Nhà văn Trần Nhã Thụy
Một người đọc nào đấy sẽ có thể tóm lược câu chuyện trong
tiểu thuyết “Hát” của Trần Nhã Thụy như thế này: nhân vật chính
tên là Kỷ, một trung niên người Sài Gòn, béo bụng, dư dả và an nhàn, an nhàn đến
mức rất nhiều khi phải cố nghĩ xem làm sao cho trôi qua một ngày; Kỷ yêu thích
ca trù và từng ra tận vùng Kinh Bắc để học hát; đột ngột một hôm Kỷ bị tai nạn
xe máy, bị hai thanh niên cố tình đạp cho ngã văng xuống đường khi anh đang loạng
choạng tay lái do một thanh niên khác nữa dường như đã cố ý quệt vào anh;
rồi những người gây tai nạn chạy mất, Kỷ chấn thương sọ não nằm bất tỉnh trong
bệnh viện; bên giường bệnh, người tình của Kỷ là Lý, một thiếu phụ còn khá trẻ,
suốt ngày trông nom anh và cố hát hết bài này sang bài khác để mong anh tỉnh lại.
Tóm tắt như thế liệu có ổn không? Yên tâm đi. Đấy chính
là một thí dụ “nhại” theo cách giản lược trong lối viết của tiểu thuyết này. “Hát”
được cấu thành bằng 43 chương ngắn, đánh số thứ tự; trong đó có 5 chương tư liệu
tên là “Phụ lục” và một chú thích khá dài về tiểu sử ca sĩ thời danh Đan
Trường, gần như một phụ lục nữa. Các chương đều kể theo cách lược giản những diễn
biến câu chuyện, gần với văn phong trần thuật báo chí, làm nổi bật một
vài tình tiết hay câu/đoạn thật sự văn học của mỗi chương. Sự đan xen hai văn
phong như vậy khá linh hoạt và cho thấy sự cân nhắc tỉ mỉ của người viết.
Chẳng hạn, ở chương số 30, một đoạn trần thuật – “Rời
khỏi khách sạn, Kỷ vào một quán phở gọi tô tái bò viên. Tô phở nóng bốc khói. Mồ
hôi Kỷ vã ra như tắm. Kỷ lại nghĩ đến Lý. Không hiểu sao từ khi đưa Xuân Nương
về khách sạn, Kỷ bỗng nghĩ đến Lý,” – chen vào một mệnh đề hình ảnh gây
liên tưởng và rung động sâu xa – “,không phải với toàn bộ tâm trí, nhưng từ
tâm trí, những cái rễ như bò nhanh ra, túa đi tìm.”
Và ở đoạn văn ba câu rất ngắn kết chương này, câu văn cuối
đem lại một liên tưởng đầy hàm ngụ: “Thân hình Kỷ bập bềnh trong bồn nước.
Và nước vẫn cứ chảy tràn ra ngoài sàn. Có biết bao là nước đã chảy đi trong cái
đêm đó.”– Đây là một ẩn dụ khá quen về thời gian chảy trôi và biến chuyển sự
đời, như người ta, rằng “bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu.” Ẩn dụ này
soi sáng đoạn văn, và rộng ra là soi sáng cả chương sách. Nó cũng như rất tự
nhiên bật ra, tương hợp với một đặc tính của nhân vật Kỷ, đã được mô tả ngay từ
đầu sách: anh ta thích những mặt nước đầy tràn.
Những tình tiết và câu/đoạn như thế khiến cho cấu trúc kể-giản
lược qua các chương ngắn của tiểu thuyết này giàu tính “ý tại ngôn ngoại” và
phong phú về nhịp điệu hành văn. Hai phẩm chất này khiến lối viết giản lược trở
nên cân bằng: câu chuyện được kể với ít tình tiết hơn, ít chi tiết hơn, nhưng
tăng cường sức tạo sinh nhiều tầng lớp về ý nghĩa bởi trần thuật thiên về tính
hành động và hình ảnh.
Lối kể khách quan, thông qua mô tả hành động, mô tả các mối
quan hệ xã hội và riêng tư,với rất ít bình luận trữ tình hay độc thoại, giúp bộc
lộ đời sống nội tâm các nhân vật một cách sinh động, phức tạp và mâu thuẫn, nhất
là với Kỷ - nhân vật chính của tiểu thuyết này.
Bìa tiểu thuyết “Hát” của Trần Nhã Thụy
Nhân vật Kỷ hiện lên là một dân trung lưu đô thị hiện đại:
dư dật về tiền nong, có tay nghề chuyên nghiệp, độc thân, có “gu” về thẩm mỹ,
hưởng thụ tiện nghi trong tình dục và trong những liên hệ thời thượng xã hội. Tất
cả những đặc điểm tính cách bề ngoài đó lại mâu thuẫn với nhịp sống trì trệ,
tâm thế bất an thường xuyên, bơ vơ lạc lõng và thất vọng sâu xa của nhân vật
này. Toàn bộ được mô tả chủ yếu qua các hành xử của nhân vật, chứ không qua kiểu
lời kể thuyết minh. Chẳng hạn, nhân vật Kỷ được mô tả mỗi lần một khác trong những
cuộc ghé thăm gia đình – ba má và các anh trai chị dâu của anh ta, ở một khu phố
khác cùng trong thành phố. Mối liên hệ gia đình sum vầy đầm ấm, đầy kỷ niệm cứ
thưa vắng, đứt dần sau mỗi lượt. Hình ảnh Kỷ qua mỗi lần ghé nhà ngày càng cô độc,
bị bỏ rơi, xa vắng, gây một ấn tượng về cảm giác bất an tăng dần.
