TS. Mai Thị Liên Giang
Nghiên cứu so sánh phức hợp đã trở thành một trong những
đối tượng của những cuộc tranh luận trong nghiên cứu khoa học xã hội. Các ý kiến
xung quanh những cuộc tranh luận theo xu hướng này đều tập trung để trả lời cho
câu hỏi: Khoa học xã hội có cần đến phương pháp so sánh phức hợp hay không?
Cũng như các ngành thuộc khoa học xã hội, nghiên cứu văn
học cũng mang tính lịch sử, tính lý luận - mỹ học, nó vận dụng chủ nghĩa duy vật
lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những cách biểu hiện quan trọng
nhất của ý thức xã hội để hiểu bản chất và lí giải các quá trình, các hiện tượng
của nó. Những môn như âm nhạc và nghệ thuật tạo hình cũng phản ánh ý thức
con người, xã hội và chúng ta cũng phải soi sáng các quá trình và các hiện tượng
của chúng bằng phương pháp đó như đối với văn học.
Lợi ích của việc so sánh phức hợp được thể hiện ở
chỗ nó hỗ trợ được đến mức nào trong việc xem xét sự phản ánh hiện thực của
các phân môn trong khoa học xã hội theo chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa
duy vật biện chứng. Như vậy, nghiên cứu so sánh giúp chúng ta có mối liên hệ biện
chứng rộng lớn hơn. Vấn đề ở đây là nghiên cứu so sánh trong văn học Bắc miền
Trung không có nghĩa là bước ngoặt hay là sự chuyển hướng sang một phương pháp
hoặc một quan điểm nào khác mà có nghĩa là mở rộng phạm vi nghiên cứu từ trước
tới nay; và cũng có thể là một khả năng mới để nắm bắt các mối liên hệ. Những
năm gần đây, nghiên cứu Văn học Bắc miền trung thường được thể hiện qua một con
đường cơ bản là đăng tải trên các báo, tạp chí, hoặc truyền hình, hội thảo của
các tỉnh. Bên cạnh những công trình nghiên cứu có quy mô thì thực tế cho thấy,
từ một góc độ nào đó, việc nghiên cứu văn học Bắc miền Trung vẫn còn mang tính
đơn lẻ, phong trào, hoặc là nhấn mạnh nội dung xã hội trong tác phẩm, hoặc là
khai thác chân dung qua tác phẩm, hoặc là bình luận về ngôn từ một cách đơn giản
theo kiểu cảm thụ... Chúng ta thấy rõ rằng, các công công trình nghiên cứu thường
nói được ảnh hưởng của tác phẩm mà ít khi chỉ ra đúng bản chất của chúng. Do vậy,
một thực tế thường xảy ra là: đôi khi chúng ta có thể biết được các số liệu có
giá trị về cấu trúc của tác phẩm văn học, về hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, hoặc
phong cách, kết cấu hay tâm lý của nó nhưng những vấn đề về sự ra đời, về các mối
liên quan nhau của các tác phẩm thì vẫn là bí ẩn đối với chúng ta.
Tôi cho rằng, nghiên cứu văn học Bắc miền Trung phải đặt trong mối quan hệ với
các hiện tượng khoa học xã hội khác như âm nhạc, nghệ thuật tạo hình… đồng thời
từng hiện tượng văn học cũng phải được xem xét trong mối liên hệ, đối chiếu với
các hiện tượng tương đồng của những thành tựu văn học ở Nam miền Trung và các
khu vực khác…thậm chí là cả với văn học các nước. Bởi chúng ta không thể hiểu đặc
trưng của văn học nếu không có hiểu biết về lịch sử, triết học, lịch sử kinh tế…Theo
Suête Itvan, trước đây “việc nghiên cứu nền văn học của những nước châu Á, châu
Phi, Mỹ - latinh vừa ra khỏi tình trạng thuộc địa và nửa thuộc địa cũng được tiến
hành bằng phương pháp nghiên cứu phức hợp, nghiên cứu văn học song song với
nghiên cứu dân tộc học, lịch sử âm nhạc”(1). Đây là một trong
những nhận xét rất cần cho những người làm công tác nghiên cứu văn học nói
chung và nghiên cứu văn học Bắc miền Trung nói riêng.
Căn cứ vào thực tiễn nghiên cứu khoa học xã hội nói chung
và nghiên cứu văn học Bắc miền Trung những năm gần đây nói riêng, chúng tôi có
những đề xuất như sau:
1. Nghiên cứu văn học Bắc miền Trung cần phải mở ra và nắm
bắt được những mối liên hệ rộng lớn hơn, mới mẻ hơn. Do đó phải có sự đối chiếu,
so sánh giữa các hiện tượng văn học trong khu vực, xác lập những sự trùng hợp
và khác biệt, từ đó tiến tới lý giải được bản chất của giá trị văn học.
2. Để hiểu sâu sắc hơn các hiện tượng văn học, cần so
sánh với thành tựu của các các bộ môn khác như âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, kiến
trúc…
3. Cần xuất phát từ thực tế thành tựu và giá trị đặc
trưng của văn học khi nghiên cứu ảnh hưởng và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các hiện
tượng văn học.
4. Chúng ta nên cố gắng tạo nên những tổng hợp có bình diện
cao hơn sự tổng hợp theo số lượng của các tác phẩm và cần phải chú ý đến cả chất
lượng của quá trình tiếp nhận, lịch sử tiếp nhận các tác phẩm văn học. Bởi có
nhiều văn bản tác phẩm được in trên sách, báo, tạp chí…để cuối cùng các báo, tạp
chí…ấy nằm im lìm trong kho sách hoặc trong các thư viện thì cũng trở nên vô
nghĩa. Quá trình so sánh diễn ra trong nghiên cứu về lịch sử tiếp nhận các tác
phẩm văn học giữa các vùng miền cũng nên được chú ý hơn.
5. Một vấn đề nữa là cần quan tâm hơn đến đội ngũ tham
gia nghiên cứu. Ngoài các cơ quan như báo, tạp chí, sở văn hoá thông tin...thì
các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trong khu vực Bắc miền
Trung là nơi có nhiều người có tiềm năng tham gia nghiên cứu khoa học. Bởi một
trong những tiêu chí của giảng viên Đại học là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu.
Tuy vậy, các công trình nghiên cứu của giảng viên và sinh viên ở trường Đại học
sau khi nghiệm thu xong thường được để ngay ngắn trên giá sách, chỉ được công bố
trong phạm vi khu vực trường nên việc đầu tư chất lượng cho các công trình
nghiên cứu vẫn còn là vấn đề cần quan tâm.
6. Sự phong phú, đa dạng của thể loại trong sáng tác của
văn học Bắc miền Trung cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu văn học.
Từ khoảng năm 2000 đến nay, nói riêng về văn xuôi, mỗi năm đã có khoảng hơn sáu
mươi tác phẩm của hơn ba chục nhà văn viết văn xuôi ở miền Trung. Mỗi cuốn sách
cũng đã có từ 150 trang đến 500 trang gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, tạp
văn, bút ký v.v…Tuy nhiên các tác giả gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc
không nhiều. Trong suy nghĩ của người đọc, văn xuôi miền Trung vẫn là: Hoàng Phủ
Ngọc Tường, Trần Thuỳ Mai, Từ Nguyên Tĩnh, Kiều Vượng và các tác giả như Nguyễn
Quang Hà, Phan Cao Toại, Hà Khánh Linh, Hữu Phương, Nguyễn Khắc Phê, Hoàng Bình
Trọng. Ngoài ra, có thể kể thêm những cây bút như Đức Ban, Trần Thị Huyền
Trang, Quý Thế, Thu Loan, Bá Dũng, Nguyễn Gia Nùng, Như Bình, Nguyễn Thị Phước,
Đàm Quỳnh Ngọc... Còn số lượng tác phẩm thuộc thể thơ từ năm 2000 đến nay thì
khó để thống kê hết. Như vậy, nên chăng là chính từ người sáng tác đã phải có ý
thức tự chọn lọc khi quyết định công bố các tác phẩm thơ của mình.
Nói chung, việc đặt ra vấn đề có phương pháp nghiên cứu
so sánh phức hợp hay không trong nghiên cứu các phân môn ở lĩnh vực khoa học xã
hội nói chung không có gì là mới mẻ. Tuy vậy, đối với nghiên cứu văn học Bắc miền
Trung thì đây cũng là một yếu tố cần quan tâm.
TS MAI THỊ LIÊN
GIANG
Nguồn: VHNA
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1). Dẫn theo tài liệu của Viện khoa học và xã hội Việt
Nam, Viện văn học, Các vấn đề của khoa học văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
1990, tr 227.
(2). Các báo và tạp chí, phần về nghiên cứu văn học, nghệ
thuật của các tỉnh Bắc miền Trung từ năm 2000 đến nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét