Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

TÌNH THẾ CỦA NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC

(Để tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh)

Nghĩ về con đường của những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại thuộc thế hệ Lê Đình Kỵ, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm…, tôi thường suy ngẫm về cái tình thế mà họ đã trải qua từ khi vào nghề cho đến lúc hoàn thành sự nghiệp. Đó là cái tình thế đặc biệt, tình thế mà những tác giả Phê bình và cảo luận, Dưới mắt tôi, Thi nhân Việt Nam, Nhà văn hiện đại… không gặp phải và những nhà nghiên cứu hiện nay có lẽ cũng không hình dung được.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Những người viết lịch sử khoa nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX chắc chắn phải tìm hiểu hoàn cảnh nào đã đưa những tác giả nói trên đến chọn lựa nghề nghiệp mà họ gắn bó suốt hơn nửa thế kỷ nay. Phải chăng là họ có thể đi một con đường khác: làm chính trị, làm kinh tế, nghiên cứu khoa học tự nhiên, dịch thuật hay sáng tác… Nếu như thế thì họ đã có một sự nghiệp, chưa hẳn đã yên bình hơn, nhưng chắc chắn để lại cho đời những công trạng khác, và đem lại cho họ một cuộc sống khác.

Sau 1945, những văn nhân thi sĩ như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…, dù có những trăn trở, giằng xé, cũng thích ứng được với bước ngoặt lịch sử và khẳng định được vị trí phù hợp với sở trường của mình. Trong khi đó, hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình văn học lớp trước đều có những đứt gãy khiến họ xa rời lĩnh vực đã từng làm nên tên tuổi họ: Thiếu Sơn đi vào hoạt động xã hội, Trương Chính chuyên tâm với nghề giáo, Vũ Ngọc Phan chuyển sang văn học dân gian, Nguyễn Bách Khoa vướng vào Nhân văn - Giai phẩm…

Phải chăng là cái khoảng trống mà các nhà nghiên cứu lớp trước để lại là một thuận lợi cho những nhà nghiên cứu đến sau? Câu trả lời có thể là vừa có, vừa không. Khi không còn những “mẫu mực” để kế thừa, người ta sẽ rộng đất hơn để thể hiện, nhưng cũng phần nào cảm thấy bơ vơ và lúng túng, nhất là khi họ phải tuân thủ những “mẫu mực” mới. Thú thật, là kẻ hậu sinh, lớn lên trong một hoàn cảnh khác, tôi không hiểu được tâm thế của những nhà nghiên cứu khi họ dấn thân vào nghề vào cuối những năm 50 – đầu những năm 60 ở miền Bắc. Liệu họ có hình dung cái tình thế mà họ sẽ đối diện và những gập ghềnh mà họ phải vượt qua hay không?

Trong thực tế, tình thế khó khăn và tế nhị mà những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại gặp phải còn lớn hơn gấp bội lần so với những nhà nghiên cứu văn học cổ điển hay văn học nước ngoài. Những tranh luận về văn học cổ điển hay nước ngoài, nếu có, dễ được giải quyết bằng những chứng cứ và chứng lý khoa học hơn là đối với những hiện tượng văn học diễn ra ở đây, thời này, vốn chưa được thời gian thử thách. Làm văn học Việt Nam hiện đại tưởng như dễ dàng hơn về tư liệu, nhưng sự soi chiếu về lý thuyết lại có những lấn cấn, ràng buộc mà sự chính xác của tư liệu nhiều khi cũng phải xếp xuống hàng thứ yếu.

Chính từ đây đặt ra cho những nhà nghiên cứu văn học hiện đại vấn đề thái độ ứng xử. Đó là sự ứng xử với những hiện tượng văn học còn tươi rói, ứng xử với những tác giả cùng thời, ứng xử với các luồng dư luận có “quyền lực mềm” của nó. Những nhà nghiên cứu văn học hiện đại dành công sức cho những ứng xử này có lẽ không ít hơn công sức họ dành cho việc khảo sát các hiện tượng văn học một cách nghiêm nhặt, bằng những thao tác khoa học. Chỉ cần thống kê những đề tài và số lượng bài viết mà họ dành cho một hiện tượng văn học cụ thể, với tần số những lời khen, lời chê, ta sẽ nhận ra điều đó.

Theo thiển ý, Nguyễn Đăng Mạnh là một trong những trường hợp tiêu biểu cho cách ứng xử với tình thế để tự khẳng định phẩm giá của mình với tư cách một nhà khoa học. So với nhiều nhà nghiên cứu cùng thế hệ, ông là người không dính đến quan chức (trưởng khoa, trưởng ban, viện trưởng…); nhưng về danh hiệu khoa học thì ông không kém ai (giáo sư, nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước…). Đối tượng nghiên cứu của ông hầu hết là những hiện tượng văn học đích thực, ít có những đề tài gì khiến người ta có thể trách cứ ông là xu thời. Và điều quan trọng là trong những công trình của mình, ông đã phát huy đến mức tối ưu sở trường cảm thụ tinh tế  và năng lực diễn đạt thành những văn bản có tính chất sáng tạo, như những văn bản nghệ thuật thứ hai. Những gì ông viết về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Xuân Diệu… chứng minh điều đó.

