Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Thuở nhỏ, Nguyễn Ngọc Tư là cô bé hiền hòa, chăm chỉ, chiều
chiều tẩn mẩn hái rau ba trồng, cho má tinh sương hôm sau đem ra chợ bán. Ban đầu
vì thích viết và muốn bớt gánh nặng kinh tế cho ba mẹ, Nguyễn Ngọc Tư mới hết cấp
phổ thông cơ sở đã nghỉ học, có ý muốn xin làm việc tại một cơ quan văn nghệ
báo chí tỉnh Cà Mau, môi trường thuận tiện có thể phát triển nghề cầm bút mình
đam mê. Những lúc thấy con gái ngồi trầm tư suy nghĩ trước trang giấy hay máy
laptop, cha của Nguyễn Ngọc Tư biết được ước nguyện của con, và nhận ra thêm điều
mình còn phải làm. Với tấm lòng thương con, hiểu rõ con gái có khiếu văn
chương, người cha có vẻ thực tế, trải nghiệm như một người đã từng cầm bút, thường
không bỏ qua bất cứ cơ hội tốt nào để khuyến khích con mình: “Nghĩ gì, viết nấy.
Viết điều gì con đã trải qua”. Cảm thông sâu sắc được tấm lòng của bậc sinh
thành, Nguyễn Ngọc Tư vừa nỗ lực công tác tốt ở cơ quan, vừa tranh thủ có thời
gian cầm bút hay ngồi trước máy tính để sáng tác. Mấy truyện ngắn đầu tay của
Nguyễn Ngọc Tư viết về tình bạn ở đồng quê, được cha đem gởi ở tạp chí Văn
nghệ Bán đảo Cà Mau được coi là phép thử lần đầu tiên với cô bé ham cầm
bút. Không ngờ, cả ba truyện đều được đăng báo. “Con nhỏ học hành dở dang này
viết được đó”. Ông Tổng Biên tập vừa nhận xét vừa xoa đầu tác giả, dặn dò: “Viết
nữa đi con”. Thế là từ đấy, Nguyễn Ngọc Tư ngày xuống ao, ra liếp rẫy, tối về lại
ngồi viết say sưa. Hạnh phúc đầu tiên của cô học trò đạm bạc, mê viết và có
nguyện vọng theo nghiệp văn chương tại xứ U Minh đã đến như một bình minh rạng
rỡ, ấm áp soi sáng cho những chiếc rễ đước non tươi mạnh mẽ, hăm hở cắm phặp
sâu xuống mảnh đất nghệ thuật xứ Đầm Dơi Nam bộ. Vào làm văn thư và học việc
phóng viên tại cơ quan, Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu viết tin, viết bài và cả truyện
ngắn. Đi thực tế tại cửa biển Khánh Hội, sông Đốc… sau khi cơn bão dữ số 5 ập
vào đất Mũi, được chứng kiến cảnh làng quê đổ nát, điêu tàn, về nhà Nguyễn Ngọc
Tư đã có ký sự : Nỗi niềm sau cơn bão dữ. Tự cho là ký sự
mình mới viết còn sên sến, nhưng Nguyễn Ngọc Tư cũng đoạt giải ba báo chí của tỉnh
năm 1997. Quy ra lúa, giải thưởng không có là bao nhưng nó tạo niềm tin, làm bệ
phóng tinh thần để tác giả khẳng định phương châm làm việc cho mình: “Viết là
viết, bất kỳ lúc nào, không sắp đặt, không bố cục. Cứ để đoạn sau cuốn theo đoạn
trước”. Nguyễn Ngọc Tư nghĩ viết cũng gần gũi như sống đời thường, như ăn
nói, đi đứng tự nhiên hằng ngày của con người mà không thần thánh hóa văn
chương. Hẳn là nhà văn đã nghĩ người viết hay cũng như một diễn viên phải đóng
nhập vai trên sân khấu. Nghĩa là tác giả viết như đang trong tâm trạng của
chính nhân vật trong truyện của mình như một chân lý không được
coi là xa lạ, thờ ơ đối với người cầm bút. Và Nguyễn Ngọc Tư đã thong dong, bền
bỉ đi theo con đường nghệ thuật mình đã vạch ra giữa bận rộn công việc nhà và tại
cơ quan. Cứ thế mà những truyện ngắn: Ngọn đèn không tắt, Nỗi buồn đất lạ,
Lý con sáo sang sông, Chuyện của Điệp, Ngổn ngang, tiếp nối nhau ngồn
ngộn ra đời, gây được tiếng vang trong làng cầm bút do thực chất nội dung hiện
thực và nghệ thuật đặc biệt của nó.
Trong hầu hết các truyện, Nguyễn Ngọc Tư dường như đã làm
một thông điệp, nói hộ thay cho người dân đói nghèo, cơ cực nơi vùng đất Mũi,
những ước mơ thầm kín, những nỗi lòng đau thắt của kẻ yêu thương lỡ dỡ và ngang
trái của những mối tình chân không thành bắt nguồn từ cảnh hàn vi nghiệt ngã.
Và người đọc không khó nhận ra nhân vật lãng đãng, cốt truyện tản mạn không hề
mang dấu ấn rập khuôn theo nguyên mẫu nào. Tác giả viết dễ dàng như thể đang đi
bắt sâu ở liếp rẫy ngoài đồng, luống rau trong vườn hoặc chuyện đuổi gà vịt nơi
sân nhà. Tuyệt nhiên, Nguyễn Ngọc Tư không thiết tha gì đến chuyện muốn làm văn
sĩ, hay để mong đoạt giải, được tiếng tăm trên văn đàn. Tác phẩm viết xong thì
như bỏ quên đâu đó. Mãi đến lúc có người giục khi sắp hết thời hạn cuộc thi
“Văn học tuổi 20” - năm 2000 do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, Nguyễn Ngọc Tư mới ra
bưu điện, gởi bài dự thi. Không ngờ, cô bé viết văn xóm rau bèo lại ẵm giải nhất
với phần thưởng 20 triệu đồng. Năm sau, cũng với chùm truyện “Ngọn đèn
không tắt” ấy, Nguyễn Ngọc Tư đoạt luôn giải B của Hội Nhà văn Việt
Nam. Rồi giải dành cho tác giả trẻ nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội
Văn học Nghệ thuật Việt Nam kèm theo nhiều bằng khen và tiền thưởng. Mới 27 tuổi,
Nguyễn Ngọc Tư đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, được làm vợ, làm mẹ và
tiếp tục hăng say viết. Thấy tài hoa trẻ còn hứa hẹn nhiều triển vọng, bạn bè vặn
vẹo hỏi vui: “Sao viết văn mà lấy chồng chi sớm”, Nguyễn Ngọc Tư cũng thành thật:
“Có chồng là thợ bạc cách nay bốn năm - cuộc hợp hôn không hẹn mà có hạnh phúc…
Quan trọng là không để có chồng mà xuống dốc”. Mà đúng là sau đó người ta thấy
Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục lên dốc trên con đường nghệ thuật. Không viết truyện
thì viết báo, và ai cũng biết Nguyễn Ngọc Tư có “hàng bán chạy” từ Nam chí Bắc.
Sau khi được tuyên dương là một trong “Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của
năm 2002” vào năm 2003, Nguyễn Ngọc Tư lại đoạt luôn giải thưởng của Hội Nhà
văn Việt nam (2006) với tác phẩm gây không ít xôn xao dư luận “Cánh đồng
bất tận”, dù tác phẩm này sau đó lại tiếp tục nhận thêm giải thưởng Văn học
Asean (2008), rồi được dựng thành phim (2010) cùng tên và viết thành kịch bản
sân khấu. Đã trở thành khuôn mặt nổi tiếng quen thuộc trong làng văn, mặt
mày sáng sủa có duyên, nhưng Nguyễn Ngọc Tư là một phụ nữ khiêm tốn, kiệm lời,
rất sợ lên báo hoặc phỏng vấn, vì ngại phải nói nhiều hoặc tiếp xúc với đám
đông, xuất hiện trước quần chúng - một tính cách mà các nhà tâm lý học gọi là
con người “hướng nội” (introvert) dù bản thân đương sự tài hoa xuất chúng. Bù
trừ vào tính cách đặc thù này của Nguyễn Ngọc Tư, ai cũng thấy rõ một điều, qua
các bài phỏng vấn, trao đổi với nữ nhà văn. Khi bắt đầu chịu nói hay trả lời,
Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhỏ nhẹ mà trở nên lưu loát, sâu sắc, trí tuệ lại hay văn vẹo
phản biện trong cách đối đáp, bằng những từ ngữ mang ý nghĩa khai phá, sáng tạo
như cách đặt tựa truyện ngắn của nhà văn: Ngọn đèn không tắt, Gió
lẻ, Cuối mùa nhan sắc, Cánh đồng bất tận…Về cá tính
nghệ sĩ cũng có nét độc đáo: trong khi Sơn Nam không thích nghe nói chuyện gì
khác ngoài văn chương và nói dóc thì Nguyễn Ngọc Tư lại tránh nghe chuyện văn
chương mà chỉ thích nói chuyện đời! Là phụ nữ có gia đình, chồng con, Nguyễn Ngọc
Tư thích giao du và nhâm nhi với đàn ông (đến mức ông chồng phải thắc mắc sao
điện thoại toàn “anh” không à?) hơn là phụ nữ vì sợ nhiều chuyện!
So với một số nhà văn trên thế giới đã sớm nổi tiếng ở độ
tuổi trên dưới đôi mươi ngày ấy của Nguyễn Ngọc Tư như: Francoise Sagan
(1935-2004), Arthur Rimbaud (1854-1891), Thôi Hiệu (704-754), Chế Lan Viên
(1920-1989), Nguyễn Bính (1918-1966), ở tuổi bốn mươi hiện nay, nhà văn đã sỡ hữu
một sự nghiệp văn chương được gọi là đáng kể. Chưa vội nói đến thơ và tạp bút của
Nguyễn Ngọc Tư, ta thử bước chân tham quan vài nơi trong vườn truyện trù phú của
nhà văn. Ai cũng biết “Ngọn đèn
không tắt” là truyện ngắn, lần đầu tiên của Nguyễn Ngọc Tư, được trao
liên tiếp ba giải: Giải Mai Vàng, Văn học tuổi hai mươi và giải thưởng
của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong
vòng hai năm (2000-2001). Trong nội dung tác phẩm, Nguyễn Ngọc Tư vẽ lên cái
Xóm Rạch nhỏ nhít vùng biển nơi đó có cô gái tên Tươi 19 tuổi, tràn trề sức sống,
hồn hậu như mảnh đất phương Nam. Tươi mạnh mẽ với phong thái của người đi khai
rừng phá núi nhưng dịu dàng, ngọt ngào, đôi mắt sáng lấp lành như cháy hoài ngọn
lửa tin yêu vào cuộc sống. Người đọc nhận thấy bàng bạc trong truyện là những tấm
lòng của từng con người như Tư Lai, Tươi qua từng thế hệ trong gia đình ông Hai
Tương, đã dành trọn sự kính trọng và ân tình cho những anh hùng liệt sĩ - những
người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho tổ quốc quê hương. Công việc hằng năm đi
kể chuyện lịch sử quê hương của những thành viên trong gia đình ông Hai Tương
là những việc làm xem ra rất bình thường, nhưng mang một ý nghĩa vô cùng to lớn.
Đó là : quyết tâm giữ mãi ngọn lửa truyền thống đấu tranh đuổi giặc giữ nước của
cha ông, để cho “ngọn đèn” lịch sử chói lọi của dân tộc, của cha
ông cháy mãi, sáng mãi trong từng tâm hồn của thế hệ mai sau.
“Ngọn đèn không tắt” không phải là một sáng tác phá cách về sáng tạo văn chương
nhưng khiến người đọc phải trân trọng ý nghĩa giáo dục về tính nhân văn tỏa rạng
trong từng hình tượng văn học ở tác phẩm mà Nguyễn Ngọc Tư đã ký thác. Những
hình ảnh của con người Nam bộ mà Nguyễn Ngọc Tư phác họa trong “Ngọn đèn không
tắt” và nhiều tác phẩm khác khiến người đọc miệt vườn có thể liên tưởng tới quá
trình hình thành và phát triển của cây đước nơi rừng U Minh. Trái đước nẩy mầm
từ lúc còn treo lơ lửng trên cây. Khi rụng xuống, nó được sóng biển đưa đi trôi
dạt khắp nơi, khi gặp bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào
phù sa. Sau khi bám rễ trong đất, mầm đước nẩy lên một búp non màu đỏ như lửa
và xòe ra hai lá xanh non đầu tiên đón ánh sáng và khí trời. Quá trình bén rễ
cũng là quá trình nâng cây đước đứng thẳng lên giữa đất trời để cuộc đời hiểu
được sứ mệnh của nó. Một bài học ý nghĩa cao đẹp từ cây đước đã được minh họa bằng
hình tượng những nhân vật trong tác phẩm vừa được giải của Nguyễn Ngọc Tư.
Như ngọn đèn cứ mãi cháy càng lúc càng
sáng, hơn năm năm sau (2006), truyện “Cánh
đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục ra đời, được giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam rồi giải Văn học Asean (2008) nhưng gây không ít chấn động
trong dư luận. Cũng lấy bối cảnh không gian ở đồng bằng sông Cửu Long như “Ngọn
đèn không tắt”, Nguyễn Ngọc Tư xây dựng tác phẩm mới này dựa vào hoàn cảnh
thời gian và tuyến nhân vật không giống như trước đây. Dường như nhà văn có ước
mơ hiện thực hóa xã hội trong tác phẩm văn học của mình.“Cánh đồng bất tận” của
nhà văn xứ Đầm Dơi hình thành một thế giới nhân vật với Út Vũ, và hai đứa con
là Nương, Điền cùng người phụ nữ dạn dày làm nghề không vốn từ bốn phương trôi
giạt về. Sau khi Út Vũ đốt nhà vì vợ theo trai, họ ra đi cùng sống đời du
mục quanh năm trên một chiếc ghe chở đàn vịt chạy đồng, đi qua những
thửa ruộng ngập mặn và váng phèn. Tên truyện có vẻ mênh mang thi vị nhưng cốt
truyện lại đầy khúc mắt, gây cấn với những nhân vật được đặt vào những
tình huống căng thẳng đầy kịch tính. Đó là người vợ của Út Vũ ngày ấy, “một người
đàn bà có cái cười lấp lánh cả khúc sông” từng được một người đàn ông thương hồ
buôn vải ngầm khen đẹp, để rồi phải bỏ tổ ấm nhà cửa và người chồng đầu ấp tay
gối: “Sáng sau, thím Tư đi chợ, tới bến tàu cho hay Vợ Út Vũ bỏ nhà. Theo
trai”. Đó là người mẹ đã đành lòng bỏ biệt những đứa con máu thịt, ra đi biệt dạng,
vì chúng nó vô tình cho biết đã nhìn lén được qua kẹt bồ lúa cảnh người mẹ ruột
của mình với người đàn ông xa lạ không phải là cha mình: “Trên chiếc giường tre
quen thuộc, má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi!” để trả
thay tiền khúc lụa màu đỏ cho gã thương hồ. Và hận tình, người chồng trả thù vợ
trên thân xác những người đàn bà khác. Đó cũng là tình huống đứa con gái tốt bụng
của Út Vũ tên Nương, cứu được người đàn bà đang bị người ta đánh ghen dã man đến
mức độ chưa từng thấy: “Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị”. Rồi đến
lượt chính cô gái ngây thơ mới 17 tuổi ấy, lại trớ trêu bị bọn côn đồ
làng quê cưỡng hiếp tàn nhẫn ngay trước mặt người cha ruột của mình đến
lúc phải thảng thốt: “Không biết con bị…có con không cha?”. Dưới ngòi bút tả
thực của Nguyễn Ngọc Tư, những nhân vật xuất hiện được
mô tả một cách nghệ thuật mà tự nhiên, trần trụi và táo bạo đến độ nhà văn Sơn
Nam phải thốt lên “Nguyễn Ngọc Tư viết hay nhưng rất hỗn”. Viết
truyện ngắn hoặc tiểu thuyết, khi diễn tả tính cách, tâm lý, tình cảm nhân vật…
- theo nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan - tác giả chỉ khách quan mô tả bằng
cách nêu lên chi tiết về chân dung, thái độ… của nhân vật mà không để ý
kiến nhận xét của người viết xen vào. Nguyễn Ngọc Tư đã làm như vậy
trong hầu hết các truyện mang tính hư cấu của mình. Lời văn, ngôn ngữ minh
họa nhân vật, cảnh quan của của Nguyễn Ngọc Tư trong “Cánh đồng bất tận” dù
mang sắc thái Nam bộ: Tự nhiên, không cầu kỳ nhưng vẫn ví von, bóng bẩy, câu
văn vẫn có giai điệu, sắc màu nghệ thuật khá gần gũi với nhà văn Trang Thế Hy
mà ít gặp có điểm tương đồng với nhà văn Sơn Nam. Đây là đoạn văn Nguyễn Ngọc
Tư bài bản mở đầu bằng câu văn tả cảnh nghệ thuật có tu từ và
màu sắc, mở ra không gian khá thi vị mà tiêu điều, để làm nền trong “Cánh
đồng bất tận”: “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi
chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hản dường như đã gom hết nắng đổ xuống
nơi này. Những cậy lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn ngang chưa
rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn…”. Do vậy, “Cánh đồng bất tận” của
Nguyễn Ngọc Tư là một tác phẩm được coi là đậm dấu ấn về sex bao trùm hết mọi
người trong gia đình: Út Vũ, người vợ hư hỏng, người phụ nữ làm đĩ, gã thương hồ
buôn vải, Nương…và bọn côn đồ làng quê.
Người đọc nhớ lại, văn học thế giới từ trước đến nay đã
có những nhà viết tiểu thuyết chứa dựng ít nhiều không khí sex như : nhà văn
Pháp Émile Zola (1840-1902), Ngô Tất Tố (1894-1954) với Tắt đèn, Vũ
Trọng Phụng (1912-1939) với Làm đĩ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây,…,
Hoài Điệp Tử với Vũng lầy, Nguyễn Thụy Long (1938-2009) với Con
đĩ ngựa, Nguyễn Thị Thụy Vũ (sinh năm 1937) với Mưa không ướt
đất, Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1939) với Vòng tay học trò…
Nhưng đậm đặc nhất là ở nhà văn Nhật Murakami: Mịt mùng với Rừng Na Uy,
nữ nhà văn Pháp Christiane Rochefort (1917-1998): triền miên với Le
repos du guerrier (Phút dừng chân của người lính trận), Lê Xuyên
(1927-2004): Trần trụi với Rặng trâm bầu, Đỗ Hoàng Diệu (sinh
năm 1976): huyễn hoặc, phi luân với Bóng đè, … Nhưng ở “Cánh đồng bất
tận” của Nguyễn Ngọc Tư, ai cũng thấy rõ nồng độ sex dường như triền miên, đậm
đặc hơn nhiều. Chuyện ngại nhìn và khó nói ấy đã bao phủ mịt mùng không dứt qua
ngòi bút tài hoa, giàu cá tính mà thấm đẫm nét hiện thực xã hội trong suốt chiều
dài nội dung cuốn truyện vừa của nữ nhà văn miền đất Mũi. Do vậy mà từ lúc xuất
hiện trên thị trường sách đọc, dù liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng đỉnh
cao, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đã làm dấy động văn đàn với những lời
khen chê rầm rộ từ mọi giới trong cả nước. Mới hơn thập niên, ý kiến phẩm bình
chung về tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư trong đó tập trung cô đặc vào “Ngọn
đèn không tắt” và “Cánh đồng bất tận”, đã làm hao tốn
không biết bao nhiêu giấy mực và mối quan tâm của độc giả, cả quần chúng trong
và ngoài giới văn học.
Tóm lại, Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn có chân
tài trong nền văn chương hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của nhà văn mang tính
hiện thực sâu sắc vì đã phản ánh được chân dung đích thực với tâm tư, nguyện vọng
và tình cảm của lớp người lao động nghèo khó ở đồng bằng sông Cửu Long, bằng
một phong cách nghệ thuật tiêu biểu cho lối viết chơn chất mà cô đọng của những
người cầm bút ở phương Nam...
Chưa vội nói thêm đến tác phẩm khác của khối lượng sáng
tác đồ sộ trong đó có tiểu thuyết “Sông” cùng những truyện ngắn, tạp
văn, tùy bút và tập thơ “Chấm” của Nguyễn Ngọc Tư, với “Ngọn đèn
không tắt” và “Cánh đồng bất tận”, có thể coi nữ nhà văn miền đất Mũi
là một hiện tượng đặc biệt trong làng văn học nước nhà. Riêng
phim “Cánh đồng bất tận”, được chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc
Tư, sau khi phát hành đã đạt doanh thu 17 tỷ và tập truyện ngắn “Đào” in
25.000 bản, rồi tiểu thuyết “Sông”: 11.000 bản, ra mắt và được ký tặng bạn
đọc tại Hội trường 87, Triển lãm Giảng Võ Hà Nội. Chỉ sau hơn tuần đến hai
tháng, những cuốn sách đã bán hết, được tái bản, đủ để nói lên tác phẩm Nguyễn
Ngọc Tư đã đi vào lòng người đọc và tên tuổi nữ nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư thực sự có vị trí đặc biệt trên văn đàn cả nước
NGUYỄN THANH
Theo Văn Nghệ
TÁC
GIẢ VÀ TÁC PHẨM KHÁC: