Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

VIẾT SÁCH CHO THIẾU NHI CẦN NHIỀU KIẾN THỨC LỊCH SỬ

Ngày 1.6.2017, tại cuộc nói chuyện với sinh viên ngành văn - báo chí Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Bùi Tự Lực cho rằng, viết sách cho thiếu nhi phải đọc, học và nắm vững kiến thức về lịch sử, triết học và ca dao - tục ngữ Việt Nam.

"Bên cạnh chú tâm học lịch sử và đọc thơ "thủng" các thư viện, trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết Cát cháy, tôi đã đọc bổ dọc 300 cuốn tiểu thuyết và khoanh vùng thời gian diễn ra các sự kiện từ năm 1969 - 1970", nhà thơ Thanh Quế nói.
Sinh viên ngành văn - báo chí ĐH Duy Tân tặng hoa cho
nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Bùi Tự Lực.

"Cát cháy"

Tiểu thuyết Cát cháy của Thanh Quế lấy chất liệu từ những hoạt động của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Tác phẩm đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào năm 1981 và là một trong hai tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2012 của nhà thơ Thanh Quế…

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu thơ chan chứa tình yêu thương: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan / Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng..." Những thiếu niên chiến đấu trong Cát cháy của nhà văn Thanh Quế như: Ba, Một, Thấn... gợi nên biết bao nhiêu hình ảnh trẻ thơ đẹp đẽ kiên ngang trong chiến trường, như Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Thanh Quế đã dệt nên những trang văn đẹp về tình bạn, tình đồng chí, tình thương mến. Nhà thơ cũng đi sâu vào suy nghĩ trăn trở của mỗi thiếu niên chiến đấu sự hồn nhiên, thơ ngây và miêu tả nhiều khoảnh khắc đẹp đẽ, thơ mộng, nhen nhóm những rung cảm sâu kín giữa hai thiếu niên khác giới...

Sự miêu tả chân thật trong nhiều trang văn làm người đọc tưởng chừng như nhân vật trong truyện chính là tác giả, bạn bè thân thiết của tác giả hay tác giả trực tiếp chứng kiến. Nhưng thật bất ngờ, khi Thanh Quế nói rằng: "Tác phẩm này tôi đã hư cấu dựa trên chất liệu chính là Đội du kích thiếu niên Hòa Hải mà tôi biết được kết hợp với chất liệu từ những thiếu niên mà tôi gặp trên chiến trường Khu 5. Nhưng một số nhân vật trong tiểu thuyết, tôi lại lấy tên thật nên sau đó, tôi gặp một vài "rắc rối". Sau đó, tôi rút ra kinh nghiệm là đã hư cấu thì hư cấu triệt để".

Nhà thơ Thanh Quế cũng bày tỏ tiếc nuối: "Trước khi vào công tác ở Khu 5, tôi đã đọc tác phẩm Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của Xuân Sách và ấp ủ dự định sử dụng chất liệu chính từ Đội du kích thiếu niên Hòa Hải để viết một tác phẩm có quy mô tương tự. Rất tiếc, viết xong Cát cháy, tôi cũng cạn "vốn" về thiếu nhi mà bao năm tích lũy. Sau này, tôi có ý muốn viết lại, nhưng do nhiều điều kiện nên tôi không viết được".
Lớp sinh viên ngành văn - báo chí do nhà báo Phan Hoàng hướng dẫn 
đã chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Bùi Tự Lực

Thổi hồn lịch sử từ từ vào các em!

"Nghe lời khuyên của nhà thơ Thanh Quế, tôi viết, miêu tả chân thật về bà nội của tôi. Như một cuốn phim quay chậm, nhớ và nghĩ gì viết vậy, hơn 1 tháng thì viết xong gần 20 mẩu truyện. Nhà thơ Thanh Quế liền lắp 15 mẩu truyện ấy cho liền mạch thành một tập truyện vừa liên hoàn, đặt tên là Nội tôi. Sau đó, dựa trên một mẩu truyện trong cuốn Nội tôi, các anh chị ở Nhà xuất bản Kim Đồng nói tôi viết về cậu bé giao liên và cuốn Trên nẻo đường giao liên ra đời!", nhà văn chuyên viết sách cho thiếu nhi Bùi Tự Lực kể.

Bên cạnh đề tài về chiến tranh cách mạng, tác giả tiểu thuyết Chó hoang cho rằng: "Khi viết sách cho thiếu nhi, cần viết về một trường hợp cụ thể, miêu tả và làm toát lên hồn người trong từng sự vật, đặc biệt là sự hướng thiện. Người viết phải có kiến thức về lịch sử, triết học và ca dao, tục ngữ. Nhưng khi viết, không phải kể lể và bê hết tất cả vào trang sách, sẽ làm các em không tiếp thu được. Viết cho các em phải ngắn gọn, trọng tâm, thổi hồn tình yêu quê hương, đất nước, con người từ từ vào các em. Chẳng hạn, giáo dục, bồi dưỡng tình yêu nước, chống giặc ngoại xâm qua hình tượng Thánh Gióng, tình bạn qua hình tượng cõng bạn đi học..."

HẠNH NHÂN
Nguồn: CAĐN


_________________________

Nhà thơ Thanh Quế họ tên đầy đủ là Phan Thanh Quế, sinh ngày 26.2.1945 tại làng Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ nhỏ đến 1955, ông sống và học ở quê nhà; tập kết, học tại các trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc; tốt nghiệp Khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội 1967; làm cán bộ nghiên cứu, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.

Từ 1969 - 1975, Thanh Quế là phóng viên chiến trường Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Sau năm 1975, ông là cán bộ sáng tác, Trại sáng tác văn học Quân khu V. Từ 1980 - 1983 là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội ở Hà Nội. Đến năm 1983, ông về Đà nẵng làm Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ 1997 - 2005 là Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ TP Đà Nẵng, Tổng thư ký Hội Nhà văn Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa VI (2000 - 2005).

Từ năm 2006, ông nghỉ hưu, tiếp tục sống và làm việc tại Đà Nẵng.

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ và trường ca:

Tên em khuôn mặt em (2 tác giả)-1975• Tình yêu nhận từ đất (3 tác giả)-1977•Trong mỗi ngày đời tôi-1986• Giãi bày-1988• Khi ta giở sách ra (thơ thiếu nhi)-1988•Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi)-1991•Những tháng năm vay mượn-1993•Mé biển đời tôi-2000•Người lính đi đầu (trường ca)-2003•Thơ Thanh Quế với tuổi thơ-2004• Những tháng năm-2006•Một gạch và chuyển động-2006•Thơ Thanh Quế-2008•72 bài thơ chọn-2012•Nơi phòng đợi-2016•Thơ tuyển (2016)

Văn:

Chuyện từ một truyền thuyết-1978•Miền đất ấy (3 tác giả)-1978•Thung lũng Đắc Hoa (2 tác giả)-1980•Đọc sách thú vị lắm-1980•Cát cháy-1983•Trong lòng hồ-1984•Xa xa kia-1984•Rừng trụi-1987•Dì Út và người khách ấy-1988•Mai-1988•Người khách lạ-1990•Những đám mây kể chuyện-1991•Thủ lĩnh Nôbu và cô bé làm xiếc-1992•Cuộc phiêu lưu của con chó nhỏ-1993•Những câu chuyện rút từ túi áo-1994•11 truyện ngắn-1994•Về Nam (hồi ký, chân dung văn nghệ)-1996•Những gương mặt thân yêu (chân dung văn học)-1996•Bếp lửa làng Tà Băng-1998•Hai người bạn-1998•Những kỷ niệm, những gương mặt (hồi ký, chân dung văn nghệ)-2001•Từ những trang đời (hồi ký, chân dung văn nghệ)-2001•Bà mẹ vui tính-2002•Sao anh lại cảm ơn tôi-2002•Truyện và ký chọn lọc-2003•Dì Út-2003•Thị trấn em kết nghĩa-2005•Ở giữa thời gian-2007•Tuyển truyện Thanh Quế (Chuyện ở miền cát cháy)-2009•Kẻ đào ngũ-2011•Tuyển truyện ngắn Thanh Quế-2011•Gương mặt và cảm nhận (chân dung văn học) - 2013•Ký và chân dung chọn-2015•Hai người đàn ông và một người đàn bà (truyện - 2016)

Dịch và chuyển thể:

Các truyện ngắn: Dì Út, Mai, Bà mẹ vui tính (Bà mẹ Kỳ Sơn) được dịch ra tiếng Nga, Anh, Pháp và in ở nước ngoài.
Truyện ngắn Hai người bạn được đạo diễn Tạ Xuyên chuyển thể sang kịch nói với tên Thời gian không im lặng.
Các bài thơ: Anh không thể quên em, Chú nhạc sĩ, Hà Nội ơi, Mỗi lần tết đến, Đà Nẵng… đã được các nhạc sĩ: Hướng Dương, Trương Xuân Mẫn, Nguyễn Kim, Trần Hồng, Thanh Anh… phổ nhạc.


Giải thưởng văn học:

- Giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết Cát cháy -1981
- Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Những tháng năm vay mượn - 1994
- Tặng thưởng loại A hai lần (1975-1985) và (1985-1995) của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho các tác phẩm trong giai đoạn
- Tặng thưởng của Bộ Quốc phòng cho tập truyện Bếp lửa làng Tà Băng năm 2000
- Giải Nhì (không có giải Nhất) Giải thưởng văn học (1997-2005) của UBND thành phố Đà Nẵng cho tập trường ca Người lính đi đầu
- Giải B (không có giải A) Giải thưởng Văn học (2005-2010) của UBND thành phố Đà Nẵng cho tập thơ Một gạch và chuyển động
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...