Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

MẸ VỀ BIỂN ĐÔNG - MỘT KHÁT MONG DAY DỨT

Đọc trường ca Mẹ về biển Đông của Du Tử Lê. "tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng”. Câu thơ này lặp đi lặp lại trong suốt bản trường ca dài tới 5 chương.
Nhà thơ Du Tử Lê

Lặp lại như một leitmotiv trong âm nhạc. Lặp lại như tiếng khóc hời cất sâu trong tâm tưởng của đứa con khi vĩnh biệt mẹ mình. Ở một nhà quàn sạch sẽ và lạnh lẽo trên đất Mỹ. Sạch sẽ, lạnh lẽo và xa lạ. Tất cả những cảm giác đó luôn được nhắc đi nhắc lại trong suốt bản trường ca.

Lạnh và đau. Đó là cảm giác xuyên suốt bản trường ca:

ai? thân xác tám mươi lăm năm lầm lũi
tám mươi lăm năm chưa trọn tiếng cười?
đời vay trả ngày nào tôi mới chết?
những chân về có gọi bước đi lui
chiều cuối mộ, liệu ai ngồi nhớ lại
những chia lìa, đứt một sớm mai”

Lạnh và đau. Đó là cảm giác của đứa con trai - nhà thơ Du Tử Lê - khi từ biệt mẹ mình trên đất Mỹ.

Thơ Du Tử Lê rất nặng tình. Mẹ về biển Đông là điển hình cho phong cách thơ nặng tình ấy. Dù nhân vật “tôi” trong trường ca luôn cố ra tỉnh táo khi ngồi một mình trong nhà tang lễ và suy nghĩ, nhớ lại biết bao điều cùng mẹ mình.

Đó là những vân vi kể lể đi giữa tỉnh và tỉnh, đi giữa tỉnh và mê. Đó là lúc tác giả ngồi nhớ lại suốt đời mình, suốt đời mẹ mình, một người mẹ bình sinh chỉ biết lo áo cơm cho gia đình, lo mồ mả cho ông bà, cuối đời sang Mỹ sum họp với con cháu, thì chỉ mấy năm sau, mấy năm ngắn ngủi, bà đã nằm xuống.

Đây là một số phận, số phận bà mẹ của nhà thơ Du Tử Lê. Nhưng vì sao đọc những đoạn thơ với tâm trạng khác nhau, ta chợt nhận ra bà mẹ đó cũng là mẹ mình, cũng là bà mẹ Việt Nam không lam lũ thì cũng khổ nghèo, không khổ nghèo thì cũng khổ tâm, không khổ tâm thì cũng khổ hạnh. Có mấy khi những bà mẹ của chúng ta được sung sướng, được thanh thản. Suốt đời lo cho con, hết con rồi tới cháu, và còn tới đâu nữa.

không bao giờ nữa, tôi, buổi sáng, và lộ trình tử biệt kia
người ta sẽ đưa mẹ tôi tới một nơi chốn khác
nơi chốn không hề thuộc về bà
quê hương bà ở một nơi nào khác
một nơi nào
khác hơn ngôi nhà quàn này
(biển Đông tiễn mẹ tôi đi
liệu có đón bà về, cửa cũ?
cửa nghìn năm xanh một lũy tre)
tôi nghĩ
không một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài đất nước”

         Mẹ về biển Đông - Du Tử Lê

Vâng, không một bà mẹ Việt Nam nào muốn chết ngoài đất nước, dù cái chết thì không ai tránh khỏi. Khi viết hẳn một trường ca về mẹ mình, Du Tử Lê đã đột nhiên có một bứt phá trong thi pháp. Anh có thể viết như một nhà thơ Mỹ viết về mẹ mình, rồi đột nhiên, lại trở về những dòng thơ cổ điển Việt Nam của một nhà thơ Việt, và giữa những đoạn thơ hiện đại, những đoạn thơ cổ điển Việt như tà áo tứ thân của người mẹ chợt bay lên, rung lên trong ta một nỗi gì sâu thẳm. Yêu mẹ mình cũng là yêu nước. Hãy viết những câu thơ thật lòng nhất về mẹ mình, và tự nhiên, anh sẽ tìm ra một thi pháp của riêng mình. Vì mỗi chúng ta đều có một người mẹ, và tình yêu phải bắt đầu từ những gì riêng tư nhất nhỏ bé nhất.

Tôi đọc những câu thơ kể lể buồn bã của Du Tử Lê như đọc những đoạn kinh cầu, dù có thể tác giả không nghĩ mình đang viết một requiem (khúc nguyện cầu) vì nó có vẻ to tát quá. Anh, đơn giản, chỉ là đang kể lể, đang than khóc một mình, về cái chết và cuộc đời của mẹ mình. Trong tận cùng của nỗi đau riêng ấy, nhà thơ nhớ lại quê nhà mình, những tháng năm mình lớn lên ở một làng quê Việt. Những người bị bật gốc, những người phải sống lưu vong đều có chung một nỗi đau, một nỗi buồn, và mỗi khi hồi tưởng, họ đều hồi nhớ về quê hương mình. Hiện thực khi đã được lọc qua hồi ức, qua tâm trạng, qua những giằng xé, sẽ hiện lên da diết hơn, đau đớn hơn và thấu suốt hơn.

Với trường ca Mẹ về biển Đông của Du Tử Lê, người ta chỉ có thể đọc từng đoạn, đọc từng chương. Những khoảng nghỉ, những cú ngắt, những nhịp hẫng trong trường ca này lại cho ta một khoảng lặng để ngẫm ngợi. Đời sống thật hữu hạn, nhưng tình thương yêu thì vô hạn. Dù mẹ ta có sống tới trăm tuổi, rồi cũng tới lúc phải bỏ ta mà đi về cõi khác. Nhưng tình thương yêu với mẹ, tình mẹ với con thì còn lại với cuộc đời qua hết thế hệ này tới thế hệ khác.

Tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn mình tưởng”
Nhưng tìm lại gương mặt nhiều khổ đau vất vả của một đời mẹ mình thì không dễ.Thơ giúp chúng ta làm điều đó, vì mỗi nhà thơ đều có mẹ của mình. Và đều có những cuộc trở về với mẹ mình. Trở về với mẹ, cũng là trở về với quê cha đất tổ.

Trở về với Tổ quốc mình. Mỗi người có một số phận. Nhưng còn số phận chung của đất nước. Mỗi người đều có mẹ của riêng mình. Nhưng còn có Mẹ-Việt-Nam cho mỗi người con Việt. Dù ở đâu, với ai, thì cũng có lúc nhớ về, tìm về. Có khi vui tươi thì tìm về. Có khi đau khổ lại càng tìm về.

Mẹ về biển Đông là một tượng trưng, nhưng không hề siêu thực.

Du Tử Lê là một nhà thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ đa cảm. Nhưng vượt lên, anh còn là nhà thơ Việt hiếm hoi viết cả một trường ca về mẹ mình. Chúng ta đọc, và nhớ nghĩ về mẹ chúng ta. Chỉ như thế, chúng ta đã có cơ hội trở thành những người con có hiếu. Tôi mong một ngày không xa, trường ca Mẹ về biển Đông sẽ có ấn bản in tại Việt Nam, như một ước nguyện thầm lặng của mẹ nhà thơ khi qua đời tại xứ người. Và khi đó, linh hồn người mẹ nhiều vất vả của Du Tử Lê mới thực sự về yên nghỉ giữa quê hương mình.

Thơ kết nối tất cả chúng ta.

THANH THẢO
Nguồn: Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...