Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

DÒNG THƠ VĂN THANH TÂM TUYỀN

Nhìn lại thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong Guernica của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. Dù sao ông đã mở ra những chân trời mới và cách tân quan niệm thi ca.

***

Câu thơ, bài thơ mới, đọc qua thấy ngay. Câu văn, cuốn truyện mới, khó nhận ra hơn. Người bình luận phải phân biện: mới so với cái gì, và mới ra sao. Nhưng điều cụ thể nhất lại là: người đọc đương thời có nhận ra nét mới ấy không?

Thưa rằng có. Nhà văn Nguyễn Quốc Trụ, 1973, trên báo Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền đã dẫn, có một bài viết căn cơ trình bày giá trị, nghệ thuật và tính chất súc tích của truyện Bếp lửa, 1957. Ông trích dẫn cặn kẽ nhiều văn bản, nhiều tham khảo, để lại một chứng từ chính xác[2].

Tôi còn một chứng từ riêng: bạn tôi là Đinh Ngọc Mô, nhiều người biết vì có thời phụ trách mục Đố vui để học trên truyền hình Sài Gòn, quen nhau từ 1965 tại Đà Lạt, gặp lại nhau 1970 tại Paris. Lúc ấy, Mô sống vất vả, lang bang, đi đàn hát trong các nhà hàng Việt Nam để mưu sinh. Một tối về khuya, dọc Boulevard des Italiens, Mô đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe những trích đoạn dài của Bếp lửa mà anh tâm đắc và cho là tân kỳ. Thuộc thơ Thanh Tâm Tuyền đã là khó, thuộc văn xuôi lại không dễ. Vắng tin nhau khá lâu, có người mách là Mô đã qua đời, đã tự tử bên Canada. Tôi không muốn tin, nhưng mỗi lần mở truyện Bếp lửa, là tôi tìm lại những đoạn Mô đã đọc, cho đến bây giờ sách đã vàng ố, tả tơi, rách nát như cuộc đời của chúng tôi. Trước khi kể lại chuyện này, tôi rà lại tin tức, thì bè bạn bốn bể năm châu đều xác nhận chuyện buồn. Mà tôi vẫn chưa tin, và muốn hỏi Mô: Mô ơi, thật à? Cậu ấy vui tính, hay đùa.

Bạn đọc cho là tôi lạc đề. Thân tình thì biết tôi chỉ mới lạc dòng, lạc giọng, mà không lạc đề.

***

Tiềm năng độc giả thời đó là học sinh trung học: sinh viên đại học chưa nhiều. Và chúng tôi thiếu sách để đọc. Văn chương quốc ngữ thời đó, bỏ ra một kỳ nghỉ hè, có thể đọc hết toàn bộ.

Sách Tự Lực, Vũ Trọng Phụng thì đọc cả rồi… Các tác gia ở lại miền Bắc ít được tái bản. Và chúng tôi khao khát cái mới, các truyện ngắn của Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Thao Trường. Những “Chiếu hoa cạp điều, với Hương gió lướt đi. Thậm chí, chúng tôi còn bất công với cái cũ: tạp chí Văn hoá Ngày nay của Nhất Linh bán chạy được hai số, rồi thôi. Đoán già đoán non: các vị Đinh Ngọc Mô, Nguyễn Quốc Trụ, cũng như tôi, đã đọc Bếp lửa trên ghế trường trung học, trước khi hư thân mất nết ở nơi khác.

Bếp lửa là một truyện vừa, vừa một trăm trang. Thanh Tâm Tuyền viết liền mạch, rất nhanh, trong vài tháng, xong tháng 10-1956, đưa đi kiểm duyệt và xuất bản ngay[3]. Không có độ lùi để sửa chữa. Sau này, khi tái bản, ông muốn sửa chữa, nhưng không làm được và viện dẫn Malraux: người ta không viết lại được một cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn Đại lộ, nội dung na ná, in lại trong tập truyện Khuôn mặt, 1964.

Truyện được viết từ ngôi thứ nhất tôi. Người kể, tôi tên Tâm, cùng tên với tác giả, đi dạy học tại một trường Công giáo tại Bắc Ninh, còn tác giả dạy tư thục ở Hà Đông, khoảng 1952.

Tuy nhiên Bếp lửa không phải là tự truyện, đại khái như tác phẩm Kẻ dưng, l’Etranger của Albert Camus, bắt đầu bằng câu nổi tiếng: Hôm nay mẹ tôi mất, nhưng chính bà mẹ Camus lại sống lâu hơn tác giả. Trong Bếp lửa, Tâm mồ côi bố từ nhỏ, sau đó mồ côi mẹ, trong khi bà cụ tên thật là Thạch Thị Kim thọ rất lâu, ở Long Khánh. Tính cách mồ côi ở đây là một ẩn dụ, như ở Kẻ dưng hay Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu sau này.

Không phải là tự truyện, nhưng Bếp lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève, 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật: ông Chính, đảng viên Quốc dân Đảng, còn hoạt động; Bảo có tham dự phong trào Ngũ xã nhưng nay đã tuyệt vọng; Đại say đắm chủ nghĩa mác-xít và chuẩn bị ra khu; Hoà nhân viên Phòng nhì; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc… Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm; Hạnh; Thịnh vào ra giữa hai vùng… Còn Tâm? Anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Kẻ dưng: không biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, ngạc nhiên một chút rồi rửng rưng ngay. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết… Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say” (tr. 90).

Trong thế giới ấy, quan hệ tình cảm cũng mong manh, sắc sắc không không, như giữa Tâm và Thanh, một cô em họ, cũng mồ côi cha mẹ. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa cúng tôi không đáng kể (…) nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả” (tr. 12).

Quan hệ tính dục cũng nhẹ nhàng thôi. Tâm gặp lại Hạnh, một cô bạn học cũ, đi cùng một chuyến xe chở hàng từ Bắc Ninh về Hà Nội. "Đến Hà Nội, mưa lớn hơn, chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau. Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn" (tr. 72). Chấm dứt chương 4. Bước sang chương 5: "Tôi có cùng về Hà Nội với Hạnh một vài lần. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự đe doạ của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (…). Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường, Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Có một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng nói: Anh có khinh em không?" (tr. 76).

Dĩ nhiên là các vị Nam Tào văn truyện kiêm Bắc Đẩu lịch sử sẽ có người bắt bẻ, hạch hỏi: chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, hay bảo vệ tự do, chỉ có kích thích tính dục người phụ nữ hay sao? Bếp lửa là một trước tác nghệ thuật, và Thanh Tâm Tuyền đã có lần nói: «Người nghệ sĩ đưa sinh mệnh mình để đảm bảo sự thành thật của tác phẩm», thì ắt không buồn quan tâm đến những vấn nạn ấy. Điều chúng ta ghi nhận là nét hững hờ, lãnh đạm của Tâm đã thổi dạt Bếp lửa trôi xa, không những với Dòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh mà còn xa với Khu rừng lau của Doãn Quốc Sỹ hay Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan đồng hội đồng thuyền.

Một thắc mắc, nhỏ thôi: không khí Hà Nội khoảng 1950-1952 nhất định phải khác xa không khí Sài Gòn 1970-1972. Nhưng về cơ bản, tâm lý thanh niên trí thức có khác nhau nhiều không?

Ngày nay, ngọn lửa chiến tranh vẫn còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới; và giữa tiếng kêu la thất thanh của trẻ con, vẫn có lời vinh danh Thượng Đế. Trong Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền đã viết «theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người và người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy (…) Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại» (tr. 67).

Tại Việt Nam, một dải đất còm cõi đau thương, năm 1956, một thư sinh mặt trắng, 20 tuổi, đã viết dõng dạc được một câu như thế, kể cũng là lời tiên tri lạ lùng và cao siêu đấy chứ?

***

Về phong cách, Bếp lửa là một tác phẩm làm mới văn chương chữ nghĩa theo nhận định của Nguyễn Quốc Trụ trong bài đã dẫn. Vậy mới, là so với cái gì, và mới ra sao?

Trong một bài viết tưởng mộ Nguyễn Đức Quỳnh, tác giả Thằng Kình, Thanh Tâm Tuyền 1974 đã viết: «Cùng với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt (…) Tôi không phải là người của một vài quyển sách. Trước và sau khi đọc Thằng Kình, Những ngày thơ ấu, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn Đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi».[4]

Một lời tình tự như vậy, ở một người ít tự sự như Thanh Tâm Tuyền là quý hoá, là một chìa khoá đưa ta vào thế giới tiểu thuyết, mối hạnh phúc đau đớn, bắt đầu từ Bếp lửa, rồi đến Khuôn mặt, Dọc đường, Cát lầy, Ung thư, Mù khơi, Tiếng động…

Đối với Thằng Kình (1942, Hàn Thuyên, Hà Nội), niềm ngưỡng mộ có lẽ dừng lại ở nội dung mới lạ của tác phẩm, thêm chút tình riêng với tác giả. Chứ nhân vật Kình, khỏe mạnh, tự tin, tích cực, rất xa với nhân vật truyện Thanh Tâm Tuyền; hành văn rậm rạp của Nguyễn Đức Quỳnh cũng xa với lối viết trần trụi trong Bếp lửa.

Gần nhau hơn là Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng viết năm 1938, khi 20 tuổi, như trường hợp Bếp lửa, dưới dạng tự truyện ở ngôi thứ nhất. Bằng giọng văn đơn giản, Nguyên Hồng kể lại tuổi thơ cơ cực, một cách thành thực, như chuyện người mẹ ngoại tình bị gia đình nhà chồng hắt hủi mà đứa con một mực yêu thương. Nhưng cơ bản thì hai truyện khác nhau: Những ngày thơ ấu là tự truyện của một người, dĩ nhiên là mang nét xã hội; Bếp lửa là truyện một thế hệ thanh niên ưu thời mẫn thế, mang nặng chất trí thức và chính trị. Nguyên Hồng viết đơn giản, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những đoạn văn chương, ví dụ ngay ở chương I (Tiếng kèn): «Những buổi chiều vàng lặng lẽ… Buổi chiều nào cũng vậy…», không hề có trong Bếp lửa. Và trong một bài báo, «Nhân nghĩ về hội hoạ», 1956, Thanh Tâm Tuyền khước từ lối «văn chương có thể đặt tên là văn chương của bài tập đọc, luận mẫu cho học trò» (Văn 11/1973, tr. 78). Từ đó, đem Bếp lửa ra giảng dạy ở học đường là việc khó, vì khó tìm ra một vài trích đoạn tiêu biểu gọi là «trích diễm». Kinh nghiệm của tôi: yêu cầu sinh viên phải đọc toàn bộ tác phẩm, rồi đưa ra những chủ đề tổng hợp, về hình thức, nội dung. Ví dụ lối kể chuyện đơn tuyến, một mạch theo dòng thời gian, không một lần quay lại quá khứ – cho dù có rơi rớt một vài kỷ niệm – về người mẹ và bà ngoại. Lối dùng từ bình dị, ưu tiên cho từ đơn âm, ít từ kép, càng ít từ Hán - Việt. Lối đặt câu ngắn, có khi cụt ngủn, có khi lược từ. Câu văn cô đúc, có lúc khó hiểu, như là lời nói nén chặt nội tâm: «Một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh» (tr. 47). «Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội» (tr. 87). Câu được nhiều người nhắc: «Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ» (tr. 11). «Buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã» (tr. 28).

Nhưng nét mới quan trọng là không khí chung của toàn truyện Bếp lửa, không phân biệt nội dung, tư tưởng, hình thức, nghệ thuật và ngữ pháp. Thậm chí người đọc có thể hỏi: Bếp lửa, bếp lửa nghĩa là gì?

Với tôi, có lẽ thêm vài kẻ bạn, Bếp lửa là một bài hát.

Bài hát «chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với chính mình những phút cô đơn» [5] .

Có ai đó đã viết đâu đó về âm hưởng nhạc blues trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ biết ông đã thiết lập quan hệ mật thiết giữa các bộ môn nghệ thuật. Điều này, ngày xưa, nhóm Tự Lực đã làm, nhưng còn hời hợt, dù rằng nhà văn Nhất Linh, nhà thơ Thế Lữ, khởi đầu là những sinh viên trường Mỹ thuật. Thời đó, họ chỉ đặt những tác phẩm nghệ thuật bên cạnh nhau. Hoạ hoằn lắm mới có bài Nguyễn Tuân về tranh Nguyễn Phan Chánh. Ở Việt Nam, không có nhà thơ sành hội hoạ như Baudelaire, cũng không có tình bằng hữu giữa các nhà thơ như Aragon, Eluard với hoạ sĩ Picasso hay Chagall ở Pháp. Thanh Tâm Tuyền thật sự muốn bắc cầu giữa các bộ môn nghệ thuật, nhất là giữa thơ và hội hoạ, và thân thiết với các hoạ sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, bài «Nhân nghĩ về hội hoạ» viết năm 1956 - hai mươi tuổi - ông đề tặng ba người ấy.

Hoạ sĩ Thái Tuấn kể lại rằng trong một cuộc triển lãm năm 1958, ông có bức sơn dầu vẽ một người đàn ông đội mũ đeo ống sáo trên vai, chừng mực nào đó, là một chân dung tự hoạ; ông không biết đặt tên là gì. Thanh Tâm Tuyền đề nghị gọi là «Hoá thân», Thái Tuấn rất tâm đắc. Ý nhà thơ: anh vẽ cái gì thì cũng là hoá thân vào bức hoạ, tranh nào rồi cũng thành chân dung hoạ sĩ. Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ Thanh Tâm Tuyền mượn ý từ một tựa đề tiểu thuyết của Kafka. Đọc lại bài báo nói trên, tôi mới vỡ lẽ ông tham chiếu vào một chuyên khảo về nghệ thuật của Malraux Những hoá thân của Apollon-les Métamorphoses d’Apollon, 1951, và ông thường tâm đắc với Malraux.

Ông viết trong bài Nhân nghĩ về Hội hoạTôi công nhận nghệ thuật như một nghề như mọi nghề khác khi tôi hiểu rằng muốn làm được nghệ thuật người ta cũng cần học hỏi, luyện tập như tập sự bất cứ nghề gì. Đến đó thôi. Khi những nhà nghệ sĩ chân chính, để bảo đảm sự thành thực của tác phẩm, đã mang sinh mệnh chính mình ra thách đố, thì lúc ấy nghệ thuật không còn là một nghề nữa, nó là hành động siêu việt của nhân loại trong cuộc tìm kiếm đời sống chính đính» (Văn, số đặc biệt đã dẫn, tr. 78).

Đoạn trích văn này có thể tóm lược quan niệm và sự nghiệp văn thơ, nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, và làm kết từ cho bài này.

Chúng tôi gửi thêm vào đó niềm kính trọng và thương tiếc khôn nguôi với một Lòng Suối Trong Xanh đã lẫn sâu vào lòng đất, trở về cõi thuỷ chung. Một dòng thơ đời đời thao thiết nuôi dưỡng Tình Yêu và Quê Hương trong mỗi chúng ta, cho mỗi chúng ta, trong thân phận làm người, làm người trong hay ngoài đất nước, luôn luôn trong nhân loại.

Trong truyện Bếp lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi:

“Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng.

Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi.
Vô cùng Thanh Tâm Tuyền.
Thanh. Tâm. Tuyền.
Thanh Tâm
Tuyền.

Ngày giỗ Trịnh Công Sơn
Orléans, 01-4-2006
ĐẶNG TIẾN

______________________

[1] Thanh Tâm Tuyền, Văn, số 199, tháng 4-1972, Sài Gòn.
[2] Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền, tháng 11-1973, Sài Gòn. Nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư dự tính in lại nguyên văn số báo để tặng bạn đọc, liên lạc qua e-mail This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." target="_blank">tranhoaithu@verizon.net. Hoan hô Trần Hoài Thư.
[3] Thanh Tâm Tuyền, Bếp lửa, nxb Nguyễn Đình Vượng, 1957, Sài Gòn, Chúng tôi trích đoạn từ bản này.
[4] Thanh Tâm Tuyền, Văn, Giai phẩm, tháng 6-1974, tr. 21-22, Sài Gòn.
[5] Thanh Tâm Tuyền, «Buổi sáng ngoài bãi biển», trong Khuôn mặt, tr. 98, nxb Sáng Tạo, 1964, Sài Gòn.

Theo VHNA

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:




Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

NHÀ THƠ THANH THẢO VỚI “LOÀI THƠ QUÝ HIẾM”CÓ TÊN TRƯỜNG CA

Có lẽ khó mà có tác giả trường ca đương đại nào sánh được với nhà thơ Thanh Thảo về mặt bề dày sáng tác cũng như chất lượng của trường ca - một thể loại được coi là “loài thơ quý hiếm” cần đưa vào sách - đỏ - văn - chương. Cứ dăm năm miệt mài trong lặng lẽ, thể nào Thanh Thảo cũng lại có thêm một trường ca mới.
Nhà thơ Thanh Thảo

Trên con đường tìm kiếm cái mới, nhà thơ Thanh Thảo không bao giờ là người ngoài cuộc. Trong khi anh đang trăn trở thể nghiệm thì không ít người chỉ muốn anh quay trở lại với những giá trị đã làm nên tên tuổi của anh thời chiến tranh. Nhưng Thanh Thảo không chịu ngủ quên trên thành tựu của những giá trị cũ.

Bằng tài năng thơ và một nỗ lực không chịu bất lực của mình, mấy chục năm qua, Thanh Thảo vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng của một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc và mảng đời sống thơ đích thực trước đây anh chưa có thời gian khai phá. Tôi cho rằng trong con - người - thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo lớn luôn thôi thúc anh, luôn cày xới anh, luôn vắt kiệt anh ở những bến bờ mới.

“Chân đất” là trường ca thứ 10 của Thanh Thảo. Trường ca này độc đáo bởi nét nghĩ, nét suy tưởng, nét cấu trúc ngôn ngữ thi ca của riêng anh đã quật vác lên những nét thơ mới như những người nông dân tay trắng, chân đất ở Quảng Ngãi quê anh đã vác đá xây nên Trường Lũy tự thủa nào.

Không hiểu vì sao, tôi chợt liên tưởng, cái nguồn mạch trường ca dồi dào và sâu lắng của Thanh Thảo có thể cũng đã bắt nguồn từ mạch sống trường tồn của dãy Trường Lũy nơi quê hương anh vì “Địa linh thường sinh ra nhân kiệt”. Và, nếu không sinh ra ở miền đất nghèo khó mà quật khởi ấy, không được nuôi dưỡng bởi nhân dân hào hùng và đau thương ấy thì làm sao Thanh Thảo có thể viết được những trường ca như: “Những người đi tới biển”, “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Những ngọn sóng mặt trời”, “Khối vuông ru-bích”, “Đêm trên cát”, “Metro”…

Lần này, bằng trường ca “Chân đất”, Thanh Thảo đã hướng chúng ta vào một hệ - quy - chiếu thi ngữ mới với cấu trúc của các chương như các “Chân…Thơ” thật độc đáo, găm vào trí giác người đọc, từ “Chân tre” tới “Chân ruộng”, từ “Chân mưa” đến “Chân núi”, từ “Chân cò”, “Chân tháp”, “Chân mây” tới “Chân sóng”, “Chân lũy”.

Và, từ những đường nét kiến trúc khá đặc biệt ấy, anh dựng nên ngôi nhà trường ca “Chân đất” theo giọng điệu riêng mà Thanh Thảo dành cho tập thơ này: Uyên thâm mà phóng túng, dân dã mà hiện đại, tối giản mà sâu sắc, bình dị mà đa dạng… Nếu ở “Chân tre”, anh thầm gọi đất đai máu thịt: “Quê hương ơi làm sao tôi sống/ thiếu Người/ làm sao tôi thành một bóng cây/ nho nhỏ/ nếu trước nhà tôi, ngoài ngõ/ không rậm rì rậm rịt một bóng tre” thì ở “Chân ruộng”, anh phác thảo chân dung cuộc đời: “Người già quê tôi/ tuổi ngót trăm ngày tăm xị rượu/ lưng còng song song mặt đất/ dáng thảnh thơi như một chiếc tàu bay/ bay chậm chậm qua mây mù u uất”.

Khi ở “Chân mưa”, Thanh Thảo cảm nhận đau đáu về mẹ: “những dấu chân mưa bờ tre phấp phỏng/ bóng bóng phập phồng/ tôi ngồi nhìn mẹ tôi xay lúa/ tôi không biết và tôi không nghĩ/ đời mình như chiếc cối xay tre” thì ở “Chân núi”, anh lại thấm thía sứ mệnh của người cầm bút: “như người xuyên rừng nhãng bước chân đi/ cứ chăm chăm phát cây mở lối/ gánh nặng là chữ/ muỗi vắt là chữ/ mồ hôi là chữ/ đói bụng là chữ/ buồn vô ngôn”.

Nếu ở “Chân tháp”, anh ngược về những thế kỷ trước của văn hóa Chàm, để chiêm nghiệm cái đẹp: “tôi kính dâng lên tổ tiên mình/ chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân tháp/ cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm/ như tìm nơi trú ngụ/ lăn lóc tìm mênh mang vó ngựa/ lăn lóc tìm ấm êm bếp lửa/ lăn lóc tìm đức tin” thì ở “Chân lũy”, anh đã cùng người dân quê mình vác đá xây Trường Lũy: “Đá cõng đá cõng đá/ mồ hôi cõng mồ hôi/ tháng năm cõng tháng năm/ người cõng người/ xây nên Trường Lũy/ cùng mọi người tôi vác đá xây lũy/ cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua lũy/ cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi lũy/ chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành/ chúng tôi đếch cần hảo hán/ chúng tôi tươi vui bình thản/ dù chân lũy tới chân trời/ xa lắc chơi vơi”.

Đặc biệt, ở “Chân sóng”, những câu thơ đau đớn của Thanh Thảo như những vết bầm giập trên cơ thể  đất nước làm chúng ta xúc động: “lặng im như đá mồ côi/ họ dạy anh tình yêu không lời/ không thể thiếu Hoàng Sa/ không thể sống thiếu biển/ anh yêu biển mà anh đứng trên bờ/ anh yêu nước mà không biết bơi/ làm sao anh hiểu/ có những người lính đảo/ trần lưng trước mưa đạn quân thù”.

Trong cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, có khi người làm thơ cảm thấy mình đang bay vào cái vùng bóng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối - sáng ấy, chúng ta sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, về thời gian, về sự tồn tại của con người. Và ở trong vùng tối thẳm sâu vô thức ấy, những câu thơ chợt đến như một giấc mơ và một mình nó làm một cuộc viễn du vượt ra khỏi mọi thể chế về ngôn ngữ để độc hành trong sáng tạo.

Theo tôi, Thanh Thảo là một tài năng không chịu đựng nổi những con đường mòn cũ, quen thuộc trong thi ca. Và bởi tính năng động trong sáng tạo của con người thơ anh luôn bật lên những ý tưởng, những khát khao khám phá. Sau khi đọc nhiều bài thơ của Thanh Thảo, tôi cảm thấy hình như Thơ không phải chỉ đánh thức Thanh Thảo mà chính Thanh Thảo đã đánh thức chúng ta bằng một cái nhìn thành thật đến cay đắng. Bởi một lẽ trên thế gian này, trong cuộc hành trình dâu bể này: “Không ai tái chế nước mắt nỗi đau, dù để làm nên những trang sách”. Không hiểu vì sao câu thơ này thi thoảng lại rung động trong tôi một thứ gì đấy mằn mặn, nhói đau như nước mắt.

Dù tìm tòi, cách tân kiểu nào đi nữa thì thơ Thanh Thảo vẫn là một dòng nội tâm đậm đặc những suy tư trằn trọc với đời sống này, quê hương này, lớp người này, tâm thế này và trong một đêm sâu nào đó, dưới một bầu trời sao nào đó hoặc trong một ngày nắng chói chang nào đó, bên một bát khoai khô nấu mật, bên một người mẹ gầy như ban mai… vẫn còn thao thức một Thanh Thảo luôn canh cánh trước những bần hàn, nghèo khó của quê hương.

Tập thơ “Metro” của Thanh Thảo là tập trường ca thứ 9 (trong số 15 tập thơ) đã xuất bản của anh. Có thể nói, Thanh Thảo đã lập một kỷ lục ghi nét về trường ca trong thơ Việt Nam đương đại. Trong đó, phải kể đến tập trường ca “Đêm trên cát” trước đây của anh đã từng được giới phê bình và công chúng thơ coi như một đỉnh mới của nghệ thuật thơ trường ca trong suốt mấy chục năm qua.

Lần này, với trường ca “Metro”, nhà thơ Thanh Thảo đã làm một cuộc hành trình trở lại với quãng thời gian trai trẻ của anh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở Trường Sơn với một cái nhìn có độ lùi sâu hơn và chiêm nghiệm hơn về số phận con người và đất nước.

Ngay ở chặng ga đầu tiên của “Metro”, hình ảnh những người lính trong “chuyến tàu trận mạc” đã vĩnh viễn nằm lại dưới một Trường Sơn đại ngàn lại nhắc nhở chúng ta về những năm tháng thương đau ấy. Những người lính trẻ đã đi vào chiến tranh, đi vào cái chết với một chân dung hồn nhiên và trong trẻo nhất của thế hệ mình: “không ai đủ sức trả lời/ dù còn cả cuộc đời trước mặt/ năm 26 tuổi tôi “thử hỏi về hạnh phúc”/ với những hồn nhiên trong trẻo nhất/ nhưng hạnh phúc là gì tôi không biết/ là cái bóng của lặng im/ là cái bóng của cái cái bóng cây bằng lăng cây bồ đề/ nửa đêm chợt thức giữa rừng già/ một tiếng gì khẽ rơi/ hạnh phúc”.

Câu hỏi về hạnh phúc trong những năm tháng ấy mãi mãi nằm lại với tuổi trẻ của những người đã lặng lẽ dâng hiến máu xương mình trong cuộc chiến tranh giải phóng: “Nhưng hạnh phúc là gì? câu hỏi này của chị Dương Thị Xuân Quý/ người hỏi không thể tự trả lời/ vì chuông đã rung/ hết giờ”. Một câu hỏi chưa có lời đáp cứ cứa mãi vào tâm khảm những người còn sống hôm nay.

Những năm sau chiến tranh, một Thanh Thảo với những tìm tòi mới trong thơ lại bắt đầu khuấy động thi đàn. Có người đánh giá cao những đóng góp của anh trong mảng thơ viết về chiến tranh, nhưng cũng có người cho rằng mảng thơ sau chiến tranh của anh với những nỗi đau đời sống thường ngày, với những trăn trở cách tân cho thấy một diện mạo sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về thơ Thanh Thảo.

Tôi thì cho rằng ở giai đoạn nào cũng vậy, Thanh Thảo vẫn là một tài năng thơ đích thực với một trái tim luôn nồng nhiệt, chân thành, chia sẻ với mọi mất mát và bất bình trước mọi giả trá, bất công và bạo lực. Có ai đó nói, trong suốt ba chục năm qua, con người thơ của Thanh Thảo vẫn là con người sáng tạo của những trường ca lớn, tôi thấy điều ấy không sai, vì có thể hơi thở máu thịt chính của đời thơ anh là hơi thở của trường ca. Nhưng tôi lại thấy một điều gần đúng, cũng trong thời gian trên, với những tìm tòi bền bỉ nhằm cách tân thơ Việt, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ đáng chú ý của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Nguồn: VNCA




Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

VĂN HỌC VIỆT NAM LÀM PHONG TRÀO QUÁ LÂU

"Chúng ta đã làm phong trào quá lâu và quá nhiều: làm phong trào về điện ảnh, về sân khấu, về văn chương. Cái "phong trào" tác động từ nhiều phía vào cảm hứng và tư duy về nghệ thuật của con người. Một đứa bé bắt đầu có nhận thức thì cái nó tiếp nhận hầu như chỉ là nghệ thuật phong trào chứ không phải những giá trị kinh viện, uyên bác, học thuật", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tại sao phải dối lòng?

* Một nhà văn vẫn nói rằng một ngày nào đó, ông ấy sẽ viết ra cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel Văn học. Tôi biết có rất nhiều người cười nhạo, chễ giễu nhà văn ấy. Họ cho rằng giấc mơ của ông ta là giấc mơ viển vông nhất trong các giấc mơ. Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông cũng là người cầm bút, vậy ông nghĩ gì về giấc mơ kia? Và hơn hết, ông có giấc mơ đó không?

- Bất kỳ người cầm bút nào, dù là một nhà văn với những trang viết còn vụng về, nông cạn thì cũng đều mơ ước rằng tác phẩm của mình sẽ trở thành tác phẩm lay động hàng triệu trái tim, cuốn sách mình viết ra trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu người. Sao chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại không mong muốn một ngày tác phẩm của mình hiện diện trên các ngôn ngữ của dân tộc khác cơ chứ?

Chỉ tiếc là chúng ta luôn có thói quen giấu đi những giấc mơ của mình và nói ra những lời dối lòng. Chỉ tiếc là chúng ta, thay vì trân trọng giấc mơ của người khác, lại đi cười nhạo họ.

Sao lại chế giễu những giấc mơ đẹp đẽ ấy? Sao lại cho nó là hão huyền? Đấy là một khát vọng chân chính. Đấy là ý thức rõ rệt của một nhà văn. Anh ta phải biết mơ giấc mơ đó. Dù có thể anh ta sẽ không đi đến tận cùng giấc mơ của mình và biến nó thành sự thật. Nhưng nếu anh ta không có một giấc mơ, một hành động và một sự dấn thân tuyệt đối cho giấc mơ của mình thì anh ta sẽ không làm được điều gì cả.

* Nhưng điều đó có vẻ còn quá xa vời với các nhà văn Việt Nam, khi mà nền văn học của chúng ta còn quá xa lạ với thế giới, khi mà chúng ta vẫn mòn mỏi chờ đợi một tác phẩm văn học Việt Nam thành kinh điển của nhân loại?

- Trước hết phải định nghĩa thế nào là tác phẩm lớn. Tác phẩm lớn là một tác phẩm văn học mà khi người ta đọc xong, nó đã thay đổi họ.  Nó mang đến cho họ một thế giới mới hơn, rộng lớn và sâu sắc hơn, thay đổi bên trong họ. Trong một khía cạnh nào đó, con người đó đã được khai sáng, và họ sẽ phải cúi đầu tôn kính cuốn sách ấy như một sự mang ơn.

Nhiều nhà văn lớn trên thế giới cho rằng tác phẩm lớn phải là tác phẩm mà nó mang đến một cuộc cách mạng trong tâm hồn bạn đọc: về tinh thần, về tư tưởng, về trí tuệ, về vẻ đẹp.

Dân tộc ta có thể đã có những tác phẩm làm được điều đó, ví dụ như những tác phẩm của Nguyễn Trãi, của Nguyễn Du...

Trước năm 1975, có một số tác phẩm quan trọng làm thay đổi nền văn học VN, thay đổi cách đọc của độc giả VN. Có những nhà văn nhà thơ xứng đáng là một số tác giả lớn như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Nam Cao...

Tác phẩm của những nhà văn này đã tác động lên đời sống xã hội một cách sâu sắc, làm cho con người có những thay đổi lớn lao trong tinh thần sống của họ. Nhưng với tôi, tôi vẫn đợi những tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại có thể ảnh hưởng đến những nền văn hoá khác, đến những bạn đọc khác.

Trọng trách này giờ được giao cho các nhà văn đương đại của chúng ta. Lợi thế của họ là họ được tiếp nhận rất nhiều thông tin so với cha anh họ. Họ cũng đã được tiếp xúc cơ bản những tác phẩm tiêu biểu của thế giới dịch ra tiếng Việt. Thậm chí có những người có thể đọc nguyên bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Nhưng cái khó của họ là nền văn học sau năm 1975 bị che khuất bởi đời sống đa phương tiện và bởi đòi hỏi của bạn đọc hiện nay ngày càng khắt khe.

Trước đây người ta có thể xếp hàng hoặc phải có giấy giới thiệu để mua cuốn "X30 phá lưới". Nhưng ngày nay chuyện đó không còn xảy ra nữa, ngay cả với nhưng cuốn sách tình báo rất hay về điệp viên - Anh hùng Phạm Xuân Ẩn.  Bởi vì thông tin đó họ đã được nạp ở đâu đấy, bằng cách nào đấy. Và nhu cầu giải trí, nhu cầu đọc của họ đã được giải quyết trên nhiều phương tiện như truyền hình, facebook, báo mạng và quá nhiều các loại hình giải trí khác... Đó là thách thức với nhà văn.

Chúng ta đã đánh mất cảm hứng sống

* Có bao giờ ông thử ngồi cắt nghĩa tại sao chúng ta lại chưa đạt được những thành tựu thực sự vĩ đại trong văn học không?

- Mới đây, tôi có cuộc trao đổi với một số nhà quản lý văn học nghệ thuật về việc làm thế nào để chúng ta có thể có những tác phẩm đỉnh cao.

Theo cách nhìn của tôi (và nếu ai không nhìn với cách nhìn của tôi thì tôi khuyên là hãy bình tĩnh, hãy lùi lại để suy nghĩ về cách nhìn đó), đó là chúng ta đã đánh mất cảm hứng sống. Những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, cảm hứng sống của dân tộc này vô cùng lớn lao. Và các nghệ sỹ như là những giai điệu trong một bản giao hưởng lớn của dân tộc.  Chính thế mà các nhà văn nhà thơ thời đó đã viết trong một cảm hứng lớn của dân tộc.

Rất nhiều các nhà văn ở các thế hệ khác nhau đang sống và viết bây giờ đã đánh mất cảm hứng sống. Họ bị hơi nóng của những sự vụ mang tính xã hội thường nhật ảnh hưởng vào trang viết.

Họ bước qua những run rẩy trên mỗi bậc cửa nhỏ bé từ ngôi nhà riêng của họ cho đến con đường rộng lớn ngoài thế gian mà không hề để ý. Họ đã vô tình biến họ thành những nhà báo "thiếu thông tin" trong các tác phẩm có ghi một thể loại văn học nào đó. Không ít các nhà văn coi những lãng mạn, những giấc mơ, những thì thầm trong đời sống quanh họ là những thứ phù phiếm và cũ mèm. Họ đã sai. Càng đi như thế họ càng rời xa nghệ thuật.

Một lẽ đương nhiên là, nhà văn có cảm hứng sống đến đâu thì cảm hứng sáng tạo sẽ đến đó. Một người sống 10 phần thì sẽ viết được 10 phần. Một người chỉ sống được 3 phần thì tức khắc chỉ viết được 3 phần.

Chúng ta chưa tạo ra được một đời sống lớn trong toàn bộ xã hội. Chính bởi vì thế chúng ta chưa tạo ra một đời sống đầy trung thực và dâng hiến trong thế giới của các văn nghệ sĩ.  Chúng ta đang tàn phá thiên nhiên, huỷ hoại môi trường, chúng ta đang sống ích kỷ, mưu mô và vô cảm. Chủ nghĩa ích kỷ chưa bao giờ lại thống trị con người như bây giờ. Chỉ nói về tội phạm, chưa bao giờ sự man rợ trong hành vi phạm tội lại kinh khủng như bây giờ. Cũng là loại tội phạm giết người, buôn lậu, ăn cắp, nhưng sao bây giờ lại có thể man rợ thế? Sự man rợ đã đi đến vạch giới hạn cuối cùng của nó. Sự băng hoại của con người đã leo lên mức cao nhất.

Ngay cả trong làng văn cũng vậy, có không ít các nhà văn, nhà thơ ngày ngày xuất hiện các mạng xã hội để thóa mạ và bôi nhọ đồng nghiệp. Chúng ta khó nhìn thấy những cuộc trao đổi mang tính học thuật thực sự.  Còn trên các tờ báo thường là những bài viết chung chung, với những lời nhận xét chung chung, nhàn nhạt, một chút khen, một chút chê. Chính đời sống không trung thực đó, một đời sống thiếu sự sáng tạo, thiếu cảm hứng đó sẽ vô cùng khó khăn để sinh ra những tác phẩm lớn. Không thể nào trên một mảnh đất hoang hoá, khô cằn lại có thể sinh ra những mùa màng trù phú.

Trong lúc đói kém, dân tộc bị đe doạ, bị áp bức, lúc đó người Việt nhìn thấy kẻ thù một cách rõ ràng nhất. Đó cũng là lúc họ thấy tự trọng của mình bị chà đạp, là lúc họ thấm thía nỗi đau của một dân tộc bị áp bức. Những ngay đó, con người sống với con người trong một tinh thần hoàn toàn khác. Lúc đó văn hoá Việt là một nền tảng quan trọng tạo nên thái độ sống của họ.

Còn ngày nay, chúng ta phải chiến đấu với kẻ thù rất khó lường: thân xác của chúng ta. Tôi đã viết một bài tiểu luận có tên: Chúng ta là những kẻ đồng tính của chính mình.

Chưa bao giờ chúng ta chiều chuộng những ham muốn, những vuốt ve, những đòi hỏi của chính ta như bây giờ.  Nhiều năm trước chúng ta nói nhiều đến chủ nghĩa thực dụng phương Tây và coi nó như một con quỷ. Nhưng đến bây giờ, chúng ta đón nó vào, chung sống với nó, ái ân với nó trên chính cái giường đời sống của chúng ta.

Nó đã đè bẹp khát vọng sống, ý tưởng, sự run rẩy trong sáng và những giấc mơ đẹp đẽ... trong mỗi con người. Khi những điều đó mất đi trong con người nhà văn thì không bao giờ họ có thể nói được điều gì tương tự trong tác phẩm của họ.

Mạc Ngôn và sự chạnh lòng của nhà văn Việt

* Khi mà Mạc Ngôn giành được giải Nobel văn học, có người nói đó là hiển nhiên, vì đất nước Trung Quốc rộng lớn hơn ta, nền văn hoá của họ rực rỡ hơn ta, dân họ cũng đông hơn dân ta. Liệu việc chúng ta có thể lấy lý do đó để giải thích cho việc chúng ta vẫn là những người thua kém?

- Mạc Ngôn không phải người đầu tiên đem lại sự chạnh lòng cho dân tộc chúng ta. 

Có những dân tộc bé hơn dân tộc chúng ta, lịch sử có vẻ "mờ nhạt" hơn chúng ta, dân số của họ cũng ít hơn chúng ta, số lượng nhà in và số lượng cửa hàng sách ít hơn chúng ta... thế mà họ đã mang đến cho thế giới những giá trị thật lớn lao. Như Ireland chẳng hạn: một dân tộc đơn giản với ba, bốn triệu người chủ yếu bằng nông nghiệp, nhưng họ vẫn có những cái tên vĩ đại như James Joyce, Samual Becket, Seamus Heaney... Chỉ có 4 triệu dân, nhưng họ đã có 4 giải Nobel văn học.

Hay Na Uy, nơi sinh ra những nhà văn nghệ sỹ vĩ đại như Edvard Grieg, Henrik Ibsen... Các nhà văn Na Uy nói với tôi: 5 năm phát xít Đức chiếm đóng Na Uy - 5 năm đó đã khắc vào sông núi, khắc vào con người Na Uy một lịch sử đau đớn không thể quên được. Đó là nguồn chất liệu vô giá của họ, là kho vàng mà họ vẫn khai thác.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta dài và tàn khốc nhất thế kỷ 20. Chúng ta phải tiếp tục viết về tư cách của một dân tộc và số phận của con người trong lịch sử khốc liệt ấy. Chúng ta có tất cả. Nhưng chúng ta đang loay hoay trên một kho nguyên liệu khổng lồ và đầy số phận mà chưa làm được gì xứng đáng. Trong khi có dân tộc, họ đứng trên sa mạc, để kiếm một giọt nước cũng khó. Nhưng chỉ cần một giọt nước hiện thực đó thôi, họ đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ. Chúng ta có cả một hồ nước đầy, nhưng nước vẫn chỉ là nước mà thôi.

Dân tộc Colombia, một dân tộc đau khổ với chiến tranh, với nghèo đói, với ma tuý, với bạo lực... nhưng dân tộc đó vẫn vươn lên, với những ngày thơ mà ở đó, tôi thực sự bàng hoàng vì tình yêu thi ca, yêu cái đẹp của họ. Colombia có một Marquez khiến họ tự hào. Rất nhiều nhà văn của VN ngày ngày thở dài mong có một cái làng Macondo, nghĩa là có một hiện thực để làm nên một tác phẩm như Trăm năm cô đơn.

Và tôi đã phải nói với họ, trong sự buồn bã, giận dữ và bất lực rằng: tất cả các làng quê VN đều có thể là một làng Macondo với hiện thực đầy kỳ kiệu, lớn lao, đầy nhân tính, đầy số phận... nhưng chúng ta chỉ thiếu duy nhất một thứ: chúng ta không có một Marquez cho làng mình.

Hơn nữa, phải thẳng thắn rằng các quốc gia mà chúng ta vừa nói ở trên hơn hẳn chúng ta về khả năng định hướng và sự đầu tư đúng đắn cho nền văn học của đất nước họ. James Joyce viết ra tác phẩm Ulysses, một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của loài người. Đó là một tác phẩm khó vô cùng để có thể dịch. Thế nhưng tôi đã gặp một nhà văn TQ và tôi đã giật mình khi ông ta nói ông ta chuẩn bị sang Ireland sống, học tập và nghiên cứu nhà văn James Joyce và Ulysses. Ông được phân công và đầu tư 10 năm để làm sao trong 10 năm phải chuyển được tác phẩm kia một cách hay nhất cho người TQ đọc.

Đầu tiên, tác phẩm đó vào, không phải những người công nhân, nông dân, mà phải tầng lớp rất cao của xã hội mới có thể đọc được nó, hiểu được nó. Và dần dần, họ khai mở cho những tầng lớp khác. Truyện Kiều của Việt Nam cũng như thế. Đừng nghĩ rằng ngay từ đầu, Truyện Kiều sinh ra đã dành cho những người bình dân. Những người đầu tiên có thể đọc được Kiều là những bậc trí giả.

Cách đây hơn 20 năm, Fidel Castro đã thành lập ra trường điện ảnh Mỹ - La Tinh. Ông đã mời một số người vĩ đại nhất của châu Mỹ - La Tinh để giảng dạy, trong đó có Garcia Marquez. Quan điểm của Nhà nước Cu Ba là hãy mời những vĩ nhân đến đó, để những tri thức Cu Ba được khai mở, được giao lưu. Và từ đó, sự khai mở đó lan dần, lan dần ra cả xã hội Cu Ba.

Nếu không có một nền văn học nghệ thuật uyên bác, nghệ thuật cao, tư tưởng lớn thì chúng ta không thể tạo ra được những nhà văn có đủ phẩm chất để tạo nên những tác phẩm lớn.

Nhà văn không có quyền mặc định người đọc

* Tôi có thể hiểu ý ông là chúng ta chưa có một nền văn học nghệ thuật uyên bác? Và đó là một chướng ngại vật cản trở sự phát triển của văn học?

- Có lần, tôi đã nói với các nhà quản lý lĩnh vực văn học nghệ thuật: một trong những điều mà tôi cho là quan trọng nhất đối với sự phát triển của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung là lâu nay chúng ta đã nghiêng về một nền văn học nghệ thuật phong trào chứ không phải một nền văn học nghệ thuật chuyên nghiệp.

Chúng ta phải thật bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này. Chúng ta đã làm phong trào quá lâu và quá nhiều: làm phong trào về điện ảnh, về sân khấu, về văn chương. Cái "phong trào" tác động từ nhiều phía vào cảm hứng và tư duy về nghệ thuật của con người. Một đứa bé bắt đầu có nhận thức thì cái nó tiếp nhận hầu như chỉ là nghệ thuật phong trào chứ không phải những giá trị kinh viện, uyên bác, học thuật.

Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính mỗi công dân Việt Nam lớn lên, trong đó có những người sẽ cầm bút và tiếp tục viết một loại văn chương phong trào như thế. Đó là điều mà tất cả những ai liên quan và quan tâm đến văn học nghệ thuật nước nhà phải suy ngẫm một cách thấu đáo.  Nếu chúng ta chỉ làm phong trào, chúng ta sẽ chỉ có một kết quả phong trào.

Nhà văn không được phép nghĩ rằng vì những người nào đó không biết chữ thì ta sẽ đem đến cho họ loại văn chương của những người không biết chữ. Chúng ta chỉ được phép mang đến cho tất cả họ, dù họ là bất cứ ai, bất cứ tầng lớp nào, một thứ văn chương duy nhất: đó là thứ văn chương lộng lẫy và cao cả nhất.

Những người nông dân dù mù chữ vẫn khao khát được hướng đến văn chương đích thực. Họ như những cánh đồng sẵn sàng đón nhận những mầm cây đẹp nhất cho tâm hồn họ. Và sứ mệnh của các nhà văn là người mang hạt giống tốt nhất đến cho cánh đồng đó. Chúng ta không được quyền mặc định cánh đồng đó chỉ được gieo loại giống thứ cấp như văn học loại 2. Nghĩ như vậy là một sai lầm trầm trọng, và chúng ta đang mắc sai lầm đó.

* Vậy những người lãnh đạo Hội Nhà văn như ông đã làm gì để thay đổi?

- Không chỉ mấy ông bà trong Ban chấp hành HNV làm được điều đó mà phải là tất cả các nhà văn phải tìm cách để chống lại xu hướng phong trào hóa nền văn học nghệ thuật này. Và nếu chỉ có một mình HNV, thì HNV sẽ trở thành một ốc đảo trước tất cả những phong trào cuồn cuộn quanh họ. HNV thực hiện trao giải thưởng hàng năm, tiến hành hội thảo, trao đổi văn hóa, tạo ra diễn đàn như tạp chí VH nước ngoài, tạp chí Nhà văn mà bây giờ là tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, tạp chí Thơ, báo Văn Nghệ, Văn nghệ Trẻ.

Đó là cách để từng bước chuyên nghiệp hoá văn chương VN. Nhưng với cách thức mà chúng ta vẫn tư duy lâu nay, tính phong trào vẫn lan tràn trong nhiều hoạt động văn học nghệ thuật. HNV không hoàn toàn chống lại được cái chủ nghĩa phong trào đó. Nói cách khác, chủ nghĩa phong trào đang trở thành một cái gì đó không thể cưỡng nổi trong xã hội.

Thế giới biết đến VN với những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng đã đến lúc, chúng ta phải giới thiệu với thế giới về một Việt Nam với những góc nhìn khác. Mà sức ảnh hưởng của văn học trong việc này là vô cùng to lớn. Giống như ta có thể yêu một đội bóng và rồi yêu một quốc gia nào đó.

Qua một tác phẩm văn học, ta cũng có thể khiến một người nào đó "phải lòng" Việt Nam. Colombia đã từng vận động đăng cai World Cup rất nhiều lần. Nhưng sau khi Marquez đạt giải Nobel văn học với Trăm năm cô đơn, Tổng thống Colombia đã nói: "Chúng ta không cần phải đăng cai World Cup nữa. Chúng ta đã có một Marquez. Thế là đủ để thế giới biết về Colombia". Tôi cũng mơ, một ngày chúng ta có thể làm được điều đó, để bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể tự hào về một nhà văn Việt Nam nào đó như người Colombia tự hào về Marquez!

TÔ LAN HƯƠNG thực hiện
Nguồn: TVN



Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

TỔ QUỐC QUA BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ CỦA PHAN HOÀNG

Nhà thơ Phan Hoàng với trường ca Bước gió truyền kỳ vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Xin giới thiệu lại bài viết của tác giả Phan Thủy từ Đà Nẵng về trường ca này...

Với tôi, thơ ca là miền “ngoại đạo”, là lĩnh vực khó chạm đến tận cùng miền thẳm, nhất là ở thể loại trường ca bởi sự hiểu biết về lĩnh vực này còn quá hạn hẹp. Thế nên, khi được nhà thơ Phan Hoàng tặng tập trường ca Bước gió truyền kỳ, tôi đã đọc nó bằng sự tò mò đặc biệt. Và rồi vỡ òa vì… xúc động!
Nhà thơ Phan Hoàng

Xúc động bởi giữa thời buổi thơ ca ít được ưa chuộng mà nhà thơ vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật để ra được tập thơ, lại là trường tráng ca hào sảng, đầy khí chất! Nói như nhà văn Văn Lê: “Đọc Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, người xem hoàn toàn không có cảm giác bị áp đặt. Nó ngấm vào lòng người một cách tự nhiên, như lịch sử vốn có”...

Dù hiểu biết về anh chưa nhiều, nhưng xâu chuỗi những tác phẩm mà Phan Hoàng đã viết, tôi cảm nhận được tình yêu lịch sử trong anh thật mãnh liệt. Tình yêu đó không cất nghĩa thành lời. Vì quá yêu mà luôn trăn trở, luôn muốn khám phá đến tận cùng. Khám phá theo cách của riêng anh, sáng tạo và mới mẻ…

Anh cho biết, trường ca này ra đời sau gần 15 năm thai nghén với biết bao lần viết rồi lại xóa. Xóa rồi lại viết...

Như một số tác phẩm trường ca đương đại khác tôi từng được đọc, Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng không có hình tượng nhân vật trung tâm cụ thể, bề mặt cấu trúc được phân thành 5 chương đoạn (kể cả phần mở đầu và vĩ thanh) với những nhan đề riêng, hình thành nên câu chuyện truyền kỳ về lịch sử hào hùng, đầy khí phách của dân tộc Việt Nam qua suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước.

