàng loạt các cây viết trẻ 8X, 9X được Áo Trắng và Đoàn Thạch Biền điểm tên, đẩy vào đường băng con chữ. 

3. Đoàn Thạch Biền có thể từ chối các cuộc gặp gỡ ở đâu đó không biết, riêng với các bạn viết trẻ tôi chưa thấy ông chối từ bao giờ. Áo pull đóng thùng với quần jean. Mái tóc bum - bê kiểu Beatles 45 năm trước luôn đen nhánh. Ông trẻ trung phó mặc thời gian. Không tin được đấy lại là hình ảnh của người sinh sau nạn đói Ất Dậu có 3 năm, 1948. Thi thoảng, giữa các cuộc ồn ào ông hay ngồi lặng lẽ, nhả hơi thuốc và nhìn lơ đãng. Nếu ai đó mượn vài ly mà bốc quá, đi hơi xa… sự thật, ông chỉ khẽ cười hấc lên cái rồi thôi. Khi ấy, chẳng hiểu sao, tôi lại thấy rõ nhất một người học Triết ở ông.

Và trong các cuộc vui văn nghệ, Đoàn Thạch Biền khi bắt buộc phải đóng thế vai nhà thơ lại khiến nhiều người giật mình và tủm tỉm. Thơ ông như văn ông vậy. Liên tưởng lạ. Cách diễn đạt lí lắc. Thông minh. Ví như: "Em vô tư, tôi vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình", hay "Em đơn giản hóa mọi điều/ Em đơn giản quá làm nhiều người đau", rồi "Cám ơn em yêu lòng vòng/ Giúp tôi quanh quẩn đời rong rêu thừa", hoặc "Mưa nhòe chiều Chủ nhật/ Qua sông. Thứ Hai rồi/ Ở vòm trời sáng đó/ Mưa cũng vừa quên tôi".

Có độc giả hỏi Đoàn Thạch Biền, rằng ông tâm đắc với tác phẩm nào của mình nhất? Ông bảo là "Ví dụ ta yêu nhau", tập truyện đầu tay, nó giống như mối tình đầu đã mất. Tuy còn ngây ngô vụng dại nhưng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên. Còn hỏi bạn đọc tâm đắc với tác phẩm nào của Đoàn Thạch Biền, phần đa nhận được câu trả lời là truyện vừa "Tình nhỏ làm sao quên". Chính từ truyện này Đoàn Thạch Biền chấp bút thành kịch bản phim truyện video cùng tên được Hãng phim Giải phóng sản xuất với đạo diễn Lê Hoàng Hoa (đạo diễn series phim "Ván bài lật ngửa") đã giành 2 huy chương vàng tại Liên hoan phim lần thứ 9 (1993), và là bệ phóng để diễn viên nữ chính Mỹ Duyên từ diễn viên múa bước vào làng điện ảnh, nổi tiếng cho đến nay.

4. Vài năm trở lại đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền còn được biết đến là người cùng với nhà văn Nguyễn Đông Thức thực hiện chương trình từ thiện Mô - tô học bổng. Hai nhà văn "già gân" này tự bỏ tiền túi và kêu gọi bạn hữu ủng hộ, rồi chạy mô - tô đi trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần thêm các Mạnh Thường Quân, thêm bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ, chương trình từ thiện khởi đi từ các tỉnh miền Tây, sang các tỉnh miền Đông, rồi lên Tây Nguyên, ra miền Trung và vươn xa tới cả Tây Bắc.

Vậy là, sau các trang văn giành cho lứa tuổi áo trắng, sau tập san văn chương Áo Trắng, Đoàn Thạch Biền lại cùng người bạn văn chương của mình viết tiếp giấc mơ đến trường cho các em tuổi áo trắng. Dường như, ông là người của miền Áo Trắng!

VĂN THÀNH LÊ
Nguồn: VNCA

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG NHẬN GIẢI THƯỞNG VỚI BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ

Tập trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được UBND TPHCM trao Giải thưởng VHNT TP.HCM 5 năm lần thứ II.

Nếu như lần thứ I giải thưởng này chỉ trao cho văn xuôi thì lần thứ II có 3 tập thơ được vinh danh, trong đó trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng nhận giải 3 còn 2 tập thơ của hai nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và Trần Hữu Dũng nhận giải khuyến khích.
Nhà thơ Phan Hoàng và trường ca Bước gió truyền kỳ
Điều này cũng có nghĩa Phan Hoàng là tác giả thơ đầu tiên nhận giải cao nhất của giải thưởng danh giá thành phố lớn nhất phương Nam, do một Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo với sự tham gia thẩm định của các chuyên gia VHNT đầu ngành. Kể từ khi trường ca Bước gió truyền kỳ được xuất bản đầu năm 2016 đến nay đã có mấy mươi bài viết nghiên cứu về nó. Sau đây chúng tôi ghi lại một số nhận định đáng chú ý.

Nhận định về trường ca Bước gió truyền kỳ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN có sự đồng cảm: “Khi nào những ngọn gió còn thổi trên đất đai này thì những bài ca bi tráng về lịch sử của dân tộc còn vang mãi trong tâm hồn chúng ta. Và Bước gió truyền kỳ của thi sĩ Phan Hoàng đã dẫn tôi đi theo một con đường riêng của nó”.

Đạo diễn, nhà thơ Văn Lê trong lời mở đầu trường ca này của nhà thơ Phan Hoàng thì phát hiện rằng: “Khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca là anh có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử.

Anh đã khéo léo kéo xa về gần, đưa cội nguồn về với hiện tại. Cả tập trường ca là một câu chuyện truyền kỳ về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề mà anh đặt ra trong thơ luôn làm cho người đọc phải thảng thốt, giật mình”.

Nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh từ Quảng Bình đã viết: “Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng (NXB Hội Nhà văn 2016) là trường ca trữ tình hiện đại, đậm chất suy tưởng. Ngoài phần mở đầu và phần vĩ thanh, tập thơ có 3 phần với sự kết hợp ngẫu hứng, trùng điệp, đan xen những câu thơ ngắn dài.

Trong đó, gió là hình tượng xuyên suốt, làm nền/điểm tựa cho cảm xúc thơ. Hình tượng gió vừa cụ thể vừa khái quát, đi về giữa quá khứ và hiện tại, thực và mộng, hôn phối với cảm hứng, niềm tự hào, tôn vinh lịch sử hào hùng của dòng giống Lạc Hồng từ những ngày đầu dựng nước, giữ nước, biến chuyển qua mấy ngàn năm cho đến hôm nay. Theo đường gió dẫn dụ, không gian thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ được nới rộng đến vô cùng”.

Ở góc độ nhà nghiên cứu chuyên sâu, PGS.TS Cao Hồng ở Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Trong tập trường ca của Phan Hoàng, gió là một sinh thể tự nhiên, hiện diện trong không gian rộng lớn, từ thuở hồng hoang, sơ khai của lịch sử đến thời kỳ giữ nước dựng nước.

Nhưng gió ở đây không đơn thuần là một tín hiệu tự nhiên mà đã trở thành một tín hiệu nghệ thuật, thẩm mỹ. Gió là hiện thân tiếng nói của nhà văn, cất giữ những vẻ đẹp nguồn cội, những thăng trầm của đất nước”.

Còn nhà văn Trần Nhã Thụy ở TPHCM lại khẳng định: “Một nhà thơ mà không có giọng riêng, e rằng đã thất bại ngay từ khi "thử giọng".

Với Phan Hoàng, tôi thấy anh có một giọng thơ hào sảng rất riêng, nó như được nuôi dưỡng hun đúc từ nắng gió sông Ba - Phú Yên quê anh; từ những trang sử Việt mà Phan Hoàng nhuần nhuyễn từ thời tuổi trẻ. Gió muôn đời là gió nhưng đã là gió thì phải mới; "bước gió" của Phan Hoàng rất mới. Xin chúc mừng thành công mới của con đường sáng tạo Phan Hoàng".
Nhà thơ Phan Hoàng (giữa) nhận Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II

Từ phố biển Đà Nẵng, Tiến sĩ Hoàng Hường của Đại học Duy Tân cảm nhận: “Từ nghìn năm trước và mãi đến tận bây giờ vẫn vậy, truyền thống hào hùng của một cộng đồng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước đã đi vào Bước gió truyền kỳ như một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ngọn gió vô danh được tạo thành từ sinh khí đất trời, từ hào khí dân tộc, từ cội nguồn lịch sử, từ bước chuyển lưu dân, từ nỗi niềm trăn trở của tâm hồn mỗi người hòa cùng hơi thở thời đại. Có dân tộc nào tồn tại, phát triển mà không chất chứa trong nó những nhọc nhằn, thăng trầm cay đắng - dân tộc Việt, con người Việt cũng vậy.

Song Phan Hoàng đã đưa người đọc đồng hành, hóa thân vào bước gió, “lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc/ uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm/ dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người” để rồi hun đúc trong họ tình yêu quê hương ngày càng nồng cháy, thắm thiết và khát vọng vào một nước Việt sẽ mãi “vượt thoát sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên”.

Nhà thơ Đặng Huy Giang nổi tiếng giỏi thẩm định thơ của Hà Nội thì viết: “Xét về mặt nội dung, trường ca “Bước gió truyền kỳ” thực chất là một tráng ca. Còn xét về mặt hình thức, trường ca “Bước gió truyền kỳ” rất mở.

Mỗi khúc, mỗi đoạn của nó có thể đứng độc lập, những một khi được kết nối, nó tạo ra sự gắn kết, sự tiếp nối. Theo tôi, đây chính là đóng góp của Phan Hoàng về mặt thi pháp cho thơ nói chung và thể loại trường ca nói riêng trong thi ca Việt Nam hiện đại”.

Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang của Đại học Quảng Bình đã đi xa hơn: “Điểm bắt đầu của thơ anh là thơ mới, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại và điểm dừng chân hiện tại là trường ca. Biết đâu từ trường ca, nhà thơ trong hành trình ngược lối lại về với lục bát, tứ tuyệt… mà vẫn không hề xưa cũ. Lối đi ngược của anh không giống ai nhưng đã giúp anh có con đường đi riêng vào lâu đài văn học.

Con đường ấy vẫn còn nhiều ngã rẽ. Và mỗi lần dẫn dụ người đọc rẽ lối là mỗi lẫn nhà thơ vẫy gọi người đọc chú ý hơn trong lộ trình đi tìm bí mật ẩn giấu trong tác phẩm của anh. Đây là điều cần thiết đối với nhà thơ ở Việt Nam hiện nay một khi không muốn mình thành người nhả chữ quen thuộc, sáo mòn.

Ngược lối như chính tác giả đã viết: Đôi lúc ta gặp trên đường những chàng trai phi ngựa như bay, đôi khi ta gặp những cô gái rực rỡ yếm đào chít khăn mỏ quạ, họ ngược thời gian đi về phía giấc mơ cháy bỏng xuân thì.”

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan liên tưởng: “Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng gợi lên dáng vóc một vở kịch-múa hiện đại về hình thức biểu hiện. Toàn bộ dựa trên tính tượng trưng cao, cho dù, tất nhiên, bút pháp mô phỏng anh hùng ca cổ điển ở đây không hề là một bút pháp tượng trưng.

Tính tượng trưng bao trùm đó là bởi ý niệm khởi hứng của tác phẩm này: ý niệm về “gió” như là một trung giới cho linh hồn và cũng là một “trường” mang chứa những linh hồn.

Nhà phê bình, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền nhìn nhận: “Bước gió truyền kỳ cũng kết hợp nhiều thể loại: thơ và văn; có thơ tự do và thơ lục bát; xen kẽ đoạn dài, đoạn ngắn… Bên cạnh những từ ngữ cổ kính, tác giả cũng sáng tạo nhiều cách diễn đạt mới mẻ để “hội nhập” với thời công nghệ:

một chuyến tàu lênh đênh
vượt thoát những cơn đại hồng thủy lập trình
nhiều đêm trầm tư uống ánh sao khuya
nối mạng
hóa ngọn gió phần mềm...

Sự kết hợp nhiều loại giọng điệu, thể văn, từ ngữ có tác dụng làm cho bản trường ca tránh được sự đơn điệu. Nhờ vậy, bạn đọc vẫn không bị nhàm chán khi dõi theo hành trình của ngọn gió lang thang suốt 90 trang sách, từ cổ đến kim, từ Bắc vào Nam…

Trải qua bao thử thách của thời gian, không gian và thăng trầm lịch sử, “Bước gió truyền kỳ” vẫn khỏe khoắn, mặc sức tự do “lang thang cùng chim muôn bình đẳng diễn ngôn đại ngàn”…”

Nhà báo Phan Thuỷ của Đà Nẵng cũng đã viết: “Phan Hoàng từng tâm sự, lớn lên trong ngọn gió Tuy Hòa, gió luôn ám ảnh trong anh. Với thi nhân “gió biểu tượng cho sức mạnh, sự kiên trì, tình yêu mạnh mẽ”.

Đọc Bước gió truyền kỳ, độc giả như cuốn theo đường đi biến hóa vi diệu của ngọn gió, lúc trầm hùng sử thi, lúc trầm lắng suy tư đến xót xa, lúc ào ào như thác đổ, lúc réo rắc như cung đàn…

Cũng nói về nỗi đau, sự biệt ly do chiến tranh gây nên, nhưng nỗi đau trong Bước gió truyền kỳ không mang dáng vẻ bi lụy, uất hận mà giàu đức hy sinh, sự nhẫn nại, kiên trì. Nỗi đau ấy mang tính nhân văn, lòng bao dung, vị tha của một dân tộc vì chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh gây ra nên rất hiểu cái giá của sự hòa bình, luôn mong mỏi được sống trong hòa bình, bình yên”.

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Vũ Tiềm cũng khái quát: “Lại nhớ tập thơ của Phan Hoàng xuất bản 4 năm trước có tên Chất vấn thói quen (được Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM), càng thấy rõ sự nhất quán trong quan điểm nghệ thuật của anh: dứt bỏ thói quen cũ, đổi mới thi pháp thơ.

Là trường ca ôm trùm vấn đề rộng lớn nhưng anh không sa đà vào kể và tả mà coi trọng nghĩ và cảm; mỗi phần hay toàn cục, anh không kết thúc đóng mà kết thúc mở. Đó là những yếu tố chủ yếu của thi pháp mới. Phan Hoàng bắt nhịp với sự chuyển đổi ấy một cách thanh thoát và hiệu quả.

Trường ca thường có nhân vật, nhưng Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng không mượn một, hai nhân vật lịch sử cụ thể nào mà anh lấy sinh thể gió, vừa hiện hữu vừa mơ hồ; vừa hiu hiu vừa bão táp; vừa quá khứ vừa hiện tại làm “nhân vật” chính là một sáng tạo độc đáo, mới mẻ”.

Nhà thơ Trần Hoàng Vy của Tây Ninh cảm thức rằng: “Lịch sử ẩn mình vào thơ mà tâm sự, dòng cảm xúc cứ bật ra, để những đồng cảm lan tỏa vào những con tim cùng nhịp đập quê nhà... Bước gió chính là bước chuyển mình của lịch sử, không vần vè hóa mà là thi ca hóa những hình tượng lịch sử, là thông điệp nhắc nhở mọi người về bản chất con người yêu nước, ngoái nhìn cội nguồn để trân trọng:

“Thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm/ thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích/ thức dậy ước mơ khí phách cha ông/ Ước mơ bao dung tình sông/ ước mơ hiên ngang dáng núi/ ước mơ ủ mầm khí thiêng/ bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên/ âm vang bước gió truyền kỳ”.

CHÂU THANH
Nguồn: Báo Đất Việt


BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...