Cảm giác bất an cũng được nhấn mạnh ngay từ mấy chương đầu,
ở đoạn văn kết chương số 6, lần đầu mô tả ảo giác(sẽ còn lặp lại) của Kỷ về tiếng
gõ cửa “mỗi lúc một to, có vẻ gấp gáp.” Đoạn mô tả này thật xuất sắc, xuất
lộ mối căng thẳng tăng vọt trong giây lát, như một trực giác và đầy tính biểu
tượng.
Và ngay đoạn văn trước đó, mô tả Kỷ nằm sấp trên giường
trăn trở “như một con cá mắc cạn,”rồi ư ư hát trong họng – “Cái hơi
trong của ca trù này không phát ra ngoài, chỉ đủ cho mình Kỷ nghe, đủ chuyển
lên não giúp cho Kỷ thoát khỏi cơ chế thực vật,…” – là một cảnh mang tính dự
báo về cái tai họa chung cuộc sẽ đến với nhân vật này: rất có thể anh ta sẽ sống
đời thực vật. Đồng thời, chi tiết đó cũng phác họa một trong những ý nghĩa của
“Hát”: cái nội tâm, cái tâm thức là một bài hát, là tiếng hát, không mô
tả được, chỉ có thể hát lên được; và rộng ra thì đời người chỉ như một âm thanh
dai dẳng, lạ lùng, khó hiểu nữa, vừa ngắn vừa dài, nghe như là hát.
Cái bài-hát-đời-người đó với nhân vật Kỷ chứa đầy mâu thuẫn:
anh ta luôn luôn hành động để cố thoát khỏi cảnh an nhàn thụ động mà biểu trưng
là cái bụng phệ cứ phệ mãi ra; anh ta sớm bị mặc cảm về tình dục nhưng lại trở
nên rất từng trải về đàn bà; anh ta làm những việc không vụ lợi nhưng gặt hái
tiếng xấu, bị chửi rủa, bị ám hại vì những người bám lấy vòng danh lợi; anh ta
nâng niu một biểu trưng cái đẹp ở cô đào ca trù trẻ là nhân vật Xuân Nương để rồi
phải đối mặt cảnh cô gái bị bắt cóc, bị hãm hiếp, gọi điện cầu cứu và rốt cục dẫn
anh ta vào tai họa.
Nhân vật Kỷ được mô tả vốn có năng khiếu âm nhạc và thích
hát, và ca khúc ưa thích nhất của Kỷ là bài “Hotel California” của nhóm rock
“Eagle.” Không ngẫu nhiên mà chương “Phụ lục 3” dài nhất dành riêng để giới thiệu
về ca khúc này, với trọn vẹn phần lời bằng tiếng Anh của nó. Có thể thấy qua suốt
các cảnh và người trong “Hát”, đối với nhân vật Kỷ, đô thành Sài Gòn và
rộng ra cuộc đời anh ta, xứ sở này, là một “Hotel California” dường như tuyệt đỉnh
đẹp tươi quyến rũ, mở rộng chào đón tất cả, nhưng “We are programmed to
receive. You can checkout any time you like, but you can never leave!”
–“Chúng ta bị định phận được đón vào. Anh có thể trả phòng bất cứ lúc nào anh
muốn, nhưng anh sẽ không bao giờ được ra đi!”
Có vẻ nhân vật Kỷ đã muốn “trả phòng” ngay từ đầu câu
chuyện tiểu thuyết này: anh ta tìm học ca trù, gần gũi cái đẹp ở ngay đất phát
tích cái đẹp ấy, như một lối hành hương; anh ta tự nguyện quyên góp cho một dự
án “chém gió” của nhân vật Sinh để khỏi bị cuốn vào vòng danh lợi bịp bợm của
gã bạn hờ này; anh ta muốn lập gia đình với người yêu cũ để được trọn vẹn sống
trong tình yêu thật sự; … nhưng Kỷ đã không thể “ra đi” khỏi quãng đời thất vọng
và bất an của mình. Và trong chuỗi khát khao hành động, lên tới đỉnh điểm khi
tìm cứu Xuân Nương, nhân vật Kỷ có lẽ đã rơi vào một phòng trong cái “Hotel
California” mà thật sự, đủ cả nghĩa đen nghĩa bóng, không thể ra khỏi nữa, trừ
khi anh ta chết.
Đấy quả là một cái kết trọn, đầy âm vang, của cuốn tiểu
thuyết này.
NGUYỄN CHÍ HOAN
Theo Văn Nghệ
__________
* “Hát”, tiểu thuyết, Trần
Nhã Thụy, Phương Nam & Nxb Hội Nhà văn 2014.
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét