Cạnh nhà mình có bác Thông công an. Hình như hồi đó bác
làm trưởng hay phó ty công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài này.
Nhà thơ Phùng Quán thời trẻ
Khi nào hai cụ ngồi với nhau cũng đều nhắc Phùng Quán, Trần
Dần. Có người thì hai cụ nói tiếng Pháp, vắng người thì các cụ cứ oang oang
không kiêng dè gì, mặc kệ mình đứng ôm cột nhà hóng chuyện.
Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng. Yêu ai cứ
bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói
yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu.
Giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ?
Sau này chơi thân với Phùng Quán, anh mới kể bí mật mà
anh đeo đuổi chẵn ba chục năm vì bài thơ này.
Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như một chân lý hiển nhiên ấy
lại làm cho thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì thào thì thầm, như phát hiện gì
ghê gớm lắm. Bài thơ bị qui chụp là biểu tượng hai mặt, mưu đồ đen tối của lực
lượng thù địch.
Anh Quán nói, thực ra mình viết bài thơ Chống
tham ô lãng phí với Lời mẹ dặn như những góp ý với Đảng thôi, vì
mình nghĩ mình là chiến sĩ, không dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho
nên mới có câu này: Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng
cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong. Khi
đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung phong ngay, mưu đồ gì đâu.
Một tối ở chòi Ngắm sóng (nhà riêng Phùng Quán ở bờ Hồ
Tây - BTV), anh rút tiền, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện này
hay lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần sáng đêm.
Anh kể, hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều.
Đánh đau nhất, độc nhất, là bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112
câu của Trúc Chi.
Hỏi Trúc Chi là ai, anh nói từ từ cái đã, rồi ngâm nga cả
bài thơ, không quên câu nào. Chứng tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này trăm lần
là ít suốt mấy chục năm qua. Hồi ấy hễ ai bị phê ở báo, dù chỉ nhắc bóng gió một
câu thôi, cầm chắc đời tàn. Thế mà cả bài thơ 112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh
không thiếu một thứ gì.
Nào là Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt/Nó yêu nơi
gái điếm cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên hạ/Yêu những người đáng
ghét của muôn người/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hóa ra thân chó mái chim mồi...
Nào là Theo lẽ thường: Thì sét đánh không ngã/ Chắc
trên đầu có cột thu lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị
giác hỏng rồi/ Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng xoàng
thôi...
Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh không bị tù tội là may.
Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình, nói hơn ba chục năm qua chỉ làm một việc
là tìm cho ra Trúc Chi là ai.
Anh trầm ngâm hồi lâu, uống hết chén rượu, nói sở dĩ
quyết tìm cho ra Trúc Chi, vì đời mình tan nát cũng vì ông này chứ không ai
khác.Tìm để biết ông ta là ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý chi hết. Khi đó
nhiều người cho mình dại, chẳng để làm gì, nhỡ người ta biết mình đi tìm, có
khi thiệt thân.
Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh Trúc Chi làm thơ ở Hải
Phòng, cán bộ tập kết, thỉnh thoảng lên Hà Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất
vui vẻ. Phùng Quán đi tàu về Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười buồn, nói
anh nghĩ tôi là hạng người nào lại đi làm mấy trò đó.
Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi người nọ người kia nhưng
tóm lại là không phải. Năm 1989, tình cờ người bạn gửi cho anh tập thơ Một
đôi vần của Trúc Chi do NXB Văn hoá Dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó
in nguyên bài thơ Lời mẹ dặn - thật hay không. Lời nói đầu cho biết
Trúc Chi là Hoàng Văn Hoan.
Bí mật ba mươi năm giải tỏa.
NGUYỄN QUANG LẬP
Theo Tiền Phong
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét