Nhà phê bình Trần Hoài Anh
Là bạn đồng học của Trần Hoài Anh kể từ cách đây ngót
nghét thập kỷ, tôi luôn nhận thấy ở anh một văn năng rất dồi dào. Anh am hiểu
nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận văn học trên thế giới. Nhiều bận,
anh say sưa kể về các văn sĩ, thi sĩ, các nhà nghiên cứu phê bình văn học mà
anh quen biết, gặp gỡ và thân thiết từ Nam ra Bắc. Lúc cao hứng, anh đọc thuộc
lòng nhiều bài thơ thật hay và thật dài, rồi nhân thể đưa ra những bình giá thật
sắc sảo... Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, Trần Hoài Anh lại đến với nghiên cứu
phê bình văn học khá muộn. Năm 2009, anh cho ra mắt tập chuyên luận đầu tiên có
tựa đề Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, Nxb
Hội Nhà văn ấn hành. Chỉ hơn một năm sau, anh tiếp tục gửi đến độc giả tập tiểu
luận phê bình Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb Thanh niên, 2010.
Hai công trình, và mới chỉ chừng ấy, Trần Hoài Anh đã xác lập được một chỗ đứng
cho riêng mình.
1. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam
1954-1975 là một công trình vừa mang tính lý luận, vừa đậm đặc chất
văn học sử, công phu và có giá trị thực sự. Lần đầu tiên, chuyên luận đặt vấn đề
nghiên cứu chuyên biệt về một đối tượng mà từ trước tới giờ vẫn bị xem là “có vấn
đề”. Không chỉ là thái độ dũng cảm của người làm khoa học, để có thể là “người
đầu tiên” nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống trên tinh thần khách quan và
khoa học về lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975,
anh đã dày công (chữ “dày công” với ý nghĩa đích thực của nó) tìm kiếm, thu thập
tư liệu. Bởi vậy, công trình được xây dựng dựa trên một khối lượng tư liệu đồ sộ
tới mức ngạc nhiên. Tuy nhiên, cũng giống như một công trình kiến trúc, những
tư liệu, dù phong phú đến mấy, vẫn mới chỉ là gạch, đá, vôi vữa... nếu thiếu đi
bàn tay của kiến trúc sư, của người thợ lành nghề. Trần Hoài Anh không chỉ là
người chuyên chở vật liệu, người phu hồ cần mẫn, một người thợ bậc tám chín gì
đó; mà còn là một nhà kiến trúc vững nghề, thạo nghề và rất tài hoa.
Làm chủ khối tư liệu đồ sộ và bề bộn đó, Hoài Anh đã kiến
tạo công trình chuyên luận vừa khoa học vừa sống động. Bắt đầu là một sự hình
dung tổng quát về cả nền lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn
1954-1975. Tiếp đó, anh đi sâu vào hai nhánh của khoa học văn học là lý luận và
phê bình. Qua ba chương và phần phụ lục của cuốn sách, có thể thấy, Trần Hoài
Anh đã vượt lên nhiều công trình trước đó ở một số điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, anh đã nghiên cứu đối tượng một cách
toàn diện và hệ thống, cả bề rộng (bao quát diện mạo văn học sử), lẫn chiều sâu
(đi vào những vấn đề căn bản của lý luận và phê bình văn học). Khả năng bao
quát một lượng tư liệu đồ sộ cho phép anh khái quát, chỉ ra được những đặc điểm
của lý luận phê bình ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 một cách khá mạch lạc
và thuyết phục. Hầu như anh làngười đầu tiên làm được việc đó. Do vậy, qua công
trình, người đọc chuyên chú sẽ có được không chỉ một cái nhìn khá đầy đủ về diện
mạo và những đặc điểm của lý luận - phê bình ở đô thị miền Nam 1954 -1975, mà
còn lĩnh hội được những tri thức hệ thống và sâu sắc về các vấn đề cơ bản của
lý luận văn học và các khuynh hướng phê bình văn học chủ yếu ở đô thị miền Nam
giai đoạn này. Đúng như Trịnh Bá Đĩnh nhận xét: “Tác giả dường như làm sống lại
một nền lý luận phê bình, đôi khi người đọc như bị tác giả lôi cuốn vào đời sống
đó...”([i]).
Thứ hai, người viết do tiếp thu được tinh thần
khoa học trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới văn học đã có rất
nhiều thành tựu, đã có một thái độ hoàn toàn khách quan, vượt thoát hẳn những định
kiến về tư tưởng, chính trị dẫn đến định kiến văn học một thời. Điều này đã được
anh xác định rõ ngay từ những trang đầu của cuốn sách: “Thiết nghĩ, khi đánh
giá một nền văn học trong đó có những công trình về lý luận - phê bình, việc chỉ
ra những ưu điểm và hạn chế trên tinh thần khoa học là việc làm quan trọng và cần
thiết. Vì bất cứ một khuynh hướng lý luận - phê bình văn học nào dù ưu việt đến
đâu cũng không thể lí giải hết những vấn đề đặt ra của văn học và đời sống”([ii]). Trên
tinh thần đó, Trần Hoài Anh đã tự trang bị cho mình một cơ sở lý luận vững vàng
để thâm nhập đối tượng. Do đó, các vấn đề lý luận như văn học và hiện thực, nhà
văn, tác phẩm, người đọc, vấn đề thể loại... được trình bày rải rác trong các
công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn
này, đã được Trần Hoài Anh gạn lọc, xâu chuỗi để hình thành những luận điểm cơ
bản, mấu chốt của lý luận văn học. Việc khái quát các khuynh hướng phê bình ở
đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 như: khuynh hướng phê bình giáo khoa, khuynh
hướng phê bình phân tâm học, khuynh hướng phê bình hiện sinh, khuynh hướng phê
bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác xít, khuynh hướng phê bình ảnh hưởng tư tưởng
Phật giáo, khuynh hướng phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiên chúa giáo...
cũng thể hiện một sức đọc cần mẫn và tư duy lý luận sắc sảo.
Phải nhận rằng, so với thành tựu lý luận phê bình ở miền
Bắc giai đoạn này, lý luận phê bình ở các đô thị miền Nam phong phú hơn nhiều.
Điều này một phần xuất phát từ chỗ, các nhà lý luận phê bình ở miền Nam đã có
điều kiện tiếp xúc với các tri thức lý luận phương Tây một cách bài bản và hệ
thống hơn. Cũng như phải thẳng thắn nhận rằng các nhà lý luận phê bình văn học ở
miền Nam giai đoạn này hầu như đã thoát ly khỏi những định hướng về tư tưởng
trong nghiên cứu phê bình văn học. Bởi vậy, nhiều công trình nghiên cứu phê
bình các hiện tượng văn học quá khứ, kể cả những tác giả, tác phẩm đã có một lịch
sử nghiên cứu khá dày dặn, vẫn đưa ra được nhiều cách kiến giải mới mẻ, thuyết
phục và hấp dẫn. Chẳng hạn, phê bình hiện sinh về Truyện Kiều, về Hồ
Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát([iii])...
Các vấn đề mang tính chất nguyên lý của văn chương tuy chưa được tập hợp thành
những công trình mang tên Lý luận văn học, nhưng đã góp phần định
hướng lý thuyết cũng như làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn học sử và phê bình
văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn này. Đó là những thành tựu rất đáng ghi nhận.
Và công trình của Trần Hoài Anh là một sự ghi nhận sâu sắc về những đóng góp
đó.
Với những gì có được, hiện nay, Trần Hoài Anh được xem là
một trong những “chủ sở hữu” khối lượng tư liệu đồ sộ nhất về lý luận phê bình
văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Anh đã nhận được lời mời trân trọng
và trở thành đồng tác giả của công trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX quyển
5, tập XI, phần lý luận phê bình văn học giai đoạn 1954-1975. Tập sách do
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, Nxb Văn học ấn hành năm 2010. Đây là tập
sách “hiếm hoi” do Nhà nước đặt hàng. Cuốn sách giới thiệu 16 gương mặt lý luận
- phê bình tiêu biểu của đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 gồm: Vũ Hạnh, Lữ
Phương, Đông Hồ, Quách Tấn, Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Nguyễn Hiến
Lê, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Ngu Í,
Bùi Giáng, Bằng Giang, Cao Huy Khanh. Đây thực sự là một tài liệu quí giá, góp
phần nhận diện khuôn mặt lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam trước 1975
trong dòng chảy của lý luận phê bình văn học dân tộc.
2. Thơ quan niệm và cảm nhận là một tập
tiểu luận phê bình. Như tên gọi của nó, cuốn sách được chia làm hai phần chính:
“Quan niệm về thơ” và “Cảm nhận về thơ”. Là người con đất Quảng, Trần Hoài Anh
như cũng nặng lòng gắn bó và có duyên hơn với các thi sĩ ở dải đất miền Trung.
Dải đất mỏng manh lá lúa, lưng tựa vào Trường Sơn, mặt hướng ra Đông hải, đầy nắng
và gió, đã sản sinh ra rất nhiều thi sĩ tầm vóc - những tên tuổi hầu như chưa
bao giờ bị lãng quên suốt từ Phong trào thơ mới cho đến bây giờ. Đó là: Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan, Tế Hanh; rồi Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm...
Trong số đó, Chế Lan Viên được anh dành phần ưu ái đặc biệt. Có tới 8 trong số
13 tiểu luận ở phần “Quan niệm về thơ” là dành để viết về Chế Lan Viên. Điều
này cũng dễ hiểu. 17 tuổi, Chế Lan Viên xuất hiện giữa làng Thơ mới như “một niềm
kinh dị” (Hoài Thanh). Quan niệm về hiện thực, về con người và thế giới, về thơ
của ông đã vượt ra khỏi những khuôn khổ thông thường, đạt tới một tầm vóc khái
quát triết học, duy vật biện chứng mà siêu hình, đượm màu hư vô. Lúc nào trong
ông dường như cũng đau đáu một câu hỏi “Ta là ai?” mà cho tới tận Di cảo
thơ, Chế Lan Viên vẫn còn phân thân đối thoại như thể không bao giờ tìm thấy
được câu trả lời của nó. Trong các tiểu luận của mình, Trần Hoài Anh đã tập
trung phân tích, lý giải, bình giá những chỗ khác biệt, độc đáo giữa Chế Lan
Viên và các nhà thơ khác trong quan niệm về thơ, nghề thơ, nhà thơ, mối quan hệ
giữa thơ với người đọc và một số phương diện hình thức thơ... Trên cả ba chặng
đường thơ Chế Lan Viên, Trần Hoài Anh đều có những nghiên cứu, thẩm bình “thấu
lý đạt tình”. Anh viết: “Thực ra không phải đến những năm sau 1986, nghĩa là đến
thời kỳ “đổi mới”, thơ Chế Lan Viên mới chuyển sang một giọng điệu mới thể hiện
một quan niệm mới về thơ, một cái nhìn mới về cuộc đời, mà điều ấy đã có một
quá trình lên men từ trước. Có thể nói từ tập thơ Hoa trên đá trở
đi thơ Chế Lan Viên đã phản ánh rõ nét trạng thái vận động này”([iv]).
Thơ Tế Hanh xuất hiện nhiều trong những bài tiểu luận ở
phần “Cảm nhận về thơ” của tập sách. Nhà thơ của Nhớ con sông quê hương đã
được Hoài Anh tập trung khai thác từ một chiều kích khác, đặc biệt: Tế Hanh -
Nhà thơ tình yêu. Đọc những tiểu luận của Hoài Anh, thấy thơ tình Tế Hanh sao
mà tinh tế, giàu yêu thương, rung động tận đáy sâu tâm hồn. Đúng là: “đọc thơ Tế
Hanh nói chung và mảng thơ tình yêu nói riêng, chúng ta khó bắt gặp những cảm
xúc nóng bỏng, vồ vập, sôi nổi, nồng cháy, ngây ngất, như thơ tình của Xuân Diệu,
Hàn Mặc Tử... nhưng không phải vì thế mà thơ tình của Tế Hanh thiếu vắng sự nồng
nàn vốn là bản chất của tình yêu mà trái lại chính sự lắng đọng trong cảm xúc tạo
cho thơ tình của Tế Hanh một nét riêng độc đáo. Đó chính là sự sâu lắng nhưng
không kém phần mênh mông, da diết...”([v]). Những
cảm nhận kiểu như thế của tác giả, hẳn nhiên sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều
người.
Những bài tiểu luận về thơ Bích Khê, Yến Lan, Nguyễn
Bính, Văn Cao... cũng được viết bằng nhiều cảm nhận mang sắc thái riêng. Chính ở
phần cảm nhận về thơ, văn năng của Trần Hoài Anh mới thực sự phát lộ. Tư chất của
nhà phê bình ở Hoài Anh được thể hiện từ việc lựa chọn đối tượng đến cách anh
“phán quyết” về đối tượng. Khi anh viết: “Thật bất ngờ và cũng thật táo bạo.
Cơn bão dữ dội là vậy mà con người lại hồn nhiên đến thế. Câu thơ thay đổi nhịp
điệu một cách tinh tế như sự thay đổi âm vực trong một bản nhạc giao hưởng từ
gào thét dữ dội như những cơn sóng ào ạt đến sự lắng sâu của lòng biển tâm hồn.
Đọc câu thơ tôi cứ thấy bàng hoàng. Nếu cái “nắm tay em” ở đây là chuyện nắm
tay qua đường trên phố thì là chuyện thường tình nhưng ở đây là chuyện “nắm
tay” người yêu qua đường trong cơn bão. Bão dữ dội đến vậy mà anh vẫn nắm tay
em qua đường? Sức mạnh nào làm cho họ có đủ sự tỉnh táo kỳ lạ chống đỡ và chiến
thắng cả thiên nhiên?”([vi]), có cảm
giác anh là nhà sáng tác viết phê bình. Nhưng phê bình của Hoài Anh là thứ phê
bình có cả lý luận và lịch sử, mà nói như ngôn ngữ
quảng cáo, là ba trong một. Một thứ lý luận vừa có gốc rễ, vừa được
chưng cất từ thực tiễn nên dễ truyền ngấm. Một thứ phê bình vừa do thiên năng,
vừa có lý luận và lịch sử làm giá đỡ nên càng thêm sâu sắc, thuyết phục.
Thực ra, trước khi có sách xuất bản, cái tên Trần Hoài
Anh đã từng xuất hiện trên nhiều tờ báo, tờ tạp chí có uy tín ở trung ương và địa
phương như: báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Giáo dục
thời đại; tạp chí Nhà văn, Thơ, Nghiên cứu
văn học, Văn hóa nghệ thuật, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Kiến
thức ngày nay, Sông Hương, Sông Trà... Đợi đến “mùa
quả chín”, anh mới tập hợp thành sách. Hiện tại, mặc dầu rất bận rộn với công
việc giảng dạy của một giảng viên ở trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, anh
vẫn miệt mài dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học như một
mối lương duyên. Và dù nghiên cứu lý luận, lịch sử văn học hay viết tiểu luận
phê bình, cách làm sách của Trần Hoài Anh cho người đọc một cảm giác thật tin cậy.
Tự trọng và tôn trọng độc giả là điều rất dễ nhận thấy khi người đọc cầm trên
tay những cuốn sách của anh. Bởi vậy, dù trong thời đại của công nghệ truyền
thông, những cuốn sách của Trần Hoài Anh, tôi tin, vẫn có chỗ đứng trong lòng độc
giả.
Thanh Hóa, tháng 8
năm 2011
LÊ TÚ ANH
Chú thích:
([1]), (2), (3) Trần Hoài Anh, Lý
luận - Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,
2009, tr. 304, tr.8, tr.204-216.
(4),
(5), (6) Trần Hoài Anh, Thơ
- Quan niệm & cảm nhận, Nxb Thanh niên, 2010, tr.39, tr.204, tr.209.
________________________________________________________
Nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh còn có
bút danh Thiện Mỹ, quê quán ở Quảng Ngãi. Học tiểu học, trung học ở Quảng Ngãi;
học đại học và cao học tại Đại học Sư phạm Huế - Đại học Quốc gia Huế; nghiên cứu
sinh Tiến sĩ ngành Lý luận Văn học tại Viện Văn học Việt Nam. Hiện là Tiến sĩ
ngữ văn, chuyên ngành lý luận văn học, giảng viên Trường đại học Văn hoá TP. Hồ
Chí Minh.
Nguyên Uỷ viên BCH Hội Văn học nghệ thuật
Quảng Ngãi (Khoá 3)
Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình - dịch
thuật Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020).
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012.
Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Lý luận – Phê bình văn học ở đô
thị miền Nam 1954 -1975 (chuyên luận), Nxb. Hội Nhà văn 2009.
- Thơ - Quan niệm và Cảm nhận (tiểu
luận - phê bình), Nxb. Thanh niên 2010.
- Văn học nhìn từ Văn hóa (tiểu
luận - phê bình), Nxb. Thanh niên 2012.
- Đi tìm ẩn ngữ văn chương (tiểu
luận - phê bình), Nxb Hội Nhà văn 2017.
In chung:
- Tế Hanh về tác giả, tác phẩm,
Nxb. Giáo dục, 2000.
- Văn học Việt Nam sau 1975 – Những
vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb. Giáo dục, 2006.
- Bích Khê – Tinh hoa và Tinh huyết,
Nxb. Hội Nhà văn, 2008.
- Tưởng nhớ Nhà thơ Tế Hanh,
Nxb. Hội Nhà văn, 2009.
- Văn học Việt Nam Thế kỷ XX (lý luận
phê bình 1945 -1975) – Quyển 5, Tập 7, 8, 9, 10, 11, NXb. Văn học,
2008, 2009, 2010.
Giải thưởng văn học:
Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2017 cho tác
phẩm Đi tìm ẩn ngữ văn chương.
Quan niệm văn học:
- Văn chương đối với tôi không chỉ là niềm
đam mê mà còn như một thứ nghiệp chướng. Đã là nghiệp chướng thì phải sống với
nó như một sự đặt để của số phận. Tôi làm văn chương như là một cách sống để trả
cái nghiệp chướng ấy. Vậy thôi...
- Sự chọn lựa của văn chương là sự chọn lựa
của định mệnh. Song không phải vì văn chương là định mệnh rồi ngồi đó trông chờ
định mệnh sẽ mang đến cho ta tác phẩm. Định mệnh của văn chương là định mệnh của
sáng tạo, của lao động. Đó là định mệnh của sự dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy
mình để làm nên tác phẩm.
(Trích Văn
học nhìn từ Văn hóa tr. 201, 202)
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét