Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: THƠ HAY NHƯ PHỤ NỮ CÓ DUYÊN

Một nhà thơ không vội vã, không ồn ào, luôn điềm đạm để nhìn đời và ưu ái các tác giả trẻ là sự cảm nhận chung của những ai đã và đang tiếp xúc với nhà thơ Phan Hoàng.
Nhà thơ Phan Hoàng

Phan Hoàng không ích kỷ trong chơi thơ mà anh dùng thơ như một “công cụ” để đưa con người xích lại gần nhau hơn. Ở Phan Hoàng có một sự tương tác giữa “thơ” và “thiện”. Tuy nhiên anh khiêm tốn không nhận mình là người dẫn dắt mà chỉ là khách qua đường, náu mình ngẫm suy thế thái nhân tình mà thôi.

* Là một nhà thơ thì có khác một người bình thường, thưa nhà thơ Phan Hoàng?

- Nhà thơ trước hết cũng là một người bình thường, đủ hỉ nộ ái ố. Tuy nhiên, khi người làm thơ đắm chìm trong thế giới thẩm mỹ riêng mình để văn bản hoá những xúc cảm, ý tưởng của mình về cuộc sống thì lúc đó họ trở nên khác thường.

* Anh quan niệm thế nào một bài thơ hay?

- Một bài thơ hay giống như một phụ nữ có duyên, quyến rũ, bí ẩn và gợi mở những suy tư. Ngược lại, đọc một bài thơ dở như gặp phải một phụ nữ vô duyên.

* Được đánh giá là một nhà thơ đã có đóng góp tích cực trong việc làm cho ngôn ngữ thi ca đương đại Việt Nam có màu sắc tươi mới, táo bạo. Anh nghĩ gì về nhận xét này, thưa anh?

- Xin cảm ơn về đánh giá ấy dành cho thơ tôi. Nói đến thơ là nói đến nghệ thuật ngôn từ. Tôi vốn xuất thân từ chuyên ngành ngôn ngữ, nên đôi lúc cũng hơi “lạm phát” ngôn ngữ trong thơ mình. Khi còn là sinh viên, tôi đã viết trong bài thơ Thành phố bây giờ: “Thành phố bây giờ làm gì có mưa ngâu/ mà em thầm ước/ Chức Nữ - Ngưu Lang phang ngang dòng cao tốc/ bỏ lại sau lưng câu vọng cổ ăn mày…/ Thành phố bây giờ lộng lẫy phấn son/ cô gái nào cũng tựa từa ca sĩ/ dáng dấp thị trường/ nụ cười tiếp thị/ may mắn tôi còn có em bên…”

Nhân tập thơ đầu tay Tượng tình của tôi ra đời, nhà thơ Lê Minh Quốc lúc ấy đã viết trên báo Phụ Nữ TP.HCM rằng Phan Hoàng là một trong những người đầu tiên đưa ngôn ngữ đời sống hiện đại vào thi ca.

* Tên tuổi của anh được nhắc đến trong khá nhiều giải thưởng. Mới nhất là Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM và Bằng khen của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen. Những giải thưởng đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh và giải thưởng nào đã để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?

- Mỗi giải thưởng có những tiêu chí, chuẩn mực riêng. Giải thưởng nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều có tính động viên, mang lại hứng khởi cho người sáng tạo, sự lao động nghệ thuật của mình đã được một bộ phận đồng nghiệp ghi nhận.

Thực ra tôi vốn không phải là người thường có mặt tham dự các cuộc thi hay giải thưởng. Ấn tượng đẹp trong tôi là khi còn học đại học năm thứ 3 đã được nhận giải thưởng thơ sinh viên - học sinh năm 1989 cho Áo trắng trong mơ: “Cứ mỗi lần nhìn áo trắng bay bay/ Anh lại nghẹn ngào nhớ về đứa em thơ dại/ Mười sáu tuổi đầu nắng mưa dầu dãi/ Áo trắng học trò bỏ lại phía sau…” Bài thơ tôi viết trong nước mắt khi hay tin đứa em gái duy nhất của mình phải nghỉ học để phụ mẹ buôn bán nuôi các anh ăn học. Đây có thể xem là tác phẩm chính thức đầu tay của tôi.

* Trong cuộc sống ai cũng có những nỗi niềm nhưng không phải ai cũng đều viết thành thơ được. Là một nhà thơ thì phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca lên tiếng. Anh có thể chia sẻ việc “náu mình” thì liên quan đến văn chương và thực tiễn cuộc sống như thế nào?

- Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy hiện nay, nhờ đời sống vật chất khá lên, nhiều người trở nên giàu có, rủng rỉnh tiền bạc, chợt muốn có danh, nên nhảy ngang vào làng thơ, cao giọng xưng tụng mình là nhà thơ này nọ, xuất bản thơ vô tội vạ, sách dày cả ngàn trang.

Họ còn tìm cách chạy vạy vào hội nhà văn từ địa phương đến trung ương để được chính danh “nhà thơ” đó là một vấn nạn của thơ. Tôi luôn quan niệm thơ đứng về phía cái đẹp của nỗi đau, nước mắt, phía của sự lặng lẽ, khiêm nhường và kết tủa. Giá trị của thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung là chất lượng, tinh chất chứ không phải ôm đồm về số lượng và cao giọng như quảng cáo keo dính chuột.

Những nhà thơ đích thực mà tôi biết bao giờ họ cũng âm thầm sáng tạo, không vội vã công bố tác phẩm. Đôi lúc họ viết cả trăm bài thơ, hàng ngàn câu thơ nhưng chắt lọc lấy lại một số bài, vài chục câu để chia sẻ với người đọc tri âm. Cũng chính vì lẽ đó mà hiện nay những loại văn bản mang tính vần vè, cận thơ hoặc hơi hướm thơ rất nhiều nhưng thơ đích thực thì chẳng bao nhiêu.

Năm 1995 tôi xuất bản tập thơ đầu tiên Tượng tình, bảy năm sau mới in tập Hộp đen báo bão (2002), rồi mười năm sau ra mắt tập Chất vấn thói quen (2012). Giữa những khoảng cách ấy, có người cho rằng tôi đã bỏ thơ, thậm chí còn có ý kiến bóng gió chỉ trích về việc Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp một… nhà báo là tôi vào năm 2010. Họ đâu biết rằng một người đã bị thơ “ám” như tôi thì phải sống với “nàng thơ” hàng giờ hàng phút. Cái sự “náu mình” của người sáng tác không dễ được xã hội đồng cảm.

* Cũng nhờ sự náu mình ấy mà anh đã có những tập thơ được bạn đọc và đồng nghiệp ghi nhận, đặc biệt là tập thơ Chất vấn thói quen. Theo anh, trong thời buổi kinh tế thị trường, thì thơ ca nên vì nghệ thuật hay vì nhân sinh?

- Muốn vì nhân sinh thì thơ ca trước hết phải có nghệ thuật. Ở góc nhìn gần, thơ khác với các thể loại văn xuôi, ca dao, hò, vè. Ở tầm xa hơn, thơ là một nghệ thuật ngôn từ cao cấp, dung chứa tinh vi văn hoá và lịch sử của một dân tộc và thời đại qua số phận con người đương đại. Thơ không trực tiếp làm ra chén cơm manh áo, nhưng thơ nuôi dưỡng cho con người ước mơ, khát vọng làm ra manh áo chén cơm và những thứ khác để phục vụ đời sống nhân sinh.

Tóm lại, để phục vụ nhân sinh thì thơ phải có nghệ thuật, có tư tưởng chứ không chỉ đơn giản ngâm nga vần điệu rồi tung hê vô bổ lẫn nhau một cách hư danh cho vui vẻ.

* Anh từng nói thơ ca thì phải tạo ra cái mới, nếu không sẽ lọt thỏm giữa dàn đồng ca thơ và đó cũng là bi kịch của nền thơ đương đại Việt Nam. Theo anh để tạo được sự khác biệt, độc đáo, thể hiện được tài năng thì cần phải có những tố chất gì?

- Tài năng. Và phải biết mình là ai, ông trời cho mình cái gì, đến đâu. Trời chỉ cho anh khả năng đá bóng hoặc kinh doanh, mà anh cố nhảy vào làng thơ tìm cách “sút bóng” hoặc “buôn bán” thì làm sao có thể tạo được sự khác biệt. Khác biệt chăng là anh trở thành con rối, tung rác rưởi vào đời sống thi ca.

Ngoài tài năng, nhà thơ còn phải có nền tảng văn hoá tri thức. Văn hoá giúp cho người làm thơ thêm bản lĩnh và tâm thế, biết cách ứng xử với văn bản, tìm con đường thể hiện độc đáo riêng mình.
Nhà thơ Phan Hoàng trả lời phỏng vấn tạp chí Gia Đình Hiện Đại

* Anh có cảm nhận gì về người trẻ hiện nay?

- Hiện thực đời sống cho thấy các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều điều kiện để vươn lên, tạo dấu ấn và sự nghiệp cho mình. Nhờ môi trường sống tốt, lớp trẻ ngày nay có sức khoẻ tốt, thông minh, tiếp cận nhanh nhạy mọi thông tin để có nền tảng tri thức, văn hoá rộng mở cho tương lai. Trong giới văn học cũng ngày càng xuất hiện nhiều những cây bút có tài, đầy hứa hẹn.

* Còn đối với phụ nữ, anh nhìn nhận ra sao, hình ảnh phụ nữ có hiện diện nhiều trong thơ anh?

- Không có phụ nữ thì thế giới này làm sao tồn tại. Tất nhiên, thơ và người làm thơ cũng không có trên cõi đời này. Phụ nữ là đối tượng chính của thi ca. Thơ tôi chủ yếu viết về thân phận phụ nữ, dù không phải lúc nào hình ảnh của họ cũng hiện lên rõ nét. Suốt đời tôi mang ơn những người phụ nữ, trước hết là mẹ tôi, bà tôi, em gái tôi đến vợ tôi, con gái tôi và tất cả những phụ nữ đã đồng cảm, chia sẻ với tôi những vui buồn trong cuộc sống đầy chông gai lẫn hoa hồng này.

* Gia đình có vị trí như thế nào trong cuộc sống và sự nghiệp thơ ca của anh?

- Tôi luôn cố gắng xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Gia đình là điểm tựa quan trọng trên hành trình nhiều xê dịch của tôi. Gia đình và quê hương cũng là niềm cảm hứng bất tận cho trang văn của tôi.

* Với cảm quan thi sĩ thì anh nghĩ thế nào là một gia đình hiện đại?

- Một gia đình hiện đại phải kế thừa văn hoá gia đình truyền thống, phù hợp với tập quán người Việt và phương Đông. Gia đình phải có tôn ti trật tự, người trẻ phải biết kính trọng và quan tâm người già. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng nhau, ứng xử tế nhị lẫn nhau….

* Anh còn thực hiện những chương trình từ thiện hoặc cùng phụ trách Quỹ Tình thơ, vậy anh chia sẻ gì về những việc làm này?

- Đây là một hoạt động khác của tôi nhằm góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Bằng uy tín và quan hệ cá nhân, tôi cố gắng mang lại niềm vui cho những người còn khó khăn từ sự chia sẻ của những người có tâm và có điều kiện tốt hơn.

* Trong năm mới này, anh đang có những dự định gì cho mình?

- Dự định và mơ ước bao giờ cũng nhiều, nhưng thực hiện thì chẳng dễ. Tôi tiếp tục duy trì, xây dựng website: www.nhavantphcm.com.vn hoàn thiện, tái bản tập thơ Chất vấn thói quen cùng các bộ sách phỏng vấn, hoàn thành tập thơ Bước gió truyền kỳ để xuất bản, và tất nhiên sẽ “bay” tới một số vùng đất mà mình chưa khám phá.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ.

LOAN TRẦM
Nguồn: GĐHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...