Nhà thơ Phan Hoàng
Trong tập thơ thứ ba này, Phan Hoàng vẫn tiếp tục khai
thác những đề tài quen thuộc trong cuộc sống đời thường. Như hình ảnh Mẹ
gánh ước mơ, cách thể hiện mới mà vẫn không thiếu vắng yếu tố tình cảm - ngọn
lửa sưởi ấm cho thơ:
Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc
tiếng khóc con thơ
mạnh hơn
tiếng gầm đại bác
Trong bài Níu lòng sông Đáy, tác giả đã mở rộng
không gian và thời gian sinh tồn khi ký họa chân dung của hai người mẹ Bắc -
Nam theo chiều dài lịch sử. Giữa cảnh đất rộng trời cao, họ như cánh cò nhỏ
nhoi lặn lội nuôi con trong xã hội loạn lạc, đói nghèo:
Sông Đáy trong mơ vẫn dâng ngang trời
mẹ như cánh chim đêm
mãi mãi hoá thân vào châu thổ
Ngày lót lá, bạn níu lòng sông Đáy
tôi bàng hoàng lội ngược gió sông Ba
Thấu hiểu được công lao to lớn của cha mẹ, biết rõ sự thiệt
thòi của thế hệ mình, tác giả đã đặt nhiều hy vọng vào tương lai của con. Tuy
nhiên, hàng loạt dấu chấm hỏi trong bài Ốc đảo 318 đã thể hiện
sự băn khoăn của tác giả: con người tương lai sẽ hội nhập thế nào trong sân
chơi toàn cầu nhưng không ai thấu hiểu ai:
Ốc đảo tràn ngập đức tin của con rồi sẽ
xanh hơn? Thế giới toàn cầu hoá của con rồi sẽ
tình người hơn? Và cả vũ trụ đầy bí ẩn của con rồi sẽ
...???
Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng lối vắt dòng với
ba cụm từ “của con rồi sẽ” nằm ở cuối dòng. Đặc biệt, ba dấu hỏi nằm ở
cuối bài có tác dụng gợi tưởng, tạo dư âm. Trong thơ Phan Hoàng, ta thường gặp
hình thức điệp, như việc lặp cấu trúc câu nghi vấn trong bài Em nóng dần
lên:
những đàn chim di cư tìm bầu trời mới
hay chờ chết ?
những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới
hay chờ chết ?
những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới
hay chờ chết ?
Tác giả cũng thường dùng thủ pháp đảo trật từ để tạo ra
cách diễn đạt khác thường nhưng người đọc vẫn hiểu được nghĩa. Như đoạn thơ: “Mượt
mà mông / mủm mỉm môi / mơ màng mắt / tình tang ngang dọc” (Bình nguyên
bay). Hoặc: “Đúng tôi / đớn đau tôi / thăng hoa tôi” (Văn bản dở dang).
Tập thơ Chất vấn thói
quen của Phan Hoàng
Thơ hiện đại thường có xu hướng dựng lên một thế giới mới
lạ bằng thủ pháp lắp ghép hình ảnh và câu chữ. Lạc vào thơ Phan Hoàng, ta chứng
kiến một thế giới vừa quen vừa lạ. Trong bài Mặt trời trong ngôi nhà
thân thuộc, mặt trời không mọc lên ở phương Đông mà mọc từ căn nhà “mái
tranh vách đất” quen thuộc ở nông thôn:
Trải qua những dòng sông ngập tràn nước mắt
những cánh rừng cháy trọc xương khô
mặt trời vẫn không ngừng mọc lên
trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình
Ta cũng cùng tác giả đi dạo, lắng nghe những Tiếng
cười trên sông Sài Gòn. Nhưng đó không phải là con sông của thành phố hiện
đại mà là một con sông thiêng liêng trong tâm tưởng. Tác giả không dẫn ta đi về
phía trước mà lùi lại đằng sau để chiêm nghiệm một vẻ đẹp khác thường của dòng
sông cùng với tâm sự của cổ nhân:
Như cánh chim lãng du
sà vào lòng sông tắm gội phục sinh tiền kiếp
tôi thấy mình chấp chới bay ngược
về phía tiếng cười không thanh âm nhập nhoà ánh đuốc
Say sưa đuổi bắt tiếng cười
tôi lạc vào cõi lòng trắc ẩn người xưa?
Nhưng phổ biến hơn cả là sự lắp ghép từ ngữ để tạo ra những
sắc thái biểu đạt mới: “Đau những chân trời tư tưởng tật nguyền / Câu thơ
neo bờ nước mắt” (Tiếng thì thầm). Hoặc “Rẽ nụ cười tươi nắng ban mai /
Bay về nguyên thủy ước mơ không mầm móng hận thù tận thế” (Thèm làm ngọn
gió tự do). Bên cạnh những bài làm mới hiện thực, còn có một số bài triết lý về Những
cơn bão ký tự mới trong thơ hiện đại:
Cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu
Em cứ ngon giấc hồ nghi giữa mùa hoa cúc
cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thuỷ tinh
Phan Hoàng cho rằng, thơ của mình chỉ là “những văn bản
dở dang / những văn bản vô ngôn / văn bản không khuôn thước / văn bản không văn
bản” (Văn bản dở dang). Bởi vậy anh rất ngại viết hoa đầu dòng và dùng dấu
chấm cuối câu. Thơ anh chỉ là những “con sóng ký hiệu” xộc xệch đang đợi
bạn đọc sắp xếp lại theo cách của mình. Tập thơ Chất vấn thói
quen có vẻ như bao gồm những bài thơ vô ngôn nhưng thực ra là đa ngôn.
Để thấy được điều đó, các bạn hãy chịu khó cùng tác giả bước sang bờ bên kia
văn bản.
TS. PHẠM NGỌC HIỀN
Nguồn: Tản
Viên Sơn 3.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét