Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

PHAN HOÀNG & THƠ HIỆN THỜI PLUS

      Nhà thơ Phan Hoàng

Nếu chọn một đoạn thơ đậm chất Phan Hoàng nhất theo cảm nhận của riêng mình, tôi sẽ chọn đoạn này:

"ngôi nhà quanh năm ngập tràn tiếng sóng
đong đầy tiếng gió
bí mật chuyển lưu nguồn sáng chân lý kỳ lạ
quang hợp sức mạnh rồng tiên
di truyền bản lĩnh núi non
hội tụ tấm lòng biển cả
hào phóng năng lượng tái sinh giống nòi
cho tôi
con tôi
cho n… tôi"

Đoạn thơ này nằm trong bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc - Giải ba cuộc thi "Đây biển Việt Nam", do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Báo điện tử VietNamNet đồng tổ chức (2011 - 2012).

Những câu thơ vẽ lên phần nào chân dung người làm ra nó. Một Phan Hoàng - kẻ sĩ hào sảng, đầy trách nhiệm với đất nước, giống nòi; một Phan Hoàng - thi nhân vững chãi và tươi mới trong từng con chữ. 

Và nữa, có một Phan Hoàng - công dân toàn cầu, trên hành trình đi tìm bản thể đã chạm tới những nỗi đau khổ của con người trong thế giới hiện đại. Dường như vì lẽ đó, thơ anh ngày càng vạm vỡ và nhức nhối hơn lên.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc Thơ hiện thời Plus một chùm thơ của Phan Hoàng.

NGUYỄN THUÝ QUỲNH giới thiệu trên trang Thơ hiện thời Plus/fb 2017
(Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên,
Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên)


CHỮ NGHĨA THỊ TRƯỜNG

Thử ném chữ tình tang ngang dọc
săn chứng khoán chim trời
bán cổ phiếu cỏ dại
người trách nhiệm hữu hạn sẻ chia
thơ đấu giá lên đời

Ai đầu tư cổ phần tri âm
văn chương tình nguyện liên doanh tri kỷ
chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi

chữ nghĩa thị trường
hot

chữ nghĩa thị trường
bạc

chữ nghĩa thị trường
nhạt

Nhiều đêm gối đầu lên hàng đống sách
nghe lòng trống
rỗng
hoang mang


UỐNG BÓNG

Tôi ngồi uống bóng
đêm xua ý nghĩ mưu sinh chợ đời rời rã
từng đốt xương lắc rắc âm sắc cháy rừng

Tôi ngồi uống bóng
đêm nghe mưa thì thào nghẹn ngào tiếng nấc
sấm động gò hoang tức tưởi oan hồn

Tôi ngồi uống bóng
đêm lần giở từng trang từng trang thư tịch cổ
toát lạnh đường gươm giấu mặt tang thương…

bao vương triều vụt trôi
hồn chữ nằm tê tái
bao nấm mộ lụi tàn
cỏ nghĩa nhân cứu rỗi?


TIẾNG THÌ THẦM

Ở giữa hơi nước và mây lạnh
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hoan lạc và thụ tinh

Ở giữa sấm chớp và mưa giăng
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở

Ở giữa áp thấp và bão tố
tôi nghe thì thầm
tiếng giữa hấp hối và cái chết

Thì thầm giao hưởng bất tận
tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh
cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn
đau những chân trời tư tưởng tật nguyền
câu thơ neo bờ nước mắt


CƠN BÃO KÝ TỰ MỚI

Vật vờ như ngọn gió vô hình
trong thế giới ảo
lớp lớp ký tự vô hồn
nhà nhà nhốn nháo
những ký tự thiếu tư duy số phận
tôi bỗng lắc lư
bay
bay
lên
từ muôn đợt sóng ngầm
chìm trong cơn bão không hề dự báo

cơn bão đưa tôi vào thượng tầng khí quyển
say điệu luân vũ thiên nga
lá rừng hoá than trở về xanh cành lộc mới
đá bí mật mở dần pho ký tự núi lửa
đồng hồ ngực biển quay ngược
những vệt đồi mồi biến khỏi bóng đêm

cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu

Em cứ ngon giấc hồ nghi giữa mùa hoa cúc
cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thuỷ tinh


THƠ VÀ GIÓ VÀ…

1.
Cứ mãi đi tìm thơ ta chẳng biết thơ đến từ đâu
cứ mãi đi tìm gió ta chẳng biết gió từ đâu đến
đi tìm ta đi tìm.

Gió như thơ và
thơ như gió
đi tìm ta đi tìm
gió không như thơ và
thơ không như gió
đi tìm ta đi tìm.

2.
Cánh chim thi ca trong ta càng bay càng xa những đám mây số phận,
ngọn gió thi ca trong ta càng bay càng xa những chân trời khát vọng,
chưa chạm cõi hư không
quay quắt nhớ tiếng người.

Có lúc trong gió ta nghe trái đất tinh khôi nụ cười thơ trẻ.
có khi trong thơ ta nghe trái đất quằn quại giọt nước mắt cạn kiệt
rơi
rơi
rơi…

3.
Cứ mãi đi tìm thơ ta chẳng biết thơ đến từ đâu
cứ mãi đi tìm gió ta chẳng biết gió từ đâu đến
đi tìm ta đi tìm.

Gió như thơ và
thơ như gió
ở trong hơi thở của ta
ở trong mạch máu của ta
ở trong sâu thẳm tâm linh của ta
ở trong cội nguồn cảm hứng sáng tạo của ta
cội nguồn lẫm liệt dựng nên hình hài non nước
bi tráng Tiên Rồng!


EM NÓNG DẦN LÊN

Khí hậu biến đổi từng ngày
trái đất nóng dần lên từng ngày
gió thốc mạnh từng ngày
nước dâng cao từng ngày
rừng cháy lan từng ngày

Những đàn chim di cư tìm bầu trời mới
hay chờ chết?
Những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới
hay chờ chết?
Những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới
hay chờ chết?

Khí hậu biến đổi từng ngày
da thịt em nóng dần lên từng ngày
hành tinh ta tốc hành khám phá thế giới mới từng ngày

Em
cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ
cởi bỏ mọi tư duy hình thức đa khô đình nát bến cạn
hoà nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phía ánh sáng
hay đóng cửa
tự huyễn hoặc mình
chờ chết?


MẮT GỖ

Những vân gỗ như những con mắt ngây thơ
trong ngôi nhà sang trọng
nền bọc nhung
tường ốp kín gỗ quí

Chủ nhà thuyết minh về bộ sưu tập gỗ của mình
hùng hồn như trên diễn đàn chỉ đạo bảo vệ rừng
hùng hồn như trên diễn đàn phòng chống tham nhũng
một ngọn lửa dẳng dai chót lưỡi

Ở đâu đó có cánh rừng già đang hấp hối
ở đâu đó có người kiểm lâm mới bị trả thù
ở đâu đó có ngọn núi trọc xói mòn vừa ngã sập
ở đâu đó có cơn lũ quét thất thanh tiếng thú tiếng người

Những vân gỗ quí
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hờn căm
chờ ngày phát hoả


ĐÊM CỐ ĐÔ NHỚ NGUYỄN CÔNG TRỨ

Ta như chiến tướng trấn thủ biên cương
vung gươm vượt núi băng ngàn
tung vó ngựa mịt mù thẳng hướng kinh đô
mang tham vọng dẹp lũ gian thần
đánh đổ hôn quân
cứu nguy xã tắc
cứu nguy dòng sông ô nhiễm trò chơi dâm tặc
cứu nguy điệu hò đánh đổi đô la nhan sắc
cứu nguy giấc mơ xứ đẹp xứ thơ bay bổng hoa niên

hình như đất trời thương tình
xui khiến ta sớm gặp em
thôn nữ mang hồn cung nữ giam cầm kiếp trước
ngọc ngà và nõn nà
khát khao và ẩn ức
có lẽ người xưa đã sai rồi
danh tướng làm sao sánh được mỹ nhân?

chưa lao vào vũ điệu tử thần
chưa dẹp được ô lại hôn quân
ngày mặt trời chết đứng trước núi đồi âm âm nham thạch
đêm mặt trăng vùi mình cỏ thơm hoang vu phủ khe trinh bạch
một tiếng vọng nóng bỏng dịu dàng
ơi ới ơi đò… căng phồng lồng ngực
ta hiểu vì sao người xưa
mê mải giữa đồng thuyền quyên ư hư ứ hự
rời xa kinh thành ảo vọng phù hoa
thảnh thơi cưỡi bò vàng leng keng lục lạc
mo cau che miệng thế gian


VĂN BẢN DỞ DANG
(Gửi NQ)

1.
Những lúc rơi dưới đáy đớn đau
lơ mơ thấy mình
hồn nhiên thơ dại đại dương bình yên của mẹ
cưỡi cơn hồng thuỷ lặng im
tẩy xoá nếp nhăn tư duy già nua
hằn sâu gương mặt rỗ nhàu trái đất
rỗ nhàu đúc khuôn thần đồng sáng tạo

Những lúc bay trên đỉnh thăng hoa
lơ mơ thấy mình
hào phóng chàng trai độc quyền cánh rừng nguyên sinh
rực hương thiếu nữ
ném phăng kỹ năng dục vọng trang phục mục ruỗng
bồng bềnh ngọn lửa trong ngần khoái lạc
từng đợt sóng tín hiệu kỳ bí dâng tràn
va đập chín chiều ký ức
đánh thức bụi vàng lãng quên

2.
Mọi nền văn minh hình như phát tích từ khoái lạc giấc mơ ánh sáng vô thức chống lại thói quen kỹ năng bóng tối ý thức
kỹ năng nhân danh tiến bộ gặm nhắm từng khoảnh khắc tự nhiên sự sống

3.
Vượt lên đau đớn và thăng hoa
tôi tự tại giấc mơ tôi
mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế
những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang

văn bản vô ngôn
văn bản tinh huyết
văn bản ma lực
tâm chấn tín hiệu khoái cảm

4.
Đắm chìm sâu giấc mơ khoái lạc
đắm chìm sâu văn bản dở dang
tôi phát hiện tôi
khác xa dần
xa dần
cánh đồng thâm canh cảm xúc con trâu cái cày
khói lam mây xám ăn quẩn chái bếp thiếu gạo của mẹ
dàn đồng ca hát nhép tân cổ giao duyên mùi mẫn cởi áo trao nhau

Cơn hồng thuỷ khoái cảm âm thầm nổi lên
kỹ năng dục vọng trang phục mỹ từ mục ruỗng bị đánh đắm
từng đợt sóng tín hiệu bụi vàng ký ức dâng tràn

5.
Giữa những cơn sóng tín hiệu
tôi tìm thấy gương mặt lênh đênh tôi
đúng tôi
đớn đau tôi
thăng hoa tôi
trong những văn bản dở dang
văn bản vô ngôn
văn bản không khuôn thước
văn bản không văn bản

6.
Đời người chỉ một gang tay
sao tự trói mình xích xiềng lê dài giá trị bia đá?

Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ
dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái
cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn
những kho văn bản ấu trĩ già cỗi
những kho văn bản hư danh giả dối
khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ
ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng
đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai


THÈM LÀM NGỌN GIÓ TỰ DO
(Tặng TNT)

1.
Những bài báo đặt hàng đang truy đuổi tôi
nhuận bút ứng trước đang truy đuổi tôi
như con chuột bị lũ mèo rượt tới hang cùng ngõ tận

Gục đầu lên máy vi tính
tôi thèm đứt ruột
được làm ngọn gió không đồng phục
không điện thoại
không internet
bay về mái tranh vách đất của mẹ
cởi trần lăn lóc tắm mưa
trưa trưa mắc võng lưng trời
đung đưa tréo chân đã đời trái chín
nghe gà trống xuống giọng tỉ tê gà mái
hung hăng bò ụ động đực phá chuồng

Chiều chiều quạ đói gọi diều
lùa cơm nguội ba trăng
chan hương ngò mắm cái
ọc gáo nước giếng trong
ngửa cổ tưng tưng mấy nhịp bài chòi…

2.
Gục đầu lên máy vi tính
tôi thèm đứt ruột
được làm ngọn gió tự do
bay về mái tranh vách đất của mẹ
hô tập bạn bè
mũ rơm áo dừa phong tướng phong vương
cầm roi thúc bò cờ lau đánh trận

Những đêm mùa xanh ngực nở dậy thì
băng băng đạp xe vượt đồng sình cỏ lác
vượt bầu sen bầu súng
hôn lên đôi mắt rụt rè thôn nữ em
hôn lên đôi môi nứt nẻ ruộng hạn em
hôn lên bầu vú thơm rơm rạ em
hôn đến tận cùng con gái quê mùa em
như Chí Phèo ngấu nghiến da thịt trong veo Thị Nở
vườn chuối nhà em đua nhau trỗ buồng ra trái
những câu thơ không phấn son ngạo nghễ chào đời

3.
Gục đầu lên máy vi tính
tôi thèm đứt ruột
được làm ngọn gió không đồng phục
không điện thoại
không internet
bay về mái tranh vách đất của mẹ
bay về phía vô danh
bay về phía vô thanh
bay về phía vô manh
bay về phía vô tặc
hoá con sáo sậu bước thấp bước cao bập bẹ nói cười… cậc cậc cậc
hoá con mèo mun tủng tẳng tùng tăng tung tẩy khắp vườn
hoá con cóc hiền triết bó gối im ỉm ìm im lắng nghe
trên những gò hoang hoàng hôn hoa dại khẽ hương
trong mỗi ngôi nhà nửa đêm chõng tre kẽo kà kẽo kẹt
mặt trời khát khao mỏi mắt căng mình
rình
ngượng nghịu
cười
toả năng lượng giới tính
bình minh

Ngọn gió ngang tàng
mang đầy cơn đau hy vọng thiếu phụ mùa sinh nở
mang đầy tiếng khóc dự cảm trẻ thơ
mang cả tiếng chim trinh nữ hoá thân từ kiếp trước
rẽ nụ cười tươi nắng ban mai
bay về nguyên thuỷ ước mơ không mầm móng hận thù tận thế.

PHAN HOÀNG
Nguồn: Thơ hiện thời Plus-fb




LÊ ĐÌNH KỴ TRONG LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Giáo sư Lê Đình Kỵ sinh năm Nhâm Tuất 1922 ở một vùng quê làm nghề dệt vải và buôn bán tơ tằm thuộc xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong một đoạn hồi ức đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông kể: "Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì.
Giáo sư Lê Đình Kỵ

Có lẽ vì vậy mà khi vào đời, tính tôi rất dễ dãi, không khuôn phép như con nhà Nho" [1] . Học hết bậc tiểu học ở một ngôi trường nhỏ cách nhà hai cây số, Lê Đình Kỵ ra Huế học trung học ở Trường tư thục Việt Anh và thi đậu tú tài phần thứ nhất tại đây. Sau đó, ông chuyển vào học năm cuối bậc trung học ở trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Năm 1944, sau khi thi đậu tú tài phần thứ hai, Lê Đình Kỵ về lại Quảng Nam, khởi đầu con đường của một nhà giáo từ những lớp dạy tư ở quê nhà.

Học trò của giáo sư Lê Đình Kỵ có lẽ ít người biết được rằng người thầy giáo hiền lành và có phần rụt rè trước đám đông ấy đã từng là một người hoạt động xã hội tích cực. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia khởi nghĩa ở Hội An, làm công tác thông tin tuyên truyền, bình dân học vụ và đã có ba năm phục vụ trong quân ngũ với nhiệm vụ của một cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn. Chính trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, vào năm 1949, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi xuất ngũ vì lý do sức khỏe, từ năm 1952 đến năm 1954, ông dạy học ở trường trung học Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng cuả Liên khu 5 thời chống Pháp. Đầu năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, tiếp tục dạy học ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội rồi trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Từ năm 1958, ông được chuyển về dạy ở Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc này vừa mới thành lập được hai năm. Sau khi đất nước thống nhất, ông được cử vào giảng bài tại trường Đại học Văn khoa TP. Hồ Chí Minh và đến năm 1980 thì chuyển hẳn về làm việc tại trường này – nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh – cho đến ngày nghỉ hưu.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành giáo dục, giáo sư Lê Đình Kỵ đã góp phần đào tạo hàng ngàn học sinh, sinh viên. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục đến lớp giảng các chuyên đề đại học và sau đại học, đồng thời hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Trong 40 năm miệt mài trước tác, ông đã hoàn thành và cho công bố 19 công trình nghiên cứu với gần 5000 trang sách. Đó là chưa kể hàng trăm bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục và các hoạt động xã hội đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Năm 1984 ông được phong học hàm giáo sư mà không qua giai đoạn phó giáo sư; năm 1988 ông lại được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà không qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú. Bên cạnh những huân chương kháng chiến, tấm huân chương lao động hạng nhất (1995) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001) là những bằng chứng cho thấy sự đánh giá cao của xã hội đối với những cống hiến của ông trên lĩnh vực sư phạm và học thuật.

Có thể nói Lê Đình Kỵ đã xuất hiện với tư cách một nhà khoa học bắt đầu từ những năm tháng giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trau dồi trong những năm trước đó, ông bắt đầu học tiếng Nga để dịch thuật các sách tham khảo về lý luận văn học và văn học xô-viết. Thế hệ sinh viên đầu những năm 60 hẳn còn nhớ hai công trình mà ông và các đồng nghiệp đã dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Những cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô của V. Serbina và A. Vasenco (NXB Văn học, Hà Nội, 1961); Nguyên lý lý luận văn học của L. Timofeev (NXB Văn hóa – Viện Văn học, Hà Nội, 1962). Ông là một tấm gương tự học kiên trì và bền bỉ để tự đào tạo thành một nhà trí thức, một giáo sư đại học. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở nước ta tham gia xây dựng bộ giáo trình lý luận văn học được sử dụng ở nhà trường trong điều kiện mà giới nghiên cứu và giảng dạy còn thiếu thốn rất nhiều tài liệu.

Công trình đầu tiên của Lê Đình Kỵ được xuất bản thành sách là cuốn Các phương pháp nghệ thuật, tập IV, trong bộ Những nguyên lý về lý luận văn học, được nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1962. Do tính chất phức tạp của vấn đề, cuốn sách mỏng chỉ 122 trang này đã gây ra một cuộc tranh luận khá gay gắt gần suốt một năm ròng trên tạp chí Nghiên cứu văn học lúc đó. Cuộc tranh luận thu hút cả những nhà nghiên cứu lên tiếng bênh vực ông như Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Huy một bên và những người phê phán ông như Nguyễn Xuân Nam, Nam Mộc, Duy Lập… cùng một vài người tự xưng là "công nhân" ở một bên khác.

Nhằm khắc phục bệnh công thức sơ lược và ngăn ngừa chủ nghĩa minh họa, đồng thời đề cao tính đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, Lê Đình Kỵ viết: "Xuất phát từ thế giới quan như nhau, từ cách nhìn xã hội và tự nhiên như nhau, nhà văn không phải chỉ có làm cái việc đơn giản là chuyển những nguyên tắc của thế giới quan vào sáng tác văn nghệ, mà là phải nắm vững loại biệt tính của nghệ thuật, sử dụng những phương tiện đặc biệt trong việc thể hiện bằng hình tượng và bằng điển hình hóa những hiện tượng cuộc sống. Nói đến phương pháp nghệ thuật là nói đến tính độc đáo trong sự cảm thụ và và lĩnh hội thực tại. Hình tượng văn học không phải là sự minh họa giản đơn cho một lý tưởng nhất định mà là sự khái quát hóa thực tại…" [2].

 Quan niệm này được Đỗ Huy đồng cảm và chia sẻ: "Chúng ta không thể bác bỏ những phẩm chất thẩm mỹ của đối tượng nghệ thuật, cho nên chúng ta không thể bác bỏ tính độc đáo của phương pháp sáng tác (…) Nếu không nhấn mạnh tính độc đáo của phương pháp nghệ thuật thì sẽ xóa ranh giới giữa phương pháp nghệ thuật và các phương pháp khoa học khác, sẽ đồng nhất phương pháp nghệ thuật với thế giới quan, với lập trường tư tưởng chung của nghệ sĩ. Rõ ràng đó là công việc làm máy móc sẽ đưa đến sự tầm thường hóa nghệ thuật"[3].

Điều này hơn hai mươi năm sau, trong một bài viết về sự nghiệp của Lê Đình Kỵ, Hà Công Tài lại càng thấy rõ hơn: "Khi nói về tính độc đáo của phương pháp, ông không nhầm lẫn giữa phương pháp và phong cách. Một bên là độc đáo của nguyên tắc phản ánh, còn một bên là độc đáo của cá tính sáng tạo (…) Ông không tuyệt đối hóa vai trò của phương pháp, hay nhấn mạnh tính đặc thù một cách cô lập, dẫn tới cách hiểu phiến diện, làm cho văn học chỉ là thứ minh họa giản đơn hay chơi vơi tách rời cuộc sống"[4].

Nhưng vào đương thời, quan niệm đó không thể được những người chủ trương "coi trọng nguyên tắc" chấp nhận: "Nhấn mạnh tính độc đáo của phương pháp nghệ thuật sẽ dẫn đến tình trạng người sáng tác không ra công chú ý học tập phương pháp – những nguyên tắc chung – mà chỉ đi sâu vào phong cách của mình"[5]. Sở dĩ như vậy là vì văn nghệ sĩ phải phấn đấu noi theo một phương pháp sáng tác đúng nhất và tốt nhất và điều đó là ưu tiên hàng đầu so với vấn đề phong cách mà, tuy không ai phủ nhận, vẫn trở thành thứ yếu so với những nguyên tắc kia.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều khiến cuốn sách đầu tay của Lê Đình Kỵ bị phê phán nghiệt ngã nhất. Điều mà một số nhà nghiên cứu lúc đó không thể bỏ qua là việc tác giả Các phương pháp nghệ thuật đã trình bày chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ với chủ nghĩa nhân đạo và đặt vấn đề nghiên cứu ý nghĩa toàn nhân loại của điển hình nghệ thuật. Vấn đề này ngày nay có thể xem là bình thường, nhưng cách đây 40 năm thì chưa phải đã được sự nhất trí trong học giới, nhất là khi nó vấp phải quan điểm giai cấp luận đang chi phối nặng nề đời sống nghiên cứu và phê bình văn học.

Phải đặt trong bối cảnh đó mới hiểu vì sao Nguyễn Xuân Nam viết: "Chúng tôi cho rằng chỗ yếu nhất trong tập sách, nguồn gốc chính của những thiếu sót sai lầm là chưa chú ý đúng mức đến tính giai cấp của văn học, đến tác dụng chỉ đạo của thế giới quan trong toàn bộ quá trình sáng tác"[6]. Và không phải ngẫu nhiên mà trong bài phê bình cuốn sách của Lê Đình Kỵ, Nam Mộc đã dẫn tư tưởng Mao Trạch Đông "trong xã hội có giai cấp, tính người phải có tính giai cấp, không có tính người nào đứng ngoài tính giai cấp cả"[7], trước khi phát biểu ý kiến của mình: "Do đó khi nghiên cứu, phê bình, muốn phân tích cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai và tác dụng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của một tác phẩm, một hình tượng, không thể không trực tiếp vận dụng phương pháp phân tích giai cấp, không thể không trực tiếp thông qua tính giai cấp"[8]. Chính vì vậy mà mặc dù thừa nhận Lê Đình Kỵ đã viết "những trang lý luận súc tích, có nhiều tìm tòi, suy nghĩ" (Nguyễn Xuân Nam), các nhà phê bình vẫn cho rằng ông "đã tỏ ra lúng túng, thiếu sót, thậm chí có lệch lạc, sai lầm ở một số trường hợp" (Nam Mộc), nhất là đã rơi vào "luận điệu siêu giai cấp" (Nguyễn Xuân Nam) và "duy tâm chủ quan" (Vũ Ý Nhi).
        
Trong một hoàn cảnh cực đoan của đời sống văn học, sự phê phán nặng nề và oan uổng nói trên không thể không làm Lê Đình Kỵ nao núng. Khi tìm cách tự bảo vệ mình, ông đã phải thừa nhận "những hạn chế" của cuốn sách "về mặt tư tưởng và nghiệp vụ"; thậm chí bảy năm sau ông còn tự kiểm điểm và rút lại một ý kiến của S. Petrov về "nội dung toàn nhân loại" của tác phẩm cổ điển mà ông từng trích dẫn làm cơ sở cho lập luận của mình vì cho rằng nó "đã coi nhẹ tính giai cấp, xem tính giai cấp chỉ là một cái gì hình thức tạm bợ, không thuộc bản chất của điển hình văn học"[9].
         
Tất nhiên, do những quy định của lịch sử, cuốn Các phương pháp nghệ thuật không thể tránh khỏi hạn chế; nhưng giờ đây, đọc lại nó sau hơn 40 năm, chúng tôi nhìn thấy những hạn chế đó chủ yếu ở những kiến giải có phần sơ lược và khô cứng của thuyết hình tượng và lý thuyết về phương pháp nghệ thuật nói chung, chủ nghĩa hiện thực nói riêng, trong lý luận văn học xô-viết lúc đó mà ảnh hưởng của nó không chỉ chi phối riêng một mình Lê Đình Kỵ. Trong khi đó thì chính những chỗ nhạy cảm nhất của cuốn sách đã làm phật ý một số nhà nghiên cứu lại là những chỗ, dù chỉ là những nét còn mong manh, thậm chí chưa định hình rõ rệt, dự báo cho sự đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học rồi sẽ phải trải qua nhiều thăng trầm nữa mới tự thể hiện được chính mình.

Cả hai phương diện đó có lẽ ít nhiều Lê Đình Kỵ đều cảm thấy, nên ông đã tìm câu trả lời hợp lý nhất đối với học giới là âm thầm và kiên trì theo đuổi, đào sâu hướng nghiên cứu mà mình đã chọn. Sau này, ông tiếp tục viết lại, bổ sung, sửa chữa những luận điểm về các phương pháp sáng tác và trào lưu nghệ thuật, để cho nó vừa có tính chất cập nhật và thỏa đáng hơn, vừa tránh được những điều tiếng gây bất lợi cho một công trình được sử dụng trong nhà trường. Mặc dù có những chỗ còn có thể tiếp tục thảo luận như có nên phân biệt chủ nghĩa lãng mạn tích cực và chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực hay không và phân biệt như thế nào, mở rộng biên độ của chủ nghĩa hiện thực đến đâu, những chương sách này của Lê Đình Kỵ chứng tỏ sự lao động công phu và những suy nghĩ nghiêm túc của một người làm khoa học.
        
Hẳn nhiên vấn đề chủ nghĩa hiện thực đã có sức cuốn hút mạnh mẽ giới nghiên cứu một thời. Lê Đình Kỵ đã trình làng không dưới ba lần những văn bản lý luận về chủ nghĩa hiện thực. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông muốn vận dụng lý luận về chủ nghĩa hiện thực để khảo sát một hiện tượng văn học tiêu biểu là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo lời kể của ông, cái nhan đề Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du đã do nhà xuất bản thêm vào ba chữ sau. Nhưng dù không có ba chữ "của Nguyễn Du", thì vấn đề nhấn mạnh mối quan hệ của kiệt tác này với những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực vẫn còn nguyên đó. Quả là một nghịch lý, hướng nghiên cứu mà về sau này có người xem là hiện đại hóa Truyện Kiều đã giúp Lê Đình Kỵ đạt được những kết quả hết sức thuyết phục trong một công trình được xem như đỉnh cao trong sự nghiệp trước tác của ông. Công trình này được khởi thảo từ năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, được xuất bản lần đầu năm 1970 và cho đến nay đã in đến lần thứ tư. Trong lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học ở ta, số công trình có may mắn và vinh dự được bạn đọc đón nhận như vậy không phải nhiều lắm. Nhiều thế hệ sinh viên đã biết đến Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực như một giảng khóa đặc sắc ở đại học. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã tìm thấy ở đây không chỉ tư duy khái quát và khả năng kiến giải của một nhà lý luận mà còn cả sự cảm thụ tinh tế, năng lực phân tích sắc sảo của một ngòi bút phê bình. Đúng như Nguyễn Lộc, một chuyên gia hàng đầu về Truyện Kiều, đã nhận định: "Giáo sư Lê Đình Kỵ chuyên giảng dạy lý luận văn học, đồng thời là một nhà phê bình thơ quen biết. Chính lý luận văn học đã giúp anh tìm được một hướng tiếp cận Truyện Kiều mới mẻ và khả năng thẩm thơ, bình thơ giúp anh truyền đạt được cái hay, cái đẹp trong nhiều câu thơ mà người ta có thể thuộc nhưng không phải ai cũng cảm nhận, thấm thía hết được"[10].

Nhìn Truyện Kiều như một cấu trúc thẩm mỹ nằm trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du và là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định, Lê Đình Kỵ đã trình bày và biện giải một cách thuyết phục cơ sở tư tưởng - thẩm mỹ cũng như quan niệm về con người và nghệ thuật của nhà thơ. Tác giả cuốn sách đã chỉ ra đâu là huyền thoại và đâu là thực chất trong triết lý về Tài, Mệnh, Tâm của Truyện Kiều. Những trang hay nhất của cuốn sách được dành để viết về thế giới nhân vật đa dạng và sống động của Nguyễn Du, từ Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải cho đến Tú Bà, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh… Với giọng văn uyển chuyển và nhuần nhị, những trang sách này có thể xem là một dẫn chứng điển hình về sự tiếp nhận Truyện Kiều từ chỗ đứng của một con người hiện đại có tầm văn hóa cao. Và từ niềm xác tín trên con đường nghiên cứu của mình, Lê Đình Kỵ đã bày tỏ một thái độ nồng nhiệt đối với cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du trong việc nhìn nhận thế giới và con người. Ông viết: "Sức mạnh của câu thơ Kiều không hẳn là ở chỗ khám phá ra những hình tượng chưa ai hình dung được, những ý nghĩ chưa ai ngờ tới, mà là ở cái tình người, tình đời thăm thẳm mà Nguyễn Du đưa vào cái nhìn, cái nghe, cái nghĩ của mình, vào một vầng trăng, một dòng suối, một ngàn dâu, một tiếng chim, một ngọn lá. Đến đá dưới ngòi bút Nguyễn Du cũng mềm đi trước những đau khổ của con người"[11]. Đằng sau đoạn văn này có cả bề dày của một quá trình suy ngẫm về văn học. Ai bảo là những gì tác giả viết ra cách nay gần bốn thập kỷ lại không góp phần soi sáng những vấn đề thời sự của lý luận và thực tiễn văn học, như vấn đề văn học phản ánh hiện thực, vấn đề đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật?

Mặc dù có "sự dè dặt của tác giả trên những vấn đề vốn hóc búa" như Nguyễn Lộc đã nhận xét, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực vẫn là một công trình thể hiện đầy đủ bút lực của một nhà nghiên cứu có uy tín. Cuốn sách gợi cho ta ý nghĩ rằng có lẽ trong đời mình mỗi nhà nghiên cứu chỉ cần viết nên một cuốn sách thật đích đáng. Hẳn tác giả cũng nhận ra rằng các công trình khác của ông, dù có những đóng góp nhất định, vẫn khó lòng vượt qua cuốn sách này. Và khi mà khoa nghiên cứu văn học ngày càng có thêm nhiều công cụ mới do phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học… cung cấp, thì công trình này vẫn vừa là một thách đố để các nhà nghiên cứu hôm nay và ngày mai vượt qua, vừa để lại những khoảng trống cho các thế hệ sau tiếp tục tìm tòi, suy nghĩ trên những vấn đề không dễ gì có tiếng nói khoa học sau cùng.
Vấn đề chủ nghĩa hiện thực phương Đông nói chung, chủ nghĩa hiện thực trong văn học cổ điển Việt Nam nói riêng, cho đến nay, chưa phải đã được bàn luận thấu đáo. Thời Lê Đình Kỵ viết cuốn sách này, ở nước ta không phải không có xu hướng vận dụng những tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực phương Tây vào việc nghiên cứu những giá trị của văn học cổ điển Việt Nam và đã không tránh khỏi ít nhiều khiên cưỡng. Chính Lê Đình Kỵ cũng nhận thấy rằng chủ nghĩa hiện thực là cái áo quá chật so với cơ thể cường tráng của Truyện Kiều: trong một bản in ở Nhà xuất bản Cửu Long năm 1988, ông đã không ngần ngại đổi tên cuốn sách này là Truyện Kiều, đỉnh cao văn học.

 Thành ra, không thể phủ nhận là có một độ chênh nhất định giữa lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực và thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du. Âu đó cũng là nỗi ám ảnh của một thời. Nhưng đúng như Trần Đình Sử đã nhận xét một cách thỏa đáng, Lê Đình Kỵ đã "vượt lên cái khung ông tự đặt cho mình"[12]. Và nói một cách công bằng, lý thuyết chủ nghĩa hiện thực, dù còn có phần đơn giản, không phải không cung cấp những gợi ý quan trọng cho nhà nghiên cứu khám phá chiều sâu của nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều: "Thành công đáng kể của Lê Đình Kỵ là ông đã vận dụng nhuần nhuyễn các khái niệm tính cách, cá tính, hoàn cảnh, chi tiết để phân tích tính thống nhất toàn vẹn, sinh động của các nhân vật Truyện Kiều. Có thể nói đó là sự nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều theo thi pháp của chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời đối chiếu với thi pháp của chủ nghĩa hiện thực cũng làm cho nhà nghiên cứu thấy rõ nhiều đặc trưng nghệ thuật riêng của Truyện Kiều mà ông gọi là “những ràng buộc của mỹ học đương thời…" [13] . Về sau này Lê Đình Kỵ nói rõ hơn ý mình: "Tôi cố gắng tìm hiểu những tư liệu lịch sử về thời đại và cuộc đời Nguyễn Du; căn cứ vào chính văn bản và các hình tượng trong Truyện Kiều để thuyết phục người đọc rằng Truyện Kiều vĩ đại không chỉ vì phương pháp sáng tác mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Bởi vì thực ra những gì mà Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều khiến chúng ta chỉ có thể hình dung đến một chủ nghĩa hiện thực phôi thai, một chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn sơ kỳ của nó mà thôi" [14].

Với tư cách là một nhà phê bình văn học, ngay từ bài phê bình đầu tay in trên báo Văn nghệ năm 1959, Lê Đình Kỵ đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công việc của các nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật… Ông cũng suy nghĩ về sứ mệnh của nhà phê bình qua các bài viết về Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Mặc dù không khỏi bị giới hạn bởi tính thời sự của thể loại phê bình, các trang viết của Lê Đình Kỵ vẫn lấp lánh những phát hiện sắc sảo của một tâm hồn mẫn cảm và tinh tế. Những bài phê bình của ông đã lần lượt được tập hợp trong các cuốn sách Đường vào thơ  (NXB Văn học, 1969), Trên đường văn học (2 tập, NXB Văn học, 1995) và Phê bình - nghiên cứu văn học (NXB Giáo dục, 1998). Chuyên phê bình thơ, một số bài viết của ông đã trở thành những bài phê bình tiêu biểu được in lại nhiều lần để làm tài liệu tham khảo trong nhà trường trung học và đại học như các bài về thơ Hồ Chí Minh, thơ Chế Lan Viên, thơ Xuân Diệu…

Cùng với mối quan tâm dành cho văn học hiện đại, càng về sau, Lê Đình Kỵ càng mở rộng tầm khảo sát của mình đến văn học quá khứ của dân tộc. Có thể nói ông là một trong những nhà nghiên cứu đã có công vận dụng lý luận văn học để soi sáng vào những tác gia và tác phẩm cổ điển mà giá trị tưởng chừng đã ổn định, không cần gì phải bàn luận thêm. Hay cũng có thể nói ngược lại, từ việc khảo sát văn học truyền thống, Lê Đình Kỵ đã góp phần làm sáng tỏ quy luật phát triển của văn học nước nhà. Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông còn có những trang viết công phu về di sản lý luận của cha ông ta, về Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và Tú Xương, Chiêu Anh Các và Đông Kinh Nghĩa Thục, cả về những tác phẩm văn học dân gian như Mỵ Châu Trọng Thủy, Chử Đồng Tử, Trương Chi…

Thật ra cũng khó mà phân biệt rạch ròi đâu là tính chất nghiên cứu và đâu là tính chất phê bình trong sự nghiệp trước tác của Lê Đình Kỵ. Từ những bài phê bình riêng lẻ về Tố Hữu, ông đã tổng hợp và nâng cao thành một chuyên luận dày dặn với hơn 500 trang do nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp ấn hành năm 1979, trong đó giới thiệu các chặng đường sáng tác, những chủ đề chính và phong cách tư tưởng - nghệ thuật của nhà thơ. Từ những ý kiến về thơ lãng mạn thời kỳ 1932-1945 được trình bày ở nhiều nơi, Lê Đình Kỵ đã phát triển thành một khảo luận dày 350 trang có nhan đề Thơ Mới – những bước thăng trầm do Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh in năm 1988, tái bản năm 1993. Có thể nói đây là một thành quả mang dấu ấn rõ rệt của thời kỳ đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học. Trước vị trí không thể thay thế được của Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, cuốn Thơ Mới – những bước thăng trầm đã tiếp cận thơ lãng mạn 1932-1945 từ chỗ đứng của ngày hôm nay, nhìn lại lịch sử vấn đề rất phức tạp của hiện tượng văn học này mà tìm cách "chiêu tuyết" cho nó.

Là một nhà nghiên cứu theo quan điểm mác-xít, Lê Đình Kỵ luôn khẳng định bản chất xã hội của văn học, đồng thời rất coi trọng những đặc trưng của văn học, đề cao sự độc đáo của phong cách và cá tính sáng tạo nơi những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ trong việc tái hiện đời sống và biểu hiện tâm hồn con người. Những bài viết của ông về Phong cách trong văn học, Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học, Chân lý nghệ thuật, Nghề văn… chứng minh điều đó. Đó cũng là hướng đi mà ông trung thành trong thực tiễn phê bình.

Nguyễn Văn Hạnh, người từng cộng tác với Lê Đình Kỵ trong việc biên soạn giáo trình lý luận văn học, có lẽ đã hiểu được thế mạnh ngòi bút của ông: "Quan tâm đến cả nội dung và hình thức, cả phương diện tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ, cả giá trị nhân văn và thẩm mỹ của văn học, nhưng cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu cùng thế hệ, Lê Đình Kỵ có thiên hướng và cũng có sở trường hơn về phân tích nội dung ý thức xã hội của văn học. Nhưng đây là nội dung gắn liền với hình thức, được biểu hiện qua ngôn từ, vần nhịp, giọng điệu, kết cấu, nội dung mang chất nhân bản, nhân văn, thể hiện một cách sinh động, đặc sắc cuộc sống và tâm hồn của người nghệ sĩ" [15]. Và trong đời một người viết văn – sáng tác cũng như nghiên cứu, phê bình – hạnh phúc nhất là tạo được cho mình một phong cách riêng và phong cách đó lại được đồng nghiệp và bạn đọc thừa nhận: "Lê Đình Kỵ hầu như chỉ viết về những gì mình thích, chỉ nói về cái hay, cái đẹp của thơ, của văn chương. Văn phong của anh biểu đạt cách cảm nghĩ của anh, tâm hồn của anh, sáng sủa, khúc chiết, đồng thời cũng rất uyển chuyển, biến hóa, có duyên. Đọc Lê Đình Kỵ, lắm khi người ta bị lôi cuốn không chỉ bởi nội dung mà còn bởi cách trình bày, bởi những ý, những chi tiết thú vị, bởi văn của người viết. Với sự nhạy cảm và tinh tường quý hiếm ở một nhà nghiên cứu, anh Lê Đình Kỵ thực sự là một người đồng sáng tạo trong tìm hiểu các giá trị thi ca, các giá trị văn chương mà anh đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm, chiêm nghiệm, phát hiện ra những vẻ đẹp mới và giới thiệu với mọi người một cách hứng thú và xúc động" [16].

Nhận xét này cũng gặp gỡ với ý kiến của Nguyễn Lộc, người đã nhiều năm cùng làm việc với Lê Đình Kỵ ở trường đại học: "Có công trình nghiên cứu lúc nào cũng cố tỏ ra đạo mạo, tỉnh táo, tự tách mình ra khỏi tác phẩm, tưởng như thế mới giữ được khách quan "khoa học". Ở Lê Đình Kỵ, trước hết là phải sống hết mình với tác phẩm, phải cảm nhận cho được cái hay cái đẹp của nó, rồi từ đó mới đi vào phân tích, khái quát, diễn giải. Cách làm này quả đã giúp anh có nhiều phát hiện tinh tế gây ấn tượng mạnh và viết được nhiều trang lôi cuốn, hấp dẫn. Đọc văn nghiên cứu của Lê Đình Kỵ, nhiều lúc có cảm giác như đọc văn nghệ thuật được viết ra một cách hứng thú, có cá tính" [17].

Gần 35 năm trước, Vương Trí  Nhàn, một trong những cây bút góp phần tạo nên diện mạo của phê bình Việt Nam đương đại, từng viết về phong cách phê bình của Lê Đình Kỵ qua tập Đường vào thơ: "Anh nhập được vào tác giả như một người trong cuộc, để thấy chỗ dễ, chỗ khó. Càng những chỗ mịt mờ sương khói, thơ lung linh ẩn hiện, như ở giữa cái dễ dàng và dễ dãi, cái say và cái tỉnh, cái khái niệm và tư tưởng thơ ca…, Lê Đình Kỵ lại càng tỏ ra có sự tinh tế của một nhà phê bình. Anh vừa theo sát các tác giả trong từng bài thơ, từng câu thơ, lại vừa chú ý để từ đó mở rộng ra, nâng cao, khái quát. Hơn một sự phẩm bình cụ thể, người viết muốn truyền đến ta một tình cảm, một cách nhìn, một lý tưởng thẩm mỹ như anh vẫn nói…"  [18]. Mới đây, Vương Trí Nhàn còn nhắc đến Lê Đình Kỵ khi nhớ lại thuở mới vào nghề: "Khoảng đầu những năm 60 trên báo chí văn nghệ ở Hà Nội thấy nổi lên một lối viết phê bình mà trong tầm mắt của một cậu học trò cấp 3 Chu Văn An như tôi, nghe có vẻ rất mới, khiến tôi mải miết học theo, tất nhiên theo lối học lỏm. Người tôi mê nhất lúc ấy là Lê Đình Kỵ"[19] .

Kể lại những kỷ niệm về người thầy mà mình chịu ơn, Phạm Quang Long viết rằng ông đã chọn học ngành Văn một phần vì yêu thích văn phê bình của Lê Đình Kỵ từ khi còn ở trung học: "Bài viết của thầy Kỵ về thơ Chế Lan Viên theo trí nhớ của tôi là Những biển cồn hãy đem đến trong thơ thu hút tôi một cách kỳ lạ. Sự tinh tế trong cảm thụ, những kiến giải sâu sắc của một tư duy mãnh liệt như thế lần đầu tiên tôi bắt gặp trong sách vở đã gợi bao xúc động trong tôi" [20].

Nói về phê bình văn học, Lê Đình Kỵ quan niệm: "Chọn phê bình văn học là phải am hiểu lý luận văn học, phải biết chấp nhận những ý kiến trái ngược nhau; nhưng trước hết thái độ của người phê bình là vì học thuật và thực sự cầu thị, hướng tác giả - tác phẩm - công chúng đến Chân Thiện Mỹ và hoàn toàn vì nghệ thuật. Một tác phẩm (sáng tác, phê bình) ra đời mà không ai đọc thì có cũng như không. Có người đọc, nhưng mơ hồ không thấy hay dở ở chỗ nào và vì sao thì cũng thật đáng tiếc cho tác giả cũng như cho bản thân người đọc. Phê bình có tác dụng bổ khuyết cho khoảng trống này, cố gắng là nhịp cầu nối liền tác giả, tác phẩm với công chúng, làm cho tác phẩm có giá trị trở lại sống nơi người đọc, trong chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của nó"[21].

Khẳng định vai trò của trực giác, trực cảm trong phê bình, đề cao đóng góp của Hoài Thanh, nhưng Lê Đình Kỵ không muốn lấy một lối phê bình nào làm khuôn mẫu. Ông nói: "… đi vào phê bình, thẩm định văn học, đòi hỏi đầu tiên là hiểu văn học đúng với văn học, nhìn nhận mỗi tác phẩm đúng với cái hay cái dở của nó, mà cái hay cái dở ở đây có muôn vàn sắc độ, thường chỉ có thể phát hiện, cảm thụ bằng trực giác trực cảm. Khả năng này có được một phần nhờ bẩm sinh, một phần nhờ trải qua quá trình tiếp xúc với những giá trị văn học chân chính do hàng trăm ngàn tài năng, thiên tài văn học trong nước và trên thế giới tạo ra (…) Không có Thi nhân Việt Nam thì Thơ Mới cũng vơi đi một phần giá trị. Bây giờ không thể dừng lại, dẫm chân tại chỗ với lối phê bình kiểu Hoài Thanh. Ai đó muốn đem cái hào quang của sáng tác để phủ lấp ý nghĩa của phê bình, nghiên cứu. Đặt vấn đề hơn thua giữa sáng tác và phê bình để làm gì chứ? Vấn đề là chất lượng, còn dở thì dù sáng tác hay phê bình cũng đều vô ích như nhau" [22].

Từ những trang viết của Lê Đình Kỵ toát lên một ý tưởng chủ đạo này: Để cho phê bình có thể có tác động đến tiến trình văn học và tồn tại được với thời gian, thì nhà phê bình phải là người đồng hành với người sáng tác và người đọc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học giàu tính nhân văn và đậm đà tinh thần dân tộc. Viết phê bình trước hết là để góp phần làm cho văn học đơm hoa, kết trái và phát triển sinh sắc trong niềm hy vọng chứ không phải truy bức cho nó lụi tàn đi trong nỗi hoang mang và niềm sợ hãi.

 Trong nghiên cứu, phê bình, Lê Đình Kỵ vốn là người thận trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu hiện thái quá và cực đoan trong sáng tác và phê bình. Nhưng mặt khác, ông cũng chưa lần nào tỏ ra nặng lời dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Có thể tìm thấy ở ông tấm gương của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Những ai từng có dịp làm việc với ông hẳn đều chia sẻ nhận xét của Nguyễn Văn Hạnh: "Trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu văn học, anh Lê Đình Kỵ là người có trách nhiệm cao và có chủ kiến rõ ràng. Nhưng vốn là người hiền lành, độ lượng, anh thích nói về những biểu hiện tích cực của cuộc sống, biết lắng nghe và chờ đợi, khơi dậy tính chủ động và sáng kiến của học trò, động viên những thành công bước đầu của những cây bút trẻ. Đương nhiên, có thể có một thái độ khác, một cách ứng xử khác trong cuộc sống, trong quan hệ với người đời, mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, thậm chí quyết liệt hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là trong những lĩnh vực phức tạp và tế nhị như công tác đào tạo, như hoạt động văn học thì cách tiếp cận của anh Lê Đình Kỵ, cách nghĩ và cách viết của anh thường tỏ ra hợp tình hợp lý hơn, có hiệu quả hơn"[23].

Chứng kiến và tham gia trực tiếp vào những biến động của đời sống văn học gần nửa thế kỷ qua, Lê Đình Kỵ hẳn cảm nhận sâu sắc những vui buồn nghề nghiệp cũng như ý thức rõ về những thử thách mà người làm lý luận, phê bình phải đối diện. Những trang viết, dù là sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, chấp nhận làm chức năng minh họa cho những giá trị nhất thời, thì khó mà tránh khỏi một số phận ngắn ngủi, hẩm hiu. Nhà khoa học không thể không bị quy định bởi một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng đồng thời cũng biết vượt thoát khỏi hoàn cảnh và tác động trở lại hoàn cảnh. Những gì họ viết ra không chỉ là bằng chứng ghi dấu cái thời đại họ sống, mà còn là tấm gương phản ánh bộ mặt tinh thần của người trí thức luôn coi trọng lương tri và lẽ phải, luôn kiên trì với những xác tín khoa học của mình ngay trong điều kiện bất lợi nhất. Vì vậy, giá trị và ý nghĩa của những tài sản tinh thần họ để lại nhiều khi không phải là chân lý vĩnh cửu cho mọi nơi, mọi thời; mà chính là bài học về lương tri và khát vọng tìm chân lý cho những ai tin tưởng vào sự tiến bộ và nỗ lực phấn đấu cho sự tiến bộ trên con đường nghiên cứu khoa học.

GS.TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Lời giới thiệu Tuyển tập Lê Đình Kỵ, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2006.

_____________________

[1] Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ (Cát Uyên – Phan Hoàng thực hiện), Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 211, ngày 01-6-1996, tr. 6.
[2]  Lê Đình Kỵ: Các phương pháp nghệ thuật, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1962, tr. 3.
[3] Đỗ Huy: Vấn đề phương pháp nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4 - 1963, tr. 76.
[4] Hà Công Tài: Lê Đình Kỵ, in trong sách Tác gia lý luận phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam 1945 – 1975, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, tr. 219 - 220.
[5] Nguyễn Xuân Nam: Mấy ý kiến về cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” của Lê Đình Kỵ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11 – 1962, tr. 12.
[6] Nguyễn Xuân Nam: Mấy ý kiến về cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” của Lê Đình Kỵ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11 – 1962, tr. 12.
[7] Nam Mộc: Nhìn lại cuộc trao đổi ý kiến về cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” của Lê Đình Kỵ, Tạp chí Văn học, số 5 -1963, tr. 12.
[8] Nam Mộc: Bđd, tr. 13.
[9] Xem Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 469.
[10] Nguyễn Lộc: Đọc lại “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực”, in trong sách Lê Đình Kỵ: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 351.
[11] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 170.
[12] Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 344.
[13] Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 18.
[14] Lê Đình Kỵ: Cái duyên và cái nghiệp (Nguyễn Hà thực hiện), Tạp chí Văn học, số 3 - 2000, tr. 11.
[15] Nguyễn Văn Hạnh, Một đời lao động tận tụy và sáng tạo, in trong sách Lê Đình Kỵ: Phê bình nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 4.
[16] Nguyễn Văn Hạnh, Sđd, tr. 5.
[17] Nguyễn Lộc, Sđd, tr. 352.
[18] Vương Trí Nhàn, Bước đầu đến với văn học, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986, tr.  128.
[19] Vương Trí Nhàn: Tỉnh táo nhìn lại mình để tìm cách đổi khác…, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7 - 2004, tr. 73.
[20] Phạm Quang Long: Thầy Kỵ, in trong sách Để nhớ một thời: 40 năm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1996), Hà Nội, 1996, tr. 60.
[21] Lê Đình Kỵ: Tự học là chính (Nguyễn Tý thực hiện), Tuần báo Văn Nghệ, số 24, ngày 16-6-2001, tr. 19.
[22] Lê Đình Kỵ: Tự học là chính, Bđd, tr. 19.
[23] Nguyễn Văn Hạnh, Sđd, tr. 5.


Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

QUÁCH TẤN - NGƯỜI GIỮ ĐỀN TÀI HOA

Quách Tấn tự Đăng Đạo, hiệu là Trường Xuyên. Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910 tại thôn Trường Định, Bình Khê, tỉnh Bình Định, từ trần vào ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang.

Những năm 20 của thế kỷ XX, thơ Quách Tấn thường xuyên xuất hiện trên An Nam tạp chí ở Hà Nội, Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn và trên báo Tiếng Dân ở Huế. Chí sĩ Phan Bội Châu, thi sĩ Tản Đà và Hàn Mặc Tử đã cảm mến và có những đánh giá cao về thơ Quách Tấn.
Nhà thơ Quách Tấn

Từ năm 1929 đến năm 1941, trên các diễn đàn văn học nghệ thuật và báo chí trong cả nước đã liên tục diễn ra những tranh luận giữa những người thuộc hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Hơn 10 năm trời, những người khởi xướng và ủng hộ thơ mới đã đấu tranh gay gắt với trường phái thơ cũ. Và, mở ra một thời đại mới cho nền thi ca Việt Nam. Lúc bấy giờ, Quách Tấn không tham gia vào cuộc tranh luận giữa hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Nhưng, vào năm 1931, Quách Tấn xuất bản tập thơ Đường "Một tấm lòng". Hai năm sau, Quách Tấn cho ra mắt tập thơ Đường thứ hai "Mùa cổ điển". Lúc bấy giờ, có người cho rằng Quách Tấn là sứ giả cuối cùng của dòng thơ cũ – thơ Đường luật. Riêng nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận định: "Thơ Đường như người đàn bà khó chịu kia, họa chỉ có Quách Tấn. Mối lương duyên từ "Một tấm lòng"đến "Mùa cổ điển" thì thực là đằm thắm. "Mùa cổ điển" là một tập thơ cũ rất có giá trị. "Mùa cổ điển" của Quách Tấn gồm cả cái giàu sang của Thái Can, Leiba, súc tích lại trong một khuôn khổ rắn chắc..."

Trong tập thơ "Một tấm lòng", Quách Tấn viết những câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng đáng xếp hạng vào những câu thơ hay nhất của Việt Nam:

"Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nườm nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ"
(Đá vọng phu)

Bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" trong tập "Mùa cổ điển" của Quách Tấn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thơ bao đời nay. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Thơ Đường của Quách Tấn sánh ngang với các nhà thơ đời Đường, đời Tống của Trung Hoa. Chính thi sĩ Tản Đà đã sắp Quách Tấn ngang tài với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến:

"Từ Ô y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc.
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...
("Mùa cổ điển")

Trong lúc những người bạn thân thiết của Quách Tấn như Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên từ bỏ thơ cũ, bước sang lĩnh vực thơ mới. Có người tiếp cận với trường phái thơ tượng trưng của phương Tây. Quách Tấn vẫn không từ bỏ dòng thơ cũ. Ông tâm sự: "Đối với thơ, tôi không tách biệt "mới" và "cũ". Tôi chọn lựa thể Đường luật vì thấy thích hợp với tâm hồn mình. Vì đã lựa chọn con đường đi nên từ năm 1932 đến năm 1941, mặc dầu phong trào thơ mới sôi nổi, tôi vẫn giữ thể thơ Đường luật". Quách Tấn tự nhận mình là "người giữ Đền", giữ "Từ đường, lo hương hỏa dòng tộc". Ông động viên và cầu chúc các bạn thơ của mình bay đến chân trời mới, gặt hái những thành công mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật thơ ca. Trong suốt cuộc đời sáng tác, Quách Tấn vẫn thủy chung với dòng thơ cũ. Ông để lại cho đời những tác phẩm: Về thơ có các tập: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941), Động bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1967), Giọt trăng (1973), Mây cổ tháp(1973), Giàn hoa lý (1979 – chưa xuất bản), Trường Xuyên thi thoại (chưa xuất bản). Quách Tấn còn dịch các tập thơ: Lữ Đường thi (Năm 2001), Tố Như thi (Năm 1995). Bên cạnh thơ, Quách Tấn còn viết các tác phẩm bằng văn xuôi gồm: Bước lãng du (1965), Non nước Bình Định(1968), Xứ trầm hương (1969) và các tập hồi ký: Cảnh cũ còn đây (chưa xuất bản), Hồi ký Quách Tấn (2005), Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1967), Đôi nét về Đào Tấn (chưa xuất bản), Đời Bích Khê (1971)...

Thơ Quách Tấn ý mới, lời mới, sâu sắc, tình cảm nồng nàn, mang đậm một tâm hồn phương Đông, tâm hồn Việt Nam. Trong thơ Quách Tấn, con người và đất trời, cảnh và tình hòa quyện vào nhau như máu thịt, hơi thở của sự sống đầy thơ mộng:

"Bến lạ thu bay lá rợp đường
Khôn tìm giấc mộng ẩn canh sương
Tờ thơ gió lật trăng bên gối
Giếng ngọt vườn quê khởi nhớ thương"
(Đọng bóng chiều)

"Sân hoa phay pháy mưa hoàng cúc
Thuyền cỏ hiu hiu gió bích đầm
Nâng chén hương trà pha độc ẩm
Lặng nhìn thu cảnh ửng thu tâm"
(Đọng bóng chiều)

Và lung linh kỳ ảo cảnh sắc thiên nhiên:

"Mưa xửng rừng thêm vắng
Mong tìm một bóng chim
Gió rung cành rụng nắng
Bừng sáng cánh hoa sim"
(Mộng ngân sơn)

Quách Tấn còn viết những câu thơ mà khi chúng ta đọc xong, nghe rúng động trong hồn. Chúng ta cảm nhận được sự cô đơn của kiếp người giữa đất trời, giữa thời gian, không gian mênh mông sâu thẳm:

"Chớp mắt nghìn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay..."

Thời kỳ về sau, thơ Quách Tấn mang đậm triết lý và màu sắc Phật giáo:

"Nghìn xưa không còn nữa
Nghìn sau rồi cũng không
Phảng phất bờ trăng rạng
Hương Ưu đàm trổ bông"
(Thoáng hiện)

Đây cũng chính là bốn câu thơ khắc trên mộ bia của Quách Tấn sau khi ông qua đời. Nhiều người đã thấy lòng mình tĩnh lặng, bình an khi đọc những câu thơ trên.

Suốt cuộc đời Quách Tấn đã sáng tác trên 1500 bài thơ Đường. Ông thật sự là một "người giữ đền" tài hoa. Và, có những cống hiến lớn đối với lịch sử thi ca Việt Nam. Qua những bài thơ hay, những câu thơ đẹp của Quách Tấn cho chúng ta nhận ra một điều: Không có thơ cũ và thơ mới. Chỉ có thơ hay và thơ chưa hay. Những bài thơ sống mãi với thời gian là những bài thơ được viết bởi những cây bút chân tài và được viết từ những rung động chân thật tột cùng với ngôn từ đẹp, phong phú, hấp dẫn làm lay động tâm hồn bao thế hệ người yêu thơ.

LÊ NGỌC TRÁC
Nguồn: VCV

Tài liệu tham khảo & trích dẫn:

Một thời đại thi ca (Hoài Thanh – 1941)
Từ điển tác giả văn hóa Việt Nam (1999)
Đời Bích Khê (Quách Tấn – 1971)
Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan – 1972)
Thi nhân Việt Nam (NXB Văn Học – 2005)
Quách Tấn - thiên nhiên và quê hương (Nhiều tác giả - 2007)


TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ KHÁC:




BÀI MỚI ĐĂNG

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI - HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bun...