Nhà văn Trần Kim Trắc
Khói thuốc lá váng vất trong căn phòng kính trong suốt
trên tầng một, thơm thơm. Phía dưới xa lố nhố nắng vàng đượm hơn rơm phơi, ngai
ngái, buồn buồn.
1. Quãng độ dăm năm trước, ngày tôi còn trẻ, ngày căn hộ
của nhà văn Trần Kim Trắc còn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi có dịp hầu
chuyện ông. Ngày đó, ông nói những gì tôi không nhớ rõ lắm, chỉ còn nhớ ông có
khen nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao. Thời điểm này, tác phẩm của Giả Bình Ao được
chuyển tải đến bạn đọc thông qua dịch giả Vũ Công Hoan rất duyên, từ Phế
đô rồi cả Hoài Niệm Sói.
Bây giờ, căn nhà cũ đã đổi chủ, vợ chồng nhà văn về sinh
sống trong căn hộ nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi gia đình, đều cùng huyết thống.
Căn nhà đẹp hơn căn nhà trước rất nhiều, sàn lót ván, sạch bong.
Vẫn thói quen cũ, ông vừa ngồi xuống đã đốt thuốc lá, hút
vài hơi rồi để tự tàn. Ông nói, bây giờ ông sống mà như không sống. Chỉ từ căn
phòng ngủ sang phòng đọc sách, ít tụ tập, ít bạn bè, chỉ nghĩ. Một kiểu ở ẩn,
theo cách của riêng ông. Thật ra thì nhà văn Trần Kim Trắc đã ở ẩn từ lâu rồi,
bởi họa hoằn lắm người ta mới thấy ông xuất hiện trên truyền thông, trò chuyện
một chút về nghiệp viết lách.
Dẫu rằng, truyện ngắn của Trần Kim Trắc luôn có vai trò
riêng biệt mang nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Tôi đọc ông nhiều, thuộc từng
chi tiết. Chi tiết cậu lính trẻ được chữa bệnh lác bằng a-xít trộn với nhớt xe
dùng xơ dừa quết lên vết lác. Ban đầu, cậu lính trẻ còn cố ôm thân cây dừa chịu
đựng, về sau rát quá cứ để nguyên thân đen lem luốc vậy mà chạy nhảy cho đỡ khó
chịu. Nhảy chán, lao ùm xuống sông.
Chi tiết, hai cậu lính sau trận càn rút về thôn xóm cũ để
lánh. Gặp cảnh xưa, một cậu lính thì ngủ, cậu lính còn lại tranh thủ “giã gạo”
với cô thôn nữ quen. Vừa “giã gạo” cậu lính vừa tán đủ chuyện, từ đường hướng,
tư tưởng cho đến chuyện cứ như tuyên huấn. Cô thôn nữ bịt miệng cậu lính, thủ
thỉ: “Im đi, mà hưởng”.
Rồi chi tiết, anh y tá yêu cô sơn tràng. Cô sơn tràng cả
đời chỉ biết xem phim, loại phim chiếu phục vụ đám đông. Anh y tá đưa cô xem kịch,
cô về khoe: “Hôm nay, được người yêu cho đi xem phim có người đóng thật”. Anh y
tá cưới cô sơn tràng, bạn bè ngăn dữ lắm vì cô sơn tràng đi rừng bị gai tre
cào, mắt con nhìn trời con nhìn đất. Anh y tá cười cười, đáp: “Mấy ông lấy vợ
chọn mặt, đêm nằm toàn ôm con cá diếc. Tôi chọn vợ chỉ chọn cái mình”.
Chi tiết, học trò già gặp thầy, thầy trò trò chuyện trên
trời dưới đất. Cuối cùng học trò thưa: “Nhờ thầy dạy mà con nên người vì con
luôn giữ nhân cách của mình”. Thầy kết bằng một câu tiếng Tây được Việt hóa: “Mất
nhân cách là mất tất cả”.
Còn nhiều, nhiều lắm những chi tiết trong truyện ngắn của
Trần Kim Trắc mà tôi nhớ. Văn của ông trong trẻo, hồn hậu mà ngẫu nhiên ám ảnh
đến lạ kỳ.
Trưa ấy, ông ngồi kể lại cho tôi nghe những điều tôi đã đọc.
Tự dưng tôi nghĩ, cuộc đời này thật kỳ lạ.
2. Ông là lính thuộc biên chế Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn
anh hùng trứ danh với bài hát mà gần như trong cuộc liên hoan ca múa nào cũng đều
được nghe. Ông không chỉ là lính thuộc biên chế của Tiểu đoàn này, ông còn giữ
một vai trò quan trọng trong Tiểu đoàn. Tiểu đoàn có một tờ báo nội bộ, ông vừa
biên tập bài vở cộng tác vừa sáng tác phục vụ lính.
Ông nói: “Lính dễ thương lắm, những cậu lính trẻ măng ôm
súng ra, sống chết có sá gì, cứ vừa đi vừa cười tươi như hoa”.
Lính trong truyện ngắn của Trần Kim Trắc tinh khôi như nắng
sớm, không gợn chút tì vết mà lạ kỳ lại quá đỗi đời thường.
“Người ta hay nghĩ về lính với những công thức, những mặc
định. Đôi lúc chính vì điều này khiến hình ảnh của lính trong văn chương thường
không linh động”, ông bảo đại khái vậy.
Hồi mới chập chững viết, ông lang thang ở vùng Tân Định
(Chắc là chợ Tân Định, Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ - N.K.L), thấy nhiều hiệu
may Âu phục thời trang giới thiệu na ná nhau, kiểu “Taylor tuyệt đẹp”, “Taylor
tuyệt mỹ”… Duy có cửa hiệu đề: “Taylor dễ thương”. Chỉ với hai chữ “dễ thương”
của ông chủ hiệu may đã giúp ông nảy sinh một ý niệm mới trong sáng tác. Đó là
tập cách quan sát theo lối riêng, quan sát những chi tiết bình thường. Quan sát
đó rồi lưu lại đó trong ký ức để khi cần lại lấy ra sử dụng. “Mình viết văn,
thì phải lí lắc (nghĩa là linh hoạt, chữ lí lắc là chữ của nhà văn sử dụng), phải
ví đầu mình như quả chuông vậy. Cứ có ai gõ vào là tự nhiên lại vang tiếng ra”,
ông cười.
Ông ra Hà Nội tập kết, đợt 1954. Ông còn trẻ thời điểm ấy,
ông còn rất nhiều hoài bão thời điểm ấy, ông còn nhiều dự định ở thời điểm ấy.
Nhưng, như tôi vẫn thường viết, biến cố luôn xảy ra vào thời điểm mà chúng ta
luôn cảm thấy an toàn nhất. Biến cố của đời ông cũng vậy, ông có kể tôi nghe với
nhiều ái ngại, tôi nghe với nhiều ái ngại. Và tôi hứa, tôi sẽ không nhắc đến
chi tiết này.
Ông được tổ chức phân công lên làm nghề rừng, lúc thì ở
Tuyên Quang, khi thì ở Lào Cai. Tổ chức phân công thì ông làm thôi, tính ông sẵn
vậy. Không kêu ca, không xét đoán, chỉ là hay dằn vặt bởi một hành động nông nổi
thời trai trẻ nào đó.
Ông gia nhập đoàn người sơn tràng, hạ gỗ đóng bè chuyển về
xuôi bán cho các công ty quốc doanh. Trên rừng ngày đó có loại gỗ đẹp lắm, nghĩ
đến bạn bè ở Hà Nội còn thiếu thốn, ông nhờ người thợ đóng đồ mộc lưu động đóng
cho cái giường với ý định mang về Hà Nội tặng bạn. Giường đóng xong, ông cột cẩn
thận rồi đón tàu lửa về Hà Nội. Trên tàu, ông ngủ. Đến ga Yên Bái choàng dậy
thì không thấy cái giường đâu, cứ tưởng đã mất. Hóa ra, anh nhân viên thuế vụ
thấy gỗ đẹp sợ ông buôn lậu nên không nói không rằng xách mang vào bốt. Ông vào
bốt tính giải thích thì tàu đã hú còi, không còn thời gian để trình bày với
nhân viên thuế vụ, mà trễ tàu thì ông không đủ tiền mua vé khác. Đành thôi, về
Hà Nội thăm bạn với hai bàn tay không.
Tính ông hay cười, giọng lại Nam Bộ rặt, khi kể đến đoạn
này ông vẫn cười. Tôi nghe, cố cười theo mà tự dưng thấy xa xót. Tôi thương
ông, thương món quà tặng bạn bất thành, thương cả cho những năm tháng khốn khó
của nhà văn mà vốn dĩ tôi chỉ biết qua sách vở và lời kể.
Hết làm rừng, ông chuyển qua nuôi ong. Ông nuôi ong thành
công đến mức được tán tụng là vua ong, ông có đến mấy trăm đàn ong, đệ tử theo
học về vài chục người. Tổ chức đưa xe lên miền cao Tuyên Quang, dọn hết nhà cửa
nồi niêu xoong chảo để đưa ông về xuôi để ông truyền bá kinh nghiệm nuôi ong.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy thì miền Nam giải phóng, Bắc Nam sum họp một
nhà, non sông liền dải.
3. Ông đưa gia đình về lại Sài Gòn: “Ngày ấy, bác cực
không?”, tôi hỏi. “Cũng không cực gì, mình có chút vốn dành dụm lúc nuôi ong
mà”, nhà văn trả lời.
Ông có cửa hàng bán mật ong nhỏ nhỏ ở đường Nguyễn Thị
Minh Khai, nơi tôi kể ở phần trên bài viết. Một hôm, nhà văn Nguyễn Khải đạp xe
ngang ghé chơi. Ông biếu nhà văn Nguyễn Khải ít mật ong và quyển Ông Thiềm Thừ.
Nhà văn Nguyễn Khải cảm ơn rồi từ tạ.
Mấy hôm sau, nhà văn Nguyễn Khải tìm lại nhà, gặp ông
nói: “Anh Trắc, bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu biến cố rồi mà sao anh vẫn thư
thái, tự tại đến vậy. Tôi đọc văn ông không thấy ông oán thán điều gì”. Ông ngạc
nhiên lắm, vì ông không nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Khải lại đọc mình. Nhẽ rằng,
ông vẫn còn nghĩ nhiều về ngày ông còn trẻ. Về sau, tập này của ông được tặng
thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm của ông được nhiều nhà xuất bản in lại,
hình như là sau tặng thưởng này, nếu tôi nhớ không nhầm.
Tôi thưa với ông, những năm cuối của nhà văn Nguyễn Khải,
tôi may mắn được hầu chuyện nhà văn ở nhà riêng trên đường Tôn Đản, quận 4,
Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn Nguyễn Khải cũng như ông lúc này, đa phần dành
thời gian trong ngày để tự chiêm nghiệm nhằm thấu thị cuộc đời. Có lúc, nhà văn
Nguyễn Khải còn nghiên cứu triết học. Ông khẽ khàng: “Nhà văn Nguyễn Khải là một
người tốt”.
Vui chuyện, tôi mạn phép so sánh cách sống của ông với
thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên, đều là tự di triết mệnh, đều là đứng ngoài mọi ồn ào để
mình biết riêng mình, ta biết riêng ta. Vui chuyện, ông kể cho tôi nghe về những
kỷ niệm với cố nhà văn Sơn Nam, với nhà văn Trang Thế Hy, với “phải múc nước mắm
bằng cái gáo mù u, Trần Kim Trắc nha”.
“Mình bây giờ tuổi lớn quá rồi. Đi đâu con cháu cũng lo,
phải đi theo. Mấy lần muốn về quê thăm lại chốn cũ mà ngại con cháu cực, với lại
ngại luôn chuyện bà con hỏi bao nhiêu năm đã làm đến chức gì rồi”, ông nói vậy.
“Thưa bác, cháu nghĩ là chỉ với danh xưng nhà văn Trần
Kim Trắc đã hơn vạn chức tước bổng lộc rồi, bác ngại gì nữa ạ”, tôi cười đỡ lời.
Lúc này, ông cũng cười.
NGÔ KINH LUÂN
Nguồn: ANTGCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét