Nhà thơ Derzhavin
Thuở nhỏ,
Derzhavin là đứa trẻ thông tuệ, bốn tuổi đã biết đọc tiếng Nga và tiếng
Slav cổ. Những người thầy dạy đầu
tiên của nhà thơ là những con người bình dân: cậu bé Derzhavin học tiếng
Đức và học vẽ ở ông thầy Iosif Rose - một người tù khổ sai gốc Đức, học toán và các môn khoa học từ anh lính đồn biên
Lebedev và chàng học sinh võ quan Poletaev…- những người mà chính bản thân cũng không nắm vững điều họ
được giao giảng dạy cho cậu học trò. Năm 1754 Derzhavin vào học ở trường trung học Kazan, được xếp vào hàng những
học sinh xuất sắc nhất, đặc biệt thể hiện năng lực ở hội họa, âm nhạc và thơ
ca. Do thành tích học tập, cậu bé còn được giám đốc nhà trường cho tham gia vào chuyến khai quật khảo cổ
thành phố cổ Bolgar của người Tatar. Ấn tượng trước cung điện xưa của các khan
Tatar và những di vật còn lại, Derzhavin vừa vẽ, vừa ghi chép, mô tả lại
tất cả – đó có thể xem là kinh nghiệm văn chương đầu tiên của nhà thơ tương lai. Tuy học xuất sắc nhưng
Derzhavin không học hết trung học do bị gọi vào quân đội, không phải để làm sĩ
quan (như thông thường đối với các quý tộc), mà làm một anh binh nhì tầm
thường nhất. Có thể nói tuổi thơ và
tuổi trẻ của Derzhavin đã phải trải qua một cuộc sống đầy khó khăn vất vả,
“trong học viện của nghèo đói và gian khó, tôi đã học tập và tự giáo dục mình”
– nhà thơ sau này đã viết như thế.
Derzhavin phục
vụ trong trung đoàn kỵ binh Preobrazhenskoe, ngủ trong lán trại, viết hộ những
người lính bình dân không biết chữ những bức thư gửi về nhà với lời lẽ, giọng văn độc đáo đầy chất
lính. Những bài thơ đầu tiên của Derzhavin là những bài thơ không tuân theo một
quy tắc trật tự nào cả, chúng rất được phổ biến trong quân ngũ, được truyền qua
nhiều thế hệ ở các trung đoàn kỵ binh. Mười năm sau khi tham gia quân ngũ, khi
đã trở thành sĩ quan, Derzhavin làm một bước ngoặt lớn trên con đường công danh: tự nguyện tham gia vào chiến dịch
đàn áp cuộc khởi nghĩa nông dân Pugatchev. Sau đó, ông tham gia vào Viện Nguyên
lão, trở thành tỉnh trưởng,
thành thư ký riêng cho nữ hoàng Ekaterina II, dưới triều Pavel giữ nhiều chức vụ trong Viện
Nguyên lão, và cuối cùng trở thành bộ trưởng Bộ Tư pháp thời Alexandr I. Năm 1803, ông bất ngờ, và cũng tự nguyện,
rời bỏ mọi chức vụ… Nhà thơ đến lúc này đã chắc chắn xác định rằng sự
nghiệp chính của cuộc đời mình là sáng tác thơ ca. Ông qua đời năm 1816 ở tuổi 73.
Sáng tác của
Derzhavin vắt qua hai thế kỷ: XVIII và XIX. Vào thế kỷ XIX, Belinsky từng viết:
“Mọi người đều ngợi ca ông, nhưng đồng thời chẳng ai đọc ông cả”[1].
Điều mâu thuẫn mà Belinsky nói ở đây
chính là tính chất chuyển giao giữa hai thời đại ở nơi nhà thơ lớn này.
Trước hết,
Derzhavin là “tập đại thành” của thơ ca cổ điển Nga thế kỷ XVIII. Khi Derzhavin
bước vào văn chương, những năm 60-70 của thế kỷ đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa
hai truyền thống thơ ca: truyền thống Lomonosov chú trọng thể loại tụng ca cung
đình, mang tính trang trọng, sách vở, bác học (văn chương bậc cao theo
thứ bậc của chủ nghĩa cổ điển thế kỷ
XVIII), và truyền thống Sumarokov chống lại sự hoa mỹ, bóng bảy của các thể loại
bậc cao và chú trọng phát triển những thể loại thơ trữ tình (thơ tình yêu, bi ca) và thơ châm biếm (ngụ ngôn, epigram). Nhà thơ trẻ
Derzhavin tiếp thu một cả hai truyền thống theo cách độc đáo riêng biệt, vận dụng
cả hai để rồi từ đó tạo nên một sự tổng hợp đặc biệt. Vốn xuất thân nghèo khó
và trải qua nhiều gian khổ trong những bước lập nghiệp đầu đời, sáng tác của
Derzhavin giai đoạn đầu (những năm 60-70) thể hiện sự gần gũi với thơ ca dân
gian, và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách thơ ca Sumarokov. Ông viết những
bài thơ tình yêu “kiểu Anacreon”, đồng thời cả những bài ngụ ngôn thông
tục mang không khí của những lán trại quân đội, những tửu quán, những sòng bài.
Nhưng dần về sau, con đường công
danh hướng tới tầng lớp tầng lưu khiến nhà thơ cũng tách khỏi truyền thống “giải
kinh điển” (declassing) của Sumarokov, và quan tâm đến thể loại “bậc cao” của
chủ nghĩa cổ điển là tụng ca và tuân theo mô hình kết cấu tụng ca của trường phái Lomonosov. Tuy nhiên, Derzhavin
không bằng lòng với thi pháp của Lomonosov. Các bài tụng ca của Lomonosov
(một người tuy nhận được sự bảo trợ,
nhưng không phải là cận thần của triều đình) thường được
làm theo đơn đặt hàng của giới quý tộc triều đình (không phải là người gần gũi với nhà thơ), bởi vậy mang
tính khen tụng chung chung, trừu tượng. Derzhavin, trái lại, là một triều thần,
trực tiếp chứng kiến (hay tham dự) vào cuộc sống của triều đình. Cuộc sống
của hoàng gia, của các đại thần đối với nhà thơ không phải là đỉnh núi Olympia của những vị thần, mà là một hiện thực, một
vũ đài của hoạt động trần thế của các cá nhân với đầy những hấp lực mà cũng đầy
xung đột, với nhiều bè bạn mà cũng lắm kẻ thù – có người đáng ngợi ca nhưng
cũng có kẻ chỉ để cười nhạo. Bởi vậy, bức tranh trong tụng ca của Derzhavin
không còn chỉ đơn điệu một màu uy nghiêm như ở Lomonosov, mà đủ các sắc thái của cuộc sống cụ
thể, sinh động, giọng điệu của tụng ca có lúc trang trọng mà cũng nhiều lúc hài
hước châm biếm. Lý thuyết “ba phong cách” của Lomonosov đến Derzhavin đã
bắt đầu bị phá vỡ.
Một ví dụ về sự “phá vỡ” truyền thống Lomonosov là tác phẩm
tụng ca viết năm 1779 nhân sự kiện hoàng tử Alexandr (tức hoàng đế Alexandr I
sau này) ra đời: ban đầu Derzhavin ca ngợi sự kiện này dưới hình thức một tụng ca “phong cách
Lomonosov”, nhưng sau đó, như chính
ông thừa nhận, thấy không thích hợp với khả năng (và tài năng) của mình,
nên đã sửa thành một bài ca nhẹ nhàng theo kiểu Anacreon. Trong “Bút ký về những
biến cố…”, Derzhavin đã đánh dấu năm 1779 như một mốc quan trọng: “Ông (trong
tác phẩm này, Derzhavin nói về mình ở ngôi thứ ba) cố gắng bắt chước theo ngài Lomonosov trong cách thể hiện và
trong phong cách… nhưng mặc dù hăng hái, vẫn không thể dùng được những từ ngữ mỹ
miều hào nhoáng vốn là của riêng Pidar của nước Nga (tức Lomonosov). Bởi thế từ
1799, ông chọn con đường hoàn toàn khác”.
“Con đường
hoàn toàn khác” đó về sau còn được Derzhavin nói rõ hơn trong bài thơ “Đài kỷ niệm” (một hình mẫu
cho bài thơ cùng tên của A.S.Pushkin
ở thế kỷ XIX):
… Tôi, người đầu tiên dám dùng tiếng Nga bỡn cợt
Để ngợi ca những phẩm hạnh của Felitsa
Với Chúa dám chuyện trò bằng lời chân thành
nhất
Khóe cười
trên môi, bàn về chân lý với các vua
(Đài kỷ niệm, 1795)
Có thể thấy trong ý thức nghệ thuật của nhà thơ, với tinh thần của chủ nghĩa cổ điển,
vai trò và thiên chức của nhà thơ là rất cao cả: đó là con người hướng tới quốc gia đại sự (Felitsa là biểu
tượng của nền quân chủ trên đất Nga), hướng tới đức tin Thiên Chúa, hướng tới
chân lý. Tuy nhiên, con đường nghệ thuật của ông thì rất đặc biệt và táo
bạo.
Tác phẩm quan trọng thể hiện rõ ràng điều đó là
“Felitsa”. Bài tụng ca lần đầu tiên xuất hiện trong “Người đối thoại của những người yêu tiếng Nga” năm
1783, không ký tên tác giả, với nhan đề “Tụng ca dâng Nữ hoàng xứ
Kirgis-Kaisatsky Felitsa, được viết bởi một murza người Tatar từng đến thăm
Moskva, vì công cán đang sống ở St.Petersburg. Được dịch từ tiếng Arập năm
1782”. Người biên tập chú thích cho những dòng cuối: “Mặc dù tên tác giả chúng
tôi cũng chưa biết, nhưng chúng tôi
biết rằng bài tụng ca này được viết bằng tiếng Nga” (Trích theo bản năm 1808, tập
1, tr.36). Nguyên tắc mô phỏng khuôn mẫu của chủ nghĩa cổ điển ở đây đã
được biến hóa: Derzhavin không xuất hiện như người sáng tác, mà đóng vai trò của
một dịch giả (sau này, những nhà thơ
như Pushkin, Lermontov cũng thường đóng vai trò của người biên tập, người xuất bản chứ không phải là tác
giả). “Khuôn mẫu” như vậy chỉ là cái vỏ ngụy tạo, cho ra vẻ đúng phép tắc cổ điển.
Đúng hơn đây là một sự kín đáo giễu nhại cổ điển (khác với những trường hợp
Trediakovsky dịch “Chuyến du hành đến đảo tình yêu” Paul Tallement và
“Telemachus” của François Fénelon, hay Sumarokov dịch “Nghệ thuật thi ca” của
Boileau). Lời chú thích của người
biên tập được đưa vào càng khẳng định điều đó. “Felitsa” được “mượn” từ một huyền
thoại. Trong thi pháp của chủ nghĩa cổ
điển, các nhân vật huyền thoại luôn có ý nghĩa phúng dụ nhất định nào
đó, đồng thời gắn với những “điển tích” thời cổ đại Hy Lạp – La Mã. “Felitsa” của
Derzhavin cũng mang ý nghĩa phúng dụ, cũng gắn với “điển tích”, nhưng không phải
cổ đại mà là đương đại: đó là “Truyện cổ tích về hòang từ Khlor” do nữ hoàng
Ekaterina II viết cho cháu nội Alexandr (sau là hoàng đế Alexandr I) năm 1781.
“Tác giả gọi mình là murza vì ,… ông vốn xuất thân từ một bộ lạc người Tatar, còn gọi nữ hoàng là
Felitsa và hoàng hậu Kirgiziya bởi nữ hoàng đã viết truyện cổ tích dưới tên của hoàng tử Khlor, người mà
Felitsa – tức nữ thần hạnh phúc, đã hộ tống lên núi, nơi có hoa hồng không gai nở, và bởi tác giả có các
điền trang ở tỉnh Orenburg kề bên vương quốc của người Kirgiziya không thuộc đế
quốc Nga”[2]. Tên Felitsa cũng được nữ hoàng Ekaterina tạo ra từ tiếng Latin
“felix”, “felicitas” nghĩa là hạnh phúc.
Những gì
do chính Derzhavin giải thích về sau trong “Bút ký về những biến cố…”cho thấy ý
thức đổi mới, vượt rào quy phạm cổ điển của nhà thơ. Huyền thoại và hiện thực đan xen, những mối
quan hệ “logic” dường như bị phá vỡ, nhưng đồng thời vì thế mà ý nghĩa gợi
liên tưởng, gợi cảm xúc của những
tên gọi, những nhân vật “huyền thọai” như Felitsa và murza lại được mở rộng. Hình
tượng nghệ thuật trở nên đa nghĩa
nhưng đồng thời cũng cụ thể hơn.
“Felitsa” viết
về nữ hoàng Ekaterina II, với mô hình một tác phẩm ca tụng như truyền thống Lomonosov. Tuy nhiên, cái đặc
sắc của “Felitsa” là ở chỗ nó kết hợp vừa yếu tố ca tụng, vừa những luận bàn
gay gắt những vấn đề chính trị-xã hội.
Hình tượng vị
quân vương được lý giải một cách mới mẻ: thay cho hình tượng trang trọng (nhưng nặng nề) của “nữ thần của
trần gian”, nhà thơ mô tả nữ hoàng Nga như một người cai trị, nhưng cũng đồng
thời như một cá nhân. Derzhavin cố hé mở thế giới nội tâm nữ nhân vật của tụng
ca, những nếp sống, thói quen của bà, nhấn mạnh những đặc điểm như tinh thần
dân chủ, sự giản dị, khiêm tốn, ân cần kết hợp với một trí tuệ và tài năng kiệt
xuất của một vị đứng đầu nhà nước. Đối lập với Felitsa – tức Ekaterina II – với
đức hạnh cao quý là các quan lại triều thần (nhà thơ dùng các khái niệm murzi, pashi – các chức quan
của Hồi giáo để gọi họ), chân dung của bọn triều thần được miêu tả bằng những sắc
màu châm biếm sâu sắc.
Vị trí của nhà
thơ trong mối quan hệ với đối tượng được ca tụng cũng đặc biệt. Khác với
Lomonosov trong các tụng ca của mình đứng ở vai trò “thần dân nô lệ” nên
hết sức khiêm nhường, cung kính, “kính
nhi viễn chi”, Derzhavin tuy cũng giữ thái độ thần phục nhưng đồng thời lại có
vẻ bỡn cợt như những người thân ngang hàng. Những từ ngữ khoa trương, sách vở vốn
đặc trưng cho thể lọai bậc cao là tụng ca được thay thế bằng những từ ngữ hài
hước, nhẹ nhàng, gần với khẩu ngữ Nga.
“Felitsa” đã
mang lại cho tác giả của nó một vinh quang bất ngờ. Nữ hoàng Ekaterina II tỏ ra
rất thích thú với bài thơ, ban tặng
cho Derzhavin một hộp đựng thuốc lá bằng vàng và 500 đồng vàng (chính nhà thơ kể
rằng nữ hoàng tặng ông một cách kín đáo, tránh không cho những triều thần mà
ông chế giễu trong tác phẩm biết). “Felitsa” còn gắn với việc xuất bản một
tạp chí văn học- chính luận có tên “Người đối thoại của những người yêu tiếng Nga” của một nhóm người thân cận của
Ekaterina (và bản thân nữ hoàng cũng tham gia). Tờ tạp chí đặt ra nhiệm vụ hỗ
trợ cho sự phát triển và cho những thành tựu mới của tiếng Nga và văn học. Số đầu
tiên của tờ tạp chí này mở ra với tác phẩm “Felitsa” – đó cũng là một tuyên
ngôn cho một khuynh hướng văn học mới của Nga.
Ca tụng nữ
hoàng Ekaterina là một chủ đề chính trong thơ Derzhavin, bởi vậy các nhà phê bình
về sau thường gọi ông là “ca nhân của
Felitsa”. Bên cạnh đó, chủ đề phê phán giới quý tộc triều đình cũng hết
sức quan trọng đối với nhà thơ. Thực
ra đối với giới quý tộc triều đình, Derzhavin có hai thái độ: với những
người thuộc hàng “quý tộc thượng lưu
mới” (tức xuất thân từ tầng lớp dưới, nhưng bằng năng lực, bằng những công trạng,
cống hiến của bản thân mà vươn lên tầng lớp trên – như chính bản thân nhà thơ),
Derzhavin có thể chế giễu một cách không ác ý những tật xấu như lười biếng, thích hưởng thụ, thích xa
hoa…, nhưng cũng không quên ca tụng những công trạng của họ; trái lại, nhà thơ
đặc biệt ác cảm với những triều thần “dòng dõi” – những kẻ có được các vị
trí cao trong triều đình không phải do tài năng, công trạng, mà do thân thế, sự
châm biếm phê phán của nhà thơ ở trường
hợp này thường hết sức gay gắt, chua cay (chẳng hạn như trong bài “Quan đại thần”,
ông đã ví những kẻ đó như con lừa: “vẫn là lừa dẫu được gắn đầy sao”).
Pushkin sau này gọi Derzhavin là “cái roi quất vào các đại thần” (bich
velmozh).
Bài thơ tiêu
biểu cho chủ đề phê phán giới quý tộc thượng lưu là “Gửi các nhà cầm quyền và các quan tòa”. Bài thơ này được viết dưới dạng của tụng ca-
thánh vịnh (ode-psalm). Sở dĩ có cách gọi như vậy là bởi sự kết hợp giữa thơ ca
châm biếm với thể loại ode tôn giáo, các bài thơ là sự cải biên từ những bài
thánh vịnh trong Kinh Thánh. Nhà thơ, đóng vai trò như nhà tiên tri trong Cựu Ước Kinh, kêu gọi sấm sét
của đấng tối cao trừng trị những kẻ tham tàn bạo ngược ở trần gian. Chúa Trời họp
với các chúa trần gian, tổng kết công việc cai trị mà Người giao cho họ:
Nhiệm vụ của các người là giữ gìn luật lệ
Những kẻ mạnh đừng
cố lấy lòng
Đừng để trẻ mồ côi
và phụ nữ góa chồng
Không người
chăm nom, không người bảo vệ.
Nhiệm vụ của các người: cứu người vô tội
Cho người bất hạnh chốn nương thân;
Giải phóng người nghèo khỏi gông cùm
Bảo vệ kẻ yếu khỏi tay cường bạo.
Thế nhưng:
Chúng chẳng nghe! Thấy mà chẳng hiểu!
Của hối lộ che lấp cả nhãn quan
Chuyện gian phi đầy
ắp thế gian
Điều bất công thấu
lên trời thẳm!
Nhà thơ có những
câu hết sức táo bạo liên quan đến các Nga hoàng, và cũng là những câu thơ thể
hiện sự bất bình, thất vọng sâu sắc nhất nơi “ca nhân của Felitsa”:
Những tưởng các người là thần linh tối thượng
Không thể phán xử, hỡi các Sa hoàng
Hóa ra cũng như tôi, các người đầy lòng
tham
Giống như
tôi, các người rồi cũng chết.
Các người rồi cũng nằm xuống đất
Như lá khô rụng khỏi những cội cây
Các người sẽ chết giống vậy thôi
Như cái chết của tên nô lệ cuối.
Và chỗ dựa cuối
cùng, niềm hi vọng cuối cùng của nhà thơ chỉ còn nơi Chúa:
Hỡi Chúa của công bằng, xin đứng dậy
Lời chúng nguyện cầu hãy lắng nghe;
Hãy tới phán xử, trừng
trị kẻ xấu xa
Và hãy làm Vua duy
nhất trên trần thế.
Derzhavin viết bài thơ này trong thời gian nhiều năm. Khi nó được hoàn tất, hai lần kiểm duyệt cấm
xuất bản. Và khi nó được xuất bản, thì nữ hoàng Ekaterina nổi giận, buộc
tội nhà thơ đã viết “thơ theo chủ nghĩa Jacobin” (lời buộc tội
này còn được Ekaterina lặp lại khi nói đến tụng ca “Về việc đánh chiếm
Varsaw” – tác phẩm bị chính nữ hoàng cấm phát hành). Chủ nghĩa Jacobin
(Jacobinism) ở đây thực ra không phải sự ảnh hưởng của phong trào cách mạng
Pháp, mà xuất phát từ chính cuộc đấu tranh nội bộ giai cấp của một người xuất
thân từ tầng lớp dưới chống lại giới quý tộc thượng lưu của triều đình Nga
hoàng. Nhà thơ cung đình
Derzhavin là người đầu tiên trong
văn học Nga cất lên tiếng thơ mang tinh thần công dân, điều mà mấy thập niên
sau, các nhà thơ lãng mạn của phong trào Tháng Chạp sẽ hòa giọng, tạo
thành một “khuynh hướng thơ công
dân” thế kỷ XIX.
Nữ hoàng
Ekaterina II trước cuộc đấu tranh giữa các tầng lớp quý tộc đương thời
(mà một phần được phản ánh trong cuộc đấu tranh của Derzhavin với giới triều thần
“danh gia vọng tộc”), và trong quan hệ với bản thân Derzhavin, có thái độ không
thật rõ ràng, có tính nước đôi
(nhưng có lẽ nghiêng về giới triều thần hơn). Derzhavin viết trong “Bút ký…”
của mình: “Phải công bằng mà thừa nhận, rằng bà không ngừng bảo trợ ông khi ông
bị các kẻ thù có thế lực xua đuổi, không cho phép họ tiêu diệt ông; tuy nhiên,
bà cũng không công khai lên tiếng bênh vực ông cũng như tỏ sự tin tưởng đặc biệt nào, điều mà bà từng làm
với những người khác”. Điều này ảnh hưởng đến số phận của hình tượng nữ hoàng, như đã nói là một
trong những hình tượng nghệ thuật
trung tâm, trong sáng tác về sau của Derzhavin. Hình tượng vị nữ vương “tựa như thánh thần” dần dần được
giản lược, trần thế hóa, nhân hình hóa trong những bài thơ hài hước, và cuối cùng gần như bị hạ bệ. Bản
thân nhà thơ, mặc dù vẫn được nữ hoàng khuyến khích, không thể tiếp tục viết những
tụng ca theo tinh thần “Felitsa” được nữa. “Mấy lần ông ngồi nhà cả tuần để viết,
mà không thể viết được gì cả - nhà thơ kể trong “Bút ký…” – không thể thổi lên ngọn lửa tinh thần để giữ
được lý tưởng cao cả trước kia của mình đứng vững, khi xung quanh mình chỉ nhìn
thấy con người trần trụi với những
khiếm khuyết to lớn”. Hình tượng
Ekaterina nhỏ bé dần, và cuối cùng rời bỏ thơ Derzhavin, nhưng thay vào đó, lại
xuất hiện hình tượng những
nhà lãnh đạo cầm quân tài ba của thời đại như Nikolai Repnin (“Đài tưởng niệm anh hùng”, 1791), Rumyantsev
(trong các tụng ca “Về trận đánh chiếm Izmail”, “Về các chiến công ở Italia”,
“Khúc quân hành trên đỉnh núi Alpes”), và đặc biệt người anh hùng nổi tiếng
Alexandre Suvorov, người mà Derzhavin gọi là “chàng Hercules của Nga”
Chàng Hercules của Nga
Nơi nào có chàng chiến đấu
Nơi đó là chàng chiến thắng
Kỳ tích đầy ắp đời chàng
Suvorov là tổng
chỉ huy quân đội Ngadưới triều đại Ekaterina II, nhờ tài cầm quân của ông, người
Nga đã giành được những chiến thắng lịch sử trong chiến tranh Nga – Thổ,
trong cuộc chiến chinh phục Ba Lan. Ông cũng là người chỉ huy quân đội Nga hoàng đàn áp phong trào
nông dân Pugatchev. Giữa Derzhavin và Suvorov là một tình bạn khá đặc biệt,
trong sáng, bởi Derzhavin là nhà thơ
từng làm lính và Suvorov là một vị tướng từng làm thơ (không chỉ Derzhavin viết
thơ về Suvorov, mà ngược lại, Suvorov cũng viết thơ về Derzhavin); hai người biết
nhau từ khi Derzhavin còn là trung úy phục vụ trong quân đoàn của
Suvorov, điền trang của hai người nằm cạnh nhau, số phận hai người có nhiều nét
tương đồng: đều vươn lên trên con đường công danh bằng chính sức lực và tài
năng của mình, và chỉ đạt đến vinh quang lúc tuổi đã bốn mươi – có thể xem là “cao tuổi” vào thời bấy giờ; cả
hai trong lãnh địa của mình đều được tôn vinh như những bậc trưởng lão
vĩ đại (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, danh hiệu “ông già” – starik – được
dùng để gọi Derzhavin trong thơ ca và Suvorov trong quân sự). Sự gần gũi đó khiến
cho thơ ca ngợi anh hùng của Derzhavin không chỉ rền vang tiếng kèn xung trận
và chiến thắng (“Sấm chiến thắng hãy vang lên, Hãy vui lên hỡi nước Nga quả cảm” – đó là hai câu thơ trong bài thơ
ca ngợi chiến công của Suvorov và quân đội Nga trong chiến tranh Nga – Thổ sau
được phổ nhạc và trở thành quốc ca không chính thức của Nga cuối thế kỷ XVIII-
đầu thế kỷ XIX), mà còn trầm lắng những cảm xúc trữ tình, và cả những
giai điệu hài hước, hóm hỉnh. Còn
truyền lại một giai thoại về Derzhavin và Suvorov như sau: Lúc Suvorov ốm nặng sắp mất, Derzhavin đến
thăm bạn. Vị tướng hỏi nhà thơ: “Anh sẽ viết văn bia cho tôi như thế nào?”.
“Tôi nghĩ rằng chẳng cần nhiều lời. – nhà thơ đáp – Chỉ cần nói thế này là đủ:
Suvorov nằm ở nơi đây”. Suvorov thốt lên: “Ôi Chúa ơi, thật tuyệt sao!”.[3]
Tấm bia mộ là
đài tưởng niệm những người anh hùng. Trong bài thơ “Đài tưởng niệm anh hùng”
(1791), nhà thơ mời Nàng Thơ đến thăm bia mộ của người anh hùng Repnin:
Bên đài nguy nga tưởng niệm người thủ lĩnh
Nàng hãy ngồi, tiếng ca buồn miên man
Hãy nhìn: cột cao
kia rồi sẽ bị thời gian
Phá hủy.
Thế nhưng đó
là tượng đài vật chất, tượng đài làm bằng đá, bằng đồng, không thể trường tồn
cùng thời gian. Cái trường tồn, cái vượt qua thời gian là tượng đài tinh thần,
tượng đài thơ ca nơi lưu danh người anh hùng:
Người anh hùng tỏa sáng
Không phải bởi vinh quang vươn tới tận trời xanh
Cũng chẳng cứng như đá, như đồng
Cứ mặc chúng bị thời gian phá hủy
Nhưng phẩm hạnh thì chẳng thế nào có thể
Bị diệt vong trong
các truyền thuyết anh hùng.
Truyền thống thơ “đài tưởng niệm” bắt nguồn từ thời cổ đại. “Exegi Monumentum” (Ta dựng
cho ta đài tưởng niệm) – bài thơ nổi tiếng của nhà thơ La Mã Horace thế
kỷ I trước công nguyên – đã
được nhiều nhà thơ châu Âu thời đại
của chủ nghĩa cổ điển và thời đại Ánh Sáng mô phỏng theo. Ở Nga vào thế kỷ
XVIII, cùng với những cải cách vĩ đại của hoàng đế Piotr I, đất nước (đặc biệt
là thành phố Saint Petersburg) trở thành công trường lớn, nơi mọc lên những
công trình kiến trúc nguy nga tuyệt mỹ như cung điện, lâu đài,… và rất nhiều đài tưởng niệm. Những lĩnh vực khác của
đời sống văn hóa như nghệ thuật, như văn chương trong thế kỷ cũng để lại rất nhiều
“đài tưởng niệm” (từ “pamyatnik” trong tiếng Nga có nghĩa là đài tưởng niệm, tượng
đài, nhưng cũng được dùng để chỉ những công trình bất hủ, những di tích
văn hóa nói chung, trong đó có các tác phẩm văn chương). “Đài tưởng niệm” vì thế trở thành một ẩn dụ để chỉ
sự bùng dậy của văn hóa, của văn chương Nga, đặc biệt trong thời đại Ánh Sáng.
Tuy nhiên, “đài tưởng niệm” không chỉ để nói đến sự bùng dậy của văn chương nói chung. Nó còn
là sự khẳng định vai trò cá nhân sáng tạo, độc đáo, khác biệt, cách tân – một dấu
hiệu quan trọng của sự chuyển biến từ thời đại văn chương cổ điển sang thời đại
văn chương lãng mạn, từ thời đại của phong cách chuẩn mực sang thời đại của những
phong cách cá nhân ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm thơ
“Đài tưởng niệm” đầu tiên của Nga là
bản dịch Horace từ tiếng Latin của Lomonosov. Derzhavin ban đầu cũng chỉ dự định
dịch (hay đúng hơn là mô phỏng) tác phẩm của Horace, nhưng sau đó nhanh chóng rời
bỏ nguyên bản tiếng Latin để tạo nên một tác phẩm độc đáo. Đó không đơn giản chỉ
là những địa danh Nga được đưa vào:
Danh tiếng về ta rồi sẽ vang xa
Từ Bạch Hải đến tận bờ Hắc Hải
Nơi sông Volga, sông Don, sông Neva
Từ rặng Riphaei – dãy Ural tuôn chảy
mà là ý thức rõ ràng về cái tôi sáng tạo. Ở phần trên chúng
tôi đã trích những câu thơ “Đài kỷ
niệm” của Derzhavin để nói đến “con đường hoàn toàn khác” mà nhà thơ vạch ra
cho mình. Đi trên con đường đó, nhà thơ tự hào về những thành tựu mình đạt được. Cái tôi sáng tạo của nhà
thơ được nhắc đến một cách đầy ngưỡng
mộ:
Ta dựng cho ta tượng đài vĩnh hằng, kỳ vĩ
Cao hơn kim tự tháp, chắc hơn đồng
Chẳng sợ gì sấm chớp bão giông
Thời gian trôi
không làm đổ được [4]
Trong toàn bộ sáng tác của Derzhavin, có thể thấy hình tượng nhà thơ không còn ước lệ, tượng trưng nữa, mà cụ thể với những
tâm trạng, những cảm xúc phong phú, sống động. Ông là nhà thơ Nga đã tạo
nên một loại “thơ tự truyện” (avtobiograficheskaya
poezia/authorbiographical poetry). Việc nhà thơ trong tác phẩm “Bút ký về
những biến cố…” kể về bản thân mình như kể về “một người khác”, gọi bản thân mình bằng đại từ nhân xưng
ngôi thứ ba đã cho thấy nơi
Derzhavin không chỉ có ý thức rõ ràng về “cái tôi”, mà “cái tôi” đó còn
biến thành đối tượng để miêu tả, phản ánh, suy ngẫm, chiêm nghiệm. Nhà thơ không chỉ là chủ thể của những cảm xúc
buồn, vui, ngưỡng mộ, giễu nhại châm biếm,… mà còn là khách thể tiếp nhận
những cảm xúc đó – một sự “phân thân” đặc biệt được quan tâm ở các thế kỷ sau.
Các nhà thơ đầu
thế kỷ XIX, trong đó có Pushkin, trong khi làm cuộc cách mạng phá vỡ những
nguyên tắc của thi pháp cổ điển thế kỷ XVIII, lại học theo, mô phỏng theo nhiều
tác phẩm của “ông già thơ” Derzhavin. Đó không chỉ bởi thời gian sống và sáng
tác của ông vắt qua hai thế kỷ, mà còn bởi chính bản thân nghệ thuật thơ ca của ông là cầu nối giữa hai thời đại:
chủ nghĩa cổ điển thế kỷ XVIII và chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX, là một
bước chuẩn bị quan trọng cho “thế kỷ
Vàng” của thơ ca Nga.
TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG
KHOA VĂN HỌC
ĐHKHXH&NV TPHCM
______________
[1] Belinsky V.G. Tuyển tập
tác phẩm gồm 9 tập, tập 6, Moskva, 1982, trang 14.
[2] Derzhavin, “Bút ký…”
[3] Bài văn bia một câu độc đáo đó của Derzhavin được khắc
trên bia mộ của Suvorov trong nghĩa
trang Alexandr Nevsky ở Saint Petersburg. Nhưng lưu lại trong các bản thảo của
Derzhavin là bài thơ bốn dòng, viết khi
Suvorov mất:
Ôi vĩnh cửu! hãy thôi ồn ào tranh cãi nhau bất tận
Về các đấng anh hùng, ai giỏi nhất trần gian
Hôm nay bước vào thánh đường của
người nghiêm thâm
Suvorov
(5/1800)
[4] Pushkin năm 1836 cũng viết
một “Đài kỷ niệm” của mình, trong đó thấy
rõ ảnh hưởng
của Derzhavin:
Ta đã dựng cho ta
đài kỷ niệm
Không bởi sức tay người, đường tới
viếng
Cỏ không trùm mất dấu bước thế
nhân
Đỉnh tháp ngang tàng sẽ ngẩng cao
hơn
Cả trụ thờ Alexandre đệ Nhất
(Bản dịch của Thúy Toàn)
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét