Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG ĐÊM TRINH CỦA NGUYỄN VỸ

Nhắc đến Nguyễn Vỹ, người ta biết ông như là nhà thơ của những thể thức lạ qua các bài khá quen thuộc: Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Mưa,… Nhưng nổi tiếng hơn lại là bài thất ngôn dài Gửi Trương Tửu chắc chắn ở lại trong tàng thức thơ ca Việt Nam.

Tuy vậy ở đây tôi muốn nói đến một bài thơ khác, ít người biết: Đêm trinh. Đó là điều ngạc nhiên. Đáng lẽ nó đã chiếu sáng. Nó tư tưởng về một bóng tối uyên nguyên có thể mở ra ánh sáng. Bài thơ còn chìm khuất trong nỗi thờ ơ hiện đại. Trong khi nó xuất hiện từ năm 1962 ở Sài Gòn trong tập thơ Hoang vu của Nguyễn Vỹ. Dù khi đó, Hoang vu đã được nhà văn Thiết Mai, trong Sáng dội miền Nam, nhìn thấy đó là thơ của ý tưởng:
 
Nhà thơ Nguyễn Vỹ

“Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh,…). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng…”(1).

Vậy thì, những ý tưởng đã được nhà thơ “suy tưởng” như thế nào? Suy tư và tưởng tượng ra sao? Suy cái ý tứ và tưởng tượng cái hình ảnh, ở đây chỉ lấy bài Đêm trinh mà suy mà tưởng.

Nhưng như thế thì ai suy tưởng? Nhà thơ hay người đọc? Là người đọc suy tưởng trên thơ? Hay chính là thơ suy tưởng trên người đọc. Cái đó thường khi không phân biệt.

Và hiệu năng của thơ là đưa thơ và người đọc vào cõi vô sai biệt, ở đó thơ như phát tiết từ cả hai phía: sáng tạo và tiếp nhận.

Ta như trôi thẳng vào điều đó ngay từ ba chữ mở đầu của Đêm trinh:

 Đêm nay tôi…

Đêm nay là đêm nào? Một thời gian phiếm chỉ vì thế có thể là bất kỳ đêm nào của thời thế bóng tối.

Và tôi nào? Cái tôi của nhà thơ phải được hiểu là một cái tôi phiếm chỉ. Vì nhà thơ không hát từ một cái tôi mà vô số cái tôi. Nhà thơ không phải là tiếng nói của đám đông ở phía ánh sáng mà là tiếng nói của vô số cái tôi ở phía bóng tối.

Nhưng để dễ đi vào bóng tối của Đêm trinh, ta hãy chia bài thơ thành từng chặng đường. Không có mê lộ của hoang vu. Chỉ có chân trời của hoang vu. Đêm trinh cũng thế, không có mê lộ mà chỉ có chân trời.

Đêm trinh:

                1. Đêm nay tôi không muốn ngồi gục bên đỉnh trầm
                                                Nghe rượu cười trong ly,
                                Nhạc quay cuồng trong khói,
                                                Thời gian đọng trên mi.
                                Tôi muốn về bên giếng tối,
                                                Khu vườn âm u,
                                Quê hương hoang vu.
                                                Không một dấu vết.

Chặng đầu của một cuộc hành trình là ý muốn trở về. Muốn về vì không muốn những điều bê tha ở trước mặt, ở tiền-hành trình: rượu trong ly, nhạc trong khói, những thứ đang cười cợt, quay cuồng. Cả thời gian cũng đảo theo những mi mắt người say, cái thế giới mà Vũ Hoàng Chương từng tả (“Khúc nhạc hồng êm ái, Điệu kèn biếc quay cuồng”).

Thế thì về đâu? Tại sao là giếng tối?

Quẻ Tỉnh trong Kinh Dịch tượng hình một cái giếng. Đó là nguồn nước của quê hương, ở ngoài ta và trong ta. Giếng là cái không thể di dời nơi nó là. “Bất cải tỉnh”: Không thể đổi dời giếng đi (Thoán từ của quẻ Tỉnh).

Vậy thì về bên giếng tối là về với nguồn nước không thể đổi dời dù nó đang ở trong bóng tối. Cũng có thể vì ở trong bóng tối, nó mới là nguồn. Bởi bóng tối còn là huyền bí, cái huyền bí ở sâu bên trong ta hơn là vây bọc bên ngoài ta.

Các hình ảnh “khu vườn âm u” hay “quê hương hoang vu” cũng nương theo đó mà xuất hiện ở đây, âm u và hoang vu thuộc về cái nguyên sơ, trinh thuần và huyền bí, chưa bị những đám đông xô bồ và xa lạ gây tổn hại. Vì thế mà “không một dấu vết” trong bản chất của Đêm trinh.

Cuộc hành trình khởi từ “ngồi gục bên đỉnh trầm” đến “về bên giếng tối”. Khởi đi từ thứ ánh sáng giả tạo của tiệc rượu và nhạc cuồng. Từ bỏ ánh sáng giả tạo đó để về với bóng tối của đêm trinh.

Cũng trong khoảng thập niên 1960 nhà thơ Đức Enzensberger cũng viết bài thơ về Cõi bóng tối (Schattenreich) có những suy tưởng gần như gặp gỡ với Đêm trinh:

                “ngay bây giờ đây tôi thấy một nơi,
                một nơi tự do,
                ở đây trong bóng tối.

                bóng tối này
                không thuận bán trinh.” (2)

Tự do chính là hoang vu. Quê hương hoang vu là nơi chốn của tự do mà nhà thơ muốn tìm về. Nơi chốn đó không dành để đem bán (verkaufen) như là bán trinh.

Như vậy, từ “Đêm nay” đến “dấu vết” là chặng đầu của cuộc hành trình trở về bản nguyên, trở về tôi và đi vào trong tôi trong một hiện tại vô tận, một cái tôi không phải là sự vật mà là một triển nở vô hạn.

Từ đó bắt đầu chặng hai của hành trình.

Đêm trinh

                2. Tôi không muốn giẫm lên những mặt trời đã chết,
                                Không vương những nắng tơ đã kết
                                                Vòng hoa trên cỗ áo quan tài.
                Đã lạnh rồi, những mùa xuân chết yểu trong Thiên Thai!
                                Nhặt làm chi những phím hương đổ gãy,
                                                Màu xám hoàng hôn,
                                Màu xanh rợn hoang hồn,
                Hình bóng thời Homère quay cuồng trong nhạc lửa!
                                Thôi, vươn lên chi hình hài ẻo lả nữa!

Giai đoạn tiền-hành trình được quy kết với những thứ đã chết, đối với nhà thơ. Để có thể dẫm lên chúng mà bước đi. Những thứ đó có thể một thời được thôn thờ (mặt trời) được trân quý (nắng tơ) được quàng quanh cổ (hóa ra là cỗ áo quan tài!). Tất cả đã chết, đã kết, đã đóng áo quan. Bây giờ đã có thể quên đi những chiếc “áo” đó, những thứ chỉ gợi lên “cỗ áo quan tài” phô trương trong ánh sáng bên ngoài (mặt trời, nắng tơ). Tất cả chỉ là “những phím hương đổ gãy”. Có đốt hương mà thờ thì cũng đổ gãy thôi, nhặt gì?

Bởi vì những thần tượng đều chết yểu, những mùa xuân đều chết yểu. Trong “Thiên Thai” của những ảo tưởng thế thôi, trong những hoàng hôn không thể tránh. Chỉ còn lại màu xám của tro tàn.

Hoàng hôn hay hoang hồn?
Hoang hồn hay hoàng hôn?

Những âm sắc có thể đảo hoán, đẩy ngôn từ vào trận địa hoang vu.
Màu xanh vừa là màu của sự sống, vừa là màu của cái chết.

“Những quỷ thần bất tử trong huyền thoại thường được biểu hiện qua đầu và mình màu xanh, đặc biệt ở Ấn Độ”, theo Từ điển của biểu tượng, huyền thoại và truyền kỳ của Didier Colin(3).

Đó là màu của những oan hồn.

Chính vì oan hồn, thần linh và ma quỷ rợn màu xanh ấy mà câu thơ kế tiếp nhắc đến Homère, nhạc lửa và thời cổ sơ.

Để thấy những “hình hài” hiện đại chỉ là những thứ gì “ẻo lả”, nhợt nhạt, chán chường!
Và quyết tâm vượt qua. Bước vào chặng ba.

Đêm trinh:

                3. Tôi không muốn đêm nay cười nghiêng ngửa,
                                                Tôi đạp tung cánh cửa
                                Ngạo ngễ của Thành Sầu.
                Tên lính gác nhe răng cười, rùng rợn đôi mắt sâu.
                                Để tôi đi!
                                Để tôi đi!

Đến chặng thứ ba này, tiếng cười cũng thành giả tạo, nhại lại tiếng cười của rượu trong ly ở khúc dạo đầu, trong “đêm nay”. Muốn “phá thành sầu” trong Đường thi mà chẳng cần đến rượu. Chỉ đơn giản là “đạp tung cánh cửa” của nó.

Hẳn là Nguyễn Vỹ nhại lại khúc Thơ say của Vũ Hoàng Chương bằng giọng điệu giễu cợt và khinh bạc (Thơ say của họ Vũ ra đời từ năm 1940), nhất là nhắm vào khúc cuối của bài Say đi em:

                “Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa.
                Say không còn biết chi đời.
                Nhưng em ơi,
                Đất trời nghiêng ngửa
                Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ.
                Đất trời nghiêng ngửa
                Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

Cũng cái “Thành Sầu” viết hoa đó mà thái độ của hai nhà thơ thật khác nhau: thái độ buông trôi (Say đi em) và thái độ đạp phá (Đêm trinh). Hai giọng thơ khác nhau vì hai tính cách khác nhau, hai suy tưởng khác nhau.

Hình ảnh tên lính gác cửa của Thành Sầu được phác họa (khắc họa thì đúng hơn) rất tinh: “nhe răng cười”, “rùng rợn đôi mắt sâu” gợi nhớ tên lính gác cửa Pháp luật của Kafka. Hay Pháp luật là Thành Sầu?

Và nhà thơ phải tiếp tục chuyến đi của mình, vượt qua mọi lính gác dù phải van vỉ hay hối lộ hay tìm được cách lừa phỉnh nó.
Đến chặng thứ tư.

Đêm trinh:

                4. Trời không mây, không gió,
                                Tôi không áo, không chăn.
                Tôi về quê hương không cửa, không ngõ,
                Tôi về cô phương không lửa, không trăng.
                                                Mịt mù thăm thẳm,
                                Mênh mông biên giới của Đêm trinh!
                                                Tối đen một giếng thẳm,
                                                Rực rỡ ánh quang minh.

Trạng thái trời trong và lặng gió là mở đầu cho sự từ bỏ vô minh và dục vọng (không mây và không gió) vì mây che mờ và gió nổi si mê. Bắt đầu “vạn lý vô vân”.

Trạng thái trần trụi (không áo, không chăn) là trở vè với nguyên tính, với thuở ban đầu, với nguyên trinh.

Về quê hương trong trạng thái như vậy chứ không phải là một cuộc vinh quy nào. Cho nên không có cảnh “Cửa trời rộng mở đường mây, Hoa chào Ngõ Hạnh, hương bay dặm phần” (Kiều). Thế nên mới “không cửa, không ngõ”.

Đó cũng là cuộc trở về với cái cô đơn, quê hương thực sự của nhà thơ, một phương trời gọi là “cô phương”, cái cô phương ấy mới là nguồn của thơ, chứ không phải lửa và trăng.

Cái cô phương ấy chính là Đêm trinh của thơ ca. Nó “mênh mông” và “mịt mù thăm thẳm”. Hơn nữa, nó còn tối đen như một hang động. Vì nhà thơ sẵn sàng “làm hang động cho thiên hạ” (Vi thiên hạ cốc, Đạo Đức kinh, Thiên 28).

Làm hang động, nhà thơ có trong mình một huyền bí, một bóng tối vô biên: “Tối đen một giếng thẳm”.

Nhưng sao lại “Rực rỡ ánh quang minh”?
Để thấy được điều này thì hãy để nó tương chiếu thêm với bài thơ Cõi bóng tối của nhà thơ Đức Enzensberger mà ta đã nhắc tới từ đầu, đến đây ta sẽ đọc tiếp bài thơ ấy:

                “những ai muốn nhìn thấy ánh sáng
                như là như
                phải biết lui mình
                vào trong bóng tối.

                bóng tối
                quang minh hơn mặt trời:
                bóng tối mát tươi của tự do”. (4)

Về với Đêm trinh rồi, tôi thấy mình được giải thoát. Chặng cuối cùng là Hoang Vu, một cõi Đại Hoang mà tôi tung tăng dạo bước, càn khôn độc bộ.

Nơi đó dường như tôi không còn gì.
Bởi vì tôi có cả Càn Khôn.

Đêm trinh

                5. Tôi với tôi,
                Không hình, không bóng.
                                Tôi với tôi,
                Không thơ, không mộng.
                                Tôi với tôi,
                Lồng lộng giữa Hoang Vu!...

Dù hình ảnh cái tôi dường như choán đầy cõi Hoang Vu nhưng nên hiểu ngược lại. Chính là cái Hoang Vu đang choán đầy tôi, Đêm trinh đang choán đầy tôi.

Vậy mà cái Hoang Vu ấy, Đêm trinh ấy vẫn còn rộng chỗ cho bất kỳ ai, cho bất kỳ cái tôi nào muốn trở về.

Cuối bài Cõi bóng tối, nhà thơ Đức Enzensberger gợi ý:

                “trong bóng tối ấy
                đến bây giờ vẫn còn chỗ trống đấy thôi.”
                (im schatten
                ist immer noch platz.)

Đêm trinh của Nguyễn Vỹ là một bài thơ lớn. Đọc để rung động và suy tưởng. Bởi hình tượng độc đáo đậm tính kinh điển cổ xưa lẫn tính tân hình thức mới lạ. Nó xứng đáng có mặt trong mọi thi tuyển cao cấp. Được chiếu sáng, nó sẽ chiếu sáng bội phần.

NHẬT CHIÊU
Nguồn: NVTPHCM

Chú thích:

(1) Dẫn theo Nuiansongtra.net. Nguyễn Vỹ, 21 tháng 2 năm 2009.

(2) Dẫn theo tập sách song ngữ Đức Anh German Poetry 1910-1975, Urizen Books, trang 430. Nguyên văn tiếng Đức như sau:

                        “hier sehe ich noch einen platz,
                        einen freien platz,
                        hier im schatten.

                        dieser schatten
                        ist nicht zu verkaufen.”

(3) Dictionary of Symbols, Myths and Legends, Didier Colin, Hachette, London, 2000, trang 63: “immortal mythical gods and demons are frequently represented with a blue head and body, especially in India.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...