Người ơi từ đâu theo gió bay đi/ từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió/.../ Người mới con trai người vừa con gái/ ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân/ Người lên đầu non người xuôi cuối bể/ xác hóa mây bay hồn về đất mẹ/ Người từ ngàn năm người quên tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi”- ngay từ những câu đầu tiên ở phần mở đầu của trường ca, chất sử thi đã được Phan Hoàng thể hiện tinh tế mà tự nhiên, truyền cảm hứng và ngọn lửa tự hào dân tộc đến với người đọc. Xuyên suốt trường ca là hình tượng về ngọn gió hóa thân thành linh hồn người Việt, thành tên sông, tên núi, đất đai, làng mạc… để kể cho ta nghe những bước đi truyền kỳ về lịch sử đất nước...

Nhà thơ Văn Lê cho rằng, khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca “Phan Hoàng có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử”, còn nhà phê bình Cao Thị Hồng thì: “Gió trở thành nơi phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận. Gió gợi cho người đọc suy ngẫm về thân phận cuộc đời của mỗi con người qua tầng tầng lớp lớp thế hệ. Và thân phận mỗi cá thể vô danh ấy gắn liền với mỗi bước đi nhọc nhằn của mảnh đất quê hương hình chữ S...”. Với tôi, hình tượng ngọn gió trong Bước gió truyền kỳ thể hiện sức mạnh, sự biến hóa vi diệu…, nhằm nói đến một nội hàm lớn lao, sâu xa về sự thần tốc, thần kỳ của dân tộc Việt Nam từ thời mở cõi dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước. Đó là bước gió truyền kỳ, là bước gió khẩn hoang, là gió xuôi chín khúc sông rồng, Tây Nam mùa gió chướng (tiêu đề phần II) với:

Ơi lớp lớp người người/ hiên ngang đôi cánh chim ước mơ chim Việt/ đôi cánh Lạc Long Quân/ đôi cánh Âu Cơ/ bay từ đất thiêng trung thành voi phục Phong Châu/ bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long...” để rồi: “Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân/ tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc/ không tướng không quân/ xông pha bồi đắp hình hài đất nước/ Bước gió uy phong Lê Thánh Tôn /lưng kiếm túi thơ/ rừng nghinh biển đón/ phất cờ mở rộng biên cương Tổ quốc/ Bước gió Nguyễn Hoàng/ bước gió Lương Văn Chánh.../ bước gió những đoàn quân vô danh/ bước gió những lưu dân vô danh /bước gió những nghệ sĩ vô danh/.../ nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo”

Ẩn sâu sau hình tượng về ngọn gió, thi nhân cho ta cảm nhận cái sâu hơn, cao hơn, rộng lớn hơn câu chuyện về lớp lớp người vô danh bằng sức mạnh vô biên của lòng yêu nước, của tình yêu hòa bình, của đức hy sinh và sự kiên trì, nhẫn nại chịu đựng đau thương mất mát để tạo nên vóc dáng, hình hài của Tổ quốc, của một dân tộc với khí phách, tinh thần hào khí Đông A… 
Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng

Phan Hoàng từng tâm sự, lớn lên trong ngọn gió Tuy Hòa, gió luôn ám ảnh trong anh. Với thi nhân “gió biểu tượng cho sức mạnh, sự kiên trì, tình yêu mạnh mẽ”. Đọc Bước gió truyền kỳ, độc giả như cuốn theo đường đi biến hóa vi diệu của ngọn gió, lúc trầm hùng sử thi, lúc trầm lắng suy tư đến xót xa, lúc ào ào như thác đổ, lúc réo rắc như cung đàn… Cũng nói về nỗi đau, sự biệt ly do chiến tranh gây nên, nhưng nỗi đau trong Bước gió truyền kỳ không mang dáng vẻ bi lụy, uất hận mà giàu đức hy sinh, sự nhẫn nại, kiên trì. Nỗi đau ấy mang tính nhân văn, lòng bao dung, vị tha của một dân tộc vì chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh gây ra nên rất hiểu cái giá của sự hòa bình, luôn mong mỏi được sống trong hòa bình, bình yên:

“… Tổ quốc ban mai tráng niên/ sau mỗi cơn đêm ngả nghiêng địa chấn/ đất nước huyền thoại những con đường/ khởi từ trái tim máu chảy về phía bình yên cỏ hoa/ Cỏ hoa giấu nước mắt/ những con đường giấu kín biệt ly/ gió sang trang lịch sử/.../ Những con đường nghiêm trang lời dạy đánh thức lòng ta:/ trên đất nước cầm súng cầm gươm nhiều hơn cầm đàn cầm cuốc/.../ quằn quại những âm mưu khai hóa chiếm đoạt/ ở đâu mầm sống cũng lặng lẽ trồi lên trên đá tảng công nghệ hủy diệt/ trồi lên trên thân thể hấp hối chính mình/ hoa trái nhân hậu bao dung như nếp nhăn vầng trán mẹ/ cây cỏ bản lĩnh phi thường như đôi vai sắc đậm mưa nắng của cha”.

Lòng yêu nước được khẳng định cùng với việc đi cùng lịch sử bi hùng của dân tộc được tác giả thể hiện đau đáu, nhức buốt: “Vòng quanh khắp hành tinh này /không dân tộc nào/không đất nước nào/hiếm hoi thế hệ bình yên/ nối nhau quẫy đạp bóng đêm/ đứng lên/chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm/chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương/…/Vòng quanh khắp trái đất này/ không dân tộc nào/ không đất nước nào/oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về…”.

Cũng từ hình tượng ngọn gió, ta bắt gặp sự mới mẻ, tràn trề nhựa sống của một dân tộc căng tràn sức trẻ với ước mơ tuổi thanh xuân, nối gót cha ông bước tiếp bước gió truyền kỳ viết lên những khúc tráng ca tương lai…

Một điều cũng cần đề cập đó là, sự cộng hưởng từ cách trình bày, thiết kế độc đáo với hình ảnh con trâu - biểu tượng của sức mạnh, sự nhẫn nại, gắn liền nền văn minh lúa nước - cùng trống đồng, chim Việt đã góp phần tăng thêm sức nặng biểu cảm và suy tưởng của tác phẩm đến với người đọc...

Biết thơ anh từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường đi làm báo, tôi lại gặp anh trên những trang báo ở thể loại phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng. Rất thích lối viết thông minh, sắc sảo, đầy cảm hứng, sáng tạo của anh. Đến 2014 thì diện kiến anh tại Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ấn tượng đầu tiên đó là bậc đàn anh biết quan tâm thế hệ đàn em! Một sự quan tâm đáng trân trọng giữa thời buổi kim tiền này...

Lịch sử luôn luôn ngầm chảy trong từng mạch máu của mỗi tâm hồn người Việt. Thế nên, đọc xong Bước gió truyền kỳ, tôi hiểu vì sao mình cảm thấy bức bối, chẳng thể đặng đừng muốn viết một điều gì đó… Dù biết, trước mình đã có quá nhiều bài viết hay viết về tác phẩm này.

Đà Nẵng 01.2017
PHAN THUỶ
Nguồn: Báo CA Đà Nẵng


Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

NHÀ THƠ TRẦN HÙNG: THƠ BƯỚC RA TỪ NƠI CHIỀU SÂU ĐỘC THOẠI

Năm 1991, tôi được đọc “Gọi bạn” - tập thơ đầu tay của Trần Hùng gửi tặng. Tới năm 2015, nhân Đại hội đại biểu lần thứ IX, Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, Trần Hùng lại tặng tôi hai tập “Vườn khuya” và “Thảm thắc.”
Nhà thơ Trần Hùng

Hai nhăm năm, một phần tư thế kỷ, Trần Hùng đã cho in bốn tập thơ. Đã làm nên bước chuyển tiếp. Đã khơi sâu và đắp dầy một chân dung thi sĩ trong hiện diện, trong “cái Có” thật lung linh, thật nặng sâu và lắng thấm nơi trang thơ anh viết.

Dễ thấy, một vệt đậm suốt dặm dài mải mê khai phá cái vỉa tầng khá phồn thi và lấp lánh cái thế giới mà thi sĩ này đã bám chặt, đã gần như đặt cược vào công cuộc cấy gieo trước mùa màng bội thu hay thất bát thơ mình.

Quả vậy. Trần Hùng đã bước vào cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh.” Từng mặc áo lính. Từng gánh vác trên đôi vai những trọng trách của “viên quan” đầu ngành của một vùng đất, rồi của cả một tỉnh.

Với vị thế ấy. Với diện kiến của người trong cuộc trước không ít nặng nề, phức tạp. Người thơ này từng đi giữa ba dòng Thiên - Địa - Nhân của tháng năm với những đối thoại sôi động của thế sự, những va đập, biến thiên của thế giới bề bộn quanh mình. Những tưởng, thơ Trần Hùng sẽ ắp đầy những vỉa hè, xương xảu. Sẽ nóng bỏng, bộn bề những đại mộng, đại giác. Sẽ quặn thắt, dư vang của những lần mở mắt trước giông bão đời thường.

Song, Trần Hùng với cái kênh riêng mở. Cái kênh có từ sự quan tâm, từ ý thức, quan niệm của thi sĩ. Đó là, cái nhất quán từ “Gọi bạn,” “Mơ quê” đến “Vườn khuya, Thảm thắc”… Đó là, sự chọn lựa cho lối rẽ, cho dòng khơi nơi nguồn mạch kiếm tìm. Đó, phải chăng là cái tạng. Là sở trường? Mà Trần Hùng đã dày công làm nên cái riêng Tôi thế chăng?

Phải nói, xuyên suốt các tập thơ, Trần Hùng từng ngụp lặn trước hiện thực, ngụp lặn trước cái “vô biên độ,” trước bao nhiêu “ái ố hỷ nộ,” để rồi, sau phút giây đó, thi sĩ này lại đẩy mình ra thật xa, tách mình ra thật xa, ngỡ chỉ còn lại riêng mình với hồn mình độc thoại. Bởi vậy, đọc Trần Hùng, ngỡ chỉ còn năng lượng của thế giới hồn mình mà đẻ ra cảnh sự. Đẻ ra liên tưởng. Đẻ ra tâm tình, suy ngẫm… Để rồi, từ gốc rễ ấy lại tiếp tục phát lộ một thế giới khác của những gì được văng xa, được sáng lên sau đấy.

Và, thơ Trần Hùng bơi trong tầng trong xanh, đọng lắng. Bơi trong mạch chìm. Bão trong thơ Trần Hùng là dấu tích sau bão. Hiện thực ở đây không còn gặp ở “cái Thấy,” cái nắm cầm trên tay. Mà, mọi cái bên ngoài nếu có, đều có từ cái nhu cầu của cái sâu xa, cái bên trong tỉnh thức.
Thử đọc :

Phút chốc muốn băng vườn khuya tìm đến
nơi gương mặt người thấm đẫm ánh trăng
nơi gương mặt lá thấm đẫm bóng tối
nơi gương mặt đá lạnh như môi
tôi tìm em trăng mang em đi rồi
                      (Hạ huyền)

Hoặc:

Rồi một ngày
một ngày
một ngày
bước chân hôm qua nắng đã phủ đầy
dấu xuân hôm nào sương đã bay
lá vàng muôn nẻo đã đầy tay
              (Nắng bên sông)

Rõ ràng, những “gương mặt người, mặt lá…” Rồi, “bước chân nắng phủ, lá vàng …” Tất cả hình ảnh kia ngỡ có từ trực giác, đều ảo đi, đều hiện lên từ cõi sâu tâm tưởng nhà thơ mà có cái hữu hình.

Là thế. Trần Hùng, một thi sĩ của những gì thật diết da, thật trong xanh, quặn thắt. Tôi từng chầm chậm đọc và nhiều lần dừng lại để ngắm nhìn người thơ này trong vời xa, trong lặng thầm, ám ảnh. Bởi, luôn gạt đi cái ôm chứa của những gì thuộc thế giới bề mặt, Trần Hùng với con tim luôn đốt mình, luôn mở với đa chiều, đa tầng, đa thanh trước những mối quan tâm, trước tình yêu, tình người, tình đời, trước nhân tình thế thái.

Không to tát, gầm ghì, gai góc, Trần Hùng, nhà thơ của tâm tình, của vía hồn đam mê, thương cảm. Để rồi, chỉ một chút mơ hồ, ngỡ khó cất lên lời. Vậy mà, hồn thơ mong manh kia dễ run rẩy, dễ thấm loang, dễ làm nên xao xuyến là thế:

… Đường tôi về
rừng ngun ngút trăng
đèo ngun ngút trăng
ngày mai Cao bằng mưa
trăng cầm ô màu gì
mặc áo màu gì
màu gì cũng mỏng…
       (Không màu)

Cứ thầm thì như thế trong cảm xúc ngập tràn, Trần Hùng luôn chọn lối hẹp, luôn bám cái lãng đãng, mơ hồ mà tự sự, tái tạo.

Thì, cứ nhìn những lát cắt: Sương hương bay, Ru cát bụi, Cơ may, Cơn mơ, Thảm thắc, Ngoài tôi, đến Ngày về, Cúc xanh, Chứng sinh, Tan tác, bẫy bạn, Lối trăng, Nhớ hoa v.v… Gần như, đấy là nét trội, nét bao trùm mà người viết luôn tựa vào và tạo được hiệu quả, hiệu ứng ở nghệ thuật đi từ cái Hẹp, những mong sẽ mở ra cái Rộng hơn của vệt loang trong suy tư, kiến giải.
Ví như :

Tìm đến em - khu rừng không có nấm
chỉ tràn đầy hương nấm
nơi ấy mắt lá đăm đăm lên trời
nơi thiên đường vầng trán thanh khiết
chạm gân xanh những sợi tóc loạn nhịp
tôi bay…
    (Ong đêm không cánh)

Đấy là phút si mê, lãng mạn, trước bóng dáng người thương. Hay, đây là khi “Gọi bạn”:

Bạn ơi
khi viết bài thơ này
suối âm thầm chảy
lá âm thầm trôi
có một con người
âm thầm nhớ…
Rồi, với Mẹ:
Xa một ngàn cây số
con đang nói cùng mẹ đây
con quỳ xuống tắt đèn
con nhắm mắt cho tối thêm lần nữa
mẹ ơi quay lại với con…
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà không về
sao lại như thế nhỉ ?...

Hay, khi xa con, “Nhớ con” trong lễ Tết Trung thu:

… Áp thấp về đêm Hà Nội
cha như ông trăng sau màn trời
con đang làm gì con ơi
… ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm trung thu khác…

Có lẽ, ở giọng điệu này, nhà thơ cần kiệm lời, cô đúc hơn ở lối tự sự. Ở cái cần gợi trong lối kể. Song, không lấy vần điệu làm sức vang. Mà, lấy cái tung hoành, phóng khoáng ở quá trình vận động của ngôn thi, hình thi, để kiến tạo những câu hay, những câu thơ lấp lánh từ Tâm thi phát sáng. Và, ở đấy, Trần Hùng lần nữa thành công, có khi là cái tinh tế trong cảm nhận, ngắm nhìn trước ngày xuân đang đến:

Sườn đê ven làng vó sen đẫm nước
mơ mòng những giọt sương cánh gai
dừng lại đi, tỉnh dậy đi, tan ra đi
chim nâu bay rồi
cánh đồng ban mai đã vỡ
mùa xuân…

Đấy là, đứng trước “Ban mai.” Còn, trước “Thời gian”? Đây là câu thơ hay trong chiều sâu ngẫm ngợi :

… những con ve ngày ấy đã già
chúng biến thành nếp nhăn trên cây cổ thụ
chiều nay bên gốc cây nhìn lên
ta lặng người
trước bình thản cây thăm thẳm lên trời

Hoặc:

… trái tim - người là ai
mà như chiếc gầu sòng
thì thụp tát về cánh đồng thân thể
nuôi lên tơi bời ý nghĩ

Hoặc, duy nhất, bài lục bát trong thơ Trần Hùng, câu thơ hay ở phát kiến, lý giải, ở cú tự có thần:

giật mình tuổi cũng đã xa
mà chưa thật rõ là Ta hay Mình

Đi từ thế giới hồn mình, trong mối quan hệ nhiều chiều, nhà thơ sao chối bỏ cái “nhỡn tiền” luôn dồn xoay chóng mặt? Nhưng, thơ Trần Hùng bùng phát và sinh nở sau những gì là ngoại giới đã lặn chìm. Thơ của tiếng lòng đắm say, khao khát. Thơ của những khoảng trống luôn dày vò, ám ảnh từ mộng mị, yêu thương. Thơ của những thi liệu, cảnh huống, tâm trạng, những liên kết rất xa nhưng lại cấu thành điểm hội tụ khi cảm rung đồng hiện:

… rồi sẽ ra sao khi cát bụi cuộc đời này
thêm vào lòng tay tôi, thêm vào lòng tay bạn
thuộc về thân thể tôi, thuộc về thân thể bạn
non tơ rồi sẽ ra sao, cằn trơ rồi sẽ ra sao
lẩn trong cỏ đêm thấy bài thơ cũ
tìm trong bài thơ cũ
thấy chiếc trâm cỏ thi người xưa đánh rơi
và tôi chẳng thể cầm lòng - tôi lặng lẽ
như vì sao xa nhất

Đấy là trạng thái khi tỉnh thức lúc “Ba giờ sáng.” Và, đây là cái cảm, cái linh khi tiếng lòng chợt vọng lên, chợt ngộ ra “Thế rồi một ngày”:

Rồi một ngày ta nằm dưới đất nâu
không toan tính đời thường
tiếng chuông nào đã điểm
bao hư danh mãi còn phía trước
vĩ đại bao nhiêu tiết mục cuộc đời
mà bây giờ cũng biến đi đâu rồi
những diễn viên cát bụi của ta ơi…

Thi sĩ Trần Hùng quê Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Tây, nhiều năm sống, làm việc, gắn bó với “Non nước Cao Bằng.” Trong cái duyên của người cầm bút, tôi nhiều lần gặp Trần Hùng ở đất Cao Bằng, ở những cuộc giao lưu, tiếp xúc, ở niềm yêu đầy đặn góc lòng. Trần Hùng đẹp trai, thư sinh, lịch lãm. Với Trần Hùng, sự ăn khớp giữa thơ và người thơ là vẻ êm xanh, đằm thắm, mát lành.

Thơ Trần Hùng là mạch nguồn phù sa chảy tươi nồng, lắng xoáy. Từ tự thức, ý thức, Trần Hùng đã làm nên thơ mình trong nét riêng “Nó là Nó” trong hai chiều nhập hòa “Thế giới ấy và Tôi!”

Vâng. Tôi là tôi! Còn ai đó, có phải là cái “Gu”? Cái hòa đồng? Cái ai thích… Lại là một chuyện khác.

Tôi yêu Trần Hùng, yêu thi sĩ này, lẽ giản đơn là vậy.

Hải Phòng, Tháng 9.2015
KIM CHUÔNG

________________________

Nhà thơ Trần Hùng

Sinh năm 1957 tại Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Tây.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng
Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn VN khoá IX
Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2015

Các tập thơ đã in:

Gọi bạn (1991)
Mơ quê (1998)
- Vườn khuya (2015)
Thảm thắc (2015)

Nguồn: NVTPHCM

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

ĐỖ BÍCH THÚY: LẤP LÁNH PHẬN NGƯỜI CHIẾT RA TỪ ĐÁ

Cảm giác Đỗ Bích Thúy viết văn là đi ngược về tuổi thơ, về tuổi trẻ, của chính mình. Ở xứ cao nguyên đá khắc nghiệt con người phải gồng mình để thích ứng ấy, hoa tam giác mạch vẫn nở đẹp đến nao lòng, và lòng người cuộn lên, và trang văn như được chiết ra từ đấy, từ đá của trời và từ hoa của đất...
Nhà văn Đỗ Bích Thúy

1. 25 tuổi, giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bông hoa rừng của xứ khô cằn sỏi đá tỏa hương giữa lòng Thăng Long 990 tuổi ngay thềm thế kỉ 21.

27 tuổi, rời Báo Hà Giang, xuống núi, về làm thành viên nhà số 4 Lý Nam Đế. Chị trở thành nhà văn nữ thứ hai, sau Nguyễn Thị Như Trang, công tác tại Văn nghệ Quân đội, nơi mà nữ sĩ Xuân Quỳnh từng mơ ước được về làm việc, còn nhà thơ Vũ Cao khi ấy là Tổng biên tập đã trả lời vui rằng: "Ở đây chỉ thiếu người làm thủ trưởng chứ không thiếu biên tập viên chất lượng cao".

35 tuổi, mới đeo lon thượng úy một gạch ba sao đã được giao trọng trách Phó Tổng biên tập ở cơ quan báo chí gồm đa số những người mang quân hàm cấp tá, thường xuyên ngồi họp cùng các đại tá và cấp tướng.

Đấy là nhà văn Đỗ Bích Thúy, người đàn bà đẹp viết văn, với những trang văn lấp lánh phận người "đẹp và buồn", tên một tác phẩm của Kawabata, như được chiết ra từ đá của vùng cao nguyên Đông Bắc Tổ quốc.

2. Thời điểm Đỗ Bích Thúy xuất hiện trên trường văn trận bút, người ta đoán già đoán non về một tác giả đi ra từ bản làng nào đó thuộc về chon von miền núi mù mịt vùng cao ở phía Bắc. Sau mới tá hỏa, gia đình chị người Nam Định. Bố chị là lính lái xe kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Sau chống Pháp chuyển sang lái xe chở gỗ cho các lâm trường. Vì thế mới đưa cả gia đình từ Nam Định lên vùng cao sương lam chướng khí theo lời thi sĩ Bùi Minh Quốc "Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy/ Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường/ Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương/ Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn".

Chẳng biết giấc mơ lí tưởng về cuộc sống mới của bố mẹ chị có vỡ vạc khi lên Hà Giang không? Nhưng tôi chắc một điều, về mặt văn chương, Đỗ Bích Thúy đã "trúng tủ" khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nếu không đi ra từ Hà Giang sẽ không có một Đỗ - Bích - Thúy - văn  - chương như hiện tại, sẽ là Đỗ Bích Thúy khác, hay hơn hay nhạt hơn theo lối khác, không gian khác, màu sắc khác. Theo đấy, là khoảng trống những trang văn về miền núi phía Bắc đương đại sẽ rộng hơn.

Có thực tế, viết về không gian văn hóa miền núi, không phải cứ "người nhà mình" thông thạo mọi chuyện, đi guốc từ trong bụng đi ra, là viết hay. Không phủ nhận thành quả của các nhà văn dân tộc thiểu số, nhưng dường như nhắc đến các tác phẩm viết về miền núi, về đồng bào dân tộc ít người, thì thành tựu nổi bật lại gọi tên các nhà văn coi tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ.

Trước đây là Tô Hoài với Truyện Tây Bắc, Miền Tây; Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên, Rừng xà nu; Thu Bồn với Bài ca chim Chơ rao, Ba zan khát; Ma Văn Kháng với Đồng bạc trắng hoa xòe, Gặp ở La Pan Tẩn; gần hơn là Phạm Duy Nghĩa với vùng Tây Bắc trong tập truyện Cơn mưa hoa mận trắng; Dương Bình Nguyên và Nguyễn Thúy Loan với vùng Việt Bắc trong một số truyện ngắn; và Đỗ Bích Thúy với vùng Đông Bắc trong hầu hết các sáng tác của chị.

3. Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Đỗ Bích Thúy mà tôi đọc được là truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu in trong tập Người đàn bà miền núi. Đọc, và ngơ ngác, và bần thần. Với Súa, với Vừ, với Phống. Cuộc tình tay ba. Mà ai cũng đáng thương. Không gian bàng bạc, u uẩn, da diết, như tiếng sáo của chàng trai Mông len theo vách núi lặn vào đêm đen. Tôi cũng sinh ra và lớn lên từ miền núi. Nhưng thuở mới lớn vô lo ấy không tưởng tượng được lại có kiểu miền núi và những con người miền núi như trong văn Đỗ Bích Thúy.

Sau này tôi biết, trước khi đi vào sách, Lặng yên dưới vực sâu đã được giới thiệu nhiều kì trên báo Văn nghệ. Và như vậy, cùng với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy thuộc dạng hiếm hoi được in nhiều kì trên tờ báo văn chương của Hội Nhà văn.

Điều ngẫu nhiên này làm tôi nhớ đến nhận định của tác giả Thời xa vắng, nhà văn Lê Lựu, đại ý rằng: Nếu như miền Nam có Nguyễn Ngọc Tư thì miền Bắc có Đỗ Bích Thúy, hai nhà văn nữ đại diện cho hai vùng miền, sứ giả của nơi địa đầu Tổ quốc và nơi tận cùng đất nước.

Từ Lặng yên dưới vực sâu, tôi bơi ngược lên, gặp Đỗ Bích Thúy ở thời điểm trước đấy, đã phổ cập không gian Hà Giang cho độc giả rộng khắp, với các tập truyện Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và tiểu thuyết Bóng của cây sồi. Chính truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là nguồn cơn hồn cốt cho việc dựng bộ phim Chuyện của Pao gây ấn tượng mạnh năm 2006 khi đoạt giải phim truyện nhựa hay nhất tại Lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, cùng với đó là 3 giải Cánh diều vàng cho quay phim, nữ diễn viên chính và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Tiếp đấy, không gian vùng cao Đông Bắc tiếp tục hiện lên rõ mồn một trong truyện ở các tập Mèo đen, Đàn bà đẹp, rồi tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh, gần đây là Chúa đất. Kể cả các trang tản văn cũng ăm ắp về tuổi thơ, về Hà Giang, tràn đầy nhung nhớ, chứa chan tình đất, thấm đẫm tình người.

Cảm giác Đỗ Bích Thúy viết văn là đi ngược về tuổi thơ, về tuổi trẻ, của chính mình. Ở xứ cao nguyên đá khắc nghiệt con người phải gồng mình để thích ứng ấy, hoa tam giác mạch vẫn nở đẹp đến nao lòng, và lòng người cuộn lên, và trang văn như được chiết ra từ đấy, từ đá của trời và từ hoa của đất.

Có lúc Đỗ Bích Thúy thoát khỏi từ trường "mơ về nơi xa lắm", để hiện hữu với thực tại hơn, một số truyện chị viết về đời sống đô thị, hay chẳng kém cạnh gì, hay như tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là ngồn ngộn ầm ào màu sắc thị dân mở đường cho tác giả đến giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Nhưng hình như cái hồn cái vía Hà Giang nhập vào Đỗ Bích Thúy rồi. Thúy phải thuộc về Hà Giang và Hà Giang là của Thúy.

4. Thời điểm Đỗ Bích Thúy rời Hà Giang về Hà Nội, nhiều người giật mình, tặc lưỡi, có khi thêm một đại tá về hưu ở đất nước có phần lạm phát các tướng và tá này, nhưng lại mất đi một nhà văn tiềm năng đang dần chín.

Người lo lắng không phải không có cơ sở. Bởi trước Đỗ Bích Thúy, khá nhiều cây viết thuở ban đầu bật lên chói lọi, nhưng một bước về đô thị lớn thì dần dần chìm vào lặng thinh, như thể bứng mình ra khỏi mảnh đất đã làm nên mình, sống ở mảnh đất mới lạ dẫn đến suy - dinh - dưỡng - trang - văn. Nhà văn Trần Thanh Hà - giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội chia tay Quảng Trị ra Hà Nội, rồi nhà văn Lại Văn Long giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ từ Lâm Đồng về Sài Gòn, là hai trong những ví dụ tiêu biểu. Phải tới gần đây mới thấy viết lại, nhưng hồn vía của những Miền cỏ hoang và Kẻ sát nhân lương thiện đã rơi rớt nhiều rồi.

Đỗ Bích Thúy đi ngoài quy luật ấy.

"Tôi sẽ mang tất cả những gì có thể về Hà Nội, nhưng có một thứ tôi biết mình không thể mang được, đó là nỗi nhớ". Chị từng chia sẻ thế. Có lẽ do không mang theo được nỗi nhớ, nên bao nhiêu nhớ nhung chị trút hết vào trang văn. Từ xa hướng về Hà Giang, mọi hình ảnh được chưng cất qua màng lọc mang tên nỗi nhớ, những điều còn đọng lại đều là tinh túy, tinh tuyển, tinh anh. Vậy là, vượt qua sự ồn ào náo nhiệt cuồng quay đô thị, Hà Giang của Đỗ Bích Thúy vẫn hiện lên với truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết và cả kịch bản phim.

Thêm một điều Đỗ Bích Thúy đi ngoài quy luật nữa, là chị… đẹp. Hình như người đẹp và văn chương trước giờ chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Không hiểu sao, rất tự nhiên, người đẹp thường ít viết văn. Người đẹp thường bận bịu với việc làm sao để… đẹp hơn nữa hoặc để cho mọi người thấy cái đẹp của mình, chứ thời gian đâu nghĩ suy, trăn trở, quan sát, chiêm nghiệm về những gì diễn ra xung quanh mình và ở trong mình để trút vào câu chữ. Đỗ Bích Thúy thuộc về số ít người vừa đẹp quyết liệt lại văn quyết liệt hay.

5. Nhà văn Chu Lai từng ví von hình tượng, rằng nghề văn là nghề tự mình múc não mình ra mà ăn. Ý chừng là tàn phá con người ta kinh khủng lắm, căng thẳng lắm. Ấy vậy mà, với Đỗ Bích Thúy, sau 16 năm chính thức dấn bước vào văn chương, lại ngày càng đẹp ra, mặn mòi hơn.

Hỏi chị tới đây có điều gì mới với con chữ không, chị bảo truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu được chị chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên, đã được Trung tâm sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam quay xong, đang trong giai đoạn làm hậu kì. Đồng thời, trên nền kịch bản phim và truyện vừa chị cũng đã hoàn thành tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng Mười năm nay.

Tôi hình dung Đỗ Bích Thúy như những bông hoa đại vẫn nở trắng không gian nhà số 4 mỗi độ xuân sang, dịu dàng và sâu lắng. Và văn chị cũng vậy, sâu lắng, da diết buồn, da diết đẹp, lấp lánh những phận người như chiết ra từ cao nguyên đá Hà Giang thân yêu của chị.

V.T.L/VNCA

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...