Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

VŨ TRỌNG QUANG - GƯƠNG MẶT THƠ TỰ HUỶ

Với “tự huỷ” thì thấy Vũ Trọng Quang càng khác hơn, huỷ mà không huỷ, khác mà không khác. Khi gương mặt tác giả bị xé thành bốn mảnh sắp ngược xuôi và bị đánh một dấu x màu đỏ, bi kịch lại chồng lên bi kịch…
Nhà thơ Vũ Trọng Quang

Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.

Đến nay nội dung và cách trình bày tập thơ vẫn chưa đề mốt. Tác giả là người làm thơ từ những thập niên 70, từ trước 1975 anh đã cùng Linh Phương chủ trương Văn Nghệ Động Đất...

Chúng ta đều biết, sự chuyển động vật lý như biểu hiện cho cái đang tồn tại, cũng như sóng như đại diện cho sự lan truyền, chuyển động. Còn chuyển động là còn sống và ngược lại, bất động trong phạm vi nào đó là đồng nghĩa với chết. Nhưng chuyển động lùi còn tồi tệ hơn cả giẫm chân tại chỗ. Thơ là một dạng sóng để truyền cảm xúc của tác giả đến người đọc. Bài thơ còn lan truyền cảm xúc là bài thơ còn lý do để sống. Người làm thơ ngày nay rất nhiều, nhưng người có đời sống thi ca chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì sự nhầm lẫn giữa nhà thơ và thi sĩ, nên chúng ta phải định danh lại, thi sĩ là người làm thơ và có đời sống thi ca trọn vẹn. Chẳng hạn như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Hữu Loan,... hay như: Arthur Rimbaud, Walt Whitman, Rabindranath Tagore,...

Với thi sĩ thì mọi nhãn mác đều vô nghĩa, thậm chí cả sự vinh danh cũng là trò hề. Bản chất của thi sĩ là cô đơn, đứng bên ngoài và bên trên mọi tập thể hội hè.  Thực tế, đây đó thường xưng tụng nhau là nhà thơ, nhà văn... Về mặt ngôn ngữ, chữ “nhà” là để chỉ không gian vật lý, là cái vỏ bọc bên ngoài. Nhưng với từ thi sĩ, văn sĩ thì chữ “sĩ” có ý nghĩa về đời sống nội tâm, về nhân cách, về tri thức... Vậy xét về mặt ngôn từ thì ở xã hội chúng ta ngày nay, thi sĩ thật sự không có nhiều. Cũng rất mong những nhác mác được gắn kèm chữ sĩ có đời sống và suy nghĩ thật tương xứng với cái tên gọi mà xã hội đã xưng tụng mình như tu sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ,...

Vũ Trọng Quang đã bước trên con đường của ngày hôm qua, hôm qua thuộc về quá khứ, hôm nay mọi người cho là hiện tại và hôm sau được gọi là tương lai. Thật ra, mọi thứ đều trở thành hôm qua, hôm qua chính là hôm nay và cũng là hôm sau nếu xã hội đóng khung, xã hội không chuyển động. Tức là xã hội đi giật lùi, một xã hội không có hiện tại và tương lai.

Hôm qua là ký ức, là những gì đọng lại trong những trang giấy, những hình ảnh, những kỷ niệm cũng là cách gieo vần điệu truyền thống, khi mà những câu lục bát dập dìu trên vành nôi, những khung chữ ngũ ngôn đượm tình cảm quen quen của con người.

Ở hôm kia và hôm qua Vũ Trọng Quang là con người đã chết, là sự chết được mã hóa bằng chữ để kéo dài ra cái cảm xúc được tạo dựng trong thế giới thơ. Nhưng hôm qua mãi là hôm qua, không ai có thể thay thế được bản lý lịch quá khứ chính mình.

Và thời khắc hôm nay như ảo ảnh đi về phía hôm qua đã dẫn đưa mọi người đến một vực thẳm hư vô, chúng ta cứ chạy về phía tương tai để được xa quá khứ, tức là xa cõi chết, nhưng tương lai chỉ là một ảo thức biến hiện, tiến trình đuổi theo một cái ảo chỉ là một cái ảo. Cho dù biết thế, nhưng không còn cách nào khác để Vũ Trọng Quang không chùn bước tới trên con đường:

Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua
Trở lại làm gì con đường mòn xưa cũ

Nhưng lực kéo của quá khứ cũng như thói quen đã biến thành quán tính, quán tính lùi của mỗi người trở thành quán tính của cả dân tộc do “nhiều bàn tay trăm tuổi kéo từ phía sau lưng”.

Nhưng niềm hoang mộng của tác giả lại rơi vào ảo mộng khi ngỡ rằng hôm này là một sự thật.

Tôi chào mừng tôi hôm nay
Cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới

Thế giới này được tạo sinh từ cơn hưng cảm, chỉ ở trạng thái phân liệt như vậy thì mới có sáng tạo, nếu không chúng ta chỉ tạo ra mọi thứ từ các xác ướp. Bởi vậy, với khái niệm cái mới; nếu cái mới khô cứng, cái mới không truyền được cảm xúc, thì xem như là những xác chết được sơn quét lại. Tất nhiên, thế giới sẽ mở ra nhiều con đường khác, khác nhưng chưa chắc là mới, có điều mọi con đường đều nằm trên mặt đất này.
Trong tập thơ của Vũ Trọng Quang, bất ngờ là ở thì tương lai, là hôm sau. Hình như một gã triết gia nào đó đã nói: hôm sau cũng chỉ là hôm nay. Và theo luận điệu như thế thì hôm sau rồi sẽ thành hôm qua. Cứ cái kiểu chia thời đoạn ra như vậy thì sẽ không nhảy vào khoảng trống được. Đó là bi kịch của chúng ta, bi kịch của loài người. Bản chất của thế giới này là cơn hưng cảm, không phải là thời gian theo điệu suy diễn áp đặt cho con người như vậy, càng không phải là một không gian hứa hẹn xa vời hay một sự níu giữ quá khứ.

Khi đọc đến bài “tới &...” tôi nghĩ về Vũ Trọng Quang khác, cái khác đó là do quá khứ gán vào.

Nói về hình thức của thơ, riêng phần hôm sau chỉ với: ký hiệu liên tưởng, eros, design, đường ray, đánh vần, nhiễm virus, tự hủy,... thì những cái gọi là tân hình thức sẽ không tưởng tượng ra mẫu hình thức nào như vậy. Và chúng ta có quyền công nhận một dạng siêu tân hình thức hay siêu thực tân hình thức hoặc trừu tượng tân hình thức trong thi ca của Vũ Trọng Quang.

Trong bài “đường ray” là hình thức sắp đặt thơ theo hình đường ray, hay trong “nhiễm virus” là một diễn trình về lắp ghép từ vựng đã bị virus máy tính làm rối tung trong một trật tự khác. Trong “eros” là sắp đặt về ý niệm thi ca, nếu đứng sau mũi tên thì thuộc về quá khứ, bay cùng mũi tên là hiện tại và trước mũi tên là tương lai. Trong sáng tạo rất cần những con người đứng trước mũi tên, dù biết rằng mũi tên đó sẽ xuyên qua trái tim mình. Cái kiểu mà Vũ Hoàng Chương đã từng nói: “Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ”.

Với “tự hủy” thì thấy Vũ Trọng Quang càng khác hơn, hủy mà không hủy, khác mà không khác. Khi gương mặt tác giả bị xé thành bốn mảnh sắp ngược xuôi và bị đánh một dấu x màu đỏ, bi kịch lại chồng lên bi kịch. Nếu biết quên nhưng đừng để bị Alzheimer, thì mỗi chúng ta chỉ còn trạng thái của cảm xúc, có thể hạnh phúc hoặc khổ đau, nhưng ở đó không hiện hữu sự suy diễn. Cứ vậy mà trôi qua như nước trên dòng sông, hôm qua đã chết, hôm nay không dừng lại và hôm sau chưa đến, cứ thế mà đi, mà trôi trên dòng sông của chính mình, rồi sông cũng mất dạng, chỉ còn một vệt sáng của vì sao băng ngang nền trời... đâu cần phải “tự hủy” phải không anh Vũ Trọng Quang. Vì anh đã từng nói:

Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
làm thơ để được nhẹ lòng mình

LÊ HUỲNH LÂM

____________________________

 Nhà thơ Vũ Trọng Quang còn có bút danh Nhị Ka, quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trương tập san Văn Chương sau năm 1975.
Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
          
Tác phẩm đã xuất bản:

Nỗi buồn của chúng ta (1973)
Đã hết giờ Lọ Lem (1994)
Hôm qua hôm nay hôm sau (2006)
   
Thực hiện các tuyển thơ:

Thơ tự do (1999)
Thơ hôm nay (2003)
Bông & Giấy (2010)

Quan niệm văn học:

"Thơ phải biến dịch đi tới, bước đi thơ bước đi vận động biện chứng, đứng lại đồng nghĩa với lùi lại. Nhà thơ là kẻ thất bại trên hành trình đi từ khởi điểm này đến khởi điểm khác, kẻ ý thức về đỉnh cao chứ không thể chạm tới đỉnh cao".

Nguồn: NVTPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...