Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

LY HOÀNG LY - TỪ LÔ LÔ ĐẾN 0395A.ĐC

Những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã được cộng đồng nghệ thuật trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Năm 1999, Ly tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2011, Ly được học bổng master của Fulbright và thực tập tại Joan Flasch Artists’ Book Collection, SAIC…
Nhà thơ, nghệ sĩ Ly Hoàng Ly

Tôi thật sự choáng ngợp với triển lãm cá nhân của Ly Hoàng Ly, thuộc dự án đang tiếp diễn 0395A.ĐC, tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory vào một sáng tháng tám.

Triển lãm đã cho thấy sự đa dạng của việc xóa nhòa đường biên nghệ thuật giữa truyền thống và hiện đại. Tác giả đã trình bày sự kết hợp giữa văn bản và điêu khắc, thơ ca và trình diễn, âm thanh và nghệ thuật công cộng… với những hàm ý sâu sắc. Tất cả khiến tôi chợt nhớ về những câu thơ của Ly từ thời Lô lô mới xuất bản - như một hiện tượng thơ; có lẽ đó là những dòng máu ban đầu đang trở mình cuộn chảy trong thực thể cao lớn 0395A.ĐC ngày nay. 

Từ thơ đến nhà - thuyền - nước và những chuyển động 

“Công chúng chính là điểm đến của tác phẩm”, Ly đã nói và đã thực hiện đúng định hướng đó trong lần triển lãm này, không chỉ để nhấn mạnh tính tương tác mà còn là sự nối kết đa chiều. Tôi không thể không nhớ lại những năm Ly còn là một cô bé:

 "Cắt đêm thành từng mảnh nhỏ
Rồi khâu đêm lại bằng tóc
Tóc thưa dần thưa dần
Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi đầu trọc
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm
.
(Cắt - Trích tập Lô lô)

Những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã được cộng đồng nghệ thuật trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Năm 1999, Ly tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2011, Ly được học bổng master của Fulbright và thực tập tại Joan Flasch Artists’ Book Collection, SAIC.

Một tờ báo uy tín trong lĩnh vực này từng nhận xét về Ly: "Tiếp cận nghệ thuật bằng lăng kính liên kết đa ngành và đa phương pháp, qua thực hành của mình, Ly Hoàng Ly đặt ra những chất vấn về thân phận con người nói chung: về bản chất biến thiên của căn tính và lịch sử, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, những vấn đề chung như sự chia rẽ và tính đoàn kết, thích ứng và chấp nhận". 

Điều đó thể hiện khá rõ qua một số triển lãm ấn tượng của Ly Hoàng Ly: Căn tính đối kháng với toàn cầu hóa (Gallery Quốc gia, Bangkok, Thái Lan; Bảo tàng ĐH Mỹ thuật Chiang Mai, Thái Lan và Bảo tàng Dahlem, Berlin, Đức, 2004), Transpop: Korea Vietnam Remix (Trung tâm nghệ thuật Arko, Seoul, Hàn Quốc; Trung tâm nghệ thuật Yerba Buena, San Francisco, Mỹ và Sàn Art, TP. HCM, 2007), Kết nối: Nghệ thuật Việt Nam (Ifa Gallery, Berlin & Stuttgart, Đức, 2009), Con người với không gian (Richard Gray Gallery, Chicago, Mỹ, 2012), Phẳng chung thủy - cộng tác với giáo sư toán Ngô Bảo Châu (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Hà Nội; Thư viện sách nghệ sĩ Joan Flasch, SAIC, Chicago và North Branch Projects, Chicago, Mỹ, 2014). 

Tác phẩm của Ly Hoàng Ly còn có mặt tại hai triển lãm quan trọng của năm 2016 tại Việt Nam: Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016) và Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Hà Nội, Việt Nam).

Triển lãm gồm 9 tác phẩm được xếp từ 0 đến 8. Phần 1 - Thuyền nhà thuyền (12 khối thép, tổng trọng lượng 21 tấn, cao 3,8m,  dài 7,2m, rộng 6,9m). Đỉnh cấu trúc hình dáng con thuyền. Trụ đáy mang hình dáng ngôi nhà. Và ngược lại. Tác phẩm soi rọi khắp không gian, mang trong mình toàn bộ suy tư, ý niệm và nền tảng triết lý của toàn
triển lãm.

Phần 2 - Thuyền nhà thuyền (thép, sắt, gỗ). Mở ra với hình hài ngôi nhà. Đóng lại với hình hài con thuyền. Khúc giữa xếp gấp, trải ngang theo đường chân trời như những đợt sóng. Trên bề mặt những đợt sóng ẩn hiện các ghi chép về hành trình của sự mất mát (mái ấm và người thân), của sự sợ hãi (trước cái chết và cái chưa biết, chưa thấy) và của sự lạc chốn (của căn tính và cội rễ) trên quãng đường lênh đênh trên biển. Suốt quá trình này, căn tính, văn hóa và cảm thức thuộc về một nơi chốn họ bị tách rời; ký ức về thời gian, không gian và lịch sử của họ bị chuyển dịch; vì thế liên tục hình thành và biến đổi. 

Các phần còn lại: Từ 0395A.ĐC (gỗ và các đồ vật), Cảnh (vàng lá, bạc lá, chì, mực, acrylic, sơn mài trên toan 21 đơn vị, mỗi đơn vị 76cm x 76cm), Tôi uống nước (video performance), Tôi là đá (video performance), đến mô hình Thuyền nhà thuyền... Tất cả tạo nên một quần thể gắn bó, hỗ trợ và mở rộng trường liên tưởng tạo được những chuyển động cần thiết trong mạch tư duy của thưởng lãm.


0395A.ĐC và dư luận

Tại triển lãm, tôi được gặp khá nhiều người xem trẻ, là trí thức trong và ngoài nước. Hầu hết người xem đều chạm được vào một hoặc nhiều góc nhìn về tác phẩm. Những di chuyển, chuyên chở, tiếp nối, mất mát và cả những đứt đoạn trong trí nhớ lịch sử... chính là bản chất đời sống. 

Tất cả được tái hiện một cách cô đọng. Nó không được bố trí ngoài trời như các triển lãm khác mà đặt trong không gian hẹp của Trung tâm nghệ thuật đương đại để nói lên sự khao khát bứt phá, khao khát tự do, khao khát vượt thoát các quy định, phá vỡ các ranh giới... Nhưng chưa được, tất cả vẫn còn bị nhốt kín. 

Bất ngờ lớn nhất của tôi là tác phẩm với hình thức sắp đặt này tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng không hề khó hiểu đối với người Việt. Bạn Lê Quang Hải (sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang) nhận xét: "Triển lãm đã gợi lên một trường liên tưởng khá rộng, khá sâu! Biểu tượng chính về thuyền, nhà và con sóng trườn ngang muốn nhấn mạnh các bước chuyển bản chất của đời sống, chưa hẳn là phát triển, có thể chỉ là sự dịch chuyển, ngay những biến động dù nhớ hay quên cũng nằm lọt thỏm trong sự dịch chuyển quy luật đó". 

Ở một góc nhìn khác, bạn Vũ Tony (sinh viên ngành giáo dục học tại Mỹ) đánh giá: "Có lẽ tác giả muốn kể lại câu chuyện đời sống, câu chuyện văn hóa, câu chuyện lịch sử... Tất cả chông chênh, tưởng liền mạch nhưng luôn bị gián đoạn; tưởng con người sẽ nhớ hết nhưng kỳ thực những khoảng trống lãng quên trong đời sống cũng nhiều như những điều nhớ được, mà có khi những vùng trống ấy lại tạo thành một loại giá trị khác của đời sống. Tôi đánh giá cao tác phẩm này, nhất là trên mặt bằng mỹ thuật đương đại ở Việt Nam".

Bill Nguyễn (trợ lý giám tuyển tại Factory, đồng sáng lập và đồng giám tuyển Không gian nghệ thuật Manzi - Hà Nội, giám tuyển của triển lãm này) đánh giá: "Xuyên suốt triển lãm, một số yếu tố thị giác đặc biệt như hình ảnh con thuyền, ngôi nhà và nước được điệp lại (làm rõ), phóng lớn (nâng tầm quan trọng) rồi thu nhỏ (hạ tầm) trong khi các yếu tố khác, như tên người, địa danh và quốc gia, lại được đặt ở những vị trí khuất tầm mắt (làm mờ) hay hoàn toàn bị che phủ (ẩn giấu đi). Tính chất đứt gãy, thậm chí có phần bạo lực của các cặp hành vi phóng lớn/thu nhỏ, cường điệu/giảm nhẹ, gạch bỏ/chú trọng, hình dung thứ chưa được thấy/giải thị hiện thứ không thể nhìn thấy trở thành cơ chế giúp ta định vị và di chuyển trong 0395A.ĐC. Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly đã tháo gỡ mối ràng của các yếu tố thị giác, ẩn mờ những gì không được biết, sau đó lại lật tỏ chính những che giấu của mình. Sắc bén bình luận cách thức mà lịch sử được ghi nhớ và lưu hành, cô tháo dỡ nó, lộn trái nó, buộc nó đối diện chính mình".

Triển lãm của Ly Hoàng Ly là một triển lãm đa phương tiện bao gồm tranh, điêu khắc, installation, video performance, điêu khắc mang tinh thần nghệ thuật công cộng (public sculpture) và sách nghệ sỹ... Với vẻ đẹp hoành tráng, đa chiều, triển lãm đã nói lên nhiều điều, nhiều góc độ về đời sống, lịch sử, văn hóa. Vì thế, triển lãm góp phần không nhỏ trong việc mở rộng đường biên nghệ thuật và tạo các mối giao thoa cần thiết cho mỹ thuật nước nhà.

Nhân đây, cũng xin bày tỏ thêm một mong ước: Mong những tác phẩm nghệ thuật công cộng của nghệ sỹ Việt Nam sẽ được chú ý đầu tư từ khâu quy hoạch đô thị để không chỉ đáp ứng cho nhu cầu đời sống và hưởng thụ của người dân mà còn tạo ra sức thu hút du lịch có lợi cho quốc gia.
  
NGUYỄN HIỆP
Nguồn: PHỤ NỮ TPHCM 9-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...