Nhà thơ Trần Hoàng Vy
1. Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng tiến đánh Chiêm Thành và lập
ra đất Phú Yên, đến nay đã tròn 400 năm. Biết bao vật đổi sao dời, ruộng dâu biến
thành sông biển và ngược lại, song sông Ba vẫn còn đó, tháp Nhạn vẫn trơ gan
cùng tuế nguyệt. Hòn Mẹ Bồng Con (Đá Bia) vẫn sừng sững bên trời, bất giác làm
rung động lòng người ngược xuôi ra Bắc vào Nam và con người Phú Yên vẫn ngày
đêm cần mẫn lao động miệt mài xây dựng cuộc sống và quê hương Phú Yên ngày càng
giàu đẹp.
Tôi không phải là con người Phú Yên, chỉ là khách trong
năm ngày, mười bữa, song tôi có nhiều bạn bè là người Phú Yên, từng sống chung
và công tác với nhau. Cảm nhau cái tình tri ngộ mà mong ước cho nhau những khát
vọng và những điều đẹp nhất.
2. Sau 30.4.1975, tôi công tác chung trong ngành giáo dục
ở Thuận Hải cùng với một cặp vợ chồng quê Phú Yên, anh V.H và chị N.T.H trong
khu tập thể bốn bề gió lộng của thuở ấy, anh chị vẫn chăm chút cho mình một tổ ấm
khá ấm cúng và chu đáo, thường là nơi tụ tập, trà lá của những cô, thầy giáo mê
văn chương của trường. Có lần tôi hỏi anh nghĩ gì về câu thơ của cụ Tản Đà Nguyễn
Khắc Hiếu: “Đa tình con mắt Phú Yên”? và tôi chắc chắn rằng, cả
anh chị đều có đôi mắt to, hai mí khá đẹp nhưng… hơi buồn, chưa thấy cái “đa
tình” như cụ Tản viết. Chị, giáo viên dạy toán, ngồi tủm tỉm cười. Anh, giáo
viên dạy văn, hăng hái đi vào tranh luận, đại khái “Mắt của ai?”, dứt khoát là
“của cô con gái”, “Đa tình” là gì? Một tâm hồn nhạy cảm, phơi phới lẽ yêu đời,
hay đa tình là… yêu nhiều, gặp ai cũng dễ có cảm tình? Giả sử là anh con trai
thì sao? Buổi tranh luận kéo dài tới khuya vẫn “bất phân thắng bại”, song có điều
anh, chị khẳng định là đất Phú Yên đẹp, núi non, sông biển hữu tình. Người Phú
Yên dễ mến, dễ gần, đa sầu đa cảm, nhưng giàu khát vọng vươn lên. Con người và
đất Phú Yên cũng là đất “phát tích” văn học. Tôi tin thế, nhưng ghẹo anh chị,
“Tiếng nói Phú Yên, nặng về phía Bình Định và nhẹ về phía Nha Trang, nên cũng rất…
dễ nghe, xao xuyến lòng người!”, anh chị cười trừ. Lâu rồi không tin tức, nhưng
tôi biết anh chị hiện là người thành đạt ở nước ngoài…
Nhà văn Ngô Phan Lưu tiếp nhà thơ Phan Hoàng ở Tuy Hoà
2017
3. Tôi là người thường xuyên cộng tác văn chương với các
báo trong Nam, ngoài Bắc, đọc nhiều tác phẩm của những cây bút ở Phú Yên, gần
đây nổi lên những tên tuổi Phan Hoàng, Ngô Phan Lưu, Lê Thiếu Nhơn,… Tôi chưa từng
gặp Ngô Phan Lưu nhưng cảm mến lối viết ngắn, điềm tĩnh, có chiều sâu triết luận
mang cốt cách của những người “trung niên” Phú Yên. Với Phan Hoàng, Lê Thiếu
Nhơn thì tôi gặp gỡ nhiều. Khi ấy Lê Thiếu Nhơn đang còn là cậu sinh viên, cưỡi
chiếc Charly đến các toà soạn báo TNTP, KQĐ, với cái “đa tình” và khát vọng
vươn lên của người Phú Yên, Nhơn đã trụ được ở mảnh đất màu mỡ giàu tiềm năng của
phương Nam, và là một trong những cây viết trẻ nhiều triển vọng ở TP.HCM. Song
có lẽ Phan Hoàng mới chính là mẫu người mang nhiều “tố chất” của đất và người
Phú Yên nhất.
Tôi quen biết Phan Hoàng từ những ngày đầu Hoàng mới ra
trường, cố “đeo bám” mảnh đất Sài Gòn và vươn lên từ chính cây bút của mình.
Phan Hoàng làm phóng viên, biên tập cho tạp chí Kiến Thức Ngày Nay,
lăn lộn trong trường văn trận bút, tiếp cận được các vị tướng lừng lẫy Việt Nam
như Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên… để viết chân dung, một công việc không phải
cây viết xuất sắc nào cũng làm được, mà cần phải có cái tâm, cái tình của một
con người tài hoa, trong sáng. Phan Hoàng lại đi tìm những “chất vàng” trong những
con người Sài Gòn, Hà Nội tiêu biểu… Cái am tường, lịch lãm, chịu thương, chịu
khó của con người miền Trung đã giúp Hoàng hoàn thành công việc. Cứ thế Hoàng
đi lên bằng chính giá trị thực của mình. Phan Hoàng lập gia đình, từ bỏ khu nhà
trọ nghèo nàn, tìm cách mua đất, mua nhà ở khu vực mà trước đây gọi là “Nhà
không số, phố không tên”, nhưng lại qui tụ khá nhiều anh em văn nghệ sĩ ở tỉnh
hoặc phía Bắc vào lập thân, lập nghiệp ở TP.HCM. Từ những thành công bước đầu ấy,
Phan Hoàng lại về đảm nhận vai trò trụ cột của tờ Người Đương Thời (bây
giờ là Đương Thời), một đặc san “sinh sau đẻ muộn” nhưng khá độc
đáo và nổi tiếng này.
Với tôi, cái đa tình, tài hoa và khát khao của người Phú
Yên cháy bỏng trong Phan Hoàng không phải ở trong trường ca Bước gió
truyền kỳ hay ở những tác phẩm đạt giải thưởng văn học khác, mà trong
tấm lòng thiện nguyện của Hoàng khi tham gia cùng các nhà thơ Lâm Xuân Thi,
Chim Trắng, Hồ Thi Ca thành lập Quỹ Tình thơ, đã hỗ trợ cho nhiều cây bút trẻ,
những nhà thơ đang cảnh khó nghèo, ốm đau bệnh tật, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở
nhiều tỉnh thành khác. Đó mới chính là tấm chân tình, sự “đa tình” trong một
con người, trước những đớn đau, khốn khổ của đồng loại.
4. Mảnh đất Phú Yên, cũng như những mảnh đất miền Trung
ruột thịt khác, luôn oằn mình trong cơn bão lũ, mà gần đây là cơn bão kinh
hoàng năm 2009, rồi cơn lũ trong những ngày cuối tháng 10.2010. Phan Hoàng
cũng đau đáu tấm lòng hướng về núi Nhạn quê hương bằng những ước mơ và hành động
thiết thực. Những năm qua, Phan Hoàng đã về góp sức tổ chức một đêm thơ xuân
văn hoá Hoà Đồng “hoành tráng” giàu ý nghĩa, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học,
với hai chữ “đa tình”. Và tôi nghĩ có lẽ anh còn đang có một dự định ấp ủ nào
đó mà chưa thể tiết lộ.
Cũng từ những bạn văn của mình, từ sự “đa tình con mắt
Phú Yên” tôi bộc bạch niềm tin: Phú Yên đang dần khẳng định mình, sau khó khăn
gian khổ là sự vươn lên mạnh mẽ. Niềm tin ấy, cụ thể như lời ca tiếng hát “Sao
Mai điểm hẹn” cất lên từ quê hương Phú Yên luôn “đa tình” và không chịu khuất
phục này…
TRẦN HOÀNG VY
Nguồn: Báo Phú Yên 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét