Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Tuyển thơ Châu thổ
Mỗi lần nghe Nguyễn Quang Thiều nói chuyện, chuyện văn
chương bay bổng hay chuyện đời phàm tục, người ta lại bị thuyết phục bởi chất
giọng trầm âm vang của ông, tưởng như được nghe tiếng nước vang vọng và mãnh liệt
đang ngập tràn trên châu thổ sông Hồng. Quả thực, ông mang trong mình nội lực
viên mãn của đất đai làng Chùa, ngôi làng thơ bên bờ sông Đáy mà ông yêu bằng tất
cả cuộc sống và thơ ca của mình. Có cảm giác như, thế giới thơ của ông, mênh
mông và siêu thực, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ “nhịp điệu châu thổ mới” của
ngôi làng này, của bờ sông Đáy này, và từ thị xã Hà Đông (cũ) của ông.
1. Trong thời kỳ đổi mới, những biến động phức
tạp của đời sống xã hội đã dẫn tới sự đổi thay trong quan niệm thẩm mỹ. Với cảm
hứng và tư duy nghệ thuật mới, thơ có điều kiện đi sâu, khai thác nhiều khía cạnh
của đời sống. Chất ảo của thơ sau thời kỳ đổi mới chủ yếu được khai thác ở
phương diện đời sống tâm linh. Thế giới tâm linh trong thơ hiện đại thể hiện rõ
qua những tác phẩm tiêu biểu như: Một chấm xanh (Phùng Khắc Bắc), Bên
kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Người hái phù dung (Hoàng
phủ Ngọc Tường), Dâng mẹ (Dương Kiều Minh), Chùm mơ
tiên cảm (Nguyễn Linh Khiếu),Lam Chướng(Nguyễn Bình
Phương), Những khối hình câm (Vân Long), Bóng núi (Ngô Quân Miện)...
và những tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Là một trong những nhà thơ giữ vị trí tiên phong trên
hành trình cách tân thơ Việt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại vươn tỏa ngòi bút
của mình tới thế giới tâm linh - vùng miền thẳm sâu của tâm hồn để cất lên vẻ
huyền diệu của cuộc sống và khẳng định những khả năng kỳ diệu của thơ ca, những
sứ mệnh cao cả của thơ ca trong thế giới hiện đại. Thiên chức của thi ca được
Nguyễn Quang Thiều khẳng định đó chính là sự giải phóng hiệu nghiệm nhất những
bế tắc của đời sống con người, giúp con người khám phá những vẻ đẹp bí ẩn của đời
sống. Những chuyến đi kỳ vĩ hướng về miền tâm linh đã mở ra trong thơ Nguyễn
Quang Thiều một không gian nghệ thuật đầy hư ảo và vẻ đẹp của cuộc sống được
ánh lên màu sắc huyền thoại. Ngay cả nhan đề bài thơ dường như cũng toát lên những
màu sắc nghi lễ thiêng liêng: Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Gọi hồn,
Sám hối, Điều thiêng, Lời cầu nguyện, Thánh ca tĩnh lặng, Lời trăn trối của
tương lai, Lễ tạ, Nhịp điệu châu thổ mới, Thay lời cầu nguyện...
2. Hướng về miền
tâm linh trong Châu thổ, người đọc sẽ cảm nhận thấy những vẻ đẹp riêng trong tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều: “Nguyễn
Quang Thiều lắng nghe những đổ vỡ sâu sắc trong đời sống tâm linh văn hóa trước
mỗi bước đi của kỷ nguyên đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ðến nỗi, có cảm
giác như thi sĩ cảm nhận được những
cái chết đang thấm vào trong từng tế bào đời sống”. Luôn trăn trở về sự suy kiệt
của cõi thế trong xã hội hiện đại, Nguyễn Quang Thiều trải rộng tâm tưởng
qua những trang thơ nhằm hướng tìm một đức tin đối lập với thế giới trần tục đầy
dục vọng mưu mô và tội lỗi.
Trở về với thế giới tâm linh thanh khiết là khát khao thường trực trong thơ Nguyễn Quang Thiều bởi
đời sống hiện đại cùng với nền văn minh vật chất là sự suy thoái trầm trọng:
“Trước trái đất đang nóng lên từng độ
Và trái tim con người cứ lạnh dần đi”
(Đêm gần sáng)
Thế giới hiện
thực trong cái nhìn của nhà thơ là thế giới hỗn tạp, xô bồ với những Cánh đồng bị thương, nhữngCơn mưa
hoàng hôn ngạt thở:
“Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh
tật kéo dài
Hoàng hôn xấu xí
Ngũ cốc đang ngập
mình bởi cơn ho hóa chất sặc mùi”.
(Lời cầu nguyện)
Thành tựu văn
minh vật chất với: xa lông, ti vi, khách sạn, điện thoại, kế hoạch công việc...
hiện lên trong Châu thổ gắn đầy những dự cảm về việc đánh mất những giá trị đời
sống tinh thần thiêng liêng của con người trong thế giới hiện đại. Thế giới ấy
nhiều khi chính nhà thơ cũng phải thốt lên những lời tự vấn “Đời sống chúng ta
đang sống có thực là đời sống không?”, “Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết”:
“Vào lúc ban mai anh sẽ ra đi khỏi thế gian này,
chuyến đi kỳ vĩ
Cờ sẽ rực rỡ biết nhường nào, âm nhạc sẽ tinh khiết
đến nhường nào
Giống cậu bé ham chơi trốn cha mẹ ra khỏi giường
ngủ, anh đi bằng cách nhón chân của mèo hoang
Và cúi xuống bên em đang thiếp ngủ, thì thầm
anh nói:
Đời sống này đôi
lúc buồn hơn cái chết”.
(Buồn hơn cái chết)
Trở về với đời sống tâm linh, trở về cội nguồn là sự trở
về với những giá trị vĩnh cửu để xa rời cuộc sống ồn ào, vội vã của nền văn minh
hiện đại, là sự kiếm tìm trạng thái bình yên, đối lập trạng thái bất an, khiếp
sợ trước cái hỗn loạn của xã hội công nghiệp.
3. Trong thơ
Nguyễn Quang Thiều, màu sắc nghi lễ thiêng liêng của đời sống tâm linh không gắn
với tôn giáo nào và không xa lạ với con người. Theo nhà thơ, đức tin về những
điều thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người sẽ khiến cho chúng ta nhận ra rằng thế
giới xung quanh tràn ngập những điều thiêng:
“Nhưng lúc này một bóng người cúi xuống bên chúng
ta phả hơi lửa trong tiếng thì thầm:
- Còn một hạt giống
là còn cánh đồng
- Còn một giọt nước
là còn dòng sông
- Còn một người
có đức tin là cả thế gian được cứu rỗi”
(Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ)
Trong tản văn
Có một kẻ rời bỏ thành phố, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Ngôi đền
hay ngôi chùa thiêng duy nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người.” (tr.36),“Khi chúng ta ngăn chặn mọi
cuộc chiến tranh, hủy diệt mọi hận thù, khi chúng ta chia sẻ và yêu thương con
người và thiên nhiên một cách chân thành, khi chúng ta luôn luôn mỉm cười với
người bên cạnh, khi chúng ta thấy ngập tràn hạnh phúc mỗi lúc chìa bàn
tay nhân ái về phía những số phận khổ đau... thì ngay lập tức thiên đường tràn
ngập ngay nơi ta cho dù đó là một
căn phòng chật trội và treo nhiều quần áo cũ”. (tr.19).
Sự linh thiêng qua cái nhìn của nhà thơ là cái được hiện lên ngay từ những điều bình
dị nhất của đời sống. Đó là vẻ đẹp của: ban mai, ngôi sao, áng mây, cánh đồng,
bãi cát, vòm cây, ngọn gió... Thiên đường trong thơ Nguyễn Quang Thiều đó chính
là vẻ đẹp trinh nguyên của cuộc sống vĩnh hằng:
“Những xôn xao lùa
qua hơi ẩm
Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mù sương
Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm
Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng
Ơi... ơi... ơi, những con đường thân thuộc
Như những ngón tay người yêu lùa mãi vào
chân tóc
Ai gọi đấy, ai đang
cười khúc khích
Tôi lách mình qua
khe cửa, ơi... ơi...”
(Ban mai)
Những cảnh vật
làng Chùa và hình ảnh những người thân yêu luôn trở đi trở lại trong Châu thổ và những sáng tác khác của
nhà thơ. Đặc biệt là hình ảnh của bà nội với những câu chuyện bà kể liên
miên trên giường bệnh trong suốt bốn
năm. Không chỉ kể về bà mà còn nói về những câu chuyện ám ảnh, trực tiếp
hoặc gián tiếp liên quan đến đời sống tinh thần của người đã trở thành nguồn
sáng tạo tinh thần trong thơ Nguyễn
Quang Thiều: “Chân dung của bà tôi được xây dựng lên bằng tiếng nói của người,
đã tồn tại trong tôi mọi chiều của không gian, thời gian và ở mọi tầng
suy ngẫm của tôi”.
Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều được biểu hiện qua ký ức tuổi thơ của nhân vật “Cậu bé”. Những cơn mê trong tâm
trí của cậu bé là kỷ niệm về cố hương, về những câu chuyện cổ tích, những câu
chuyện thần linh ma quỷ. Ký ức về đám ma của bà nội, ký ức về những người thân yêu đã mất hiện lên trong
tiềm thức của nhà thơ như một niềm
ám ảnh mơ hồ:
“Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn
mê
Những con rồng gỗ vảy vàng bay lên trong tiếng
kèn, tiếng trống
Con nhón gót, cỏ may biền biệt trắng
Có ai khẽ khàng bế mãi con lên
Con muốn lẩn vào
khăn áo đám ma quê
Con muốn đắp lên cơn
ho của con tàn hương thơm và ấm
Con nhìn thấy bà nội mặc áo tơ
tằm ngồi giữa ngàn ngọn nến
Bà rót một bình nước mưa trong để đợi con về”
(Âm nhạc)
4. Chiều sâu
tâm linh trong thơ Nguyễn Quang Thiều được thể hiện qua những giấc mơ đầy nhân
bản luôn khao khát kiếm tìm một thế giới thanh khiết và bình an. Thơ Nguyễn Quang Thiều xuất hiện đậm đặc những
cụm từ “bên kia”. Đây là một cách nói, một cách tư duy mới gọi sự mơ hồ, sự vô
tận, vừa gần gũi vừa bí ẩn, gợi lên cho người đọc những liên tưởng vô tận. Nó
không phải là bờ bên kia của một dòng sông hiện hữu trong giới hạn của đất
trời. Nó chính là “bờ ta” nhưng lại
tồn tại trong cõi mông lung mà ta cần phải soi rọi, phải hướng đến trong tiếng gọi tha thiết từ cõi
lòng mình:
“Dù thế nào tôi vẫn
muốn hát lên một bài ca. Bởi sự ra đi của chúng đẹp làm sao, như
một cơn mơ, như một đêm vũ hội.
Con ốc sên cuối cùng đã bò qua bức tường
bao quanh vườn cũ mốc. Cái chóp vỏ cuối cùng đã khuất phía bên kia”.
(Chuyển động)
“Tôi phải tới những
vụ gieo trồng của cánh đồng bên kia
Bên kia, những lưỡi
cày đang được đất dạy dỗ
Bên kia, những nông dân quỳ sụp nghe đất đặt tên
Bên kia, những hạt giống được tắm rửa và đặt vào võng
cỏ”
(Điều
thiêng)
Cảm hứng thi ca trong thơ Nguyễn Quang Thiều được chuyển đổi qua mỗi tập thơ cũng chính là hành trình
trở về miền đất thánh của cái tôi trữ tình. Chiều sâu tâm linh trong thơ Nguyễn Quang Thiều là hành trình
đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống, là hành trình hướng tìm một đức tin đối lập với thế giới trần tục đầy mưu mô, dục vọng
và tội lỗi, là hành trình hướng về
nguồn với ký ức tuổi thơ sáng
trong và thánh thiện...
NGUYỄN THỊ LOAN
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét