Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

NHÀ THƠ NGUYỄN THUÝ QUỲNH VỚI NÀNG TÔ THỊ CỦA THỜI “SIÊU THỊ”

Hôm mới rồi lên chơi Thái Nguyên cùng các nhà văn Chu Văn Sơn, Văn Giá, Hoàng Xuân Tuyền, chúng tôi ghé thăm nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên. Theo cảm nhận của tôi, trong số các nhà thơ nữ đang có những tìm tòi được dư luận thi ca ghi nhận gần đây, Nguyễn Thúy Quỳnh là một gương mặt thơ đáng chú ý với những chuyển động mới của thi ca hiện đại.
Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh

Nguyễn Thuý Quỳnh, sinh năm 1968, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từng là giáo viên, cán bộ Đoàn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Đã xuất bản 2 tập thơ: “Giá mà em từ chối” (2002), “Mưa mùa đông” (2004). Giải thưởng: Giải B về thơ năm 2004 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; Giải 3 cuộc thi thơ 2003-2004 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong hành trình thơ đầy khó khăn những năm tháng này, có một số nhà thơ đã thành công khi phát hiện và xác lập được một điệu-tâm- hồn mới, nó mang lại cho các bài thơ của họ một hơi thở sống động hơn trước, một tầm nhìn có chiều sâu tư duy hơn trước mà bài “Thơ về lạc đà” của nữ nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh là một dẫn chứng:

Trời hoang hoang nắng
Cát mêng mang trắng
Lạc đà thầm lặng
                          đi
Không chỉ sinh ra để mang những gì người ta chất lên
còn mang cả chính mình
những chiếc bướu như tiền kiếp úp xuống lưng
thế mà những dấu chân
không để lại hình hài trên sa mạc
Không thể nói gì về sự còn mất
với những đám xương rồng vô tâm
Lớn hơn nỗi cô đơn
là nhận ra không ai có thể mang gánh nặng hộ mình
lỡ một mai kiệt sức
Trên cả sự chịu đựng
những bàn chân lầm lũi bước
còn xa lắm cái ngày kết thúc
Những bước chân xoáy ngược chiều bão cát
khúc trường- ca- độc- hành
Cát mênh mông trắng,
lạc đà ngửa mặt
                        đi, và đi...

Nhưng cũng với những tìm tòi giống Nguyễn Thúy Quỳnh như trên, có một số tác giả khác trong các bước chuyển động làm mới thơ, họ lại trở nên thực sự nghèo nàn hơn trước (về mặt khắc họa đời sống) và đơn điệu hơn trước (về mặt biểu cảm ngôn ngữ).

Vậy phải chăng, sự khác biệt này là do phẩm chất tài năng của mỗi người thơ khi hướng đến những tìm tòi để có thể làm thay đổi giọng điệu, thi pháp của mình. Và dường như điều này ta có thể bắt gặp trong một số bài thơ gần đây của Nguyễn Thúy Quỳnh khi chị tự sự về tình yêu của mình với một giọng thơ dồn nén những trải nghiệm xa xót gửi một nàng Tô Thị của thời siêu thị đang hóa đá hôm nay: “Giá những con sóng đừng gọi tôi đến đây/ để tình cờ gặp chị/ hiền lành và nhẫn nại nhường kia/ nàng Tô Thị của thời siêu thị/ Giá những cơn gió đừng mang đến tôi/ những lời rất mực đàn bà kia/ để tôi tin mình đàn bà hơn chị/ trong tay anh/ người đàn ông đầu tuần hôn con, cuối tuần hôn vợ/ giữa tuần hôn người tình./ Giá chị đừng hiền lành đừng nhẫn nại đừng cả tin thế kia/để sóng với gió không cuốn đi niềm kiêu hãnh lừng lững trong tôi/ Tình yêu nào có lỗi gì/ anh bảo thế và tôi tin thế/ lúc ấy nồng nàn nào ai nghĩ/ có một nàng Tô thị thứ bảy nào cũng bật nước nóng đợi chồng/ Chị ơi…/ xin chị cứ vọng phu, chỉ trái tim đừng mỏi mòn nhịp cũ/ trái tim hãy hát lên gọi anh về/ Tôi gửi chị lạy này/ rồi hoá đá mà đi”.

Tôi nghĩ đây là một tứ thơ khá hay và độc đáo của Nguyễn Thúy Quỳnh khi chị phát hiện và khắc họa được nỗi đau không dễ nói ra, không dễ chia sẻ, không dễ cảm thông của “Nàng Tô Thị trong thời Siêu thị”. Và đây có lẽ là thế mạnh của một nữ-tính-thơ đang có các tìm tòi, khai mở về phía những vỉa tầng đời sống đầy ắp nỗi đau chịu đựng trầm cảm và những bi kịch đau khổ, éo le của con người thời hiện đại.

Trong bài thơ “Viết cho người say” (được trao giải ba cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2003-2004), Nguyễn Thúy Quỳnh thực sự đã tìm được một cách biểu đạt khá rung động trong tâm sự của người vợ đã phải nén chịu qua nhiều cơn say của chồng:

Nhưng anh biết không
trái tim em vốn bé nhỏ và trung thành
lại một đêm lang thang
kiếm tìm những gì anh bỏ lại trong cơn say
con đường mưa còn in vết trượt
những hàng cây lắc lư đồng loã
ánh lửa ma trơi trong căn nhà lạ
bầu trời thẳm sâu
Điều này anh biết không
em, vốn yếu ớt và quen phục tùng
có thể gột rửa những vết nhơ trên quần áo và thân thể anh
nhưng không thể gột rửa sự trống rỗng trong em
kết một quầng đen nhức nhối
Em hoảng hốt nghĩ về một ngày chẳng ai có lỗi
khi hạnh phúc ngả nghiêng dưới mái ấm nhà mình

Bài thơ lắng lại như một sự chia sẻ ấm tình người, nhưng cũng âm thầm xa xót khi đời sống gia đình đang hằn lên những rạn nứt. Trong không ít bài thơ của mình, Nguyễn Thuý Quỳnh thuờng tìm lại những âm hưởng giàu chất tự sự và lãng mạn nữ tính, những khi ấy, thơ chị nghiêng về phía tiếng nói của cảm xúc hơn là tìm đến những suy tưởng thơ có sức khái quát mới như bài thơ “Đồng hành” của chị dưới đây:

Bỗng dưng kẻ cô độc là tôi nhận ra người đồng hành là chị
áo mưa cũ, dép nhựa cũ, xe đạp cũ
mặt nhễ nhại nước
những bắp cải su hào xô người về đằng trước
chúng tôi đi bên nhau
mưa hắt từng quầng giá buốt
phố sớm nay trên trời dưới hoa
như thể người ta trồng hoa một năm dùng cho một ngày
hai bên đường, hoa và người so nhan sắc với nhau
chúng tôi trôi ở giữa
không làm quen nhau
vẫn thấy mưa ấm hơn trên má người đồng hành
và biết
có những người đàn bà chở bắp cải su hào phía trước
có những người đàn bà chở nỗi cô độc đằng sau
đường sao mà dài…
cứ thế
chúng tôi đi qua những phố đầy hoa.

Trên một bình diện khác, đổi mới thơ là cả một hành trình lớn lao đầy gian truân và thử thách. Vì thế, tôi có cảm giác hành trình khắc nghiệt này không hợp với “tạng” thơ giàu nội hàm tâm sự của chị. Dường như Nguyễn Thuý Quỳnh cũng nhận ra điều này và trong một chừng mực nào đó, chị vẫn đang cố gắng vượt lên những biểu cảm cũ mòn của chính thơ mình trước đây mà bài thơ “Đàn bà” là một ví dụ:

Trời tối rồi
đường dài lắm
đi một mình không hết
di động run lên từng hồi thúc giục,
không thèm nhìn bụi xấu hổ lẳng lặng khép mi
ta hăm hở xa...
Sao di động không nói với ta
là người đã quay về
nơi sóng hát những lời tiên cá
rong rêu hồ Tây có giống rong rêu biển cả?
may còn nhặt đáy hồ chiếc bóng người bỏ lại làm tin.
Bóng có thương thì đắp cho ta qua đêm,
sớm mai ta đem bóng về non
đắp qua năm qua tháng.
Chợt có bàn tay chìa ra đòi lại
chị ấy ôm bóng vào lòng vừa đi vừa hôn
Đành vậy, người ạ
ta lại chậm chân rồi
người có còn chiếc bóng nào không?

Vẫn một giọng điệu dồn nén tâm sự và mong muốn được chia sẻ, nhưng những chuyển động của ngôn ngữ thơ đã bắt đầu khác trước, nó đang tìm đến một-cửa-sổ- mới, một điệu-tâm-hồn mới. Trong những cố gắng làm mới thơ hiện nay, có một số tác giả đang chuyển hướng thơ mình vào việc khắc hoạ, ghi nhận các nỗi niềm tâm trạng đang còn khuất lấp trong đời sống tâm hồn con người đương đại để khai phá những miền cảm xúc mới.

Theo tôi, một trong những nhà thơ nữ đang có bước chuyển tìm đến một cửa-sổ-mới, một tố-chất-mới của thơ nữ chính là Nguyễn Thuý Quỳnh. Và bài thơ “Về một con mèo bị xe cán” dưới đây cho thấy trái tim thi sĩ của chị vẫn luôn trăn trở, luôn bất an, luôn thao thức hướng về đời sống thực tại hôm nay: “Có phải cơn mưa đêm/ hay xe rửa đường sớm nay/ đã xóa sạch hình hài của nó?/ Xóa sạch cái hình hài bé nhỏ nát bấy chiều qua/ đủ để nhận ra nó vừa là một con mèo/ chắc mới vài tháng tuổi/ Giữa bầy nhầy máu/ sót lại một vạt lông trắng mịn/ làm tôi toát lạnh cả ngày/ có lẽ nó xinh lắm/ Nó bé bỏng và thanh khiết thế/ ra ngã năm làm gì/ để chết tức tưởi dưới một bánh xe vô cảm/ chết thêm hàng vạn lần dưới những vòng xe vô tình/ và bây giờ/ biến mất trên đời như chưa từng xuất hiện/ Thế giới loài người/ mỗi ngày dưới những bánh xe/ lại biến mất hàng nghìn sinh mạng/ như không/ Nên trong con số thống kê của lực lượng chức năng hôm nay/ không có nó/ Nhưng tôi tin thế giới loài mèo/ Đang lặng câm khóc”.

Tôi rất ấn tượng với nhận xét khá sâu sắc của nhà phê bình Chu Văn Sơn về nội hàm mới của thơ Nguyễn Thúy Quỳnh hôm nay khi anh cho rằng: “Chưa bao giờ nỗi bất an về thực tại người chịu buông tha thơ. Nhưng, chưa khi nào nó khiến thơ trầm cảm như thế trong lát cắt hiện thời. Đến nỗi, có thể coi niềm thơ của thời đại này chính là Nỗi Bất An đó. Mỗi hồn thơ một bất an riêng, mỗi người thơ một nỗ lực hóa giải riêng. Đã gùi gắng chu toàn mọi bề cho đến cả những chăm chút bé mọn nhất, mà lòng vẫn chưa thanh thỏa, vẫn chả hết lo âu. Thơ vẫn đầy tân toan nỗi mình, nỗi đời.

Đó là nỗ lực Nguyễn Thúy Quỳnh chăng? Chắt tâm tư vào ý. Rũ bớt phấn hoa cho lời. Gia tăng tượng trưng cho hình. Giảm thiểu nồng nã cho giọng. Thơ mộc mà vẫn phiêu. Đó là cách thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chăng?”. 

NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Nguồn: VNCA

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...