Nếu những ứng xử có tính chất “đắc nhân tâm” trong nghiên cứu có thể làm cho người ta mệt mỏi, thì việc chọn lựa và bảo vệ những giá trị văn hoá lại tạo ra một niềm vui lớn, giúp vượt qua những nhọc nhằn của nghề nghiệp. Nguyễn Đăng Mạnh vốn không phải là người “sùng bái” những lý thuyết văn học mới, vì ông đã có một “định hướng” ưa thích của mình là đi tìm cái đẹp trong những phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông cũng là người không ưa “tầm chương trích cú”, không ưa tỉ mẩn so sánh, đối chiếu văn bản… Nhưng công phu chọn lọc để trích dẫn và bình giảng một câu thơ hay, một đoạn văn đẹp cho thấy nghề nghiên cứu cũng là một loại “phu chữ” nặng nề, cực nhọc. Đào sâu và nối dài ý nghĩa của những giá trị văn học bằng sức thuyết phục của ngôn ngữ chính luận và giọng văn cảm xúc, nhiều bài phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh chiếm vị trí hàng đầu của những ý kiến có chọn lọc và sáng suốt nhất trong một thời kỳ văn học.

Nguyễn Đăng Mạnh là người kỹ tính trong thẩm văn, bình thơ. Nhiều hiện tượng văn học từng gây xôn xao dư luận cũng không dễ thu hút ngòi bút của ông. Trong đời sống văn học, thiết nghĩ, rất cần những người kỹ tính như vậy, chính điều này góp phần tạo ra sự “cân bằng sinh thái học” trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Trong văn chương, cái đáng chê là sự buông tuồng, suồng sã, xuê xoa và dễ dãi. Trong đào tạo, những người như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lại càng phải kỹ tính và chặt chẽ hơn nữa khi góp phần cho xuất xưởng ngày càng nhiều những tiến sĩ và thạc sĩ văn học trên đất nước ta.

Có thể nói Nguyễn Đăng Mạnh sinh ra là để làm văn. Ông là người chí thú với nghề nhưng có lẽ cũng là người hiểu sâu sắc những bạc bẽo của nghề. Nghề văn vừa đem lại danh tiếng, vừa bắt phải trả giá cho danh tiếng. Được và mất, hạnh phúc và tổn thương đi liền với nhau. Có lẽ đó cũng là đặc điểm của tình thế, trong đó không chỉ những tiếng chê mà cả những lời khen cũng có thể gây ngộ nhận, không chỉ những điều nói ra mà cả những điều không nói ra cũng có thể bị cho là có ngụ ý. Ở đây, không chỉ nói đến tình thế xã hội, mà cả tình thế văn hoá, phong tục…Nhưng làm sao người ta có thể tự nhấc chân ra khỏi hoàn cảnh của mình, để tìm chỗ ẩn náu nào bình yên, không va chạm?

Ngày trước, nghĩ về nghề văn, Tản Đà từng viết: “Tôi từ khi theo về nghề quốc văn kể có tới gần mười lăm năm, lên bổng xuống trầm, vào trong ra đục, phong trần chẳng quản, phi nghị mặc ai, thực cũng mong tựa văn chương để có ít nhiều sự nghiệp […]. Cũng trong mười lăm năm mà tôi theo về quốc văn đó, đến nay hồi tưởng lại, chỉ thấy cuộc đời như trò rối, mình chẳng qua là một đứa ra oai. Bao nhiêu những cái cảnh bóng chìm trong đục, nhất thiết không có thú vị gì; có hứng thú ít nhiều, chỉ có ở những lúc làm được những câu đắc ý. Những lúc đó, không những một mình thú riêng với câu văn, mà lại có cái thú đối với những ai tình cảm ở mặt nước chân mây, tinh thần giao tiếp, dẫu xa xa ngoài bốn biển mà như họp mặt trong một nhà” (Sự nghiệp văn chương, Đông Pháp thời báo, ngày 17-12-1927).

Nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác là những người góp phần bảo toàn khuôn mặt tinh thần của giới trí thức một dân tộc. Qua những gì mà họ viết ra cũng như cách mà họ hành xử các mối quan hệ, có thể nhìn thấy phẩm chất và lương tri của tầng lớp trí thức, nội lực và tầm văn hoá của một dân tộc. Xã hội nhìn vào họ, đòi hỏi ở họ, nhất là trong những tình thế đặc biệt, vừa xây dựng được sự nghiệp, vừa bồi dưỡng được lương tri. Kẻ hậu sinh là chúng tôi, nhìn con đường chông gai mà thế hệ bậc thầy như  giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã đi qua, dẫu nghĩ đến cái phù phiếm của sự nghiệp văn chương để cho lòng thêm thanh thản, cũng không khỏi lo ngại về con đường xa tắp còn hiện ra trước mắt mình.

 HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Khoa VHNN- ĐHKHXH&NV TPHCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...